táng phục

Phật Quang Đại Từ Điển

(喪服) Tức hiếu phục, là y phục mà hiếu đồ trong lễ tang hay trong thời kì cư tang. Về tang phục của người xuất gia thì trong các kinh luật, kể cả kinh Niết bàn, đềukhông thấy đề cập đến. Nhưng điều Tống chung phục chế trong Thích thị yếu lãm quyển hạ thì ghi (Đại 54, 307 hạ): Bạch hổ thông nói: Đệ tử đối với thầy có đủ đạo vua tôi, cha con, bằng hữu, cho nên lúc thầy còn sống thì tôn kính, gần gũi, khi thầy qua đời thì thương tiếc, đau xót. Vì ơn sâu nghĩa nặng nên phải phục tang. Còn Thích thị tang nghi thì nói: Nếu là Hòa thượng nghiệp sư thì giống như cha mẹ, vì ơn sâu nuôi dạy nên theo lệ đều phải để tang 3 năm; nếu là Y chỉ sư thì công ơn dạy dỗ kế sau Hòa thượng, nên theo đó mà tang phục. Tang phục của người xuất gia giống như pháp phục, nhưng chất vải thô hơn và nhuộm màu vàng sẫm. Điều Thiên hóa hiếu phục, chương Trụ trì trong Sắc tu bách trượng thanh qui quyển 2 nói: Khi vị Trụ trì viên tịch, Thị giả, Tiểu sư mặc tang phục vải gai, Lưỡng tự cũng dùng vải gai; vị Chủ tang và các vị tôn trưởng trong pháp quyến mặc tang phục bằng lụa sống; Cần cựu, Biện sự, những người đồng hương trong pháp quyến và các sơn môn đến phúng điếu đều dùng khăn bằng lụa trắng thắt ở lưng, thí chủ dùng khăn lụa trắng chít trên đầu, Phương trượng hành giả mặc áo và chít khăn bằng vải gai, các hành giả nói chung đều chít khăn vải gai. [X. môn Phục chương trong Thiền lâm tượng khí tiên]. (xt. Hiếu Phục).