TẬP CỔ KIM PHẬT ĐẠO LUẬN HÀNH

Soạn giả: Đời Đường, họ Thích, chùa Tây minh.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 2

Việc thứ nhất:

Chu Cao Tổ Vũ Hoàng đế định phá diệt Phật pháp, Pháp sư ta dâng thư.

Chu Vũ ban đầu tin Phật, sau đọc thấy câu sấm: Hắc y sẽ thịnh, thì tôn trọng Đạo giáo, muốn diệt Thích giáo nhưng còn ngại. Đạo sĩ Trương Tân dâng sớ bài trừ họ Thích, vua nhận lời, mời chư Tăng vào hành đạo bảy ngày. Vì biết trước nên chư Tăng thành tâm cầu nguyện. Thấy vậy vua không cấm được. Ngày mười lăm tháng ba niên hiệu Thiên Hòa năm thứ tư, vua cho với Tăng chúng, đạo sĩ, các quan lên điện, cho bàn về sự hơn kém của ba giáo. Nhưng cuối cùng không phân định được nên giải tán. Sau vua hạ lệnh cho tư lệ đại phu Chân Loan phân định. Loan dâng ba quyển Tiếu Đạo luận cười chê Đạo giáo. Pháp sư ta là người được mọi tầng lớp tôn trọng liền dâng Nhị giáo luận mười hai thiên. Lược nêu: Muôn hóa không sinh, ba tài không có điểm đầu. Nhưng tánh không sinh, không bắt đầu là ở trong con người có hóa có sinh. Tụ một thể nhưng có thân, tâm. Lúc thân mất, tâm vẫn còn. Nên giáo cứu thân là bên ngoài, giáo cứu tâm là bên trong. Vì thế Trí luận có hai kinh trong ngoài, Nhân vương có hai luận. Phương Đẳng có hai luật, Bách Luận có hai đạo. Trong ngoài về cái chung thì cùng cả Hoa Hạ và rợ dân, hạn hẹp thì có Nho, Thích. Thích giáo là trong, Nho giáo là ngoài. Đạo không phải là một giáo, nên chỉ có hai giáo. Xưa Huyền Tố chưa truyền phong giáo đã mất. Nhân tố tóm thâu bảy điểm chín dòng, làm mẫu cho nước nhà, là thuật tu thân. Nếu riêng thì có chín giáo, nhưng chung lại thì thuộc Nho giáo. Về quan thì chỉ là một chức, về sách thì chỉ có sách hoàng gia. Vì sao từ một phân thành chín để đến nỗi phải tranh đấu nhau, làm tổn thương trên dưới. Phật giáo là giáo pháp trọn lý cùng tánh, ra thế nhập chân, về văn thì có mười hai bộ, về thể thì có bốn Tất-đàn, lý vi diệu nên không thể dùng ngôn ngữ để bàn, vượt sinh tử, chứng Niết-bàn, chia năm thừa là để tùy căn cơ sâu cạn, nêu 2 rõ sự lên xuống của thiện ác sáu đường. Về sự thì không thiếu việc gì. Kẻ phàm phu không thể biết được. Đạo lão chưa hề nói về tâm sắc sinh diệt. Sắc tâm có vô số tướng, Thanh văn, Duyên giác còn không biệt huống gì người ngu. Kinh dạy: Đom đóm không thể sánh với ánh sáng mặt trời. Chúng tôi nghe nói khéo trị thiên hạ là không trị mà trị, cần gì phải dời núi lập bể. Trên từ thiên tử dưới đến dân đen, chẳng ai không có từ sắc tâm, không thể lẫn lộn ngu trí bằng sự bình đẳng của sắc tâm. Âm dương tuy như nhau nhưng vẫn có sang hèn. Sử ký nêu: Lý lão đến phương Tây, hóa độ người Hồ, không đủ để nghiên cứu cùng tận. Cuối đời Hán, tam trương mê hoặc dân tình. Trương Lăng bị bệnh, tìm được sách chú thuật, liền học theo, sau bị rắn cắn chết. Các đệ tử dối xưng là thăng thiên, còn có Hoành, Lỗ cũng học pháp đó, tự xưng là Tam sư, Lăng là thiên sư, Hoành là hệ sư, Lỗ là Tự sư, dùng giải thuật để mê hoặc mọi người. Hậu Hán thư chép: Trương–Lỗ ban đầu làm đốc nghĩa tư mã, sau giết thái thú Tô Cố, giết cả sứ giả, ở lại trên đất Hán Trung suốt ba mươi năm, mặc khăn vàng, làm sách phù chú mê hoặc lòng người. Người học theo đạo khăn vàng thì đóng năm đấu thóc, nên người đời gọi là giặc cướp thóc. Người mới vào đạo được gọi là quỷ tốt, sau gọi là tế tửu. Triều đình không dẹp được nên tôn Lỗ làm Trấn di trung lang tướng. Đến đời vua Hiến Đế năm thứ hai mươi Tào Tháo đánh dẹp. Sau lại có sấm hoàng y sẽ hưng thịnh nên Trương Giác, Trương Lỗ mặc y vàng, họ Tào thay màu vàng bằng màu đỏ, nên lấy hiệu là Hoàng Sổ. Thời Nguyên Ngụy, Đạo giáo dần được hưng thịnh, phong hóa dần dần đổi theo xưa. Thánh hiền dạy bằng lời ôn hòa, quỷ thần trừng trị nghiêm khắc. Chân ngụy đã rõ, xin lược nêu vài ý.

