tăng triệu

Phật Quang Đại Từ Điển

(僧肇) (384-414) Cao tăng Trung quốc sống vào đời Đông Tấn, người ở Trường an, Thiểm tây, họ Trương. Thủa nhỏ, nhà nghèo nên sư phải làm nghề viết thuê, nhờ thế mà được xem nhiều kinh sử. Mới đầu, sư hâm mộ Lão Trang, sau nhân đọc kinh Duy ma mà khai ngộ, liền xuất gia. Sư học thông cả 3 tạng nhưng đặc biệt giỏi các kinh Đại thừa phương đẳng, kiến thức sâu xa lại có tài biện luận nên chỉ mới 20 tuổi mà tiếng tăm đã lừng lẫy ở Quan trung. Khi nghe tin ngài Cưu ma la thập đang ở đất Lương, sư liền đến theo học, được ngài La thập khen là bậc kì tài. Đến khi nhà Diêu Tần phá Lương châu rước được ngài La thập thì sư theo ngài về Trường an. Vâng mệnh vua Diêu hưng, sư cùng với ngài Tăng duệ… ở trong vườn Tiêu dao định rõ các kinh luận, từ đó sự ngộ giải của sư càng sâu nên được khen là Giải không đệ nhất. Năm Hoằng thủy thứ 6 (404), ngài La thập dịch kinh Đại phẩm bát nhã, sư soạn Bát nhã vô tri luận, được ngài Cưu ma la thập và ngài Tuệ viễn rất tán thưởng. Tiếc thay, năm Nghĩa hi thứ 10 (414), sư thị tịch, hưởng dương 31 tuổi (Hiện nay có học giả suy đoán sư sinh vào năm Ninh khang thứ 2 (374) đời vua Hiếu vũ đế nhà Đông Tấn). Sư có các tác phẩm: Tông bản nghĩa, Vật bất thiên, Bất chân không, Bát nhã vô tri, Niết bàn vô danh(tất cả luận trên được người đời sau thu vào một tập, đề chung là Triệu luận). Ngoài ra còn có: Chú duy ma cật kinh 10 quyển, Bảo tạng luận 1 quyển, bài tựa kinh Duy ma cật, bài tựa kinh Trường a hàm, bài tựa Bách luận. Nhưng luận Bảo tạng thực ra là do người đời sau ngụy tạo rồi mượn tên sư chứ chẳng phải do chính sư soạn. Về trứ tác của ngài Tăng triệu, các bộ Xuất tam tạng kí tập quyển 12, Đông vực truyền đăng mục lục, Tăng bổ chư tông chương sớ lục, Pháp hoa huyền luận quyển 2… đều nói khác nhau.