TẬP CỔ KIM PHẬT ĐẠO LUẬN HÀNH

Soạn giả: Đời Đường, họ Thích, chùa Tây minh.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 1

-Hán Minh Đế nằm mộng thấy người vàng, Sa-môn Ma-đằng, Trúc Pháp Lan đến Lạc dương, các đạo sĩ xin tỉ thí.
-Ngô chủ Thời Ngụy kính tin Phật giáo, lập chùa tháp, thưa hỏi về sự hơn kém của ba giáo.
-Trần Tư Vương Tào Thực đời Ngụy bàn về đạo.
-Ngụy Thái Tổ hạ lệnh tin học hai giáo dẫn đến sự hưng phế.
-Tống Thái Tông Văn Hoàng đế triệu tập các quan bàn về lý Phật đối với việc triều chính.
-Ngụy Minh Đế lên ngôi cho mời đạo sĩ, tăng sĩ vào cung hùng biện.
-Lương Cao Tổ trước thờ Hoàng Lão, sau quy y Phật, hạ chiếu phế bỏ đạo Lão.
-Bắc Tề Cao Tổ Văn Tuyên Hoàng Đế hạ lệnh phế bỏ Đạo giáo.

 

Việc thứ nhất:

Theo Hán Pháp Bổn Nội Truyện: Niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ mười, Hán Minh Đế nằm mộng thấy người vàng, thân cao trượng sáu, ở cổ có vầng sáng tròn. Bay đến trước điện, vua rất vui mừng. Hôm sau, vua hỏi các quan: Đó là vị thần nào? Phó Nghị thưa: Thần nghe ở Thiên Trúc có người đắc đạo, được gọi là Phật, đi trong hư không, 0 thân có ánh sáng, có lẽ là vị thần đó. Nghe vậy vua liền sai Lang trung Thái Âm, Lang tướng Tần Cảnh, học trò tiến sĩ Vương Tuân… mười tám người đến nước Thiên Trúc, thỉnh kinh Phật như kinh bốn mươi hai chương… để ở gian mười bốn trong thạch thất Lan đài. Xây chùa Phật ở ngoài Ung môn phía Tây thành Lạc dương. Vẽ ngàn xe muôn ngựa nhiễu quanh tháp trên vách. Vẽ tượng Đức Thích-ca trên cửa thành Khai dương và đài Thanh lương ở Nam cung. Vẽ tượng Phật trên lăng Hiển tiết. Lúc ấy hai Pháp sư Ma-đằng và Trúc Pháp Lan nguyện du hóa khắp nơi để độ sinh được các sứ giả thỉnh về Lạc dương. Vua hỏi: Pháp vương giáng trần sao giáo pháp không được truyền đến đây? Pháp sư Ma-đằng đáp: Ca-tỳ-la-vệ là trung tâm của tam thiên đại thiên thế giới, trăm ức mặt trăng mặt trời. Chư Phật ba đời đều giáng thần ở đó. Kể cả trời rồng quỷ thần cũng nguyện sinh về đó để được thọ học pháp Phật, được ngộ đạo. Chúng sinh nơi khác không có duyên với Phật nên Phật không đến. Tuy Phật không đến nhưng nơi nào có ánh sáng chiếu đến thì hoặc năm trăm năm hoặc một ngàn năm hoặc hơn ngàn năm sẽ có bậc Thánh truyền pháp.