Ban đầu nói cấm kinh chỉ giá, luận Huyền Quang chép: Các kinh của đạo gia chế tạp ý phàm, giáo tích tà hiển nên không phải kinh. Người giàu làm ra thì gọi là kinh, người nghèo viết lại thì không bao giờ được truyền, tham tài lợi, không từ bi. Về phương thuật thì nhơ uế, nghiến răng cho là trống trời, nuốt nước bọt cho là cam lộ, phân ngựa cho là củi linh, chuột mà xem là thuốc thần.

Vọng xưng chân giáo. Thục ký ghi: Trương Lăng vào núi Hạc Minh, tự xưng là thiên sứ. Cuối niên hiệu Gia Bình nhà Hán bị rắn cắn, Tử Hoành cho là linh hỏa. Đầu niện hiệu Quang Hòa, lại cho người truyền rằng ngày bảy tháng giêng Thiên sư thăng thiên. Đó là mê hoặc lòng người, vọng tạo kinh sách để làm loạn tâm người.

Đạo quỷ khăn vàng làm loạn nhà Hán, Tôn Ân cầu tiên gây họa hoàng thất, phá nước, loạn phong tục, mê hoặc thiên hạ, năm thiên đạo đức không hề có…

Tất cả là giải pháp của Tam tương, không phải hoài bão của Lão Tử. Đọc tập luận của Pháp sư, vua hỏi các quan, không ai dám bác bỏ điều gì. Lúc đó không còn cảnh phế lập, sáu năm sau, đến ngày mười bảy tháng năm niên hiệu Kiến Đức năm thứ ba thì diệt cả Phật, Đạo, chỉ tôn thông Đạo quán, người học thu được gọi là học sĩ thông đạo quán. Pháp sư Tăng Mãnh chùa Nguyện quả ở Tân châu đất Thục dâng lên vua một bức thư trong đó có mười tám điều. Xin lược nêu: Người ta nói Lão Tử, Doãn Hỉ đến phương Tây, Lão Tử thuyết giới kinh, Doãn Hỉ viết Phật giáo hóa người Hồ, lại nói tiên sinh Quỷ Cốc soạn Nam Sơn Tứ hạo chú. Những ai chưa tìm kỹ thì tin là thật. Lạ thay truyện này! Quân tử còn không thể lừa huống chi là bậc Thánh. Nay trình việc này không phải là để chỉ sự sai lầm của thế gian hay hủy nhục Lão Tử. Người trí không nêu những lời ấy, chỉ kẻ ngu mờ mới tranh biện với Phật giáo, mượn tên tứ hạo của Quỷ Cốc để sau truyện Doãn Hỉ để mê hoặc lòng người. Trộm nghe truyện mà không tập thì Phu tử không cho làm càn, là điều mà Lão quân cấm kỵ. Thật là tai họa lớn, thêm lớn ba đường ác, cần phải thay đổi. Giáo có trong ngoài, áp dụng thì khác, người có hiền thánh, lại mê hoặc bổn tích. Vì thế Ban Cố Hán thư chia con người ra làm chín: Môn đồ họ Khổng là bậc thượng thượng, là thánh. Lão chưa bằng thánh cho nên là trung thượng, là hiền. Như vậy Hiền thánh đã rõ.

Niên hiệu Hoàng Sơ năm thứ ba vua hạ lệnh cho thứ sử Dự Châu hỏi về việc xây miếu thờ Khổng Tử: Hán Hoàng Đế không tôn pháp thánh, lại thờ Lão tử, cầu phước. Trẫm đến xem thì thấy miếu hoang phế nên hạ lệnh sửa chữa. Nếu không làm thì e có kẻ lợi dụng làm càn, nên thông báo cho quan dân đều biết. Vua không tiếp nhận lời bàn của Pháp sư Mãnh. Pháp sư Ái biết tin thì than: Năm chúng lưu li, bốn loài mê hoặc, ăn cơm uống nước nhà Chu nhưng không đền ân đức, lại là đệ tử Phật há ngồi nhìn Phật pháp suy diệt. Pháp sư liền vào cung, tâu rằng: thần đến đây với hai ý: Báo ân Tam bảo, đền ân đức Đàn-việt. Pháp sư viện dẫn kinh điển, hùng biện thông suốt từ sáng đến trưa, vua tuy nghe nhưng chưa quyết. Pháp sư nói: Thích – lí tà chánh đã rõ, bệ hạ không phải khổ tìm. Vua liền hạ lệnh cho lưu. Sa-môn Đạo Tích ở Nghi châu cũng đến khuyên can nhưng vua không nghe. Sa-môn liền cùng bảy người tuyệt thực, lễ sám trước tượng Di Lặc suốt bảy ngày thì tịch. Sa-môn Ái vào núi Nam, tự cắt phần thịt phơi trên đá, lấy ruột treo trên cây. Sau người ta tìm đến thấy bài kệ:

Nguyện xả thân này
Pháp thân tự tại
Tùy nơi tạo phước
Các nghiệp đều diệt
Ba cõi vô thường
Tự giết, bị giết
Người trí không thích
Được thân tự tại
Đi khắp mọi nơi
Hộ pháp độ sinh
Là pháp hữu vi
Ngày giờ tên bắn
Đều là như thế
Hôm nay nghiệp hết.

