tăng quan

Phật Quang Đại Từ Điển

(僧官) Các chức vụ của chư tăng do triều đình bổ nhiệm để thống lãnh tăng ni các chùa viện trên toàn quốc nhằm duy trì kỉ cương và phát triển Phật giáo. Tại Ấn độ, trong Tăng đoàn có các chức vụ như: Thượng tọa, Tự chủ, Giám viện, Duy na, Trực nhật, Trực nguyệt, Trực tuế… nhưng không có chế độ quan chức; nếu tăng ni vi phạm giới luật thì do Tăng đoàn tự phân xử, phán quyết. Ở Trung quốc, tăng ni phần nhiều được triều đình che chở, không được thi hành chế độ tự trị, vì thế Tăng quan cần phải được thiết lập. Chế độ Tăng quan bắt đầu từ thời đại Ngụy, Tấn thuộc Nam Bắc triều, về sau, trải bao triều đại đều thừa kế chế độ này, chỉ có tên gọi các chức vị Tăng quan thì tùy triều đại mà có thay đổi. Như truyện ngài Tăng lược trong Lương cao tăng truyện quyển 6 ghi: Ở phương Bắc, người đầu tiên lập Tăng quan là vua Diêu hưng (ở ngôi 393-416) nhà Hậu Tần, lập ngài Tăng lược làm Tăng chính, ngài Tăng thiên làm Duyệt chúng, các ngài Pháp khâm và Tuệ bân làm Tăng lục để cai quản tăng ni. Thời Bắc Ngụy, khoảng năm Hoàng thủy (396-397), vua Đạo vũ đế ban sắc bổ nhiệm sa môn Pháp quả làm Đạo nhân thống để thống lãnh tăng đồ. Sau pháp nạn Thái vũ đế diệt Phật, Văn thành đế nối ngôi, liền ra sức phục hưng Phật giáo, thiết lập chế độ Tăng quan duy nhất để thống nhiếp Tăng đoàn. Ở trung ương đặt Giám phúc tào, do Đạo nhân thống làm chánh và Đô duy na làm phó để điều hành tăng sự. Niên hiệu Hưng an năm đầu (452), sa môn Sư hiền, người nước Kế tân, được bổ nhiệm làm Đạo nhân thống. Sau khi ngài Sư hiền tịch, chức Đạo nhân thống được đổi là Sa môn thống, do ngài Đàm diệu kế nhiệm. Các châu, quận, huyện thì thiết lập Tăng tào do Sa môn thống các địa phương làm chủ quản. Niên hiệu Hòa bình năm đầu (460), Giám phúc tào được đổi làm Chiêu huyền tự(theo Ngụy thư thích lão chí thì việc này diễn ra vào thời vua Hiếu văn đế), đặt 1 vị Đại thống, 1 vị Thống và 3 vị Đô duy na, đồng thời, thiết lập các chức Công tào và Chủ bạ viên… Trong đó, chức Đại thống dường như chưa được chính thức bổ nhiệm. Chiêu huyền tự được quyền xét xử các tăng ni phạm tội sát nhân trở xuống. Năm Thái hòa 17 (493) đời vua Hiếu văn đế, 47 điều tăng chế được đặt ra. Khoảng năm Vĩnh bình (508-511) đời vua Tuyên vũ đế, các chùa viện ở các châu quận thiết lập Tam cương (Tam quan), gồm có Thượng tọa, Tự chủ và Duy na. Về sau, Bắc Ngụy chia làm Đông Ngụy và Tây Ngụy. Đông Ngụy gọi chức Chiêu huyền thống của Chiêu huyền tự là Quốc thống, gọi Chiêu huyền Đô duy na là Quốc đô. Niên hiệu Đại thống năm đầu (535) đời vua Văn đế của Tây Ngụy, ngài Đạo trân ở chùa Đại trung hưng được bổ nhiệm làm Sa môn đại thống của nước Ngụy, không bao lâu lại lập thêm chức Chiêu huyền tam tạng, sắc ban Chu quốc tam tạng làm Tăng quan trung ương, Hạ châu tam tạng và An châu tam tạng làm Tăng quan địa phương, trông coi các việc như nghi lễ, giáo học… trong Tăng đoàn. Thời Bắc Tề, vào năm Thiên bảo thứ 2 (551) đời vua Văn tuyên đế, thiết lập chức Chiêu huyền thập thống, do 10 vị cao tăng đảm nhiệm; ngài Pháp thượng được cử đứng đầu Thập thống, gọi là Chiêu huyền đại thống, cũng