tạp nhiễm

Phật Quang Đại Từ Điển

(雜染) Phạm: Saôkleza. Hán âm: Tăng cát lệ thước. Đối lại: Thanh tịnh. Chỉ cho các pháp hữu lậu. Tạp nghĩa là xen lẫn, trộn lẫn; Nhiễm nghĩa là pháp nhơ nhớp, tức chỉ cho pháp bất thiện và hữu phú vô kí. Thông thường, tạp nhiễm và ô nhiễm là đồng nghĩa, có thể được dùng thay cho nhau. Nhưng cứ theo Thành duy thức luận quyển 2, phần cuối, khi chỉ nói nhiễm, nhiễm ô thì tức chỉ cho phiền não; còn khi nói tạp nhiễm thì chung cả 3 tính thiện, ác và vô kí, là gọi chung tất cả các pháp hữu lậu. Tạp nhiễm được chia làm 3 loại, gọi là Tam tạp nhiễm. Đó là: 1. Phiền não tạp nhiễm(cũng gọi Hoặc tạp nhiễm): Tức gọi chung tất cả phiền não và tùy phiền não, lại chia ra 2 thứ: Kiến sở đoạn và Tu sở đoạn; hoặc 3 thứ: Dục giới hệ, Sắc giới hệ và Vô sắc giới hệ; hoặc 10 thứ như: Căn bản phiền não… 2. Nghiệp tạp nhiễm: Chỉ cho nghiệp từ phiền não sinh ra, hoặc trợ giúp phiền não để tạo tác 3 nghiệp thân, khẩu, ý. 3. Sinh tạp nhiễm(cũng gọi Khổ tạp nhiễm): Nỗi khổ thụ sinh trong 3 cõi vì nương vào phiền não và nghiệp. Ba loại tạp nhiễm trên đây, theo thứ tự, tương đương với hoặc, nghiệp, khổ. Cũng có chỗ cho rằng 3 tạp nhiễm thêm Chướng tạp nhiễm thành 4 tạp nhiễm. [X. luận Hiển dương thánh giáo Q.1].