tăng lãng

Phật Quang Đại Từ Điển

(僧朗) I. Tăng Lãng (?-?) Cao tăng Trung quốc sống vào thời Nam Bắc triều, người đất Kinh triệu. Từ nhỏ sư đã du phương tham học, ban đầu, theo ngài Phật đồ trừng (232-348) học giới, sau học cả Bát nhã. Về sau, sư lập tinh xá ở núi Côn lôn, hang Kim dư, phía tây bắc Thái sơn làm đạo tràng hoằng pháp, đệ tử có hơn trăm người, nổi tiếng về nghiêm trì giới luật; nơi đây cũng là trung tâm của Phật giáo miền Bắc đương thời. Có lần sư dẹp được nạn hổ(cọp) dữ trong núi, làm cho đạo tục được an ổn. Vì sư có năng lực thần dị nên được người đời tôn xưng là Thần tăng. Sau, sư thị tịch trong núi.II. Tăng Lãng (?-?) Cũng gọi Đạo lãng, Đại lãng pháp sư, Nhiếp sơn đại sư. Cao tăng kiêm học giả Trung quốc, thuộc tông Tam luận, sống vào đời Tề Lương thuộc Nam triều, người ở thành Liêu đông, Cao cú li, Tị tổ của học phái Tân tam luận. Ban đầu, sư theo ngài Pháp độ học tập kinh luận, tinh thông học thuyết Hoa nghiêm, Tam luận. Về sau, sư lần lượt trụ ở chùa Thê hà tại Nhiếp sơn, chùa Thảo đường ở Chung sơn để hoằng pháp. Vì ngưỡng mộ phong cách đạo đức của sư nên vào năm Thiên giám 11 (512), vua Vũ đế nhà Lương sắc lệnh các vị Tăng thuyên, Tăng hoài… đến Nhiếp sơn theo sư học Tam luận, sau chỉ có ngài Tăng thuyên là nối được pháp của sư. Cũng có thuyết cho rằng, đầu tiên sư đến Đôn hoàng theo pháp sư Đàm khánh học Tam luận, cómột độ ẩn cư tại núi Cối kê, sau mới vào Nhiếp sơn. [X. truyện Pháp độ trong Lương cao tăng truyện Q.8; Pháp hoa huyền nghĩa thích tiêm Q.19].