gọi Chiêu huyền thống, còn 9 vị kia thì gọi là Thông thống. Theo truyện Hồng tuân trong Tục cao tăng truyện quyển 21, ngài Hồng tuân được cử giữ chức Đoán sự sa môn, có trách nhiệm xử lí các tăng ni vi phạm kỉ cương. Chế độ Tăng quan ở phương Nam có lẽ bắt đầu với chức Tăng chính ở Thục quận vào thời vua An đế (397-417) đời Đông Tấn, do quan Thứ sử Ích châu là Mao cừ thiết lập và do sa môn Tăng cung đảm nhiệm, nhưng đây là Tăng quan địa phương. Đến khoảng năm Vũ đế (ở ngôi 420-422) đời Lưu Tống, Tăng quan trung ương mới được thiết lập, do ngài Pháp hòa chùa Ngõa quan làm Tăng chủ. Trong năm Đại minh (457-464), vua Hiếu vũ đế ban sắc bổ nhiệm sa môn Đạo ôn làm Đô ấp tăng chính. Niên hiệu Thái thủy năm đầu (465), vua Minh đế sắc lệnh bổ nhiệm sa môn Tăng cẩn làm Thiên hạ tăng chủ. Chức Tăng quan thuộc các thời đại Nam triều tiếp tục dùng tên gọi Tăng chính hoặc Tăng chủ, nhưng các Tăng chính, Tăng chủ ở địa phương tương đối có thực quyền hơn các Tăng chính, Tăng chủ ở trung ương. Năm Thái thủy thứ 2 (467), Ni sư Bảo hiền làm Đô ấp Ni tăng chính và Ni sư Pháp tịnh làm Đô ấp Ni đô duy na, đây là lần đầu tiên các vị tỉ khưu ni được bổ nhiệm Tăng quan. Khoảng năm Vĩnh minh (483-493), vua Vũ đế nhà Nam Tề cùng lúc ban sắc bổ nhiệm ngài Pháp hiến chùa Định lâm thượng và ngài Huyền sướng chùa Trường can làm Tăng chủ Giang nam và Giang bắc. Về sau, Tăng quan lại được chia ra Đông và Tây. Theo Lương cao tăng truyện quyển 8, sa môn Tuệ cơ từng được bổ nhiệm làm Đông thổ tăng chính, thống lãnh chúng tăng ở 10 thành khoảng đất Ngô và Cối kê. Sa môn Tuệ cầu thì vào niên hiệu Trung hưng năm đầu (501) đời vua Hòa đế, được bổ nhiệm làm Kinh thổ tăng chính. Đến năm Phổ thông thứ 6 (525), vua Lương vũ đế sắc lệnh bổ nhiệm ngài Pháp vân chùa Quang trạch làm Đại tăng chính, đó là chức Đại tăng chính đầu tiên được thiết lập. Ngài Pháp vân nhân đó lại lập Tăng chế để làm phép tắc cho đời sau. Niên hiệu Thiên gia năm đầu (560), vua Trần văn đế ban sắc bổ nhiệm ngài Bảo quỳnh chùa Đại bành thành làm Kinh ấp đại tăng chính, cũng gọi Kinh ấp đại tăng thống. Niên hiệu Chí đức năm đầu (583), vua Trần hậu chủ ban sắc bổ nhiệm sa môn Tuệ hằng làm Kinh ấp đại tăng đô, sau chuyển nhiệm làm Đại tăng chính. Đời Tùy kế thừa chế độ Ngụy, Tề, Tăng quan lấy Thống làm Chánh và Đô làm Phó, đồng thời dùng cả danh xưng Tăng chủ và Tăng chính; đổi Chiêu huyền tự làm Sùng huyền thự, đặt dưới Hồng lô tự (nơi tiếp đãi khách nước ngoài và sứ thần triều cống). Niên hiệu Khai hoàng năm đầu (581), vua Văn đế ban chiếu bổ nhiệm ngài Tăng mãnh chùa Đại hưng thiện làm Tùy Quốc Đại Thống, Thánh sa di làm Quốc tăng đô. Năm Khai hoàng thứ 10 (591), thiết lập các quan chức như: Chiêu huyền đại thống, Chiêu huyền thống, Ngoại quốc tăng chủ… Theo Tùy thư bách quan chí 23, vào năm Đại nghiệp thứ 3 (607), Dượng đế đổi các chùa Phật gọi là Đạo tràng, ở các Đạo tràng và các Đạo quán (chùa của Đạo giáo) lập Giám thừa do ngài Đàm diên đảm nhiệm và chức Bình đẳng sa môn do ngài Trí tụ đảm trách. Có thuyết cho rằng Tăng quan đời Tùy không có tổ chức thống nhất quản lí, chỉ theo lệ thường