tăng già bạt đà la

Phật Quang Đại Từ Điển

(僧伽跋陀羅) Phạm: Saôghabhadra. Hán dịch: Chúng hiền, Tăng hiền. I. Tăng Già Bạt Đà La. Luận sư người Ca thấp di la thuộc Bắc Ấn độ. Thủa nhỏ sư đã thông minh hiểu rộng, được mọi người khen ngợi. Sư nghiên cứu sâu sát luận Đại tì bà sa. Bấy giờ, ngài Thế thân (Phạm: Vasubandhu) soạn luận A tì đạt ma câu xá, đứng trên lập trường tư tưởng của Kinh bộ để bác bỏ học thuyết của các Luận sư Tì bà sa. Sư thấy được đại ý, rồi khổ công nghiên cứu trong 12 năm mà soạn thành luận Câu xá bạc gồm 2 vạn bài tụng, 8 trăm nghìn lời. Sau đó, sư cùng với mấy người học trò mang luận này đến ngài Thế thân, muốn tranh biện để đánh đổ luận thuyết của ngài. Lúc ấy, ngài Thế thân đang ở trong thành Xa yết la nước Trách ca, nghe tin sư sắp đến, vì không muốn tranh luận với sư, nên ngài Thế thân sắp xếp hành trang, dẫn các đệ tử đi xa. Sư cũng chuyển hướng đi theo ngả đường ngài Thế thân, nhưng khi đến ngôi chùa ở nước Mạt để bổ la thì bỗng bị bệnh nặng không đi tiếp được, sư bèn sai đệ tử mang luận kèm theo phong thư đến ngài Thế thân. Ngài Thế thân đọc thư và xem luận của sư xong, trầm ngâm giây lâu, rồi nói với các đệ tử rằng: Lí tuy không đủ nhưng lời lại có dư, đối với tông ta, luận này đã phát minh được những điều mới lạrồi đổi tên của luận này là luận Thuận chính lí. Không bao lâu sư thị tịch ở chùa ấy, đệ tử thiêu nhục thân, thu di cốt, xây tháp thờ trong rừng Am một la phía tây bắc chùa. Khi ngài Huyền trang đến Ấn độ thì tháp ấy vẫn còn. Sư để lại các tác phẩm: Luận Quang tam ma da(tức là luận A tì đạt ma tạng hiển tông, 40 quyển, do ngài Huyền trang dịch), luận Tùy thực (tức là luận Thuận chính lí, 80 quyển). [X. Câu xá luận quang kí Q.1; Đại đường tây vực kí Q.4; Nam hải kí qui nội pháp truyện Q.4]. II. Tăng Già Bạt Đà La. Cao tăng người Tây vực đến Trung quốc dịch kinh vào thời Nam Tề. Cứ theo Lịch đại tam bảo kỉ quyển 11, trong năm Vĩnh minh (483-493), Bạt đà la và thầy là Tam tạng Pháp sư đi thuyền đến Quảng châu, khi sắp lên thuyền, Tam tạng Pháp sư bỗng muốn trở lại, bèn giao tạng Luật mang theo cho sư. Năm Vĩnh minh thứ 7, sư cùng với Sa môn Tăng y(cũng gọi Tăng huy) dịch bộ luật này ở chùa Trúc lâm tại Quảng châu, đó chính là bộ Thiện kiến luật tì bà sa 18 quyển. Vì cùng an cư nên sau khi thụ Tự tứ vào ngày rằm tháng 7 Vĩnh minh thứ 8, sư phỏng theo đời trước, dâng hương hoa cúng dường Luật tạng xong thì chấm một điểm, bấy giờ đã chấm được 975 điểm, đây chính là Chúng Thánh Điểm Kí; 975 điểm tức là khoảng thời gian từ năm đức Phật diệt độ đến năm Vĩnh minh thứ 8. [X. Xuất tam tạng kí tập Q.2, 11; Pháp kinh lục Q.5; Khai nguyên thích giáo lục Q.6]. (xt. Chúng Thánh Điểm Kí).