Việc thứ hai:

Chu Vũ bình Tề nhóm họp tăng chúng bàn việc hưng phế, Pháp sư Tuệ Viễn kháng chỉ.

Mùa xuân niên hiệu Thừa Quang năm thứ hai, Chu Vũ Đế nhóm họp tăng ni, bàn việc phế lập, nói: Trẫm thọ mệnh trời, cai trị đất nước, hiện có ba tôn giáo, phong giáo cách xa, nay xem xét phải phế. Sáu kinh Nho giáo hưng việc triều chính, lễ nghĩa trung hiếu hợp với lòng người cho nên để lại. Về Phật giáo, là Phật thật thì không cần hình tượng, chỉ cần thành tâm là được. Kinh Phật thường khen ngợi việc xây chùa lập tháp tạo phước, đó là vật vô tình nào có ân huệ gì? Kẻ ngu tin càn dốc hết của tiền ra làm, cần phải trừ diệt. Vì thế kinh tượng thì đem đốt, tăng ni thì cho hoàn tục để làm tròn đạo trung hiếu. Ý trẫm là thế, các đại đức thấy thế nào?

Chư Tăng đều im lặng.

Pháp sư Tuệ Viễn thấy vậy liền tâu: Bệ hạ là đấng chí tôn cai trị đất nước, tùy tục hiển ba tôn giáo. Bệ hạ chiếu rằng: Chân Phật không tượng, thật như vậy. Nhưng tai mắt sinh linh nhờ nghe kinh thấy tượng mà hiển bày chân thân. Nếu phế bỏ thì không làm sao thờ cúng.

Vua nói: Chư Phật trong hư không đã tự biết, cần gì nhờ kinh tượng.

Pháp sư nói: Trước thời Hán Minh đế, chưa có kinh tượng, sao chúng sinh ở đây không biết có chân Phật ở hư không?

Lại nói: Nếu không cần kinh giáo mà tự biết pháp thì trước thời

Tam Hoàng không có văn tự, con người có tự biết ba luân năm thường hay không? Người lúc đó vì sao chỉ biết mẹ, không biết cha, như loài cầm thú? Nếu cho rằng hình tượng vô tình, tôn thờ không phước, cần phế thì các tượng trong bảy miếu của nước nhà há có tình, sao lại thờ cúng?

Vua nói: Kinh Phật là pháp của nước khác, nước này không cần dùng phải phế, bảy miếu là của đời trước làm, trẫm cho là trái nên sẽ phế cả.

Pháp sư nói: Nếu cho rằng kinh của nước khác không cần dùng thì vì sao kinh của Trọng Ni là thuộc nước Lỗ, nước Tần, nước Tấn phải phế mới đúng chứ! Nếu cho là cần phế bảy miếu thì không tôn tiên tổ. Tiên tổ không tôn thì Chiêu Mục mất gốc, Chiêu Mục mất gốc thì sáu kinh không dùng. Vậy mà tôn dùng đạo Nho hay sao? Nếu thế thì phế cả ba giáo, trị nước bằng gì?

Vua nói: Phong tục đất đai mỗi nước một khác, nhưng đều là chịu sự cai trị của vua, nên không cần kinh Phật, không dùng bảy miếu.

Pháp sư nói: Nếu cho rằng đất nước khác nhau cùng thờ một tôn giáo thì Thiên Trúc và Trung Hoa tuy khác, sao không cùng thờ kinh Phật? Vua cho rằng tăng hoàn tục về nuôi nấng cha mẹ, Khổng kinh có dạy: Lập thân hành đạo để làm hiển danh cha mẹ, đó là hạnh hiếu, cần gì phải về nhà.

Vua nói: Ân cha mẹ sâu nặng, cần nuôi dưỡng, bỏ thân hướng sơ không phải là chí hiếu.

Pháp sư nói: Nếu vậy thì những người hầu của vua đều có cha mẹ sao không để họ về mà để cho họ sáu, bảy năm không gặp cha mẹ.

Vua nói: Trẫm cũng cho họ luân phiên về phụng dưỡng cha mẹ.

Pháp sư nói: Phật cũng cho chư Tăng mùa xuân, mùa thu về phụng dưỡng cha mẹ. Vì thế Tôn giả Mục-liên xin cơm dâng mẹ, đức Như Lai thì lo tang lễ cho vua cha. Lý này là một, không thể bỏ phế. Bệ hạ cậy oai quyền, phá diệt Tam bảo, là người tà kiến. Địa ngục A-tỳ không phân sang hèn, sao bệ hạ không sợ?

Vua cả giận, nói: Chỉ cần trăm họ được vui, trẫm không sợ khổ địa ngục.

– Bệ hạ chỉ dạy bằng pháp tà thì đem khổ cho dân, họ sẽ cùng bệ hạ xuống địa ngục, làm gì có vui.

Vua đuối lý nhưng vẫn nói: Đuổi tăng hoàn tục, trong vòng ba năm Phật pháp bị diệt, tất cả các chùa đều bị biến thành nhà của quan, chư Tăng bị bắt làm dân binh, kinh tượng đều bị đốt, tài vật của chùa đều bị sung công.