và phương tiện quyền nghi mà lập ra các chức. Đến đời Đường, dưới Hồng lô tự cũng lập Sùng huyền thự. Năm Vũ đức thứ 3 (620), vua Cao tổ lại bổ nhiệm 10 vị Tăng quan, gọi là Thập đại đức. Vài năm sau, chế độ quan lại trung ương dần dần được hoàn bị, cơ cấu Tăng quan trung ương liền bị bãi bỏ và thay vào đó dùng quan thế tục quản lí các việc liên quan đến Tăng đoàn, như Tất viên giám, Từ bộ, Tả nhai đại công đức sứ, Hữu nhai đại công đức sứ, Đông đô công đức sứ… Thời Vũ hậu, Từ bộ(coi về việc cúng lễ, thiên văn, y dược…) quản lí các sự vụ liên quan đến Phật giáo, Sùng huyền thự quản lí các sự vụ liên quan đến Đạo giáo. Vào thời Trung Đường, chế độ Tăng quan trung ương được thiết lập trở lại, như các ngài Trừng quán, Duy anh… được bổ nhiệm làm Tăng thống, nhưng chỉ trên danh nghĩa chứ không có thực quyền. Đầu những năm Nguyên hòa (806-820), dưới Tả hữu lưỡng nhai công đức sứ, lập thêm chức Tăng lục để trông coi các việc của tăng ni ở Trung ương, ngài Vân thúy làm Hữu nhai tăng lục và ngài Đoan phủ làm Tả nhai tăng lục. Khoảng năm Càn ninh (894-897) đời vua Chiêu tông, ngài Giác huy giữ chức Lưỡng nhai Phó tăng lục, đây là chức Phó tăng lục đầu tiên. Ngoài ra, ở đầu đời Đường còn có chức Tăng thống, là vị Tăng quan cao nhất ở địa phương. Các chùa viện trong nước thì có chức Tam cương do vị Thượng tọa đảm nhiệm. Vào thời Nam, Bắc Tống, ở thủ đô Khai phong thiết lập Tả nhai tăng lục ti và Hữu nhai tăng lục ti để quản lí về sổ tăng tịch và bổ nhiệm Tăng quan; trong đó có các chức: Tăng lục, Phó tăng lục, Giảng kinh thủ tọa, Giảng luận thủ tọa… (2 chức sau đến đời Nam Tống bị bãi bỏ); dưới Tăng lục có Thứ vụ viên,gọi là Giám nghĩa, thời Nam Tống lập thêm chức Ngạch ngoại giám nghĩa. Tăng quan các địa phương thì dùng theo chế độ Tăng quan đời Đường, tức các châu mỗi châu lập 1 chức Tăng chính, dưới có Phó tăng chính, Tăng phán… Đến đời Nguyên, viện Tuyên chính thống lãnh Tăng đoàn toàn quốc, trong đó lập các chức như: Tổng thống, Tăng lục, Chính đô cương, Phó đô cương… Năm Đại đức thứ 6 (1302), vua Thành tông ban sắc lệnh, các Tăng quan và tăng ni nói chung nếu phạm tội thì do Ngự sử đài và Nội ngoại tuyên chính viện xử lí. Tại các châu đặt Tăng chính ti, dưới đó lập Tăng chính và Phó tăng chính, các huyện thì đặt Đô cương. Năm Chí thuận thứ 2 (1331) ở các nơi thiết lập 16 sở Quảng giáo tổng quản phủ, bao gồm các địa phương như: Kinh kì sơn hậu đạo, Lưỡng hoài giang bắc đạo, Quảng tây lưỡng hải đạo, Cam túc chư lộ… Cơ cấu chi nhánh của Đại đô tuyên chính viện ở Giang nam là sở Thích giáo tổng thống, do vị Tăng quan địa phương làm Giám đốc. Đến đời Minh, vào những năm đầu, vua Thái tổ thiết lập Thiện thế viện ở chùa Thiên giới tại Kim lăng để thống lãnh giáo đoàn, đặt các chức: Thống lãnh, Phó thống lãnh, Tán giáo, Kỉ hóa… Năm Hồng vũ 15 (1382), thiết lập Tại kinh tăng lục ti và Tại ngoại tăng lục ti. Trong Tại kinh tăng lục ti lại lập Chính lục phẩm tả thiện thế, Chính lục phẩm hữu thiện thế, Tòng lục phẩm tả xiển giáo, Tòng lục phẩm hữu xiển giáo; Chính bát phẩm tả giảng kinh và Chính bát phẩm hữu giảng kinh; Tòng bát phẩm tả giác nghĩa và Tòng bát phẩm hữu giác nghĩa… Dưới Tại ngoại tăng lục ti thì thiết lập: 1. Tăng cương ti cấp phủ: Có 1 chức Đô cương và 1 chức Phó đô cương. 