Ngày một tháng một niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ mười bốn, các đạo sĩ ở Ngũ nhạc (thuộc tầng lớp được tôn kính sau triều chính) bàn với nhau: Thiên tử bỏ đạo của chúng ta, xa cầu giáo pháp của Rợ Hồ, nay chúng ta nên dâng sớ. Sớ rằng: Đệ tử Thái thượng tam động Chử Thiện Tín và các đạo sĩ ở mười tám sơn quán thuộc Ngũ nhạc dám chịu tội chết tâu lên: Thần nghe Thái thượng không hình không tên, vô cực vô thượng, hư vô tự nhiên, đại đạo hiện trước tạo hóa, thượng cổ đều vâng, trăm vua không đổi. Nay bệ hạ đạo hơn Hy Hoàng, đức vượt Nghiêu–Thuấn. Trộm nghĩ bệ hạ bỏ gốc theo ngọn, cầu giáo Tây Vực, thờ thần rợ Hồ, nói lời khác Hoa hạ. Xin bệ hạ tha tội cho chúng thần, cho phép chúng thần được tỉ thí. Đạo sĩ chúng thần đều thông tuệ, thấy xa nhìn rộng, tinh thông chú thuật kinh điển của Thái Thượng, Thái Hư, hoặc sai khiến quỉ thần, hoặc nuốt tuyết uống khí, nhảy vào lửa không bị cháy, xuống nước không bị chìm, bay lên hư không, ẩn thân trong đất, còn thông thạo cả đan dược. Xin cho chúng thần tỉ thí để bệ hạ an tâm, bày rõ chân ngụy, đại đạo có nơi trở về, không loạn phong tục Hoa Hạ. Nếu thần không thắng thì tùy bệ hạ quyết định, nếu thắng thì xin bệ hạ trừ dẹp hư tà. Vua sai Thượng thư lệnh Tống Tường đưa họ vào cung Trường lạc, rồi hạ chiếu ngày mười lăm tháng này tập hợp ở chùa Bạch mã. Các đạo sĩ liền lập ba đàn, mỗi đàn có hai mươi bốn cửa. Đạo sĩ Nam Nhạc Chử Thiện Tín, đạo sĩ Hoa Nhạc Lưu Chánh Niệm, đạo sĩ Hằng Nhạc Hoàn Văn Độ, đạo sĩ Đại nhạc Tiêu Đắc Tâm, đạo sĩ Tung nhạc Lữ Tuệ Tông, đạo sĩ ở mười tám núi Thiên mục, Ngũ đào, Bạch lộc… tổng cộng có sáu trăm chín mươi đều đem chân văn, kinh bảo, ngọc quyết Thái thượng, phù lạc tam nguyên… năm trăm chín mươi quyển để ở đàn phía Tây, sách của Mao Thành Tử, Hứa Thành Tử, Hoàng Tử, Lão Tử… hai mươi bảy nhà gần một trăm ba mươi lăm quyển để đàn giữa, thức cúng để ở đàn phía Đông. Vua đến cửa phía Nam chùa, đặt kinh Phật, xá-lợi ở phía Tây. Ngày mười lăm các đạo sĩ chất củi, chiên-đàn, trầm hương đốt kinh. Tất cả đều khẩn thiết cầu nguyện: Chúng thần thỉnh Thái cực đại đạo, nguyên thỉ Thiên tôn, chư Thiên, thần linh, nay Rợ Hồ làm loạn Hoa Hạ, thiên tử tin tà giáo, chánh giáo bị chìm mất. Chúng thần xin đốt kinh để hiển đạo, mở bày lòng người, phân biệt chân ngụy. Họ liền nổi lửa đốt, kinh điển cháy rụi. Các đạo sĩ nhìn nhau kinh ngạc. Người muốn bay lên trời, ẩn thân, hô quỷ nhập thần đều không linh ứng. Đạo sĩ Nam nhạc Phái Thúc Tài hổ thẹn mà chết. Thái phó Trương Diễn nói với Chữ Tín: Việc của các vị không có kinh nghiệm quả là luống dối, pháp của Tây Vực là pháp chân thật. Chữ Tín nói: Mao Thành Tử dạy: Thái Thượng là Linh bảo Thiên Tôn, người làm ra tạo hóa, há là luống dối hay sao? Trương Diễn nói: Thái Tố được danh cao quý nhưng không có ngôn giáo, khanh nói có ngôn giáo tức là luống dối Tín im lặng. Lúc ấy xá-lợi Phật phát ra ánh sáng năm màu, bay lên hư không, tạo thành hình chiếc lọng che trùm cả đại chúng. Pháp sư Ma-đằng bay lên hư không, ngồi nằm trong hư không, hiện thần biến rộng khắp. Trời tuôn hoa báu cúng Phật và Tăng, nhạc trời vang lên, tất cả đều khen ngợi, thỉnh Pháp sư nói pháp. Pháp sư Pháp Lan cắt tiếng Phạm thiên, khen ngợi công đức của Phật, khiến đại chúng tôn kính Tam bảo. Pháp sư dạy: Thiện ác đều có quả báo, ba thừa sáu đường các tướng khác nhau. Công đức xuất gia là hơn hết. Lúc ấy quan tư Phòng Lưu Tuấn và ngàn người xin xuất gia, sáu trăm hai mươi tám đạo sĩ của bốn núi cũng xin xuất gia. Phu nhân Vương Tiệp Hảo và các cung nữ gồm hai trăm ba mươi người xin xuất gia. Vua cho thiết lễ cúng dường đến cuối tháng, lại cúng dường y bát cho người xuất gia, xây mười ngôi chùa, bảy ngôi cho tăng ở ngoài thành, ba ngôi cho ni ở trong thành. Từ đó Phật pháp được hưng thịnh.

Việc thứ hai:

Trong sách Ngô có chép: Niên hiệu Xích Ô năm thứ tư thời Ngô Tôn Quyền, Sa-môn Khang Tăng hội (con lớn của thừa tướng nước Khang Cư) du hóa độ sinh. Thời ba nước lập thế chân vạc, Phật pháp chỉ lưu hành ở phương Bắc, không lưu truyền đến phương Nam. Sa-môn liền đến Giang Đông. Đến Kiến Nghiệp, lập ra thảo am, thờ Phật, hành đạo. Thấy lạ người nước Ngô cho là yêu nghiệt, rồi tâu lên vua. Tôn Quyền cho mời Sa-môn vào cung hỏi: Phật có linh ứng gì? Sa-môn đáp: Linh tính ẩn hơn ngàn năm, chỉ có xá-lợi Phật thì còn hiện ứng. Vua bảo: Nếu được xá-lợi sẽ xây tháp thờ, hai mươi mốt ngày sau Sa-môn cầu được xá-lợi năm màu chiếu sáng, không bị vỡ, không bị cháy, lại còn hiện hoa sen, chiếu sáng cả cung điện. Tôn Quyền kính tin, lập chùa, xây tháp, độ tăng, đặt làng ấy là làng Phật đà, giáo pháp bắt đầu được truyền bá nên đặt tên chùa là Kiến sơ. Vua hỏi thượng thư lệnh Hám Trạch: Từ Hán Minh đế đến nay đã bao năm rồi, vì sao pháp Phật đến giờ mới truyền tới Giang đông. Hám Trạch thưa: Từ niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ mười đến nay đã là một trăm bảy mươi năm, niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ hai mươi bốn, các đạo sĩ ở Ngũ nhạc tỉ thí cùng hai Pháp sư (Ma-đằng, Trúc Pháp Lan), bị thua, đạo sĩ Chử Thiện Tín, phí Thúc Tài ở Nam nhạc chết trước hội, các đệ tử lo đưa họ về mai táng, không được nghe pháp xuất gia. Sau đó, binh biến loạn lạc không ngừng đến nay mới truyền đến. Hỏi: Khổng Khâu Lão Tử có sánh được với Phật hay không? Thưa: Thần nghe họ Khổng là bậc thánh đức anh tài, đời tôn là Tố vương, biên soạn kinh điển, chỉ dạy học trò, Nho giáo được thấm nhuần xưa nay. Còn có các học thuyết của Lão Tử, Trang Tử, Hứa Thành Tử… đều là tự sửa mình, nhàn hạ rừng núi, sống đời đạm bạc, trái với nhân luân, không phải là pháp độ sinh. Đến thời Hán Cảnh đế, Hoàng Tử, Lão Tử lập kinh điển, hình thành Đạo giáo. Vua cho mọi nơi học tụng. Hai giáo Khổng Lão so với pháp Phật thì một trời một vực. Vì sao? Vì hai giáo ấy vâng mạng trời, không dám trái lại ý trời. Giáo pháp của chư Phật thì chư Thiên lại phụng hành. Như vậy làm sao so sánh được. Vua vui mừng, phong thêm chức thái phó.

Sách thần tiên, lời Đạo gia được coi là truyền thuyết. Cho rằng sao thần vĩ túc tuế giáng ở Đông phương sóc, Hoài Nam Vương chết ở Hoài Nam, được xem là người khinh đạo. Câu Dặc chết ở Vân Dương, cho rằng xác mất, hòm không, thật là luống dối. Về các luận thuyết, tác phẩm của Hoàn Quân Sơn được xem là hay. Lưu Tử Tuấn có hỏi: Nếu người bị bịt mắt che tai thì có bị say kiệt hay không? Quân Sơn chỉ vào cây du dưới sân nói: cây này vô tình, không bị che mắt bịt tai thế mà vẫn bị khô héo. Việc này không đúng. Xưa tôi làm quan coi về nhạc cho Vương Mãn, trong Nhạc ký có ghi:Văn Đế bắt được người đánh đàn của Ngụy Văn Hầu, người này một trăm tám mươi tuổi, bị mù mắt. Vua hỏi: Sao bị mù như vậy? Đáp: Năm mười ba tuổi thần bị mù, cha mẹ sợ không làm được gì, nên dạy thần đánh đàn, thần không thể hướng dẫn, không biết sao lại thọ lâu như vậy? Quân Sơn luận rằng: vì được tâm chuyên nhứt và được sự trợ giúp bên ngoài. Nếu bên trong không có ích thì làm sao biết bên ngoài. Tôi chưa thấy. Quân Sơn nói: Xưa Đổng Trọng bị giam trong ngục, giả chết mấy hôm, mắt lõm, trùng bò ra chết lại sống, sau đó thì chết luôn. Có sinh thì có chết, quân tử đều hiểu, cần gì phải nói. Thần không quá trời đất, không thể làm cho con chí rận chết vào mùa hè, giông tố nổi lên vào mùa đông. Khi dời sự ứng nên Đổng Trọng mới nối hơi, tự chết, không có gì là lạ? Các phương sĩ ở đời đều được vua mời vào cung như Cam Thỉ ở Cam lăng, Tả Từ ở Lô giang, Hy Kiểm ở Dương thành. Thử vận khí, Từ thông pháp thuật, cho nên tập trung ở nước Ngụy vì sợ làm việc gian trá mê hoặc mọi người, nên phải tập trung lại rồi mới cấm đoán. Cam Thỉ tuổi già nhưng có thân hình một đứa trẻ, các thuật sĩ đều theo về, nhưng lời nhiều ít thật, còn pha chút gian trá. Nếu gặp Tần Thỉ Hoàng hoặc Hán Vũ Đế thì lại là kẻ làm phước ít gây họa nhiều, Kiệt, Trụ khác đời nhưng đều là ác, kẻ gian khác đời đều là ngụy. Đời lại còn có học thuyết tiên nhân. Tiên nhân thuộc vượn khỉ, người đời đạt tạo hóa thành tiên hay sao? Phàm chim trĩ xuống biển là con hàu, con én xuống biển là sò hến, chúng đương bồi hồi trước ao lạ, ban đầu còn tự biết, sau lại gieo mình vào, thần hóa thể biến, nào khác rùa hến, đâu còn biết bay liệng vui chơi. Tin lời hư huyễn mê hoặc, thiết lễ cầu cúng luống dối, bỏ cả chức vị để tôn vinh, nhàn hạ nơi thanh vắng, suốt bao năm tháng nào có ích gì, hoặc chết ở gò cát, hoặc chết ở rừng cây. Vừa diệt thân diệt tộc, vừa bị thế gian chê cười. Tuổi thọ dài ngắn, thân thể mạnh yếu đều do ở mỗi người. Người khéo thì sống lâu, người khổ thì chết sớm.