Một năm sau vua bị bệnh truyền nhiễm, trốn ở cung Vân dương, bảy ngày thì chết. Theo Đường Lâm Minh Báo Ký của Lại bộ thượng thư nhà Đường: Thì Tạ Tề Công bị chết, sống lại kể rằng: Lúc mới chết thấy Chu Vũ Đế, Đế nói: Hãy chuyển lời ta đến thiên tử nhà Tùy, vì ông là bạn của ta rằng đem tài vật mà ta đã chứa để xưa nay làm phước cứu ta, ta diệt pháp phải chịu tội khổ. Vua nhà Tùy liền cho làm theo.

Việc thứ ba:

Chu Cao Tổ tuần du đất Nghiệp, phá diệt Phật pháp, thầy Đạo Lâm dâng sớ xin khai pháp.

Ngày bốn tháng mười một niên hiệu Kiến Đức năm thứ sáu nhà Chu, ở điện cung Tân nội sử Vũ Văn Áng, thượng sĩ Lý Đức Lâm nhận sớ tấu của thầy Đạo Lâm. Thấy tấu sớ có ý, thượng sĩ đưa thầy Đạo Lâm vào gặp vua, vua bảo: Khanh dâng sớ không phò triều chánh, trẫm rất vui, hãy trình bày rõ. Thầy Đạo Lâm thưa: Lâm tôi vốn mở mang đạo pháp, trước bàn việc triều chính dường như giúp các bậc minh quân, sự thật không có tâm hộ pháp. Từ khi họ Thích truyền pháp đến đây, quyền ứng khắp nơi, trí lực cao diệu, mở mang chánh pháp, cứu giúp chúng sinh ở cõi năm trược, trời người sáu đường không ai quy về để được khai ngộ. Từ đời Hán đến nay đã hơn năm trăm năm, vương công, khanh sĩ đều tôn thờ. Nhà vua diệt pháp. Bệ hạ thống trị thiên hạ, thừa kế tổ tiên, sao lại không kính Phật pháp. Nếu không tốt thì tiên tổ đã diệt, nếu có ích thì bệ hạ cũng phải thực hành, thần không hiểu vì sao lại phế bỏ?

Vua bảo: Phật ở Tây Vực, truyền pháp đến đây, phong giáo đã khác với Trung Quốc nên tuy có ở đời Hán, Ngụy, Tấn nhưng như không, năm xứ Hồ sẽ loạn, phong hóa mới thạnh. Trẫm không phải là Ngũ hồ nên không kính, đã không phải là chánh giáo thì phải phế diệt.

Thưa: Phật giáo truyền đến đây đã bảy đời vua, Lưu Uyên đoạt ngôi nhà Tấn không phải trung hạ, không phải chánh gốc, xưng là Ngũ hồ. Thời Hán, Ngụy, Tấn, Phật pháp đã được hưng thịnh, Tống Triệu đều tôn phụng, bệ hạ sợ mình tu Phật như Ngũ hồ, xin thực hành pháp như Hán Ngụy.

Vua nói: Kinh Phật tuy nhiều trẫm cũng có xem, nhưng phần lớn là những lời luống dối. Khi gặp tội thì bảo là của quá khứ, không có phước thì chỉ thuộc vị lai. Về sự thì phần lớn là mê hoặc. Về việc khuyên làm lành bỏ ác nào khác tổ tiên. Trước đây đã từng bị phế tức là không có ích, nên nay phải phế trừ.

Thưa: Lý sâu lời cao, thường tình không thể hiểu, nghĩ xa sự vi diệu, kẻ hèn không thể lường. Lý Phật cùng tột pháp giới, thể giáo không trong ngoài, hạnh thì mình người đều tốt, quả thì vô vi an vui, trao đức thì ân bằng trời đất, trao đạo thì lợi ích không cùng, thần thông tự tại, giáo hóa mọi nơi, cứu độ oán thân, từ bi không tổn hại, giới trừ ác, định trừ loạn, tuệ soi xưa nay, mọi nhà đều học thì dân yên, mọi nước đều làm thì không binh biến. Nay không thực hành làm sao có ích? Thần nghe, hiếu là đạo cao tột của trời, thuận là đức nuôi của đất, hiếu là gốc của muôn hạnh. Xưa đại đạo hoại, nhà Ngụy diệt, Thái tổ sáng lập nghiệp vương, nhờ thế mà bệ hạ được lên ngôi hoàng đế. Vua cần ban đức cho thiên hạ sao lại tự cố chấp cậy quyền lực để tàn hại những gì tổ tiên đã xây dựng, tôn thờ. Giường ghế của cha mẹ còn không dám làm hư huống gì sự nghiệp của tổ tiên sao lại phá hoại. Đất nước còn mất nào có liên quan gì đến Phật, chính trị hưng suy nào do chánh pháp. Bệ hạ tin vào sự suy xét của một lúc mà để thiên hạ cười chê đến muôn đời.

