tăng chế

Phật Quang Đại Từ Điển

(僧制) Cũng gọi Thanh qui, Tăng cấm. Chỉ cho những điều qui định ngoài giới luật được đặt ra để ngăn ngừa sự buông thả trong lời nói và việc làm của tăng ni. Tại Trung quốc, Tăng chế bắt đầu từ bộ Tăng ni quĩ phạm do ngài Đạo an soạn vào đời Đông Tấn, nội dung bao gồm các pháp: Hành hương, Định tòa, giảng kinh, thượng giảng, bố tát, sai sứ, sám hối, 6 thời hành đạo, ăn uống… Đến thời Bắc Ngụy, các ông vua rất coi trọng Tăng chế, như vào năm Thái hòa 17 (493), vua Hiếu văn ban sắc lập Tăng chế gồm 47 điều. Vào mùa thu niên hiệu Vĩnh bình năm đầu (508), vua Tuyên vũ ban sắc lệnh, trong chúng tăng, ai phạm tội giết người trở lên thì bị xét xử theo luật pháp thế tục, còn vi phạm các tội khác thì đều do Chiêu huyền tự là cơ cấu tăng quan trung ương giải quyết theo giới luật. Năm sau lại chế định pháp cấm chỉ tăng ni tích chứa 8 vật bất tịnh, hoặc mượn danh nghĩa Tam bảo cho người vay tiền để kiếm lời. Thời vua Hiếu minh (516-528), Luật sư Tuệ quang soạn Nhân vương thất giới và Tăng chế gồm 18 điều, nhưng rất tiếc là hiện nay đều thất truyền. Nhân vương thất giới (7 điều răn vua nhân từ) có lẽ đã căn cứ vào kinh Nhân vương bát nhã ba la mật mà được soạn ra. Sa môn Tăng cừ đời Lưu Tống thuộc Nam triều thì soạn Tăng ni yếu sự 2 quyển. Khoảng năm Vĩnh minh (483-493) đời Vũ đế nhà Tề, Văn tuyên vương ở Cánh lăng soạn Tăng chế 1 quyển. Năm Phổ thông thứ 6 (525), Vũ đế nhà Lương cử ngài Pháp vân chùa Quang trạch làm Đại tăng chính, ngài Pháp vân liền thiết lập Tăng chế, làm phép tắc cho đời sau. Đời Tùy, vào năm Khai hoàng 15 (595), vua sắc lệnh Hữu ti thu chép các pháp ngữ răn dạy sa môn trong các kinh Đại, Tiểu thừa mà biên thành Chúng sinh pháp yếu 10 quyển. Đến đời Đường, vào năm Khai nguyên (713-741), có Đạo tăng cách, Dụ lệnh tăng ni… được chế định. Về sau, trong Thiền môn, có ngài Bách trượng Hoài hải chế định Thanh qui, từ đó, các tùng lâm y cứ vào Thanh qui này mà sinh hoạt. Đến đời Nguyên, vua ban sắc sửa lại, gọi là Sắc tu Bách trượng thanh qui, làm pháp tắc cơ bản cho các tự viện nhiều đời. Tại Nhật bản thì vào niên hiệu Đại bảo năm đầu (701), Tăng ni lệnh được chế định. Niên hiệu Dưỡng lão năm đầu (717), vua ban sắc chỉnh đốn hàng ngũ tăng ni. Năm sau, đổi Đại bảo lệnh (701) 11 quyển thành Dưỡng lão lệnh (717) 10 quyển, trong đó, quyển 2 là Tăng ni lệnh, gồm 27 điều, qui định nếu ai phạm giới thì bị xử khổ sai, hoặc hoàn tục. Vào thời đại Liêm thương, quyền cai quản tăng ni nằm trong tay Mạc phủ(các võ tướng). Từ thời Minh trị Duy tân về sau, các tông phái đều chế định giáo qui của mỗi tông để quản lí tăng ni, chế độ này được thừa kế đến ngày nay. [X. Lương cao tăng tuyện Q.5; Tục cao tăng truyện Q.21; Đại tống tăng sử lược Q.trung; Ngụy thư thích lão chí 20; Đường lụcđiểnQ.4].