Trần Tư Vương Tào Thực tự Tử Kiến là con thứ tư của Ngụy Vũ Đế, ban đầu được phong Đông A quận vương, khi chết được phong tên thụy là Trần Tư Vương. Lúc mới sinh trong miệng có ngậm ngọc, mười tuổi đã rành kinh sách, hạ bút thành văn, thông cả kỹ thuật ở thế gian, người đời cho là con của trời. Khi đọc kinh Phật, Tào Thực thường khen ngợi, cho là chí đạo nên tạo chất nhạc để dễ đọc tụng. Một hôm, Tào Thực lên núi, chợt nghe trong hư không có tiếng hay như tiếng nhạc,

Tào Thực thâm ngộ lý Phật nên chế ra âm nhạc làm gương cho đời sau (có trong Thích Tăng Hựu Pháp Uyển tập soạn vào đời Lương).

Việc thứ ba:

Ngụy Thái Tổ Đạo Vũ Hoàng đế hạ chiếu vào niên hiệu Thiên Hưng thứ nhất, chiếu rằng:

“Phật pháp hưng thịnh đã lâu, việc cứu độ đã rõ, vẫn còn những thành tích hiển linh. Kinh thành thôn ấp đều có chùa Phật. Vua cho xây tháp năm tầng và điện Tu-di, còn có giảng đường, thiền thất, chỗ ở của Sa-môn.”

Ngụy Thế Tổ lên ngôi cũng nối nghiệp tiên tổ, tuy lúc đó có đạo Lão nhưng không tin kính, thường thỉnh các Sa-môn tài đức vào cung đàm đạo. Ngày một tháng bốn khi rước tượng Phật nhiễu quanh phố vua lên lầu cao rải hoa kính lạy. Xưa lý thuật lập đạo tràng ở Bình thành, quan tư đồ Thôi Hạo có học tả đạo, ghen ghét họ Thích, không tin có Phật, cho là luống dối, thấy kinh Phật thì ném bỏ xuống giếng. Hạo có tài nên được vua tin theo. Người trong nước cho rằng vua tôn thờ đạo sĩ Khấu Khiêm Chi mà hiềm khích với Tôn Hạo, vua sắc phong Khiêm là Thiền sư. Khi ấy có Sa-môn Cao Huyền, là bậc thần tăng được mọi tầng lớp tôn kính, vua cho thỉnh về Bình Thành. Thái tử Hoãng tôn Samôn làm thầy, hết lòng kính trọng. Lúc ấy, thái tử bị vua nghi ngờ nên thưa với Sa-môn, Sa-môn bảo lập đàn sám hối bảy ngày. Vua mộng thấy tiên tử giáng xuống trách móc. Vua lâm triều kể cho các quan nghe, ai cũng nói là thái tử không có tội. Vua không nghi thái tử nữa. Vua hạ chiếu: Tông tổ hưng thịnh, tiếp nối muôn đời, võ công tuy hưng thịnh nhưng văn giáo chưa thịnh, nước nhà chưa thái bình. Nay trong thành an ổn, dân chúng giàu có, trẫm muốn lập pháp để muôn đời thực hành theo. Âm dương có qua lại, bốn mùa đổi thay, ngôi được truyền lại cho thái tử, chọn bậc hiền tài giúp đỡ, nên thường được an ổn, xưa nay là vậy. Ta giao mọi việc cho thái tử lo liệu, các vị hiền tài nên ủng hộ, truất phế những kẻ xấu, thần dân đều vâng lệnh thái tử. Nghe vậy Khấu Khiêm Chi lo sợ thái tử nắm quyền mình sẽ mất uy nên tâu với vua: Thái tử thật có âm mưu, nên vì Sa-môn làm phép thuật nên tiên tổ mới báo mộng như thế. Nếu không sớm trừ sẽ gây họa lớn. Vua liền bắt Sa-môn giam rồi chém, ở Bình thành, thái tử cũng bị giết, không ai biết được. Đêm ấy trên hư không có ánh sáng, lại có tiếng nói: Ta đã chết, các đệ tử đến chỗ xác chết, xem thông cáo. Nói xong Sa-môn mở mắt, ra mồ hôi, ngồi dậy nói: Đại pháp ứng hóa tùy duyên thịnh suy. Thịnh suy vốn là lẽ thường nhưng không bao lâu ngươi cũng sẽ như ta. Khi các ngươi chết, pháp sẽ hưng thịnh, hãy khéo tu học, đừng để hối hận. Nói xong Sa-môn nằm xuống, đi luôn. Từ đó Thôi Hạo càng lộng hành, hay sàm tấu với vua, cho rằng Phật pháp không có ích cho chính trị, còn tổn hại dân tình, nên trừ bỏ đi. Một hôm vua đến chùa ở Trường an thấy có cung tên, vua cả giận hạ chiếu giết tất cả tăng chúng, đốt kinh hủy tượng. Thôi Hạo và Khấu Khiêm Chi tranh nhau. Lúc đó, có Sa-môn Tuệ Thỉ, là người rất kỳ lạ, xưa Hách Liên phá Trường An Sa-môn bị đâm mà không chết, đi dưới đất chân không lấm bùn nên người đời gọi là Hòa thượng chân trắng. Nghe tin vua diệt pháp Sa-môn chống tích trượng vào cung, vua cho người giết, Sa-môn vẫn thản nhiên đi vào, vua cho cọp ăn thịt thì cọp quỳ trước Sa-môn, nhưng lại gầm rống trước Thiên sư. Thấy vậy vua cho rằng Phật pháp hiển linh, liền sám hối tội lỗi. Sa-môn nói pháp nhân quả cho vua nghe. Vua rất hổ thẹn. Sau đó vua bị bệnh lạ, cả người đau nhứt, các quan cho rằng Thôi Hạo xúi vua hủy diệt Phật pháp nên bị như thế. Thôi Hạo và Khấu Khiêm Chi cũng bị bệnh lạ. Niên hiệu Thái Bình năm thứ mười vua cho nhốt Thôi Hạo vào xe, cho các quan tiểu tiện trên xe, rồi bắt Thôi Hạo há miệng nuốt nước tiểu. Đây là hình phạt nhục nhã nhất xưa nay. Vua hạ lệnh mở mang Phật pháp. Năm đó vua băng, Tôn Tuấn lên ngôi, lo truyền bá Phật pháp (xem trong Ngụy thư và Cao tăng truyện, Thập lục quốc Xuân Thu).