Vua bảo: Nghĩa mà đạo hiếu không phải là chí cực? Nếu cố chấp thì chỉ lợi một thân. Bậc đại trí ngược với thường nhưng hợp với đạo. Thang Vũ diệt Chủ nhưng là nhân trí, Vĩ Sinh Thủ Tín họa đến thân diệt. Nếu có ích thì làm, không ích thì diệt, không thể bảo hộ một người để gây họa bốn biển. Sa-môn hoàn tục để phụng dưỡng cha mẹ, thành người có hiếu, tự nuôi sống mình, không phiền đến kẻ khác, để kẻ có tài ra giúp nước là hợp với đạo hiếu.

Thưa: Nếu nói hoại Phật hủy tăng ni là có ích thì Thái tổ đã diệt nào phải để đến giờ, kẻ diệt đạo nào có ích gì?

Vua bảo: Pháp hưng diệt còn có lúc, đạo nếu có còn thì phải diệt huống chi là Phật pháp không có ích, không thể để lại. Từ lúc diệt pháp đến nay dân ít phải lao dịch, tăng binh được nhiều, Đông tây diệt loạn, nước an dân vui, há không có ích hay sao? Trẫm diệt pháp nếu trái đạo thì thân hoại.

Thưa: Nước lập quý nhất là đạo, nuôi dân phải tôn đức. Chỉ thấy đạo diệt nước tan, không thấy binh cường nước mạnh. Kiệt Trụ bạo ngược mất nghiệp đế, Chu Vũ tu đức phước nhóm hoàng thất. Khương Kiều đánh mà hại thân, Câu Tiễn dùng đạo biến nguy thành an. Như thế có liên quan gì đến việc hoại Phật hủy tăng, mới bình định thiên hạ. Nếu thật thì Thang đánh nhà Hạ, Văn Vương diệt Tống, Vũ Vương diệt Trụ, Xích Hán diệt Hạng, các vị vua này nhờ hoại Phật mà thắng hay sao? Kế là nói về nhân pháp, Phật tánh, sắc tâm… Sa-môn đều biện phải rõ ràng.

Vua nói: Ngôn hạnh không trái thì sẽ vào thánh vị, đạo có ở mọi nơi, phàm thánh đều đủ, giáo không chia Khổng, Phật, hình chung đạo tục, như vậy đế vương là Như Lai, vương công là Bồ-tát, người già là thượng tọa không cần Tân đầu; nhân tuệ thật là Đàn-việt đâu cần bỏ nước; hòa bình là tăng cần gì phải Bồ-tát; trinh thuận là Mộc-xoa, cần gì thọ giới; cần kiệm là ít ham muốn, không cần khổ hạnh; rau trái chay tịnh cần gì phải dứt sát sinh; tất cả đều vô ngã, cần gì hiểu không; là Đại thừa, cần gì cầu Bát-nhã; Văn Vũ là hai trí, chẳng quán có không; quyền mưu là phương tiện cần gì biến hóa; thăng quan là thọ ký, chứng quả làm gì; tước lộc là cõi trời cần gì phải lên trời; chém giết đã là địa ngục; dân là con tức đại từ, bốn biển là nhà tức cùng pháp giới; dùng lý để thống trị nào khác cứu vật, an vui trăm họ nào khác cứu khổ, chém giết là hàng ma, vua ở trong đời là đạt đạo, hưng thịnh nào khác tịnh độ, cứu giúp cần gì nhờ Thích-ca. Khinh vọng chấp, ngay trong mọi việc là đạo.

Thưa rằng: Lời của bệ hạ hay thì có hay nhưng thần vẫn nghi ngờ. Nếu đạo chỉ có một thì không thể dung hai. Nếu lý ở ngoài thì bên trong thường khác. Nếu một mà chẳng phải một thì nửa đúng nửa sai; hai mà không hai thì vừa đạo vừa tục, tăng tục lẫn lộn, trong ngoài trên dưới lẫn lộn. Âm dương đều là khí nhưng sinh diệt có khác, trời đất đều là vật nhưng cao thấp khác nhau, không thể cho là vật là khiến đất động trời tịnh, hoặc cùng là khí mà khiến âm sinh dương diệt, thì không thể có việc này. Tuy giống mà không giống, một nhưng không phải một, đạo tục tuy cùng lý nhưng hoàn toàn khác nhau. Nho thường đã có từ xưa, không thể lập một bỏ một.

Vua bảo: Khanh nói: Đạo tục khác nhau thì Nho hưng mặc Nho, Thích diệt mặc Thích sao lại so sánh. Nếu đạo chỉ là đạo thì đạo có lợi gì. Phật chỉ là Phật thì Phật độ có ích chi. Đạo tục nương nhau Nho Thích hiển hiện. Khanh đừng cho là trẫm sai, nếu quốc pháp không thực hành thì pháp vua diệt, phế hưng là việc thường.

Như lời bệ hạ nói, đạo không tự là đạo, không có tục thì không có hiển đạo, Phật không tự là Phật mà nhờ vua hưng thịnh, vì thế năm trăm năm qua pháp Phật hưng phế đều do quyền lực của vua. Như vậy đạo nhờ người phát, thần do vật cảm. Sự hưng suy của pháp là lẽ thường. Pháp của đế vương phải lấy bỏ rõ rệt. Trẫm có suy xét về giáo pháp Phật, so sánh xưa nay, xét từ việc làm đến sự được mất, không phải thường nên không cần nào phải yêu ghét.

