tăng thượng

Phật Quang Đại Từ Điển

(增上) Phạm: Aupacayika, adhipati. Thêm lên, tức tăng cường năng lực giúp cho tác dụng tiến triển khiến các pháp lớn mạnh. Cứ theo luận Đại tì bà sa quyển 1, nếu nói theo tâm tăng thượng thì đó là Tố đát lãm(Kinh); nếu nói theo giới tăng thượng thì đó là Tì nại da(Luật); nếu nói theo tuệ tăng thượng thì đó là A tì đạt ma (Luận). Nhiếp Đại thừa luận thích quyển 1(bản dịch đời Đường), nói:Tuệ tăng thượng là trí tuệ hướng tới chứng ngộ. Luận Đại tì bà sa quyển 21 và luận Hiển dương thánh giáo quyển 1… có nêu 3 thứ Tăng thượng: 1. Tự tăng thượng: chỉ cho sức tăng thượng của chính mình tạo ra, như không tạo nghiệp ác thì không bị đọa vào đường ác. 2. Thế tăng thượng: Chỉ cho sức tăng thượng của thế gian, như làm các việc thiện thì được người đời khen ngợi; còn nếu làm các việc độc ác, tàn bạo, thì bị người thế gian nguyền rủa, chê cười. 3. Pháp tăng thượng: Chỉ cho sức tăng thượng của chính pháp, như vì hộ trì chính pháp nên không khởi nghiệp ác, cũng không khiến cho người đời khinh thường và phá hủy chính pháp. Luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập quyển 15 nêu 7 thứ Tăng thượng: 1. Thủ tăng thượng: Năm căn như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân có sức tăng thượng đối với cảnh giới năng thủ. 2. Sinh tăng thượng: Như nam căn, nữ căn có sức tăng thượng đối với việc sinh nở, thụ thai. 3. Trụ tăng thượng: Như mệnh căn có sức tăng thượng đối với sự tồn tại lâu dài của sắc thân. 4. Thụ dụng tạp nhiễm tăng thượng: Nămthụcăn như khổ căn, lạc căn, xả căn… có sức tăng thượng đối với các cảm nhận của thân tâm như thân không vui, tâm vui, thân tâm chẳng phải vui chẳng phải không vui… Đó cũng là sở tùy miên của tham sân si, tức vui là sở tùy miên của tham, khổ là sở tùy miên của sân, không khổ không vui là sở tùy miên của si. 5. Thanh tịnh tăng thượng: Năm căn như tín, tinh tiến, niệm… và 3 căn: Vị tri dục tri, tri, dĩ tri có sức tăng thượng đối với các pháp thanh tịnh thế gian và xuất thế gian. 6. Điền tăng thượng: Cộng nghiệp có sức tăng thượng đối với sự sinh khởi của khí thế gian như núi, sông, đất đai (điền)… 7. Chấp thụ tăng thượng: Bốn đại chủng đất,nước,lửa, gió có sức tăng thượng đối với các sắc pháp được tạo ra như sắc, hương… Trên đây là nói rõ tác dụng của mỗi căn trong 22 căn đều có sức tăng thượng đối với các pháp sở đối(đối tượng) của nó. Ngoài ra, mỗi một pháp đối với sự sinh, trụ của các pháp khác không gây trở ngại, hoặc giúp thêm sức cho thì gọi là Tăng thượng duyên. Quả của nhân năng tác gọi là Tăng thượng quả, còn thánh dục ưa thích đế lí thì gọi là Tăng thượng nhẫn pháp. Sự tăng thịnh của 3 căn bất thiện, gọi là Tăng thượng bất thiện căn. Thế lực của kiến mạnh mẽ bén nhạy, gọi là Kiến tăng thượng; sự tăng thượng của tuệ, gọi là Tuệ tăng thượng. Ngoài ra còn có Trí tăng thượng, Bi tăng thượng, Tín tăng thượng, Niệm tăng thượng, Kiến tăng thượng đạo, Tu tăng thượng đạo… [X. luận Đại tì bà sa Q.18, 54, 61; luận Tạp a tì đàm tâm Q.3; luận Câu xá Q.20; luận Hiển dương thánh giáo Q.14].