Việc thứ tư:

Văn Đế là con thứ ba của Tống Vũ Đế, là người tài đức hơn người, làm vua suốt ba mươi năm. Những lúc rảnh vua hay cùng các quan bàn luận chính sự. Một hôm, vua hỏi thị tung Hà Thượng Chi và lại bộ Dương Huyền Bảo: Xưa nay trẫm đọc kinh tuy không nhiều nhưng không lúc nào bỏ bê, chưa thông nhân quả ba đời nhưng không dám lập dị; các khanh đều kính tin. Phàm Thái, Tạ Linh Vận thường nói: Sáu kinh mục đích là cứu đời, người làm chánh trị phải học, tánh linh sâu huyền đều nói lý Phật. Gần đây Nhan Diên viết Đạt tánh luận, Tôn Bình có Bạch hắc luận, hiển linh pháp Phật, rất hợp lòng người. Nếu tất cả các quan đều học theo trẫm thì sẽ ngồi hưởng thái bình, còn lo việc gì. Thượng Chi thưa: Pháp sư Tuệ Viễn thường nói: Giáo pháp của Phật ứng hiện khắp nơi, đạo vốn để cứu đời. Trộm xét học thuyết này rất sâu xa, nếu nhà nhà đều học theo thì tội không còn, hình phạt cũng chẳng có, bệ hạ an hưởng thái bình, thật như thánh chỉ. Dương Huyền Bảo thưa: Học thuyết này bao gồm cả trời người. Trộm nghĩ, Tần Sở hùng mạnh, Tôn Ngô thôn tính các nơi đều không nhờ đó. Vua nói: Đây không phải là công cụ của thời chiến quốc. Thượng Chi nói: Thích ẩn dật thì chiến sĩ lười, quý nhân đức thì binh khí suy. Tôn Ngô thôn tính các nước cũng không tôn sùng đạo của Nghiêu Thuấn, đâu chỉ có giáo pháp của Phật? Vua nói: Dòng Thích có Khanh, còn có Khổng giáo, lời trái thì khó nghe. Từ đó vua rất tôn kính kinh Phật, thường mời chư tăng vào cung đàm đạo. Lúc ấy vua rất kính Pháp sư Đạo Sinh nên thường trình bày những gì mình chứng ngộ. Sa-môn Tăng Bật… cũng thường được mời. Vua nói: đã diệt thì sẽ hưng, đâu do vua làm ra. Lúc ấy, Nhan Diên soạn luận Duy thức, vua mời Pháp sư Nghiệm xem chỗ giống khác. Vua cười nói: Các khanh chớ lo, hãy đàm luận.

