TẬP CỔ KIM PHẬT ĐẠO LUẬN HÀNH

Soạn giả: Đời Đường, họ Thích, chùa Tây minh.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 3

Việc thứ nhất:

Vua Cao Tổ đời Đại Đường hỏi về lợi ích của tăng phục, Pháp sư trả lời.

Nhà Đường lập các giáo đều hưng thịnh, nhưng vua Đường tôn kính pháp Phật hơn. Vua sửa phủ đệ xưa thành chùa Hưng Thánh trong kinh đô, ngoài ra còn trang nghiêm các chùa Hội Xương, Thắng Nghiệp, Từ Bi, Chứng Quả, Tập tiên. Còn Đạo quán thì ít được lưu truyền. Chư Tăng thịnh, đạo sĩ suy, thường đề ra những bài, pháp tôn kính Phật pháp. Lúc đầu phó lệnh Trần Biểu Trọng bác bỏ, Pháp sư Lâm theo lời đối đáp. Nhà vua rất hài lòng khi xem, lại khen: Thượng đế không hỏi nhưng thần che chở, tuổi sáu mươi chín đã viết hơn ba mươi quyển, văn cú rõ ràng khiến đời sau tin theo. Lúc sống thì là phàm phu, lúc chết thì nhiều người thương tiếc.

Việc thứ hai:

Cao Tổ chọn ba giáo để hùng biện.

