tăng binh

Phật Quang Đại Từ Điển

(僧兵) Cũng gọi Pháp sư vũ gia. Tăng lữ tập hợp thành đội ngũ, cầm vũ khí chiến đấu. Tức tăng nhân làm binh sĩ. Trong Phật giáo, xưa nay cấm chỉ chúng tăng đọc các sách nói về binh pháp, tụ họp làm loạn. Kinh Phạm võng, quyển hạ đã ghi rõ không được cất giữ các thứ như dao, gậy, cung, tên… để chiến đấu, giết hại, cũng không được luyện tập chiến trận, dấy binh đánh nhau để tranh giành quyền lợi mà giết hại chúng sinh. Nhưng vì chùa viện có ruộngvườn trang trại nên phải có tăng binh canh giữ. Tăng binh bắt đầu có từ thời Bắc Ngụy ở Trung quốc. Cứ theo Ngụy thư thích lão chí 20, khi vua Thế tổ nhà Bắc Ngụy, Tây chinh đến Trường an, thấy trong chùa có cất giữ cung tên, giáo mác, nhà vua nổi giận, giết các sa môn ở Trường an, đốt phá tượng Phật. Tuy vậy, ở Trung quốc chưa hề hình thành tổ chức Tăng binh. Cứ theo Tiều thư nhị biên quyển 9, vào đời Minh, chúng tăng có nghĩa cử bảo vệ biên cương, như năm Gia tĩnh 32 (1553) quân Nhật xâm nhập bờ biển Tô tùng, quân dân vùng này vùng dậy chống cự, nhưng thất bại, không ngăn chặn được; Thái khắc liêm ở Thảo giang bèn chiêu mộ chúng tăng, thành lập các đội để chiến đấu, họ đánh rất mạnh và đại phá quân Nhật. Còn tại Nhật bản, vào thời đại Bình an (794-1192), lãnh địa của các chùa viện dần dần được mở rộng, mà phép tắc xuất gia thì hỗn tạp, từ đó sinh ra tệ nạn độ riêng tư, có rất nhiều người không nơi nương tựa bèn cạo tóc vào chùa, làm những việc lặt vặt để nuôi thân, sau cầm vũ khí, tụ tập làm lính, rồi để bảo vệ đất đai, tài sản hoặc đánh các tông phái khác, các chùa viện cũng tổ chức thành những tập đoàn vũ trang, như tăng binh ở chùa Diên lịch đại bản sơn của tông Thiên thai, vì lấy núi Tỉ duệ làm căn cứ nên được gọi là Sơn pháp sư; tăng binh chùa Hưng phúc đại bản sơn của tông Pháp tướngvì ở Nại lương, cho nên gọi là Nại lương pháp sư, ngay cả triều đình cũng khó mà chế phục được các tập đoàn tăng binh này. Sau thời đại Liêm thương (1192-1333), các tông phái lớn trong Phật giáo Nhật bản đều có tăng binh vũ trang, trong đó, Tịnh độ chân tông, tổ chức tín đồ nông dân, luôn xung đột với nhà cầm quyền đương thời là Chức điền Tín trường, trong sử gọi là Nhất hướng tông khởi nghĩa. Tháng 8 năm Khánh trường 13 (1608), Đức xuyên Gia khang mới lập ra các điều mục cho núi Tỉ duệ, cấm các vị tăng không siêng năng tu học cư trú trên núi này. Đến đây, nạn tăng kinh hoành hành suốt khoảng thời gian 700 năm mới chấm dứt. Tại Triều tiên, từ triều Cao li về sau cũng có tổ chức tăng binh. Như vào năm 1388, vua Tân ngô và Thôi oánh cùng bàn mưu tính kế phát động tăng đồ trong và ngoài nước đánh chiếm đất Liêu. Năm 1624, vua Nhân tổ Hiến văn đặt ra tăng binh. Năm 1636, quân nhà Thanh đến đánh phá, mấy nghìn tăng binh đẩy lui. Nhưng tăng binh Triều tiên dùng để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, khác hẳn với tăng binh Nhật bản. [X. Nhật bản kỉ lược hậu thiên Q.3, 11, 14; Triều dã quần tải Q.3, 11, 16; Nguyên hanh thích thư Q.25, 26].