Việc thứ năm:

Nhà Ngụy có mười bảy đời vua, kéo dài một trăm bảy mươi chín năm, các vua đều tôn kính Phật giáo, chỉ có Thái Vũ hủy pháp năm, sáu năm. Hiến văn lên ngôi, vào niên hiệu Hưng Hoàng năm thứ nhất, vua cho đúc năm pho tượng, mỗi tượng cao trượng sáu, dùng hết hai mươi lăm vạn cân vàng. Niên hiệu Chánh Quang năm thứ nhất, vua gia tăng triều phục, đại xá thiên hạ, thiết trai cúng dường tăng ni, đạo sĩ. Thọ trai xong, thị trung Lưu Thắng tuyên chiếu: Mời Pháp sư và đạo sĩ hùng biện để dứt nghi cho đệ tử. Đạo sĩ Khương Bân và Pháp sư Đàm Mô thi tài trước.

Vua hỏi: Phật và Lão tử có sinh cùng thời hay không? Khương Bân tâu: lúc Lão Tử qua Tây Vực giáo hóa rợ Hồ, Phật làm thị giả. Pháp sư hỏi: sao biết? Trong kinh Lão Tử Khai Thiên có chép. Pháp sư hỏi: Lão Tử sinh vào năm nào, sang Tây Vực năm nào? Lão Tử sinh giờ Tý ngày mười bốn tháng chín năm Ất Mão, thời Chu Định vương năm thứ ba, ở làng Khúc nhân, thôn Lệ, huyện Khổ, quận Trần nước Sở. Năm Đinh sửu, là đời Chu Giản vương thứ tư làm quan giữ kho. Đời Giản vương năm thứ mười ba làm thái sử. Đời Kính vương thứ nhất, thấy đức nhà Chu suy, Lão Tử đến Tây Vực độ người Hồ (năm ấy Lão Tử năm mươi lăm tuổi). Pháp sư nói: Phật giáng sinh ngày tám tháng tư đời Chu Chiêu Vương năm thứ hai mươi bốn, diệt độ ngày mười lăm tháng hai đời vua Mục vương năm thứ năm mươi ba. Ba trăm bốn mươi lăm năm sau mới đến đời vua Định Vương năm thứ ba, đến đời vua Kính Vương thứ nhất là Phật đã diệt độ bốn trăm hai mươi lăm năm rồi, sao lại làm thị giả cho Lão Tử? Sách nào nói Phật sinh vào thời Chu Chiêu Vương? Chu thư dị kí, Hán pháp bổn nội truyện đều có ghi. Bân nói: Khổng Tử là bậc Thánh san định kinh sách sao không hề nói đến? Pháp sư nói: Học thức của ông như cái ống, không biết được điều cao xa.

Trong kinh Tam Bị Bốc của Khổng Tử có ghi về Phật. Ông hãy tự đọc.

Hỏi: Khổng Tử là bậc Thánh không nói cũng biết, cần gì phải bói? Chỉ Phật là bậc đứng đầu trong các Thánh, thầy của bốn loài, hiểu rõ mọi việc trước sau của chúng sinh nên không cần bói. Các vị Thánh khác đều nhờ mai rùa bói quẻ.

Thị trung lại tuyên chỉ: Đạo sĩ Khương Bân nói không có tông chỉ nên xuống dưới. Lại hỏi: Kinh Khai Thiên hiện ở đâu? Là của ai? Liền sai trung thư thị lang Ngụy Thâu và thượng thư lang Tổ Doanh đến đạo quán lấy kinh. Vua sai một trăm bảy mươi người như thái úy Đan Dương Vương Túc tổng, thái phó Lý Thật, vệ úy Hứa Bá Đào… lên đọc, rồi tâu: Lão Tử chỉ viết năm thiên. Chúng thần xin thưa Khương Bân mang tội mê hoặc mọi người, vua hạ lệnh gia hình. Pháp sư Bồ-đề-lưu-chi khuyên can mãi, vua đồng ý tha chết, đày đến ấp mã.

Việc thứ sáu:

Lương Cao Tổ Vũ Hoàng đế lên ngôi lúc ba mươi bảy tuổi, ở ngôi bốn mươi chín năm. Tuy mãi lo việc triều chính nhưng vua luôn miệt mài với kinh sách. Vua sống rất thanh đạm không lụa là gấm vóc, không giường cao nệm đẹp, không ăn thịt cá, ngày ăn một bữa, thật ít có vị vua chúa nào như vậy. Trước kia vua tôn thờ Lão Tử và Phật nhưng khi biết đạo Lão luống dối, vua hạ chiếu bỏ Đạo giáo. Chiếu rằng:

