Tán Tụng 

Pháp Sư Thích Đạo Thế
Nguyên Trang dịch

V. TÁN TỤNG

Gồm ba phần: Lời dẫn, Dẫn chứng, Khen ngợi công đức.

V.1. Lời dẫn

[31c] Ý khen ngợi thường gửi vào lời thơ, lời thơ lại nương vào âm hưởng. Do đó, lời thơ hay đẹp thì ý khen ngợi rõ ràng; âm hưởng hay thì lời thơ lưu loát; ngôn từ phối hợp với âm hưởng cùng giúp cho nghĩa lí. Xét ra, Ấn Độ có bái, còn Trung Quốc có tán. Tán là văn dùng kết luận một chương. Bái là bài kệ ngắn dùng để truyền tụng. So sánh nội dung ý nghĩa thì bái và tán đúng là đồng nghĩa. Do đó, kinh ghi: “Dùng âm hưởng vi diệu để ca tụng công đức của Phật”.

Ngày xưa, khi Đức Phật nhập định thì tiếng đàn ca chấn động hang đá; khi Bà-đề[40] cất tiếng tụng thì âm thanh vang thấu đến trời Tịnh Cư[41]. Âm thanh cực vi diệu giác ngộ thế gian tất nhiên không thể dùng lời tán dương cùng tận. Đến đời mạt pháp, việc tu tập rất có linh nghiệm; vì thế, Trần Tư[42] chú tâm suy tưởng đã nghe được tiếng Phạn bái ở Ngư Sơn. Bạch Kiều thành tâm thệ nguyện, nên hiểu được diệu âm của Đại sĩ. Dược Luyện siêng tu, nên nghe được pháp âm ở chốn u minh, Văn Tuyên[43] chí thành, nên cảm được diệu âm ở nơi tịnh thất. Tất cả đều diễn theo âm thanh ở cung trời và cõi Phật, âm điệu trầm bổng, giọng văn nhanh chậm. Đó cũng là bằng chứng rõ ràng của tâm cảm, là khuôn thước sáng chói của người học. Lời kinh thâm diệu phát ra tự nhiên, cách đọc có thể tập được, nhưng giọng hay chẳng thể luyện nên. Bởi tuyên giảng pháp âm là để người thế tục nghe, nên phải giữ giọng trong mà không yếu, hùng hồn mà không dữ dội, trôi chảy mà không quá gấp, ngưng mà không trệ, nghĩa lí mang phong thái Ấn Độ, âm vận mang sắc thái Trung Quốc, xa nghe mênh mông mà thanh nhã, gần thì nghe thong dong mà hòa kính. Thật là vĩ đại! Kinh gọi âm giọng của Phật là lôi âm sâu xa, có lẽ do đây chăng?

Nếu kể truyện Liêu trai thì mọi người tụ họp lại nghe đến tận đêm khuya, hương tàn nến tắt. Bởi thùy cái[44] hay che lấp lục tình[45], sự biếng nhác thường vây trói thân thể, cho nên phải chọn người có giọng hay để lên tòa, tuyển người có tiếng tốt để giảng kinh. Khi lời tán tụng như tiếng nhạc cất lên thì khác nào tiếng ngọc tiếng vàng hòa điệu, lan xa khiến bảy chúng xúc động. Lại giống tiếng chim ca-lăng-tần-già, tựa giọng chim loan thần, khiến kẻ mê muội khai mở, người biếng nhác trở nên nghiêm túc, khắp giảng đường đều kinh ngạc, cả pháp hội cùng vui vẻ. Chính ngay lúc ấy, mới biết tiếng kinh là quí.

V.2. Dẫn chứng

Kinh Trường a-hàm ghi: “Âm thanh ấy có năm đặc tính thanh tịnh, nên gọi là Phạm âm. Đó là:

1. Ngay thẳng
2 . Hoà nhã
3. Trong trẻo
4. Sâu lắng, tròn đầy
5. Vang khắp”.

[32a]Lại nữa, kinh Phạm-ma-dụ chép: “Âm thanh thuyết pháp của Đức Phật có tám đặc tính:

1. Rất hay
2. Dễ hiểu
3. Êm dịu
4. Hoà nhã
5. Thông đạt
6. Không nhầm lẫn
7. Sâu lắng

8. Không có âm thanh người nữ, không thiếu sót, không ngắn hụt”.

Luật Thập tụng ghi: “Chư thiên nghe kệ tán, lòng rất vui mừng, nên Đức Phật cho phép tán tụng”.

Kinh Tì-ni-mẫu chép: “Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Cho phép các ông tán tụng. Tán tụng là âm từ của lời nói, tuy nghe, nhưng chưa biết nói những pháp gì?