Thưa: Hoằng pháp chủ yếu là hiểu người, thông hóa quan trọng là chánh pháp. Đừng thấy ác với mình mà xa lánh, thấy thiện với mình mà gần gũi, vì đó là tà kiến. Lại khiến càng xa thì gần, càng gần thì xa, hại chân hoại đức.

Vua lại hỏi: Trẫm nghe quân tử động tĩnh đều hợp lẽ, bậc minh triết nghĩ làm đều hợp cơ. Khanh không ăn thịt uống rượu thì rượu là thuốc hòa thần, thịt là chất dưỡng thân, xưa nay đều như vậy, sao khanh lại khác. Được ăn mà không ăn há không có lỗi hay sao?

Tham tài sắc là kẻ hèn, ham rượu thịt là kẻ xấu, học đạo bỏ vọng tiên hiền đều khen, tiết dục tôn đức thánh triết ngợi ca. Thịt do giết mạng, rượu làm loạn thần trí, không ăn là hợp, làm sao có lỗi?

Thịt do giết nên cấm, rượu nào tổn hại sao lại cấm? Nếu không tổn hại mà có tội, không lỗi mà sai thì ăn chay uống nước là đều có tội. Thật ra không phải như thế, sao lại dứt rượu?

Thưa: Kiết giới tùy sự, đắc tội do tâm, rượu không tổn hại nhưng làm loạn tinh thần, gây ra các lỗi khác, nên phải cấm.

Vua nói: Nếu uống mà không say thì đâu làm loạn tinh thần, như vậy thì đâu có tội.

Thưa: Ngăn lỗi phòng tội là tốt, thân miệng không trái là tốt. Người uống không say, không phá giới khác thì không có tội nhưng vì thường là uống có tội nên không uống.

Vua nói: Đạo sĩ đạt đạo là do liễu ngộ, không chấp tướng, tâm hợp pháp tánh, ý như hư không, muôn vật đều tốt, thiện ác đều là đạo. Như vậy ăn thịt uống rượu, cưới vợ có con nào có tội lỗi gì. Vì thế thái tử cưới vợ đạt đạo, Chu Đà bỏ vợ đắm chìm, Tịnh Danh ở trong tục mà đạt đạo, Thân Tử xuất gia mà chấp chặt. Như vậy thiện chưa phải là thiện, ác chưa hẳn là ác, cấm rượu thịt thật trái đạo.

Thưa: Rồng cọp nhờ nanh vẩy, chim chóc nhờ đôi cánh, quân tử nhờ hiểu hành, hiền triết thành đức nhờ chân thật nên trong ngoài hợp nhau. Nếu hiểu mà không hành thì là dối không thật. Vì thế người thợ cần dùng mực để đo, người cai trị thiên hạ phải nhờ pháp. Do đó, một việc sai là đau thấu xương tủy, một lời đúng quý tựa ngàn vàng. Nếu ác là tốt, ngu là trí thì kẻ dốt ngu lên làm vua, người tài trí xuống làm dân, vua dân lẫn lộn, điều đó chẳng thể có, có khác gì miệng thì nói trung hiếu mà làm việc trái nghịch, miệng thì nói từ bi, xả bỏ mà lại giết hại trộm cướp. Nếu cho đó là đạo thì thật khó tin.

Vua nói: Vọng chấp thì không thể bàn đạo, kẻ tiểu trí thì không thể nói về chân, con cá dưới giếng đâu biết việc của biển đông, chim sẻ trong tổ nào biết việc của chim đại bàng. Đó là chấp nhỏ mà không thông lớn, chấp văn không tỏ ý. Nếu nói ngã ở trong vật, vật ở trong ngã, ngã vật đều quên, mình người là một, với người rỗng tâm, mọi vật như nhau, với người tài thì mọi việc đều làm được.

Thưa: Danh nghĩa sâu rộng, cội nguồn mênh mông, thật là có lý, sự như nhòm trời, ai cho là rộng, cùng đo biển nào mà biết biển sâu, nếu nói nhỏ nhỏ hơn lớn, không lớn thì không nhỏ, lớn là lớn hơn nhỏ, không nhỏ thì không lớn. Nếu lớn không gì không lớn thì sợi dây không phải nhỏ, nhỏ không gì không nhỏ thì núi Thái không phải lớn nên khiến lớn lớn không là lớn nhỏ, nhỏ nhỏ không phải nhỏ lớn, nhỏ lớn khác mà giống, lớn nhỏ giống mà khác, không có sự giống khác của lớn nhỏ, mới biết chẳng phải khác có thể khác giống, không phải giống có thể giống khác.

Vua im lặng, các quan cũng mặc nhiên. Lúc lâu vua lại nói: Vì sao khanh chọn sự tĩnh lặng, muốn phá có đưa về không, chớ nghĩ là không nói được thì thôi.

Thưa: Người xưa suy xét trước khi nói nên xưa có người không nói, có người quên công. Im lặng là thể hiện chẳng phải không hợp.