Niên hiệu Vũ Đức năm thứ tám vua cho thiết lập đạo tràng ở quốc học tập hợp tu sĩ của ba giáo về để hùng biện. Vua hạ chiếu: Lão giáo, Khổng giáo vốn là đạo của Trung Hoa, đạo Phật đến từ nước khác nên tôn trọng chủ, trước là Lão giáo, kế đến là Khổng giáo, sau cùng là Phật giáo. Vua nhìn khắp đạo tràng không ai phản ứng. Vua nhìn Pháp sư Tuệ Thừa chùa Thắng Quang – người được đại chúng tin kính nhất. Sau vua hạ lệnh: Trên trời dưới thế người là tôn quý nhất, thánh vương đều tôn Phật thánh, trước khi hùng biện nên tôn lễ nghi, tất cả hãy chấp tay quì gối thành kính đảnh lễ. Tất cả đều làm theo. Pháp sư thưa: Bệ hạ, vòi vọi thánh đức, như mặt trăng giữa các vì sao, không cần nói nhiều. Kế đến vặn hỏi. Trước vặn hỏi các đạo sĩ: Tiên sinh phải rõ về kinh Đạo Đức, kinh ấy nửa đầu trình bày về đạo, nửa sau trình bày về đức, không biết có gì lớn hơn Đạo không? Đáp: Trên trời dưới thế đạo là tôn quý nhất, không có gì lớn hơn. Như vậy đạo cũng có thể được xem là pháp tôn quý nhất. Lão Kính nêu: Người pháp đất, đất pháp trời, trời pháp đạo, đạo pháp tự nhiên, sao lại trái với bổn tông mà cho rằng không có pháp nào hơn đạo? Và như vậy sao lại cho là đạo pháp lớn nhất, không có gì hơn đạo. Đáp: Đạo chỉ là tự nhiên, tự nhiên là đạo, nên không có pháp nào làm phép tắc cho đạo. Hỏi: Như thế tự nhiên có là phép tắc của đạo hay không? Đạo là phép tắc của tự nhiên, tự nhiên không phải là phép tắc của đạo. Như vậy tự nhiên không tức là đạo? Tự nhiên tức là đạo, như vậy trời tức là đất. Nhưng đất tức là trời, trời không là đất. Tự nhiên không là đạo. Nếu tự nhiên là đạo thì trời là đất, thế là quan hạ lệnh đạo sĩ thua cuộc, vua vui mừng, các quan đều thêm tôn kính Phật pháp, đạo sĩ thì im lặng không nói nên lời. Vua lại hạ lệnh cho đạo sĩ vặn hỏi Pháp sư. Đạo sĩ Phan Đản thưa: Thái tử Tất-đạt không thể thành Phật, phải sáu năm cầu đạo mới thành Phật, như vậy đạo sinh ra Phật. Phật có từ đạo. Đạo là thầy của Phật, Phật là đệ tử của đạo. Kinh Phật nêu: Cầu đạo Vô thượng chánh chân, phải thoát đại đạo, phát tâm vô thượng. Tiếng Ấn Độ là A-nậu-bồ-đề, tiếng Hán dịch là Vô thượng đại đạo. Như vậy, đạo lớn Phật nhỏ. Pháp sư đáp: Trung Hoa và Thiên Trúc là những nước láng giềng. Nhĩ sinh ở cuối Chu, Phật thị hiện ở đầu đời Chu, cách nhau gần hai mươi triều vua, hơn ba trăm năm, há có Đức Phật thời Chiêu vương cầu đạo ở thời Kính vương? Việc này hư thật đã rõ. Quan chủ tọa lại nói: Thái thượng đại đạo có trước trời đất, thật luống dối. Trước thời Ngũ đế nào có đạo gì, cuối thời Tam vương mới nghe tên Nhĩ, từ Hán Cảnh đế đến nay mới có đạo giáo. Xét xưa nay đạo là gì? Là âm dương. Từ âm dương hiện việc trời đất. Không thể nói có đạo sinh trước trời đất. Đạo đã không biết từ đâu làm sao sinh Phật? Xa Dận nói: Ở thân là đức, đối vật là đạo. Vương Sung, Ân Trọng nói: Đức là đạt, đạo là nguyên nhân, nói hiếu là có từ tâm. Vương Sung nói: Lập thân là đức, thành danh là đạo. Đạo đức là thế. Ông cho rằng đạo là cái gì khác sao? Nếu khác thì không cần bàn. Hay có ông thiên tôn đầu đội mũ vàng, thân mặc hoàng bào, râu dài đến tay, tóc bối, đang ở trên Đại la là đạo? Kinh sách không hề chép. Lúc đó mọi người đều nhìn Pháp sư với lòng kính trọng, do vậy đạo do người mà được mở mang truyền bá. Pháp sư họ Lưu, người ở Bành thành, ngay từ thời Trần đã là người giảng kinh luận nổi tiếng. Sau nhà Tùy chiếm ngôi, vua Dụng Đế lập bốn đạo tràng ở Hoài hải, Sa-môn cũng được mời về đó, là người đứng đầu trong số các Sa-môn được mời về. Từ đó về sau vua đến đâu đều thỉnh Sa-môn đi cùng, Phật pháp nhờ đó được hưng thịnh khắp nơi, chùa nhiều, tăng đông. Pháp sư thọ tám mươi tuổi, tịch tại chùa Thắng quang.

Việc thứ ba:

Đạo sĩ Lý Trọng Khanh soạn luận hủy báng Phật, Pháp sư Lâm dâng sớ.

Niên hiệu Vũ Đức năm thứ chín, đạo sĩ Lý Trọng Khanh ở Thanh Hư quán, đạo sĩ Lưu Tấn Hỉ vì ghen ghét Phật giáo nên dâng sớ sàm tấu. Lý Trọng Khanh nhờ Phó Dịch dâng lên vua luận Thập Dị Cửu Mê. Đầu mùa xuân, vua hạ chiếu chỉ cho một ngàn vị Tăng trụ ba chùa ở kinh đô, số còn lại bị đuổi về cày cấy. Lệnh ban ra không ai dám chống lại, tăng chúng phân tán, tiếng than dậy trời. Thái Tông xem xét luận Phá Tà của Pháp sư Lâm liền mở mang Phật pháp, tăng chúng lại được trở về chùa. Sau Pháp sư lại soạn luận Biện chánh gồm tám mươi chín quyển. Trần Tử Lương chú giải luận này.

