tất cánh không

Phật Quang Đại Từ Điển

(畢竟空) Phạm:Atyanta-zùnyatà. Cũng gọi Chí cánh không. Các pháp rốt ráo không, 1 trong 18 pháp không. Luận Đại trí độ quyển 31, phân biệt giữa Tất cánh không và Tính không, cho rằng Tất cánh không là không còn gì; còn Tính không là tính xưa nay thường như thế; Tất cánh không là pháp thực hành của chư Phật, còn Tính không là pháp thực hành của Bồ tát. Tức dùng Không để phá trừ các pháp, rốt ráo không chấp trước 1 vật gì, 3 đời thanh tịnh, là Tất cánh không; tự tính của hết thảy các pháp là không, chỉ do các duyên hòa hợp mà dường như có, nếu lìa các duyên thì tự tính các pháp không thực có, là Tính không. Trung quán luận sớ quyển 1 phần cuối giải thích Tất cánh không như sau: Tính của chúng sinh cũng như hư không, trong đó không có sinh tử qua lại, cũng không có người giải thoát. Vì sinh tử vốn tự chẳng sinh, nên không có qua lại; đã không có sinh tử qua lại thì sinh tử đâu mà diệt, nên gọi là Niết bàn, vì thế không có giải thoát. Bởi vậy, sinh tử niết bàn rốt ráo đều không, tất cả đều không sinh. Tức Niết bàn vốn tự chẳng sinh, sinh tử cũng vốn tự chẳng sinh, cho nên là tất cả chẳng sinh. Vì tất cả chẳng sinh nên gọi là Tất cánh không. [X. phẩm Vấn thừa trong kinh Đại phẩm bát nhã Q.5; kinh Giải thâm mật Q.3; luận Biện trung biên Q.thượng; luận Thập bát không]. (xt. Thập Bát Không).