Tào Ðộng tông

Từ điển Đạo Uyển


曹洞宗; C: cáo-dòng-zōng; J: sōtō-shū; Tông phái Thiền quan trọng tại Trung Quốc được hai vị Thiền sư sáng lập là Ðộng Sơn Lương Giới và đệ tử là Tào Sơn Bản Tịch. Người ta ghép hai chữ đầu của tên hai vị này và gọi là Tào Ðộng. Mặc dù mục đích tu tập trong hai trường phái Lâm Tế và Tào Ðộng như nhau nhưng phương pháp tu tập cụ thể thì có khác biệt. Tào Ðộng tông chú trọng đến phương pháp Mặc chiếu thiền (j: mokushō-zen), tức là Chỉ quản đả toạ (j: shikan-taza), Lâm Tế tông chủ trương phương pháp Khán thoại thiền (kanna-zen), là quán Công án. Trong thế kỉ 13, Thiền sư Nhật là Ðạo Nguyên Hi Huyền (j: dōgen kigen) đưa tông này qua Nhật và Tào Ðộng trở thành môn phái Thiền quan trọng, ngày nay vẫn còn. Trong tông Tào Ðộng tại Nhật, phương pháp Ðộc tham (dokusan) – một trong những thành phần tối trọng của Thiền tông – đã thất truyền từ thời Minh Trị (meiji). Thiền Tào Ðộng được Thiền sư Thông Giác Thuỷ Nguyệt (1636-1704) truyền sang Việt Nam giữa thế kỉ thứ 17. Sư rời Ðại Việt năm 1664, cùng với hai đệ tử sang Trung Quốc, đến Hồ Châu học đạo với Thiền sư Nhất Cú Tri Giáo và ở đó ba năm sau mới về. Thông Giác truyền giáo cho Chân Dung Tông Diễn và phái này hoạt động ở Ðàng ngoài (miền Bắc), rất thịnh hành cuối thế kỉ 17 và đầu 18. Ðàng trong (miền Trung), thiền Tào Ðộng do một Thiền sư Trung Quốc là Thạch Liêm (1633-1704), hiệu Ðại Sán Hán Ông truyền dạy. Năm 1695, theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, Sư đến Thuận Hoá. Sư là người tổ chức giới đàn Thiền Lâm với hàng ngàn người tham dự.