Việc thứ tư:

Thái Tông hạ lệnh đạo trước Phật sau, tăng chúng khuyên can.

Niên hiệu Trinh Quán năm thứ mười một vua đến ấp Lạc, nghe Hoàng Cân và tăng sĩ tranh luận, vua hạ chiếu: Lão quân mẫu mực, nghĩa ở Thanh hư, Thích-ca di huấn, lý chứa đựng nhân quả, về giáo thì khác nhưng về tông thì giống. Nhưng đại đạo có từ xưa, phát nguyên vô danh, sự vượt hữu tình, lưỡng nghi vận hành, nuôi dưỡng muôn vật nên nước vui dân an. Phật giáo vốn từ Tây Vực truyền đến Trung Quốc từ thời Hán Minh đế, thần biến báo ứng khá nhiều. Do vậy kẻ ngu thì mười, người hiếu kỳ thì tìm, do đó mà tranh chấp. Nay nước thịnh nhờ đức trên, dân định nhờ công vô vi, nên xếp đạo trước Phật sau. Các Sa-môn dâng sớ khuyên can nhưng vua không nghe. Sa-môn Trí Thật, người thông minh, hiểu rõ trong ngoài, dâng sớ: Thần sinh vào thời thái bình, được gặp bậc minh quân, thầm nghĩ làm cha thì có các con tranh làm vua thì có các quan, chúng dân tuy là người xuất gia nhưng đều thuộc thần tử, có tội thì bị trị. Nghe chiếu của bệ hạ, đâu dám kháng lệnh. Xét Lão tử không lập đạo quán, không độ người, ẩn thân dưỡng tánh, người trí thấy vậy gọi là trí, kẻ ngu thấy vậy cho là ngu, ngoài giáo ông ra không ai biết được. Nay các đạo sĩ không vâng theo pháp ấy, y phục của họ đều thuộc nhóm Hoàng Cân, chẳng phải thuộc dòng Lão Tử, họ thực hành những thuật pháp ô uế của Tam Trương, bỏ pháp hay trong năm thiên. Từ Hán Ngụy đến nay, họ thường dùng đạo ma quỷ

mê hoặc lòng dân, giả xưng là đệ tử Lão quân, sự thật là thuộc dòng tả đạo, nếu họ ở trước tăng ni e chân ngụy cùng dòng, tổn hại nền văn hóa nước nhà. Nếu không trình thưa làm sao hiển bày lòng thần tử, mong bệ hạ soi xét. Trung thư thị lang liền hạ lệnh vua: việc của tăng đã xong, ai không phục thì phạt đánh bằng gậy. Nhưng các đại đức tuổi cao sức yếu khó kham được, Sa-môn Trí Thật liền nói: thần không phục, mọi hình phạt để thần chịu. Đánh xong, vua thả Sa-môn về. Sa-môn xuất gia từ nhỏ trụ chùa Tổng trì ở kinh đô. Lúc còn là sa di đã là chú tiểu có dũng khí, tài hùng biện. Khi thọ giới Cụ túc, Sa-môn nghiêm trì giới luật, hùng biện thông suốt những câu vặn hỏi. Đầu thời Vũ Đức, Sa-môn lập một đội tăng sĩ hơn ngàn người. Khi bị bắt hoàn tục Sa-môn đã khóc than tha thiết. Sau Sa-môn lại được xuất gia về chùa cũ. Gặp chiếu vua cho đạo trước Phật sau, Sa-môn và mười người dâng sớ nhưng không được vua chấp thuận. Sau Sa-môn bị bệnh nặng, có người khuyên ăn mặn, Sa-môn không chịu, thà chết không phá giới. Sa-môn tịch ở tuổi ngoài ba mươi.

Việc thứ năm:

Hoàng thái tử triệu tập học giả ba tôn giáo để hùng biện.