“Ngày tám tháng tư niên hiệu Thiên Giám năm thứ ba, hoàng đế nước Lương là Lan Lăng Túc Diễn cúi đầu kính lạy chư Phật mười phương, tôn pháp hiền thánh tăng. Con nghe kinh dạy: Phát tâm Bồ đề là tâm Phật, các tâm lành khác không thể sánh. Tâm này đưa chúng sinh thoát khổ ba cõi, vào đường vô vi. Trí lậu tận vô ngại của Như Lai tỏ cơ trọn đức, chiếu mê khai ngộ, thần tích tấu trời, linh thiêng bày khắp, đưa chúng sinh khỏi biển dục, dẫn hàm thức lên niết bàn, lên núi cao an vui, thoát vực sâu sông ái, không câu nệ văn từ, hiển bày linh tính ở cung vua, là bậc tôn kính của ba cõi, soi chiếu khắp đại thiên. Vì tâm cạn cợt, thích sinh tử, gây ra tội lỗi nếu không được gặp Phật, thì ai cứu thoát được. Tuy ẩn thân nhưng đạo luôn hiện. Đệ tử mê mờ tôn thờ Lão Tử, ngày tháng trôi qua đắm nhiễm pháp tà. Giờ bỏ đường mê, nương về chánh giác, xin nguyện đời sau được xuất gia học Phật lúc thiếu thời, hóa độ chúng sinh cùng thành Phật, thà ở trong chánh pháp mà chịu tội cõi ác, chứ không phụng thờ Lão Tử dù được sinh lên cõi trời, tu tâm Đại thừa bỏ niệm Nhị thừa. Kính mong chư Phật chứng minh, Bồ-tát thâu nạp đệ tử Túc Diễn kính lạy.”

Lúc ấy, vua cùng hai vạn tăng tục lên gác Trùng các phát tâm Bồ đề. Đến ngày mười một tháng tư vua hạ chiếu: “Thiên hạ có chín mươi sáu đạo, đạo Phật là chánh đạo, chín mươi lăm loại kia là tà đạo. Trẫm bỏ tà đạo, thờ phụng chánh đạo. Nếu các quan muốn thệ với trẫm hãy phát tâm Bồ-đề. Lão Tử, Chu Công, Khổng Tử tuy là đệ tử Như Lai nhưng hóa tích tà vạy, chỉ tốt trong thế gian, không thể chuyển phàm thành thánh. Các quan nên bỏ ngụy về chân. Luận Thành Thật nói: Nếu thích thờ ngoại đạo, khinh Phật pháp thì thuộc tà kiến. Nếu thờ cả hai như nhau thì thuộc tánh vô ký. Thờ phụng Phật, ít tôn Lão Tử thì đó là lòng tin thanh tịnh. Thanh là trong ngoài đều tịnh, không còn nhơ bẩn, tín là chánh tín. Tin thanh tịnh là đệ tử Phật, tin không thanh tịnh là tà kiến, các quan nên thi hành.”

Ngày mười bảy tháng tư các quan tâu: Thần nghe: Như Lai có tướng tốt, thân vi diệu, cao hiển không cùng, pháp phật thì bỏ đao giết mổ chứng quả Niết-bàn, vượt biển khổ sinh tử, đến bờ Niết-bàn an vui, nên tuôn mưa từ bi, tưới nước cam lộ, bảy nơi tám hội giáo hóa không cùng, bốn đế năm thời lợi ích khắp nơi, sưởi ấm trong băng tuyết, làm mát lạnh trong lửa nóng, vào đời độ tục, xuất thế hiển chân như, khiến mọi loài tôn pháp, kẻ ngu mê biết quay về, cây đạo hiện ở Ca-duy, âm đức hưng thạnh ở Kinh lạc. Không thấy hằng tinh, cứu xét điềm thần, trăng tròn Hán Đế cảm mộng lành, năm pháp truyền trao, vạn đức trọn vẹn. Hoa tục dần hiển, nhờ bảy pháp giác, thoát khổ đêm dài. Bồ-tát Hoàng đế ứng theo mệnh trời độ vật, soi rọi khắp nơi, cứu dân độ chúng, nhờ nguyện lực độ sinh nên quyền hiển nhân lành, sùng đạo Nhất thừa, bước lên thềm mười Địa, các nước đều nương về, u linh đều nhờ, người phát nguyện thành Phật, vật khởi tâm Bồ-đề, tất cả đều vui vẻ trở về đường giác, tu từ bi nhẫn nhục, che chở cứu độ, phá tà hiển chánh, xây chùa truyền pháp. Xưa thần mê mờ thờ tà đạo, muốn quả ngọt mà gieo giống đắng, khát nước lại uống nước mặn, nay tỉnh ngộ quay về, thọ giới Bồ-tát, bỏ đạo giáo, vào chánh giáo. Xin bệ hạ cho phép.

Ngày mười tám tháng tư vua hạ lệnh: Bỏ mê theo chánh là trồng nhân lành tinh tấn.

