tập nhân tập quả

Phật Quang Đại Từ Điển

(習因習果) Chỉ cho Đồng loại nhân và Đẳng lưu quả. Trong Nhân quả luận của Phật giáo, 6 nhân và 5 quả đều đóng vai trò lí luận chủ chốt. Sáu nhân giải thích nguyên do sinh khởi của các pháp, nhân thứ 3 trong đó là Đồng loại nhân (Phạm: Sabhàgahetu), dịch cũ là Tập nhân, chỉ cho nguyên nhân sinh ra pháp cùng loại; còn 5 quả thì nói rõ về kết quả do các loại nhân duyên sinh ra, trong đó, quả thứ 2 là Đẳng lưu quả (Phạm:Niwyanda-phala), dịch cũ là Tập quả, là kết quả ngang bằng, cùng loại với nguyên nhân. Chữ tập(quen, tập quen) của dịch cũ là chú trọng nghĩa quan hệ nhân quả thường nối theo nhau. Tức quen nối theo tâm thiện ở niệm trước mà khởi lên tâm thiện ở niệm sau là nghiệp quả thiện, cho đến nối theo tính vô kí của niệm trước mà sinh khởi tính vô kí của niệm sau. Niệm trước gọi là Tập nhân, tức nhân đồng loại; niệm sau gọi là Tập quả, tức quả đẳng lưu. Theo Ma ha chỉ quán quyển 8 thì Tập nhân là tự phần nhân, còn Tập quả thì là y quả. Tập nhân, Tập quả chung cho tất cả sắc pháp, tâm pháp và 3 tính thiện, ác, vô kí… (xt. Ngũ Quả, Lục Nhân, Đồng Loại Nhân, Đẳng Lưu Quả).