Niên hiệu Trinh Quán năm thứ mười hai, Hoàng thái tử tập hợp các học giả ba tôn giáo về điện Hoằng Văn để hùng biện. Pháp sư Tuệ Tịnh được mời thăng tòa giảng kinh Pháp Hoa, đạo sĩ Thái Hoãng cũng được mời nêu câu hỏi. Đạo sĩ hỏi: Trong kinh gọi phẩm tựa là phẩm thứ nhất, nghĩa là sao? Đáp: Như Lai nhập định, hiện điềm lành, trời đất rung chuyển, tuôn mưa, mượn gần nêu xa, phá hai đưa về một nên gọi là tựa. Đệ là vị thứ, nhất là trước tiên. Đạo sĩ nói: đệ là em, không phải là một, là một thì không có đệ. Hai chữ mâu thuẫn, làm sao dung hợp? Đáp: Đã nói rồi, đệ là vị thứ, nhất là trước tiên, tiên sinh đã không lĩnh ngộ mà hỏi càn, đó là tự làm khó mình, nào phải làm khó người. Đạo sĩ nói: Xin giải thích lại. Sa-môn nói: Xưa có hai người, một tên Xà-nô, hai tên Thân Tử. Xà-nô thì nói đâu quên đó, Thân Tử thì nghe một biết mười. Như vậy khi truyền giảng pháp, kẻ ngu không hiểu là do mình, không phải do người giảng. Đạo sĩ nói: Pháp sư không nói ra lời, sao lĩnh ngộ? Sa-môn nói: Bồ-tát nói pháp tiếng vang mười phương, đạo sĩ ngồi đây như mê như say, như kẻ đui điếc. Đạo sĩ nói: Dã can nói pháp làm sao nghe được. Đáp: Cung điện nghiêm ngặt làm sao có dấu thú, đạo sĩ mê mờ, gọi người là thú. Khổng Dĩnh Đạt nói: Tôi nghe nhà Phật không tranh, sao Pháp sư lại hùng hổ? Đáp: xưa đã có việc này, Phật pháp ngoại đạo, ngoại đạo không thông, lại nói Phật: Ông thường rao nói bình đẳng, nay ông vặn hỏi phá tôi vậy là không bình đẳng. Phật nói: dùng cái bất bình của ta pháp cái bất bình của ông, nếu ông bình, ta sẽ bình. Hôm nay cũng vậy. Hoàng Trữ nói: Quân tử không kết bè đảng, ông vốn thân với đạo sĩ. Nghe vậy thái tử hạ lệnh: Pháp sư Tuệ Tịnh tài đức không ai bằng, mở mang chánh pháp, mời về làm trụ trì chùa Phổ Quang. Sa-môn họ Phòng thuộc quận Triệu, sinh ra trong gia đình Nho giáo, vốn tinh thông Nho học, sau xuất gia học hiểu ba tạng giáo điển, thường chăm lo việc mở mang chánh pháp, được nguời tăng kẻ tục tôn trọng. Ngoài ra Sa-môn còn chú sớ các kinh luận như Câu-xá, Tỳ-đàm, Đại thừa trang nghiêm. Sa-môn thọ hơn bảy mươi tuổi. Việc được ghi rõ trong Cao Tăng Truyện.

Việc thứ sáu:

Thái tử Trung Xá Tân Tế soạn luận Tế Vật. Hai Pháp sư Tịnh và Lâm hùng biện.