Việc thứ bảy:

Xưa các đạo sĩ ở Kim lăng lợi dụng đạo chế ra nhiều nghi thức phiền toái để vua tôn phụng. Khi Lương tổ hạ chiếu bỏ đạo, các đạo sĩ tức giận, liền cùng môn hạ trốn sang Bắc Tề, dùng vàng ngọc tặng nhà giàu để nhờ họ mà hưng phát đạo. Tháng chín niên hiệu Thiên Bảo năm thứ sáu vua cho mời Sa-môn và đạo sĩ vào điện tỉ thí. Lúc đó đạo sĩ trì chú khiến y phục của Sa-môn bay liệng, làm cho trụ gỗ nằm ngang nằm dọc. Sa-môn không học chú thuật nên im lặng. Do đó tất cả đều thấy lạ, cho là đạo sĩ hơn. Các đạo sĩ liền khoe khoang, cao ngạo: Rằng mình thần thông rộng lớn, Sa-môn hiện một ta hiện hai, nay Sa-môn đã thua. Vua liền hạ lệnh cho Pháp sư Thượng Thống tỉ thí với đạo sĩ Tĩnh Giác. Pháp sư nói: Những xảo thuật ấy kẻ Nho sĩ còn hổ thẹn huống gì là người xuất gia, nhưng bệ hạ đã ra lệnh thì chẳng thể không nói, xin để cho vị tăng thấp nhất đấu. Pháp sư liền chọn Sa-môn Đàm Hiển, một người rất kỳ lạ, đang uống rượu say. Quan hữu ty thấy vậy không dám gọi. Nhưng với oai đức của Pháp sư Thượng Thống mọi người đều nghe theo, liền đưa Sa-môn lên tòa cao. Sa-môn nói: Ta uống rượu say nhưng nghe có người nói Sa-môn hiện một ta hiện hai, chẳng biết có đúng không? Đạo sĩ bảo đúng, Sa-môn liền đứng kiểng chân và bảo đạo sĩ hiện hai đi. Các đạo sĩ im lặng, Sa-môn nói: Vừa rồi các vị bảo là thổi bay y phục, đó là do ta mở cửa thổi gió, bây giờ y phục đây các vị hãy thổi đi. Các đạo sĩ cũng trì chú nhưng y phục không hề động đậy. Các đạo sĩ hổ thẹn, lại gượng nói: Nhà Phật tự cho mình là nội, nội thì nhỏ; gọi chúng ta là ngoại, ngoại thì lớn. Sa-môn nói: Nếu thế thì thiên tử ở trong phải nhỏ hơn các quan. Các đạo sĩ im lặng. Vua liền hạ lệnh: Pháp môn không hai, chân tông ở một. Thanh đạm là gốc của đạo chính, rượu thịt là hư giả của thế gian. Kẻ tục không ngộ nên tôn sùng, đây hẳn là cách xa với đạo từ bi, từ nay cấm cúng tế bằng động vật. Vua cho các đạo sĩ xuất gia theo Pháp sư, chưa phát tâm thì trừ đi, hôm ấy giết rất nhiều. Cấm tuyệt việc thờ phụng thần tiên, từ đó trong nước Tề chỉ tin một đạo. Đến đầu đời Tùy mới có các đạo. Vua húy kỵ là Tường tức con thứ hai của thừa tướng Vương Hoan. Người con cả bị hại, nên Tường lên kế vị, lúc bị tướng quốc nhà Ngụy vây khốn, Tường lập đàn ở Nam Giao, bói quẻ đại hoành đại cát nên cho đúc tượng vàng. Ngụy đế chấp nhận trao vị, vua lập thành nước Đại Tề. Vua cho xây chùa Phật, tăng chúng rất đông. Một hôm, có vị Thiền sư nói với vua: Thí chủ, có La-sát đi theo, đến bờ sông sẽ thấy. Vua nhìn thấy la sát ở sau mình, từ đó không ăn thịt, cấm bắt giết. Vua thường ngồi thiền suốt ngày, lễ Phật tụng kinh. Một hôm vua sai sứ giả cỡi lừa đến chùa lấy kinh. Sứ giả không biết nơi nào, vua bảo cứ để con lừa dẫn đi. Lừa dẫn sứ giả đến chùa, nhìn thấy con lừa các Sa-di bảo: Con lừa của Cao Tường đã về. Liền đưa sứ giả vào gặp vị trụ trì. Sa-môn hỏi: Cao Tường làm vua ra sao? Là bậc thánh minh. Hỏi: Sứ giả đến làm gì? Lấy hòm kinh. Sa- môn trao cho sứ giả. Sứ giả về nói lại. Hôm đó vua đến chùa thỉnh Phật, có một người lạ nói: Ta đi trước ông đến sau nhé. Sau vua băng ở Tấn dương. Vương Thiệu nói: Pháp Phật cao xa, không thể nói bừa. Xưa, Thái Tể hỏi Khổng Tử về bậc Thánh, nói: Hoàng đế mộng thấy đến nước Hoa Tế Thị, đó là nơi thần Phật đến mà thôi. Pháp Phật trình bày thiện ác nhân quả, không phải là bậc Chánh giác thì không thể chứng biết. Mọi loài đều nương về. Người thông ngộ thì thận trọng giữ mình, tu định tuệ, giải thoát bình đẳng, rốt ráo Bồ-đề. Kẻ ngu muội thì cho là không tỏ lý, mãi chạy theo các tà pháp. (Ghi chép theo sách nhà Tề).

Trang: 1 2 3 4