tăng già

Phật Quang Đại Từ Điển

(僧伽) I. Tăng Già. Phạm, Pàli: Saôgha. Gọi tắt: Tăng. Phạm Hán: Tăng chúng, Tăng gia, Tăng ngũ.Hán dịch: Hòa, Chúng, Hòa hợp. Cũng gọi Hòa hợp chúng, Hòa hợp tăng, Hải chúng(chúng tăng hòa hợp như nước biển chỉ có một vị, cho nên dùng biển để ví dụ mà gọi là Hải chúng). Tức chỉ cho đệ tử của Phật xuất gia tu đạo, đầy đủ giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, trụ nơi giai vị Tứhướng Tứ quả, hoặc chỉ cho đoàn thể gồm 4 vị tỉ khưu trở lên sống hòa hợp theo tinh thần giới luật. Đoàn thể Tăng già đầu tiên là 5 vị tỉ khưu: A nhã kiều trần như… được đức Phật hóa độ ở vườn Nai sau khi Ngài thành đạo. Theo luật sư Đạo tuyên đời Đường thì muốn tổ chức thành Tăng già phải có 2 điều kiện: 1. Lí hòa: Tức tuân theo giáo nghĩa của Phật giáo, lấy Niết bàn giải thoát làm mục đích.2. Sự hòa: Gồm có: Giới hòa đồng tu, Kiến hòa đồng giải, thân hòa đồng trụ, lợi hòa đồng quân, khẩu hòa vô tránh và ý hòa đồng duyệt. Tăng vốn là từ gọi chung các tỉ khưu, tỉ khưu ni. Ở Trung quốc và Nhật bản gọi tỉ khưu là Tăng, tỉ khưu ni là Ni. Nhưng đến đời sau thì không những tỉ khưu, tỉ khưu ni, mà cả sa di, sa di ni cũng được gọi là Tăng hoặc Ni, các tỉ khưu thì gọi là Đại tăng, còn các sa di thì gọi là Tiểu tăng. Đại thừa nghĩa chương quyển 10 (Đại 44, 656 thượng) nói: Bậc Thánh bồ tát thì chỉ một mình, không có lữ nên không thành Tăng. Lữ ở đây có nghĩa là đồng bạn, đồng nghĩa với chữ chúng. Tỉ khưu, tỉ khưu ni, sa di, sa di ni gọi chung là Tứ chúng. Nói theo nghĩa rộng thì Tăng già là toàn thể giáo đoàn Phật giáo bao gồm cả chúng tại gia, tức là Thất chúng. Ngoài ra, Tỉ khưu tăng già và Tỉ khưu ni tăng già, gọi chung là Lưỡng tăng già, cũng gọi là Nhị bộ chúng, Nhị chúng. Về phương diện quan niệm thì bao gồm tất cả tỉ khưu, tỉ khưu ni 4 phương, gọi là Tứ phương tăng già; còn giáo đoàn tỉ khưu, tỉ khưu ni hiện tiền thì gọi là Hiện tiền tăng già.Hiện tiền tăng già phải có 4 người trở lên nhóm họp trong tinh thần hòa hợp mới cử hành được pháp Yết ma(tác pháp về giới luật), nếu 4 người trở xuống thì chỉ gọi là Quần. Lại do chủng loại yết ma khác nhau nên số các vị tỉ khưu nhóm họp cũng bất đồng. Chương Chiêm ba trong luật Tứ phần quyển 44 chia làm 4 loại:Tứ nhân tăng (Tăng 4 người), Ngũ nhân tăng(Tăng 5 người), Thập nhân tăng (Tăng 10 người) và Nhị thập nhân tăng (Tăng 20 người). Theo luật Ngũ phần quyển 24 và Đại phẩm Luật tạng tiếng Pàli (Mahàvagga IX, 4), nếu quá 20 người thì thuộc Vô lượng tỉ khưu tăng. Như vậy, tất cả có 5 loại Tăng. Trong đó, Tứ nhân tăng có thể cử hành tất cả các pháp Yết ma, chỉ trừ yết ma tự tứ, thụ đại giới và cử tội; Ngũ nhân tăng cũng được cử hành tất cả các pháp yết ma, chỉ trừ yết ma thụ đại giới và yết ma cử tội; còn Nhị thập nhân tăng thì được cử hành hết thảy yết ma. Cứ theo Đại thừa pháp uyển nghĩalâm chương quyển 6, phần đầu, Tăng có 3 loại là: Lí hòa, Sự hòa và Biện sự: 1. Đứng