Thái tử tánh tình cao ngạo, ưa thích đạo giáo, khinh Phật giáo. Pháp sư Tuệ Tịnh liền soạn luận đối đáp. Luận chép: Một âm giảng nói mọi loài đều hiểu, tất cả chúng sinh đều có tánh Phật. Phật-đà và Đại Giác là một, trí tuệ và Bát-nhã nào khác. Hay thay ý này, xin lược nêu, nếu hỏi giống đáp khác thì xin xem trong sách họ Khổng, tên một nghĩa khác, lý rõ trong kinh Phật. Nếu tên giống nghĩa không được khác thì hỏi một đáp không được khác, đây lên kia xuống. Vì trụ vô sở trụ nên tu học muôn pháp lành, vi vô bất vi, một nên ứng khắp, đâu chỉ bỏ thánh trí để tranh hơn thua, chỉ tốt riêng mình, không cứu được ai. Xem thường hơn kém đâu thể so sánh, hai tông đã nêu mọi thứ đều đạt. Luận rằng: danh ngôn kia đây có thể phân biệt, một nên đều hiểu e chỉ là lời suông. Đáp: Dù là lời Như Lai cũng phải phân biệt. Chim bằng và chim cú không thể cùng bay trên trời cao, đom đóm sao sánh được mặt trời mặt trăng, nước tưới sao sánh với trận mưa rào, hễ quân tử nói ra thì không thể nuốt lời. Luận rằng: các hành vô thường tùy loại duyên khởi, tâm đợi khí cầu. Như vậy thì tu tịnh là nhờ huân tu, tuệ định thành là nhờ khéo khắc phục. Đáp: Vô thường nên ta đi, duyên khởi nên ta đến. Đã đi thì sao là thường, đã đến làm sao là đoạn. Cũ mới nối nhau nhờ huân tu nên tịnh, tốt xấu thay nhau, không khéo khắc phục thì khó thành. Như vậy sinh diệt phá do đoạn thường, nhân quả hiển bày nhờ trung quán. Đó là sự gặp nhau giữa học thuyết Đông tây. Nếu bỏ đây lấy kia thì không sai hay sao? Luận rằng: Nối le cắt hạc há là chân như, cỏ khô ong bay há là chìm mất? Đáp: Tự nhiên là phần báo, huân tu là lý nghiệp, phần báo đã định, hai con chim không so dài ngắn lý nghiệp trợ duyên, hai con trùng đâu đợi bay, muôn vật dễ nghi, đắm chìm khó hiển, mất thân là quên mình, ngay cả La-hán còn mê y bát, Thập địa còn không biết La-sát, Thánh hiền còn là thế, huống chi phàm phu. Nếu không là bậc ba minh bảy biện làm sao tỏ lý u huyền. Nghe vậy thái tử tỏ ngộ. Nhân có người hỏi, thái tử nhờ Pháp sư Pháp Lâm giải thích lại. Pháp sư nói họ bàn về tánh Phật bình đẳng và một lời Phật nói ra, chúng sinh tùy khả năng của mình mà hiểu. Triệt ngộ hoàng triều là tiên giác, pháp vương ứng vật là Phật, trí tuệ là xảo thuật nhỏ, Bát-nhã là tông lớn. Phân biệt duyên khởi giả xưng là tâm giác, tánh tịnh là Phật. Phân biệt thì ở bên ngoài, tịnh tịnh thì ở bên trong. Phân biệt không quên là bên ngoài, khéo léo dẫn dụ là bên trong. Trang Sinh nói: Ta quên phải quấy không quên kia đây, vì sao? Vì Trí nhỏ không thể sánh với trí lớn, trẻ không thể so với già. Những gì Bành Tổ thấy nghe, kẻ tiểu nhân không thể hiểu. Huống gì lý ba đời pháp Nhị đế. Vì thế Phật nêu ra nhân quả để nói phàm phu cũng sẽ đến được quả thánh. Nhờ nhân mới có quả, có huân tu mới thấy biết. Bốn trí hiển hiện, chân như tự thành. Lại nghĩ nếu đã biết tùy nghiệp thọ báo, hai con chim đâu so dài ngắn. Xưa Hám Trạch có nói: Khổng Lão thờ trời, trời thờ Phật. Mọi khuôn mẫu được chế theo phép trời, mười pháp lành lại thờ phụng đức từ bi của Phật. Nếu so sánh Khổng Lão với Phật thì như nói Tử Cống giỏi hơn Trọng Ni. Sao cứ nhắm mắt làm càn, thật là sai lầm. Bảy mươi vị hiền đều học theo Khổng Tử. Về tánh linh độ sinh không hơn gì pháp Phật. Tống Văn Đế và Hà Thượng Chi đã nói về việc này rằng: nếu trong nước tất cả đều tôn Phật thì trẫm an hưởng thái bình. Thượng Chi nói: mười pháp lành được thực hành thì trời người hưng thịnh, năm giới được thực hành thì quỷ ma diệt, nhờ thế mà mọi người đều hiểu rõ.