Vua nói: Người xưa không làm nhưng chẳng gì không làm, người biết không nói chẳng phải không nói, chim két nói nhưng vô dụng, Phượng Hoàng không nói nhưng lại có ích. Gỗ không dùng nên còn, nhạn không kêu thì chết, nhưng lấy bỏ tự hợp. Kẻ sĩ có lời mà biết, người có thấy đạo mới còn, lại có thấy sắc xét tình, nghe lời bàn đức. Trẫm và khanh nói đã nhiều, khanh hãy ghi lại để người đời hiểu ý trẫm, như thế là trung thành với trẫm. Sa-môn sợ pháp diệt mà trình tâu, vua không vừa ý nên bàn, biện luận tuy rõ, cuối cùng không phải ý chính. Sau khi Trường an phế giáo, lập ra thông đạo quán, những người học theo chỉ thuộc Lão, Trang, Thích nói suông. Vua lại bảo vào thông đạo quán học tập thì rất bổ ích. Hãy nhập quan, đến ngày một tháng năm đến cung Diên thọ gặp. Ngày hai mươi bốn vua đến cung Vân dương, đến ngày một tháng sáu thì mất. Sau vua kế vị lại cho phép mở mang truyền bá pháp Phật.

Việc thứ tư:

Tùy Văn Đế hạ chiếu đốt kinh tượng Lão giáo ở Hàng châu. Đức Diệu Giác từ bi, coi chúng sinh như con một. Huyền môn gieo độc, tự xưng là mẹ của muôn vật, đại giáo hóa độ ở phương Tây, đạo vô vi bao trùm nước thần. Cõi tịnh há không dung người chân thật? Ở Đông nam (có tên là hang ô) có một nơi thờ chung cả Phật đạo, mất hết sử ký, không biết tìm đâu, ngày tháng càng dài, không biết được xây đạo bao lâu. Chợt có kẻ lạm dụng che đậy nhưng khi đất lở thì Lão tử biến mất, Phật linh vẫn hiển hiện. Hoàng Hạc đã bay cao, bò xanh liền đi xa, không biết sao lại có thuốc kim đan. Tập luận nêu: Chánh tà lẫn lộn, người trí như ngu; u minh dứt mắt, hiển hiện hình này. Từ lúc Đức Diệu Giác chiếu soi đến cõi không hữu này, điềm lành cảm ứng khắp tâm phàm thánh, tất cả đều nương về nên diệt sáu vị giáo chủ ngoại đạo ở Xá-vệ, hàng phục trời ma, làm sao có thể đem ra so sánh với Lão tử, Hoàng Cân. Từ nhà Chu đến nhà Đường đều tôn xưng Phật pháp, nhưng đạo Lão thì thường bị khinh hủy. Gần đây ta có tìm đến thánh tích, đến nơi được gọi là lâu quán, trong đó có Tôn thánh quán, phía Nam có miếu của Doãn tiên sinh. Các đạo sĩ nói đó là nơi chính của Lão tử. Doãn Hỉ học đạo nên lập miếu riêng. Quán ấy ở sát núi Nam, gần đó có một cái đài bằng đất, cây cối um tùm, là mộ của Lão tử. Hỏi ra thì người nhà của họ Doãn cho rằng đó là ngôi nhà cũ của họ Doãn. Tiên quân muốn nhìn xa nhưng đất rộng cây rậm không thấy được, bèn làm cái gác để nhìn và đặt tên là lâu quán. Vốn không phải là nhà của lão quân. Lại nói phía Đông nam có có đài cổ của tiên quân, trước đó tiên quân và Lão tử có lên đài này, tổ tông thừa kế phần mộ bị lạc, không nghe việc tiên quân và Lý lão đi qua đây. Lại nói: Xưa nghe Lý lão sinh ở huyện Khổ quận Trần, khi đến đất Tần thì chết ở làng Hoè. Chúng tôi hỏi ra thì ở phía Bắc sông Vị còn làng Hoè, ở đó có một ngôi mộ nhưng không biết của ai. Trong địa đồ chỉ ghi là ngôi thành cổ mà không ghi niên đại. Lưu Sa là đất Đôn Hoàng Minh Sa. Ở đó có đất Lưu Sa nhưng không có phong giáo. Xét trong kinh Hóa hồ Tây Thăng thì xưa Lão tử có đến giáo hóa nhưng người Hồ không theo, Doãn Hỉ liền biến thành Phật, người Hồ mới theo. Các sách ghi chép đều không đáng tin. Tùy thượng thư sai Sở quốc công Dương Tố đến lâu quán, thấy bức họa Doãn Hỉ giáo hóa người Hồ, Dương Tố nói với các đạo sĩ: Nghe nói Lão quân giáo hóa người Hồ, người Hồ không theo, mới bảo Doãn Hỉ biến thành Phật, người Hồ mới theo. Như vậy là Phật giáo hóa người Hồ, người Hồ chỉ phụng Phật, sao lại nói Lão tử hóa độ người Hồ? Sau thái sử lịnh phó Dịch, vốn thuộc quân Hoàng Cân, rất ghét đạo Phật nên dâng sớ sàm tấu, trong đó có một điều: kinh Phật dối trá, tổn nước hại nhà, xin đuổi Hồ giáo về Thiên Trúc, cho Sa-môn về nhà cày cấy, để nước nhà hưng thịnh, giáo pháp của Lý – Khổng được truyền bá. Vua quan nghe theo lời xấu, vua hạ chiếu: bỏ râu tóc của cha mẹ, bỏ y phục của vua quan, nào có lợi ích gì. Sa-môn Thích Pháp Lâm liền dâng sớ tâu: Lâm nghe đạo lớn không ngôn ngữ, hàng cửu lưu không thể biết; pháp thân không hình tượng, hàng Thập lực không thể bàn. Bốn loài ngu ngơ chìm trong biển dục, ba cõi mơ hồ vào núi tà, kẻ ngu mê mờ không thoát bậc đại thánh vào đời, mở cửa giải thoát, hiển bày đường chánh. Vua quan Thiên Trúc xuất gia vì lòng từ, quý tộc Hoa Hạ xuất gia vì chán bã vinh hoa, nguyện thoát sinh tử, cầu Niết-bàn vi diệu, hành thiện để đáp bốn ân, lập đức để giúp ba cõi, hủy thân để thành chí, bỏ tục để hợp đạo, tuy bên ngoài khác nhưng vẫn giữ chữ hiếu bên trong, lễ trái nhưng luôn nghĩ đền ân, từ bi với kẻ oán người thân, phúc đức thấm khắp mọi nơi. Người trí nương lời Phật mà có ích, kẻ ngu hủy thánh giáo cho nên tổn. Tuy vậy các Sa-môn, vua quan vẫn chưa quyết, Pháp sư liền soạn luận phá tà. Trang Chu nói: Trong sáu hợp bậc Thánh không bàn, ngoài sáu hợp bậc Thánh không nói. Lão tử nói: Trong nước có bốn cái lớn, đạo là một, một vạn ba ngàn hai trăm sáu mươi chín quyển sách đều ghi công; tôn phụng vua cha, không nghĩ đến con đường cao xa khác, do đó nhân quả ba đời bị vùi lấp, sáu đường mù mờ không biết lối ra. Đức Như Lai vào cung vua, thần vàng, tướng quý, đi thì có hoa sen đỡ chân, ngồi trên pháp tòa, ra vào đều có Phạm vương, Đế Thích hầu hạ, còn có chúng Thanh văn, Bồ-tát túc trực nghe học, tám vạn bộ thần đều bảo hộ. Phật giảng kinh Niết-bàn thì mặt đất chấn động sáu cách, giảng Bát-nhã thì trời tuôn bốn thứ hoa, trăm tướng trang nghiêm soi chiếu mọi loài, ánh sáng lấp cả mặt trời, sư tử mà gầm thì muôn thú quy phục, trống pháp vang thì trời ma đều cúi lạy, nên Phật được tôn là vua pháp. Lý, Khổng làm sao sánh được. Từ đó vua quan đều tỏ lòng, pháp Phật được hưng thịnh. Sa-môn họ Trần, thuộc dòng Thái Khâu Dĩnh Xuyên, Viễn tổ dời về Tương Dương nên gọi là Huyện nhân. Lúc nhỏ Sa-môn xuất gia tại chùa Ngọc tuyền ở núi Thanh khê, Kinh châu. Sa-môn là người thông minh, học hiểu các kinh sách trong ngoài. Về sau Sa-môn có xem xét việc Lão tử hóa Hồ như trên đã kể.

