tất đàm tứ chủng tương thừa

Phật Quang Đại Từ Điển

(悉曇四種相承) Bốn loại Tất đàm tùy duyên trao truyền cho nhau. Đó là: 1. Phạm vương tương thừa (cũng gọi Nam thiên tương thừa): Tức là thuyết cho rằng văn tự Tất đàm mà người Ấn độ sử dụng là do Phạm thiên tạo ra, gồm có 47 lời căn bản, 12 Ma đa, 35 Thể văn, nếu hợp chữ lại mà chuyển thành các chữ thì nhiều vô tận, nên chỉ lập 18 chương để làm tiêu chuẩn mà thôi. Nam thiên tương thừa văn của Ma hê thủ la nói trong Tất đàm tự kí của ngài Trí quảng đời Đường chính là chỉ cho Tất đàm do vị Phạm vương này sáng tạo. 2. Long cung tương thừa (cũng gọi Trung thiên tương thừa): Tất đàm do bồ tát Long thụ thỉnh về từ cung vua Rồng dưới biển, vào khoảng 700 năm sau đức Phật nhập diệt. Cứ theo Tất đàm tự kí thì Trung thiên gồm cả văn từ Long cung, đại thể giống với Nam thiên. 3. Thích ca tương thừa: Tất đàm do đức Thích tôn tuyên thuyết được hiển bày trong các kinh điển. Tức là 50 tự mẫu trong kinh Văn thù vấn, 42 tự môn trong kinh Hoa nghiêm, 46 tự mẫu trong phẩm Thị thư kinh Phương quảng đại trang nghiêm, 28 câu tự môn trong phẩm Hải tuệ bồ tát kinh Đại tập, 42 tự môn trong kinh Đại phẩm bát nhã, 14 âm 50 tự nghĩa trong phẩm Như lai tính của kinh Đại Bát niết bàn. Sau khi đức Phật nhập diệt, văn tự Tất đàm được các ngài Văn thù, Di lặc, A nan kết tập để lưu truyền ở đời. 4. Đại nhật tương thừa: Tất đàm do đức Đại nhật Như lai tuyên thuyết. Tức chỉ cho 50 chữ trong phẩm Thích tự mẫu kinh Kim cương đính và 50 chữ trong các phẩm Cụ duyên, phẩm Đồng tự luân kinh Đại nhật, do bồ tát Kim cương tát đỏa kết tập và do bồ tát Long mãnh thỉnh được từ Nam thiênThiếttháp để truyền tụng lưu thông. [X. Tất đàm tạng Q.1; Pháp hoa luận chú (Thường đằng); Tứ luận huyền nghĩa (Tuệquân)].