tăng nhất a hàm kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(增壹阿含經) Phạm: Ekottarikàgama. Pàli: Aíguttara-nikàya. Hán âm: Y cô đạt ra a cam. Kinh, 51 quyển, do ngài Cù đàm tăng già đề bà dịch vào đời Đông Tấn, được thu vào Đại chính tạng tập 2, là 1 trong 4 bộ A hàm của hệ Bắc truyền. Về tên gọi của kinh này, theo Thiện kiến luật tì bà sa quyển 1, luật Ngũ phần quyển 30, luật Tứ phần quyển 54… thì sở dĩ gọi Tăng nhất a hàm là vì các kinh trong đó được phân loại theo thứ tự pháp số tăng từ 1 đến 11 mà biên tập thành, cho nên gọi là Tăng nhất. Còn theo Tát bà đa tì ni tì bà sa quyển 1 thì Tăng nhất a hàm là bộ kinh gồm nhiều bài kinh ngắn mà đức Phật tùy thời nói cho hàng trời, người nghe rồi sau được kết tập lại mà thành. Toàn bộ kinh có 52 phẩm, 472 kinh, nội dung mang đậm sắc thái tư tưởng Đại thừa, được thành lập muộn nhất trong 4 bộ A hàm. Sắp xếp như sau: Đầu tiên là phẩm Tựa, nói về nhân duyên ngài A nan truyền tụng, kết tập kinh này, ngài Ưu đa la thụ pháp… kế đến là theo phương pháp tăng số mà tập hợp và phân loại các kinh ngắn như sau: 1. Loại 1 pháp: Gồm 13 phẩm. 2. Loại 2 pháp: Gồm 6 phẩm. 3. Loại 3 pháp: Gồm 4 phẩm. 4. Loại 4 pháp: Gồm 7 phẩm. 5. Loại 5 pháp: Gồm 5 phẩm. 6. Loại 6 pháp: Gồm 2 phẩm. 7. Loại 7 pháp: Gồm 3 phẩm. 8. Loại 8 pháp: Gồm 2 phẩm. 9. Loại 9 pháp: Gồm 2 phẩm. 10. Loại 10 pháp: Gồm 3 phẩm. 11. Loại 11 pháp: Gồm 4 phẩm. Trong đó, ở cuối các phẩm và các kinh, phần nhiều có bài tụng tổng quát để tóm tắt đại ý của phẩm hoặc kinh ấy. Về sự chia phẩm và quyển trong Tăng nhất a hàm thì 3 bản Tống, Nguyên, Minh đều có 52 phẩm, 50 quyển, còn bản Cao li thì có 50 phẩm, 51 quyển. Về sự tăng số của kinh này thì có 2 thuyết: 1. LuậtMa ha tăng kì quyển 32, luận A tì đàm tì bà sa quyển 10, Hữu bộ tì nại da tạp sự quyển 39… cho rằng kinh Tăng nhất a hàm vốn từ 1 pháp theo thứ tự tăng đến 100 pháp, sau vì thất lạc nên chỉ còn truyền 10 pháp. 2. Luật Ngũ phần quyển 30, luật Tứ phần quyển 54, Soạn tập tam tạng cập tạp tạng truyện, luận Phân biệt công đức quyển 2… thì cho rằng kinh này từ 1 pháp theo thứ tự tăng đến 11 pháp, tổng cộng có 11 pháp. Thuyết này tương đối phù hợp với nội dung kinh Tăng nhất a hàm hiện còn. Trong 5 bộ thuộc hệ Nam truyền thì Tăng chi bộ (Pàli: Aíguttara-nikàya) tương đương với kinh này. Tăng chi bộ có tất cả 11 tụ, 171 phẩm, 2203 kinh. Cứ theo Hán dịch Tứ a hàm (The four Buddhist Àgamas in Chinese) của học giả Tỉ kì Chính trị người Nhật và Hán Pa tứ bộ tứ a hàm hỗ chiếu lục của học giả người Nhật khác là ông Xích chiểu Trí thiện thì trong 472 kinh của Tăng nhất a hàm bản Hán dịch, chỉ có 136 kinh có nội dung tương đương hoặc có thể đối chiếu với Tăng chi bộ tiếngPàli. Các sách đã dẫn còn chỉ ra rằng trong Tăng chi bộ không bao hàm tư tưởng Đại thừa của kinh Hán dịch, vả lại, cũng ít thấy có dấu vết mở rộng và sửa đổi, cho nên việc biên soạn Tăng chi bộ chắc phải sớm hơn kinh Hán dịch, tức đã được hoàn thành vào khoảng thế kỉ I Tây lịch. Còn phần giải đề kinh Tăng nhất a hàm trong Phật quangĐại tạng kinh thì nói rằng giữa Tăng nhất a hàm và Tăng chi bộ có tất cả 153 kinh tương đương hoặc giống nhau. Các kinh Biệt sinh của Tăng nhất a hàm bản Hán dịch có tất cả 28 loại, trong có kinh A la hán cụ đức 1 quyển. Thời gần đây, trong những quyển kinh xưa bằng tiếng Phạm còn sót lại được tìm thấy ở vùng Tân cương, Trung quốc, có phần tương đương với kinh thứ 5 trong phẩm Thiện tụ của kinh Tăng nhất a hàm Hán dịch; phần này được thu chép vào tác phẩm Manuseript Remains of Buddhist Literature Found in Eastern Turkestan, vol. I của học giả Hoernle. Ngoài ra, các kinh được thu chép trong Đại tạng kinh Tây tạng như: Kinh Từ thị sở vấn phẩm (Tạng: Byams-pas shus pa#i le#u) tương đương với bài kinh thứ 6 trong phẩm Thiện tri thức của kinh Tăng nhất a hàm; kinh Đại vi diệu chàng (Tạng: Mdo Chen-po rgyal-mtshan dam-pa she-bya-ba) tương đương bài kinh thứ 1 trong phẩm Cao chàng; kinh Tứ đế (Tạng: Lden-pa-bshi#i mdo) tương đương với bài kinh thứ 1 trong phẩm Tứ đế; kinh Lợi ích chỉ man (Tạng: Sor-mo#i phren-bala phan-pa) tương đương với bài kinh thứ 6 trong phẩm Lực; kinh Từ quán tưởng (Tạng: Byams-pa bsgom-pa#i mdo) tương đương với bài kinh thứ 10 trong phẩm Phóng ngưu. Về việc lưu truyền kinh Tăng nhất a hàm, theo Pháp hoa kinh huyền nghĩa quyển 1, phần đầu và Hoa nghiêm kinh sớ sao huyền đàm quyển 8 thì Tứa hàm đều do Đại chúng bộ truyền; nhưng luận Phân biệt công đức quyển 2 thì chủ trương do Tát bà đa bộ truyền; còn học giả Thủy dã Hoằng nguyên người Nhật thì cho là do mạt phái của Đại chúng bộ truyền. [X. luận Du già sư địa Q.85; Đại tạng thánh giáo pháp bảo tiêu mục Q.6; Chí nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục Q.6; Duyệt tạng tri tân Q.26; Đại tạng kinh Nam điều mục lục bổ chính sách dẫn; Nguyên thủy Phật giáo thánh điển chi tập thành (Ấn thuận)]. (xt. A Hàm, A Hàm Kinh).