Việc thứ bảy:

Thái Tông Văn Hoàng Đế hỏi Sa-môn Pháp Lâm về sự báo ứng.

Niên hiệu Trinh Quán năm thứ mười bốn, các đạo sĩ thuộc đảng khăn vàng sàm tấu, vua liền hạ lệnh sa thải tăng ni. Vua hạ chiếu: nhà Chu khi lập thệ ước, người khác họ thì ở sau, tiên tổ tôn trọng người thân là điều xưa đã có sao lại nói là lỗi. Đầu đuôi khác nhau sao dám hủy báng. Tội không thể tha. Pháp sư Lâm đáp: Văn Vương là bậc đại thánh, Chu Công là bậc đại thần, suy xét xa gần, hiếu để rất nhẹ. Hoàng thân không thiên vị, người xưa kết bạn vì lý không vì thân, không cho là trước sau, dù là người thân hễ có tội thì trừng, dù là kẻ sơ nhưng có công thì thưởng. Lão Tử chỉ dạy bằng đạo đức, dung thứ muôn loài, tự thân, nhân phong lưu truyền khắp nơi. Về thầy tôi (Đức Phật) là bậc rõ biết tất cả, tuy nhập Niết-bàn nhưng thường tồn tại. Nay họ Lưu hủy báng Phật tổ nên xin trình bày luận Biện Thánh tám quyển. Vua nói: Khanh cho là có báo ứng, rằng niệm Bồ-tát Quán Âm không bị giết. Ta cho khanh bảy ngày niệm Quán Âm, sau sẽ bị đem ra chém, xem linh nghiệm thế nào. Bảy ngày sau vua hỏi có niệm Quán Âm không? Sa-môn đáp: Thần không niệm Bồ-tát mà chỉ nghĩ đến vua. Vì sao? Vì thân tử anh minh là hóa thân của Bồ-tát. Nếu bệ hạ thuận theo trung chánh thì Lâm này không bị mất một sợi lông, nếu bệ hạ bạo ngược thì Lâm sẽ bị đau đớn khổ sở. Nghe thế vua liền hạ lệnh tha tội, phục hưng chùa tăng. Ngự sử Vi Tông dâng sớ tâu: Ngầm thấy đại đạo hưng thịnh, huyền phong truyền bá, giáo vô vi lưu truyền, không vì tham vọng. Đạo sĩ Tần Anh giả học chú thuật, thân thích giết nhau, vợ con gian dâm, tình trái chánh giáo, tâm tựa sói lang, xin bệ hạ trừng trị những kẻ đội lớp người. Vua liền hạ lệnh trừng phạt.

Việc thứ tám:

Văn Đế đến chùa Hoằng phước, lập nguyện mở mang Phật giáo.

