tăng đường

Phật Quang Đại Từ Điển

(僧堂) Cũng gọi Vân đường,Tọa đường, Tuyển Phật đường, Thánh tăng đường, Khô mộc đường. Chỉ cho tòa nhà được xây dựng trong khuôn viên chùa viện để hàng ngày chúng tăng tọa thiền, ngủ nghỉ, là 1 trong 7 loại điện đường trong các chùa viện thuộc Thiền tông.Thời xưa, tất cả việc tọa thiền, ngủ nghỉ, ăn uống… đều được thực hiện ở Tăng đường, cho nên Tăng đường có công dụng kiêm cả Tăng phòng và Thực đường. Cứ theo luận Đại trí độ quyển 2 thì trong Tăng đoàn Phật giáo nguyên thủy, Tăng đường là chỉ cho tăng phòng và tinh xá, cho nên tính chất khác với Tăng đường hiện nay. Ở Trung quốc, từ đời Đường, Tống về sau, ở chính giữa Tăng đường tôn trí tượng Thánh tăng, chung quanh đặt giường, là nơi chúng tăng nghỉ ngơi và ngày đêm tọa thiền tu đạo. Còn chế độ Tăng đường hiện nay là y cứ vào thanh qui do Thiền sư Bách trượng Hoài hải đời Đường chế định mà lập ra và cụ thể hóa thêm. Lại theo tác dụng của nó, Tăng đường có nhiều ý nghĩa nên cũng nhiều tên gọi: Là nơi Vân thủy tăng qui tụ, gọi là Vân đường; là đạo tràng để tuyển chọn người làm Phật, làm Tổ, gọi là Tuyển Phật trường; là nơi ngồi thiền bất động, giống như cây khô, gọi là Khô mộc đường. Cũng còn gọi là Quảng đường. Đời sau gọi là Thiền đường là do lẫn lộn với Tọa thiền đường trong Thiền qui đời Minh, Thanh. Tăng đường là nơi quan trọng nhất của chùa viện Thiền tông, cho nên trong các bộ thanh qui như Sắc tu, Bị dụng… đều có qui định về vị thứ và hành pháp tiến thoái hàng ngày rất chặt chẽ. Tăng đường được xây cất ở phía đông chùa. Tùy theo diện tích rộng hẹp của Tăng đường mà hoạch định 4, hoặc 8, hoặc 12 vị trí đặt giường tọa thiền. Nếu lập được 4 vị trí, thì ở chính giữa là khám thờ tượng Thánh tăng, 2 bên, phía trước và phía sau tượng Thánh tăng đều có giường, phía trước gọi là Tiền đường, phía sau gọi là Hậu đường. Giường ở 2 bên Tiền đường, gọi là Đông bắc sàng, Đông nam sàng, cũng gọi là Thủ tọa bản, Tây đường bản; giường ở 2 bên Hậu đường, gọi là Tây bắc sàng, Tây nam sàng, cũng gọi là Hậu đường bản, Lập tăng bản. Mỗi giường đều xếp đặt 5 người ngồi. Chỗ ngồi của đại chúng khởi đầu từ Thủ tọa bản của Đông bắc sàng, sắp xếp theo thứ tự giới lạp, đến Tây bắc sàng, Tây nam sàng và, cuối cùng, đến Tây đường bản của Đông nam sàng, rồi lại từ Bắc sàng đến Nam sàng. Mỗi giường đều có Đầu bản gọi là Tứ bản đầu, tức chỉ cho người ngồi ở chỗ đầu tiên. Còn giường ở 2 bên của khám Thánh tăng thì gọi là Xuất nhập bản. Chỗ ngồi đầu tiên của Đông bắc sàng, gọi là Tiền đường thủ tọa; chỗ ngồi đầu tiên của Hậu đường, gọi là Hậu đường thủ tọa. Trong Tăng đường, chỗ ngồi của mỗi người chiếm 3 thước Tàu (khoảng 1,20m) và được gọi là Đường vị. Điều Nhật dụng quĩ phạm trong Sắc tu Bách trượng thanh qui quyển 6 (Đại 48, 1145 hạ) nói: Thụ trai xong, không được tu tập trong Tăng đường nói chuyện, xem kinh, xem sách, không được đi xuyên qua Tăng đường để lên gian trên, hoặc xuống gian dưới. Bởi vì xem hoặc đọc tụng kinh thì ở các liêu, thuyết pháp, vấn đáp thì đã có Pháp đường. Ở trong Tăng đường cũng như trong nhà tắm, nhà Tây tịnh(nhà xí), mọi người phải tuyệt đối giữ im lặng, cho nên 3 nơi này được gọi là Tam mặc đường. Ngoài ra, những người tu hành ở Tăng đường, được gọi là Đường chúng, Đường tăng.[X. Thiền môn qui thức trong Cảnh đức truyền đăng lục Q.6]. (xt. Già Lam).