2. Tăng chính ti cấp châu: Có 1 chức Tăng chính. 3. Tăng hội ti cấp huyện: Có 1 chức Tăng hội. Nhiệm vụ của các cơ cấu trên đây là: Kiểm tra nhân số tăng ni, lập thành sổ bộ; Tuyển chọn Trụ trì các chùa viện; Cấp phát độ điệp; Xem xét, chỉ đạo tăng ni làm việc. Sang đời Thanh, chế độ Tăng quan được thiết lập theo chế độ Tăng quan đời Minh, nhưng không có thực quyền thống lãnh tăng ni. Chế độ Tăng quan ở Hàn quốc bắt đầu vào năm thứ 11 (550) đời vua Chân hưng xứ Tân la, bấy giờ lập 1 vị Đại thư tỉnh, do Pháp sư An tang đảm nhiệm. Về sau lại lập thêm 2 vị Tiểu thư tỉnh. Năm sau, Pháp sư Huệ lượng, người Cao cú li, được cử làm Quốc thống (Tự chủ), Pháp sư Bảo lương làm Đại đô duy na. Thời Thiện đức Nữ vương (632-646), Pháp sư Từ tạng được bổ nhiệm làm Đại quốc thống. Năm Nguyên thánh vương thứ 3 (787), 2 ngài Huệ anh và Phạm như làm Tiểu thư tỉnh. Lại lập 9 vị Châu thống và 18 vị Quận thống. Đến triều Cao li cũng có chế độ Tăng thống, Tăng lục. Cứ theo Cao li sử quyển 8, 16, 17, 39 và Triều tiên thông giám quyển 37, vào năm Văn tông 21 (1067), chùa Hưng vương được khánh thành, vua ban sắc cho Hữu nhai tăng lục Đạo nguyên tuyển chọn 1000 vị tăng giới hạnh trang nghiêm đến dự lễ. Năm Nhân tông 12 (1134), ngài Tịnh tâm làm Tam trùng đại thống. Năm Nghị tông thứ 2 (1148), ngài Pháp tôn Huyền hi làm Cực thế tăng thống. Năm Cung mẫn vương thứ 5 (1356), ngài Phổ ngu được vua phong làm Vương sư. Đến triều Lí, năm Thế tông thứ 6 (1425), 7 tông của Phật giáo Triều tiên được hợp thành Thiền tông và Giáo tông, bãi bỏ chức quan Tăng lục ti. Năm Tuyên tổ 26 (1592) lại lập chức Tăng thống, chiêu mộ Tăng binh, ngài Tây sơn được cử làm Đô tổng nhiếp và ngài Tùng vân làm Phó tổng nhiếp. Chế độ này được người đời sau tiếp tục sử dụng. Tại Nhật bản, Tăng quan cũng gọi là Tăng cương, chế độ này bắt đầu vào năm Suy cổ thiên hoàng 32 (624), ngài Quán lặc làm Tăng chính, ngài An bộ Đức tích làm Tăng đô, ngài Hà đàm liên làm Pháp đầu. Năm Thiên hoàng Thiên vũ 12 (684), các chức trên được đổi là Tăng chính, Tăng đô, Luật sư…, gọi chung là Tam cương. Tháng 1 năm Thiên bình 17 (745), ngài Hành cơ được cử làm Đại tăng chính. Năm Trinh quán thứ 6 (864), các cấp bậc Tăng quan được xếp theo các Tăng vị: Pháp ấn, Pháp nhãn, Pháp kiều…; Pháp ấn là cấp bậc Tăng chính, Pháp nhãn là cấp Tăng đô, Pháp kiều là cấp Luật sư. Đến đời Túc lợi Nghĩa mãn lại phỏng theo chế độ Tăng quan các đời Đường, Tống của Trung quốc, thiết lập quan chức Tăng lục, cai quản các chùa viện Thiền tông Ngũ sơn, Thập sát. Đến đầu thời Minh trị, chế độ Tăng quan bị bãi bỏ. Năm Minh trị 17 (1884), các tông phái được chính phủ thừa nhận, tự đặt ra tông chế, tự pháp, lập Tăng chính, Tăng đô… để thống lãnh giáo đoàn. [X. Lương cao tăng truyện Q.7, 11, 13; Tỉ khưu ni truyện Q.3; Tục cao tăng truyện Q.9, 10, 23; Tống cao tăng truyện Q.6, 29; Phật tổ thống kí Q.36, 41, 42, 51, 54; Đại thanh hội điển Q.248; Cổ kim đồ thư tập thành thần dịđiển 59, 65].