Ngày mười bốn tháng năm niên hiệu Trinh Quán năm thứ mười lăm, vua Thái Tông đến chùa Hoằng phước, Tăng chúng đều trốn lánh. Vua cho mời năm vị đại đức đến, trình bày nguyên nhân xây chùa, nói: Hoàng hậu ra đi trẫm thương khóc, đã viết lời nguyện: hoàng đế Bồ-tát giới cúi đầu kính lạy chư Phật, Bồ-tát, Thánh tăng, tám bộ trời, rồng mười phương. Đạo không ngôn ngữ, đức đại từ phương tiện tùy cổ nhiếp hóa đưa thuyền trí cứu độ nơi biển khổ, soi ánh sáng tuệ vào chỗ tối tăm, khai ngộ độ thoát không thể nghĩ bàn. Đệ tử túc chướng ngu muội nghiêng lệch, nghĩ đến ân dưỡng dục mà đau lòng vô cùng, kêu trời gào đất nào có tiếc thân, ngày tháng ở trên băng lửa cũng không quản ngại, giờ hối hận thấy tội lỗi của mình, dù có trăm thân cũng không chuộc được, chỉ biết thành tâm quy y tam bảo, xin thiết lễ cúng dường tại chùa Hoằng phước, cúng thí tài vật, nguyện hồi hướng công đức để ngộ lý vô sinh, đến nơi an vui, nhờ chánh pháp sớm chứng Bồ-đề, sáu nẽo bốn loài đều nhờ ơn đức. Vua lại nói: xưa nay tổ tông tôn Lão quân trước Thích-ca, sao các sư không nghe. Thầy Đạo Ý thưa: bệ hạ tôn trọng tổ tông để thiên hạ noi theo, chúng thần an tâm hành đạo, nào dám không nghe. Vua nói: Trẫm để tiên tông ở trước tức lớn hơn Phật. Từ khi dựng nước đến nay, không lập đạo quán, mọi công đức đều thuộc về nhà Phật, tất cả đều hướng về Phật. Khi thiên hạ thái bình, mọi nơi chiến trường, phủ đệ đều được lập chùa. Trẫm thành kính quy y. Các vị nên biết lòng trẫm. Đạo sĩ chỉ là theo tổ tông nên đặt ở trước. Họ Lý trị quốc thì được đặt trước, nếu họ Thích an dân cũng sẽ được đặt trước, há là đất bình hay sao? Chư tăng cảm tạ. Vua nói: Ý trẫm là thế, không nói thì không biết, trời nóng phòng chật, ta cho xây thêm tăng phòng để chư tăng hành đạo.

Việc thứ chín:

Thái Tông hạ lệnh đốt kinh Tam Hoàng của đạo sĩ.

Tháng mười niên hiệu Trinh Quán năm thứ hai mươi hai, các châu dâng sớ: Người phụng thờ thiên tôn phải hành pháp tam hoàng. Lại vì thiên tử, hoàng hậu mà đọc kinh. Theo pháp chia ruộng thì đạo sĩ thông kinh Tam hoàng được cấp ba mươi mẫu. Vua cho hỏi đạo sĩ Trương Tuệ Nguyên, đạo sĩ thưa là không, chẳng biết ở đâu có. Nhưng có một chữ nếu đọc bằng thanh bình thì có nhưng nếu đọc bằng thanh khứ thì không. Thần cho rằng lời của Tuệ Nguyên là đúng. Xin bỏ những gì không đúng, giữ những gì đúng. Lại bộ Dương Soán bàn: kinh Tam Hoàng khác với kinh Đạo Đức của Lão Tử, không thể giữ, vì mê hoặc người sau. Vua liền cho tịch thu và đốt bỏ kinh Tam Hoàng. Đạo sĩ thông kinh Đạo Đức được cấp ba mươi mẫu. Các châu đem kinh Tam Hoàng đốt. Xưa thời Tống, Bao Tĩnh viết Tam Hoàng bị tru di, nay đổi Tam Hoàng thành Tam Động, giả lập để mê hoặc lòng dân. Kẻ ngu không biết, nay Thánh đế Đại Đường biết rõ chân ngụy nên trừ. Gần đây thì cuối niên hiệu Đại Nghiệp, đạo sĩ Phụ Tuệ trường ba năm không nói, đổi kinh Niết-bàn thành kinh Trường An, vào núi ẩn mình, may áo vàng. Khi xét biết được sự thật thượng thư Vệ Văn Thăng đã dâng sớ, đạo sĩ bị đem chém ở cửa Kim Quang. Đó chỉ là những kẻ ngu dẫn bừa kinh Phật, chẳng có ích gì.

