tạng giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(藏教) Gọi đủ: Tam tạng giáo. Tức tên khác của Tiểu thừa giáo, 1 trong 4 giáo Hóa pháp do ngài Trí khải tông Thiên thai lập ra. Tứ giáo nghĩa, quyển 1 (Đại 46, 721 thượng) nói: Tam tạng giáo nói rõ về lí Tứ thánh đế nhân duyên sinh diệt, phần chính là giáo hóa Tiểu thừa, phụ là giáo hóa Bồ tát. Tam tạng giáo gồm Tu đa la tạng, Tì ni tạng và A tì đàm tạng; (…) Tam tạng giáo này thuộc về Tiểu thừa. Tu đa la tạng chỉ cho 4 bộ A hàm; Tì ni tạng chỉ cho Bát thập tụng luật, còn A tì đàm tạng thì chỉ cho cácbộPhân biệt pháp nghĩa của Phật và các đệ tử. Ba tạng này gọi chung là tạng vì mỗi tạng đều hàm chứa tất cả văn lí, cũng tức A hàm là Định tạng, Tì ni là Giới tạng và A tì đàm là Tuệ tạng; các giáo của 3 tạng này đều có công dụng chuyển ác thành thiện, chuyển mê khai ngộ, chuyển phàm thành thánh, vì thế gọi chung là Tam tạng giáo. Theo giáo phán của tông Thiên thai thì giáo này là giáo đầu tiên trong 4 giáo Hóa pháp. Người tu hành giáo này quán Tứ đế nhân duyên sinh diệt, dứt trừ Kiến hoặc, và Tư hoặc, rõ suốt Tử phược và Quả phược mà vào Niết bàn vô dư, lấy khôi thân diệt trí(thân diệt trí bặt) làm quả cùng tột. Căn cơ được giáo này hóa đạo có 3 thừa khác nhau: Chính yếu là giáo hóa 2 thừa Thanh văn và Duyên giác, phần phụ là giáo hóa Bồ tát. Trong đó, Thanh văn quán 4 đế, Duyên giác quán 12 nhân duyên, Bồ tát tu 6 độ, mỗi thừa đều có kì hạn chứng quả. 1. Giai vị tu hành của Thanh văn có Thất hiền, Thất thánh khác nhau: a.Thất hiền(cũng gọi Thất phương tiện), thuộc về phàm vị. Trong đó, Tam hiền là Ngoại phàm, Tứ thiện căn là Nội phàm. b. Thất thánh: Từ Tùy tín hành cho đến bậc A la hán Câu giải thoát, tức bậc Thánh từ kiến đạo trở lên, tùy theo căn cơ bén nhạy hay chậm lụt mà lập ra Tam đạo, Tứ quả khác nhau. 2. Duyên giác vì là hàng lợi căn nên không trải qua thứ bậc mà tu hành liền được giác ngộ, chẳng những chỉ đoạn trừ các phiền não căn bản mà còn diệt sạch các tập khí. 3. Bồ tát cũng không lập thứ bậc, trải qua 3 a tăng kì 100 đại kiếp tu các hạnh 6 độ 100 phúc, chiết phục các phiền não, thân cuối cùng chứng được 8 tướngthành đạo, tức đạt đến quả Phật của giáo này, gọi là Liệt ứng sinh thân. Pháp môn của Tam thừa tuy không giống nhau, thứ bậc tu hành và đoạn hoặc tu chứng cũng khác nhau, nhưng lại cùng tu Tích không quán, cùng chứng lí không thiên chân, cùng qui về khôi, đoạn(khôi thân diệt trí), vì thế gọi là Chuyết độ. Ngài Trí khải cho rằng giáo này có đủ 4 môn là Hữu môn, Không môn, Diệc hữu diệc không môn, Phi hữu phi không môn và đem phối Hữu môn với Tì đàm, Không môn với Thành thực, Diệc hữu diệc không môn với Côn lặc, Phi hữu phi không môn với Xa nặc sở dụng. Nhưng vì luận Côn lặc và luận Xa nặc sở dụng ở Trung quốc vốn không có bản dịch nên ngài Trí khải chủ trương căn cứ vào Hữu môn của Tì đàm làm chính, Không môn của Thành thực làm phụ để giải thích rõ về ý nghĩa và những giai vị tu hành của Tạng giáo.Về vấn đề ngài Trí khải cho rằng Tam ạng giáo là Tiểu thừa giáo, trong Tục hoa nghiêm kinh lược sớ san định kí quyển 1, ngài Tuệ uyển nêu ra 4 lỗi để phản bác ý kiến của ngài Trí khải. Bốn lỗi ấy là: 1. Quá lạm Đại thừa. 2. Đại thừa không có Tam tạng. 3. Trái với giáo tột bậc. 4. Bất định. Trong Hoa nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao quyển 2, ngài Trừng quán–Tổ thứ 4 của tông Hoa nghiêm– cũng nêu ra lí do tại sao không nên xếp Tam tạng giáo vào Tiểu thừa giáo, vì Tam tạng giáo cũng bao hàm Lục độ bồ tát Đại thừa, có năng lực dứt trừ kết hoặc 34 tâm mà chứng thành chân Phật, vì thế không thể xem là đồng với Tiểu thừa giáo. Nhưng trong Thiên thai tứ giáo nghi bị thích quyển thượng ngài Nguyên túy, người Cao li thuộc tông Thiên thai thì phản đối thuyết trên và cho rằng (Vạn 102, 77 thượng): Nay khảo sát đại bản thì thấy có 3 ý: 1. Tam tạng Tiểu thừa là riêng biệt(Giới tạng Đại thừa ở trong kinh Phạm võng). 2. Tam tạng của Tiểu thừa cách biệt khác nhau(Kinh học, Luật học, Luận học không tương dung). 3. Tam tạng của Tiểu thừa phá thầy thuốc xưa(thầy thuốc xưa đối phá ngoại đạo tà kiến). Vì 3 lí do trên đây nên gọi Tiểu thừa là Tam tạng giáo. [X. Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.4 hạ, Q.10 thượng; Pháp hoa kinh văn cú Q.9 thượng; Ma ha chỉ quán Q.3 hạ; Tứ niệm xứ Q.1, 2; Pháp hoa huyền nghĩa thích quyết Q.3, phần 3; Bát giáo đại ý; Thiên thai tứ giáo nghi tập chú Q.thượng; Giáo quán cương tông; Thủ hộ quốc giới chương Q.thượng; Pháp hoa huyền nghĩa tư kí Q.1].