về phương diệnLí hòa mà nói thì một người cũng được gọi là Tăng. 2. Nói theo phương diện Sự hòathì phải có 3 người mới được gọi là Tăng. 3. Còn nói theo nghĩaBiện sự thì phải từ 4,5 cho đến 20 người trở lên mới gọi là Tăng. Ở Trung quốc thì chỉ một người cũng gọi là Tăng hoặc Tăng lữ; danh từ Tăng đồng nghĩa với sa môn xuất gia; trong Tam bảo, Tăng được gọi là Tăng bảo, đều lấy tỉ khưu làm chính, nhưng Tăng cũng có khi chỉ cho tỉ khưu ni. Hợp chung lại thì tỉ khưu và tỉ khưu ni được gọi là Tăng ni. Ngoài ra, về chủng loại của Tăng, trong các kinh điển ghi chép khác nhau. Thời Phật còn tại thế, có phá giới tăng và độn căn tăng… Pháp Chiêm ba trong Thập tụng quyển 30 liệt kê 5 loại Tăng: 1. Vô tàm quí tăng: Chỉ cho các tỉ khưu phá giới, không biết hổ thẹn(tàm quí). 2. Nâu dương tăng: Chỉ cho các tỉ khưu độn căn không có trí tuệ, giống như bầy dê (nâu dương) tụ tập ở một chỗ chẳng biết gì. Những tỉ khưu này không biết Bố tát, Yết ma bố tát, thuyết giới, pháp hội… 3. Biệt chúng tăng: Chỉ cho các tỉ khưu cùng ở chung trong một khu vực kết giới mà cử hành các yết ma riêng biệt. 4. Thanh tịnh tăng: Chỉ cho các tỉ khưu giữ giới và tương đối ưu tú trong chúng tăng phàm phu. 5. Chân thực tăng: chỉ cho các bậc Hữu học và Vô học. Phẩm Hữu y hành trong kinh Đại thừa đại tập địa tạng thập luân quyển 5 và Vi tổn bộ trong Pháp uyển châu lâm quyển 19, đều không có Biệt chúng tăng, chỉ nói 4 loại Tăng giống như trên màthôi. Còn luận Đại trí độ quyển 3 cũng không nêu Biệt chúng tăng mà chỉ nói 4 loại Tăng như sau: 1. Thực tăng: Tức chân thực tăng. 2. Hữu tu tăng: Chỉ cho các Tăng tuy nhận lãnh giới luật để tu đạo, nhưng vẫn phạm tội và sau mới ăn năn (tức hữu tu: còn có tâm hổ thẹn). 3. Á dương tăng(gọi tắt là Dương tăng. Có khi cũng là tiếng tự khiêm của tỉ khưu): Chỉ cho những vị tăng ngu tối, không phân biệt được thiện ác, giống như con dê câm (á dương). 4. Vô tu tăng(cũng gọi Vô tàm quí tăng, Vô sỉ tăng): Chỉ cho tăng phá giới, không có tâm hổ thẹn (vô tu). Ngoài ra, luận Tạp a tì đàm tâm quyển 10 nêu 2 loại tăng: Đệ nhất nghĩa tăng, Đẳng tăng… Kinh Đại thừa lí thú lục ba la mật đa quyển 1, nêu 3 loại Tăng: Đệ nhất nghĩa tăng, Thánh tăng và Phúc điền tăng; Đại thừa nghĩachương quyển 10 liệt kê 2 loại Tăng: Giả danh tăng và Chân thực tăng; 3 loại Tăng: Giả danh tăng, Thanh tịnh tăng và Chân thực tăng; cho đến 3 loại tăng: Phá giới tạp tăng, Ngu si tăng và Thanh tịnh tăng. Trong đó, Chân thực tăng và Thanh tịnh tăng tức là Tăng bảo; ngoài ra như Vô tàm quí tăng… thì không được xếp vào Tăng bảo. LuậnĐại trí độ quyển 34, ngoài Thanh văn tăng còn lập Bồ tát tăng. Kinh Đại thừa bản sinh tâm địa quán quyển 2, nêu 3 loại tăng:1. Bồ tát tăng: Như các ngài Văn thù sư lợi, Di lặc… là Bồ tát tăng. 2. Thanh văn tăng: Như các ngài Xá lợi phất, Mục kiền liên… là Thanh văn tăng. 3. Phàm phu tăng: Nếu có những người phàm phu chân thiện, thành tựu Biệt giải thoát