Việc thứ mười:

Thái Tông hạ chiếu cho Pháp sư Huyền Trang dịch kinh Đạo Đức ra tiếng Phạm.

Niên hiệu Trinh Quán năm thứ hai mươi mốt sứ giả Tây Vực xin Đại Đường dịch kinh Đạo Đức ra tiếng Phạm. Vua hạ lệnh cho Pháp sư Huyền Trang và ba mươi đạo sĩ cùng lo phiên dịch. Pháp sư phân tích phải dịch từng câu, rất hợp thánh lý. Các đạo sĩ đòi dẫn kinh Phật để làm rõ kinh đạo đức, Pháp sư nói: Phật và Đạo rất cách xa nhau, làm sao dùng lý Phật để bàn nghĩa đạo. Các đạo sĩ dùng bốn đế bốn quả để so với vô đắc vô đãi… Pháp sư nói: vì sao các tiên sinh làm mà không tra cứu. Bốn đế, bốn quả làm sao đem ra để nói về kinh Đạo Đức được, bốn đế mỗi môn đều có nhiều nghĩa, lý sâu xa khó nghĩ bàn, không thể đem ra để so sánh. Các vị hỏi về bốn đế, tôi chỉ mới nói tên bốn đế, còn nghĩa của bốn đế thì quá rộng. Đạo trong kinh Đạo Đức chỉ có một nghĩa, không dùng luận Thích, không thể dùng lý Phật để giảng nghĩa đạo trong kinh Đạo Đức. Đạo sĩ nói: Từ xưa tiên tổ nương lời Phật, nên Duy-ma Tam luận tôi đã học. Vã lại nghĩa đạo huyền nhiệm, mục đích là thanh tịnh vọng niệm, về văn thì khác nhưng ý là một, nên dẫn kinh Phật để giải thích có gì sai? Pháp sư nói: Phật pháp mầu nhiệm, Lão kinh hư giả, hai pháp cách xa không thể dẫn dụ. Kinh Đạo Đức chỉ có năm thiên, không có luận giải, về sau các đạo sĩ dẫn bừa kinh Phật để chú giải thật là bỏ gốc mà dựa vào pháp Phật. Các đạo sĩ lạimuốn dịch chữ “đạo” thành chữ Bồ-đề. Pháp sư dịch chữ đạo là mạt giả. Bồ-đề là giác, mạt giả là đạo, không thể dịch khác. Đạo sĩ Thành An nói: Phậtđà là Giác, Bồ-đề là đạo, xưa nay đã vậy. Xưa là sai lầm, Phật-đà là tiếng Phạm, đời Đường dịch là Giác giả, Bồ-đề được dịch là Giác, mạt giả là đạo, người Ấn hiểu như thế. Nếu không tin thì hãy hỏi người Tây Vực. Thành An lại nói: Kinh Đạo Đức u huyền cần phải có lời tựa. Pháp sư không cho đề tựa, các đạo sĩ liền tâu lên quan. Quan hỏi người Tây Vực rằng Thiên Trúc có đạo của Lão Trang không. Người kia đáp, Tây Vực có chín mươi sáu đạo, phần lớn là tu khổ hạnh để cầu giải thoát, hoàn toàn không cò đạo Lão Trang, những gì Pháp sư Huyền Trang nói là thật, sao không tin theo? Pháp sư họ Trần, người ở Dĩnh xuyên, là người rất thông minh, đầu niên hiệu Trinh Quán, Pháp sư đến chùa Trang nghiêm học chữ Phạm, rồi xin đến Tây Trúc tu học. Ba năm sau mới được vua cho đi. Hơn mười năm tu học, Pháp sư trở về, chuyên lo dịch kinh sách. Vua quan, thần dân đều tôn kính.

 

Pages: 1 2 3 4