tăng trưởng nghiệp

Phật Quang Đại Từ Điển

(增長業) I. Tăng Trưởng Nghiệp. Đối lại: Bất tăng trưởng nghiệp. Chỉ cho những nghiệp ác được tạo tác một cách cố ý, tức những nghiệp làm xong rồi, người tạo nghiệp không hề có một chút hối hận, chẳng những thế mà còn sinh tâm vui mừng, làm cho hạt giống nghiệp tăng thêm sức lớn mạnh, cho nên gọi là Tăng trưởng nghiệp. Loại nghiệp này nhất định phải chịu quả dị thục. (xt. Cố Tư Nghiệp). II. Tăng Trưởng Nghiệp. Cũng gọi Tăng thượng nghiệp. Đối lại: Tạo tác nghiệp. Chỉ cho nghiệp có năng lực tăng tiến không ngừng vì có đầy đủ 5 nghĩa: Thẩm tư, viên mãn, vô ác tác đối trị, hữu bạn và dị thục. Có đủ 5 nghĩa này thì được gọi là Tăng thượng nghiệp, nếu không thì chỉ gọi là Tạo tác nghiệp. Năm nghĩa như sau: 1. Thẩm tư: Nghiệp được tạo tác qua quá trình suy nghĩ, tính toán cẩn thận. 2. Viên mãn: Nghiệp đã đến mức rốt ráo, cùng tột. Nói theo các nghiệp ác, nghiệp đọa ác thú gọi là Viên mãn nghiệp. Chẳng hạn như trong 10 nghiệp đạo, nếu ở giai vị Gia hạnh, do 1 nghiệp đọa vào ác thú thì chỉ gọi là Tạo tác nghiệp, chứ không gọi Tăng trưởng nghiệp; khi đã đến mức cùng tột thì vừa gọi là Tạo tác nghiệp vừa gọi là Tăng trưởng nghiệp; nếu do 2 nghiệp mà đọa vào ác thú thì khi mới có 1 nghiệp gọi là Tạo tác nghiệp, chứ không gọi Tăng trưởng nghiệp, đến khi đã đủ cả 2 nghiệp thì vừa gọi Tạo tác nghiệp vừa gọi Tăng trưởng nghiệp; cứ như thế cho đến do 10 nghiệp đọa ác thú thì 9 nghiệp chỉ gọi là Tạo tác nghiệp, đến khi đủ cả 10 nghiệp thì vừa gọi Tạo tác nghiệp vừa gọi là Tăng trưởng nghiệp. 3. Vô ác tác đối trị: Không khởi tâm ác tác và đối trị. Ác tác là sau khi tạo nghiệp sinh tâm ăn năn, hối hận; Đối trị là sau khi gây nghiệp bày tỏ sám hối. Nếu sau khi tạo nghiệp mà sinh tâm ăn năn và sám hối thì gọi là Tạo tác nghiệp, chứ không gọi Tăng trưởng nghiệp. Trái lại, sau khi tạo nghiệp không có ác tác, cũng không có đối trị thì mới gọi là Tăng trưởng nghiệp. 4. Hữu bạn: Có pháp đồng loại giúp sức. Như làm việc ác, có việc ác giúp sức thêm, đó tức là Tăng trưởng nghiệp; nếu không có việc ác giúp sức thì chỉ gọi là Tạo tác nghiệp. 5. Dị thục: Nghiệp nhất định mang lại quả dị thục. Nếu nghiệp được tạo nhất định sẽ mang lại quả dị thục(quả báo) thì gọi là Tăng thượng nghiệp, còn không mang lại quả dị thục thì chỉ gọi là Tạo tác nghiệp. Năm nghĩa trên đây chung cho cả nghiệp thiện và nghiệp ác. [X. kinh Nghiệp báo sai biệt; luận Câu xá Q.18].