giới, đầy đủ tất cả chính kiến, khai thị Thánh đạo cho những người khác để lợi lạc chúng sinh thì gọi là Phàm phu tăng. Tuy chưa được giới, định, tuệ, vô lậu, nhưng người cúng dường Phàm phu tăng này cũng được vô lượng phúc đức. Về thứ tự của Tăng, kinh Tỉ khưu ưng cúng pháp hành có ghi: Phật hóa tăng, Tứ đạo quả tăng, Bồ tát tăng, Thất hiền tăng, Phàm phu tăng… Điều này cho thấy Bồ tát cũng được gọi là Tăng. Luật Ngũ phần quyển 16 cũng xếp Phật vào Tăng số, như (Đại 22, 110 trung) ghi: Phật dạy: Nên cúng dường Tăng, vì ta cũng ở trong Tăng. Luật Ma ha tăng kì quyển 3 (Đại 22, 251 hạ) ghi: Nếu tháp có vật cúng mà chúng tăng không có thì nên nghĩ như thế này: Hãy cúng dường Tăng vì Phật cũng ở trong Tăng, liền đem vật cúng tháp mà cúng dường chúng tăng. Nhưng về vấn đề vừa tường thuật ở trên, xưa nay cũng có ý kiến khác nhau, như phẩm Biện tam bảo trong luận Thành thực quyển 3 chủ trương Phật chẳng phải là chúng Thanh văn, hơn nữa, giữa Tam bảo Phật Pháp Tăng có sự sai khác, vì thế không thể xếp Phật vào hàng Tăng già được. [X. kinh Tạp a hàm Q.22; kinh Trường a hàm Q.2; phẩm Quảng diễn trong kinh Tăng nhất a hàm Q.2; kinh Tì ni mẫu Q.6; Hữu bộ tì nại da phá tăng sự Q.6; Tát bà đa bộ luật nhiếp Q.9; luận Đại tì bà sa Q.34; luận Dị bộ tông luân; Pháp hoa kinh văn cú Q.1, thượng; Duy ma kinh văn sớ Q.3; Chư kinh yếu tập Q.2; Phiên phạm ngữ Q.2; Tứ phần luật hành sự sao Q.thượng, phần 1 hạ, phần 3; Tứ phần luật hàm chú giới bản sớ Q.1, thượng; Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết ma sớ Q.1; Tứ phần luật khai tông kí Q.2; Viên giác kinh đại sớ thích nghĩa sao Q.13, thượng; Phiên dịch danh nghĩa tập Q.4; Thích thị yếu lãm Q.thượng, trung; môn Xưng hô trong Thiền lâm tượng khí tiên]. (xt. Lục Hòa Kính). II. Tăng Già (628-710) Cao tăng Tây vực đến Trung quốc vào đời Đường, người nước Bắc hà vùng Thông lãnh, có thuyết cho rằng sư là người nước Toái diệp (Suy-àb), họ Hà. Vào đầu năm Long sóc (661-663) đời Đường, sư đến phủ Tây lương, rồi qua vùng Giang hoài, trụ ở chùa Long hưng tại Sở châu. Sau, sư thỉnh được pho tượng bằng vàng ở phường Tín nghĩa tại huyện Lâm hoài, Tứ châu; trên pho tượng có khắc những chữ Cổ hương tích và Phổ chiếu vương Phật, cho nên sư xây chùa Lâm hoài để tôn thờ. Sư nhiều lần hiển hiện thần dị, như hiện hình Quán âm 11 mặt…, người đời càng kính tin và tôn sư là Quán âm Đại sĩ hóa thân. Năm Cảnh long thứ 2 (708) sư đượcvuaTrung tông triệu vào Nội đạo tràng tôn làm Quốc sư và trụ chùa Tiến phúc tại Trường an. Ngày mồng 2 tháng 3 năm Cảnh long thứ 4 (710) sư tịch ở chùa Tiến phúc, thọ 83 tuổi, vua Trung tông rất thương tiếc. Đệ tử có Huệ nghiễm, Mộc xoa… Năm Hàm thông thứ 2 (861), vua Ý tông ban hiệu Thánh Chứng Đại sư. Năm Đại trung tường phù thứ 6 (1013), vua Chân tông nhà Tống ban thụy hiệu là Phổ Chiếu Minh Giác Đại Sư. [X. Tống cao tăng truyện Q.18; Thái bình quảng kí Q.96; Toàn đường văn Q.263].