Tất-đàn-đa

Từ Điển Đạo Uyển

悉檀多; S: siddhānta; có thể dịch nghĩa là Học thuyết (學說);
Danh từ được dùng tại Tây Tạng chỉ các giáo thuyết, giáo lí được chứng minh và lưu tồn của các bộ phái Phật giáo tại Ấn Ðộ. Trong thời gian Phật pháp được truyền sang Tây Tạng lần đầu người ta đã đem qua những tác phẩm này nhưng khi phái Cách-lỗ (t: gelugpa) thịnh hành thì các loại sách này được hệ thống hoá chặt chẽ.
Tất-đàn-đa được phân ra hai loại, Tất-đàn-đa ngoại đạo và Tất-đàn-đa của nội bộ. Các bộ phái khác nhau của Phật giáo được nghiên cứu tại đây là Tì-bà-sa bộ (s: vaibhāṣika), Kinh lượng bộ (s: sautrāntika), Duy thức (s: vijñānavāda) và Trung quán (s: mādhyamika). Các tác giả nổi tiếng nhất của Tất-đàn-đa là Jam-yang Sha-pa (1648-1721) và Kon-chok Jig-me Wan-gpo (1728-1781). Mục đích của các tác phẩm Tất-đàn-đa là làm cho giáo lí Phật pháp được luận giảng trong các bộ phái dễ hiểu hơn, ít mâu thuẫn và như vậy dễ tiếp thu. Hai đề tài được tranh luận nhiều nhất là tính Không và đặc điểm của các pháp Hữu vi (s: saṃskṛta).