Đức Phật dạy: Từ Tu-đa-la cho đến Ưu-ba-đề-xá, thì tùy ý diễn nói. Nhưng đối với mười hai thể loại kinh, có người sinh tâm nghi ngờ, hoặc muốn diễn nói theo thứ lớp, thì văn rất dài dòng, e sinh tâm nhàm chán; nếu chỉ chọn lọc lấy những lời hay, nêu rõ ràng ý nghĩa, thì không biết thế nào?

Các tì-kheo đem việc này bạch Đức Phật. Đức Phật cho phép trích dẫn những lời hay ý đẹp, diễn đạt ý nghĩa rõ ràng trong kinh.

Lúc ấy, có một tì-kheo, đứng cách Phật không xa, cất tiếng hát lớn để diễn lời kinh. Đức Phật nghe xong, không cho phép tụng kinh bằng âm điệu này. Vì có năm lỗi giống âm điệu thuyết pháp của ngoại đạo.

1. Không tự kềm chế mình.
2. Không hợp với đại chúng.
3. Chư thiên không vui.
4. Lời không đúng, khó hiểu.
5. Lời không rõ, nên cũng khó hiểu nghĩa”.

Kinh Hiền ngu ghi: “Khi Đức Phật còn tại thế, một hôm, vua Ba-tư-nặc dẫn quân lính đến địa phận Kì-hoàn, bỗng nghe âm thanh tán tụng rất hay của một tì-kheo, tất cả quân lính và cả voi ngựa cũng đều dừng lại lắng tai nghe, không chịu đi. Vua dẫn quân lính vào chùa xem, thấy tì-kheo tán tụng, thân hình thấp bé, diện mạo vô cùng xấu xí thì không nỡ nhìn, liền đến hỏi Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Tì-kheo này đời trước đã tạo nghiệp gì mà bị quả báo như thế?

Đức Phật bảo vua:

– Sau khi Đức Phật nhập niết-bàn, vua Cơ-lí-tì thâu xá-lợi, định xây tháp cúng dường. Lúc ấy có bốn long vương hóa làm hình người đến hỏi vua:

– Đại vương định xây tháp bằng vật báu hay bằng đất?

Nhà vua đáp:

– Muốn xây tháp lớn, phải cần rất nhiều của báu, nên nay ta chỉ dùng đất để xây, chiều ngang năm dặm, chiều cao hai mươi lăm dặm.

Long vương nói:

– Ta là long vương, hôm nay đến đây hỏi đại vương, nếu dùng vật báu xây tháp thì ta giúp đỡ.

Vua nghe xong, lòng rất vui mừng. Long vương lại nói:

– Ngoài bốn cổng thành có bốn dòng suối, [32b] ta sẽ biến dòng suối phía đông thành con hào toàn bằng lưu li; dòng suối phía nam bằng vàng ròng; dòng suối phía tây toàn bằng bạc; dòng suối phía bắc thì biến thành bạch ngọc trắng.

Vua nghe xong, càng thêm vui mừng, liền cho xây tháp, mỗi tháp đều đặt một vị quan trông coi. Ba vị quan kia siêng năng, nên việc xây dựng sắp xong, chỉ riêng một quan vì biếng trễ, nên chưa hoàn thành. Vua đích thân đến xem xét, thấy thế liền quở trách, vị quan ấy sinh lòng oán hận tâu vua:

– Tháp này quá lớn, làm đến bao giờ mới xong?

Ngay lúc ấy, vua ra lệnh cho nhân công ngày đêm siêng năng làm việc, trong thời gian ngắn, thì công trình xây dựng được hoàn thành. Ngôi tháp cao vút, các báu trang nghiêm, hùng vĩ khác thường. Vị quan ấy thấy thế, vui mừng khôn xiết, liền sám hối và đem chiếc chuông vàng đặt trên đỉnh tháp, phát nguyện:

– Nguyện cho con sinh ra nơi nào, cũng được giọng nói rất hay, tất cả chúng sinh đều thích nghe, tương lai được gặp Đức Phật Thích-ca và thoát khỏi sinh tử.

Vì thuở xưa, ông ta chê tháp quá lớn, nên sinh ra nơi nào cũng thường bị xấu xí. Nhưng nhờ đem chuông vàng đặt lên đỉnh tháp và nguyện gặp Phật, nên từ đó về sau, trải qua năm trăm đời, tì-kheo này được giọng nói tuyệt hảo. Nay lại được gặp Ta, xuất gia tu đạo, chứng quả A-la-hán. Do đó, tất cả chúng sinh thấy người khác làm phúc không nên chê bai, nếu không, sẽ bị quả báo ác, hối hận không kịp”.

V.3. Khen ngợi công đức

Kinh Bồ-tát bản hạnh ghi: “Đức Phật bảo A-nan:

– Ta nhớ thuở xưa, có Đức Phật Phất-sa Đa-đà-a-già-độ a-la-ha tam-miệu tam-phật-đà ra đời. Lúc ấy, Ta nhìn thấy đức Phật ở trong hang núi Tạp Bảo, lòng rất vui mừng, liền chắp tay, đứng một chân suốt bảy ngày bảy đêm và nói kệ khen Phật:

Khắp trời người, không ai bằng Phật,
Mười phương thế giới cũng không sánh,
Những người Ta gặp ở thế gian,
Tất cả đều không ai bằng Ngài.