Việc thứ năm:

Vua nhà Tùy tôn trọng Phật pháp, thọ giới quy y.

Theo Tùy Tổ khởi Cư Chú: Vua sinh ngày mười ba tháng sáu niên hiệu Đại Thống năm thứ bảy, tại chùa Bát-nhã, ở Đồng châu, lúc sinh có ánh sáng lạ mắt xuất hiện, người mẹ thì nóng bức, một vị thần ni tên Trí Tiên, họ Lưu, người Hà đông, chuyên tu thiền định nói: Đứa bé được Phật trời che chở, đừng lo lắng. Thần ni đặt tên cho bé là Na-la-diên, vì muốn bé như kim cang không thể hư hoại. Lại nói đứa bé không được ở nhà thế tục uế tạp, rồi đưa về chùa nuôi dạy. Người mẹ bằng lòng, không dám hỏi. Sau có người lạ đến bế đứa bé, biến thành rồng. Thần ni nói: Sau sẽ làm vua. Năm đứa bé lên bảy, thần ni bảo: Sau này sẽ hưng khởi từ phương Đông, Phật pháp nhờ con mà thịnh. Năm mười ba tuổi đứa bé được cho về nhà. Nhà Chu diệt pháp, thần ni ẩn cư. Sau đó đứa bé được làm vua, làm hưng thịnh Phật pháp, đúng như lời thần ni nói. Vua nói: “Ta thành vua là nhờ Phật.” Vua thích ăn chay, thích nghe tiếng chuông, sai sử quan chép lại chuyện của thần ni, cho xây chùa ở khắp mọi nơi. Vào niên hiệu Nhân Thọ, vua và hoàng cung thấy xálợi phóng hào quang nên xây tháp cúng dường. Nhà Chu diệt Phật vì nghe theo lời sấm là hắc y sẽ vượng, không biết rằng Tùy tổ được nuôi ở trong chùa. Vua rất tôn kính Phật pháp, ngày ngày thường thỉnh chư tăng vào cung hỏi pháp, vua còn xin thọ giới Bồ-tát tại gia. Phật pháp quả thật rất thịnh hành ở thời này.

Trang: 1 2 3 4