Này A-nan! Khi Ta nói kệ xong, liền phát nguyện, cho đến khi Đức Phật kia bảo thị giả: ‘Người này trải qua chín mươi bốn kiếp sẽ được thành Phật, hiệu là Thích-ca Mâu-ni’. Ta được thụ kí xong, lại càng thêm tinh tấn, tăng trưởng công đức, trong vô lượng kiếp, thường làm trời Đế Thích, Chuyển luân thánh vương. Nhờ nhân duyên nghiệp lành ấy, [32c] nên Ta được đầy đủ bốn biện tài, không ai sánh kịp, cho đến đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, chuyển pháp luân vô thượng”.

Lại nữa, kinh Niết-bàn ghi: “Bấy giờ, bồ-tát Ca-diếp ở trước Phật nói kệ khen:

Đại Y Vương thương xót thế gian,
Thân và trí tuệ đều vắng lặng,
Trong pháp vô ngã có thật ngã,
Thế nên kính lễ Vô Thượng Tôn,
Sơ phát, rốt sau, tâm không khác,
Hai tâm như thế, tâm trước khó,
Chưa độ cho mình, trước độ người,
Nên con đỉnh lễ Sơ phát tâm”.

Trong luận Phát bồ-đề tâm, luận chủ nói kệ khen Phật:

Nay con kính lễ vô biên Phật,
Quá khứ, vị lai và hiện tại,
Trí tuệ bất động tợ hư không,
Đấng Đại Bi hay cứu giúp đời.

Thầy ta là trời trong các trời,
Chúng sinh ba cõi chẳng bằng người (kinh Phổ diệu).
Vì sao thế giới được trường thọ,
Chứng đắc kim cương bất hoại thân (kinh Niết-bàn).
Sắc thân Như Lai thật vi diệu,
Tất cả trên đời không ai bằng (kinh Thắng man).
Sống nơi thế giới tựa hư không,
Giống như hoa sen không ô nhiễm (kinh Siêu nhật nguyệt tuệ minh).

Đại từ thương xót cả quần sinh,
Ấm cái phiền não khiến vô minh,
Mở mắt người mù nhìn thấy được,
Cứu người điếc tỏ đạo quang vinh,
Ở nơi thế giới tựa hư không,
Lại giống hoa sen nào nhiễm dính,
Vượt hơn cõi kia tâm hằng tịnh,
Cúi đầu đỉnh lễ đấng Đại Minh.

Kể rằng: nước Hán lưu hành lời kinh, rất thích lược bớt, cho nên trong chúng làm kệ tán tụng, phần nhiều chỉ có nửa bài. Do đó trong luận Tì-ni-mẫu chép: ‘Làm nửa bài kệ tụng, bị tội đột-cát-la’. Nhưng chưa biết âm từ Phạn bái này xuất xứ từ kinh điển nào ở Ấn Độ?

Đáp: Chỉ có bậc thánh mới có thể đặt ra kệ tán tụng, theo lời kệ trong kinh mà tán tụng thì không ngại. Ở vùng quan nội và quan ngoại, các triều đại Ngô, Thục, lời tán tụng tùy theo sự ưa thích mà có nhiều loại. Nhưng Phạn, Hán đã khác nhau, nên âm vận cũng không thể dùng lẫn lộn. Đến triều nhà Tống có pháp sư Khương Tăng Hội, người nước Khương Cư, học rộng hiểu nhiều, dịch các kinh điển, giỏi tiếng Phạn, lưu truyền kệ tụng Nê-hoàn, chế ra âm thanh hòa dịu buồn cảm, rất nổi tiếng ở đời; các nhà âm thanh học, đều lấy đó làm phép tắc. Lại thuở xưa, vào đời nhà Tấn có pháp sư Đạo An chế ra ba khoa như thượng kinh, thượng giảng và bố-tát[46]. Các bậc hiền xưa lập ra qui chế, làm phép tắc trong thiên hạ, lưu truyền mãi mọi người đều thực hành.

[33a] Đến thời nhà Ngụy có người con thứ tư của Ngụy Vũ Đế là Trần Tư Vương Tào Thực, tự là Tử Kiến, tuổi nhỏ mà rất giỏi văn chương. Năm lên bảy tuổi, Tào Thực chỉ cần hạ bút là thành văn, hoàn toàn không cần phải sửa chữa. Bao nhiêu nghệ thuật thế gian, ông đều thông suốt. Hàm Đan Thuần nhìn thấy thì vô cùng khâm phục, khen là người cõi trời. Mỗi lần đọc kinh Phật, Tào Thực không ngớt khen ngợi, cho là cốt tủy của chí đạo, bèn chế ra bảy thanh, âm vận trầm bổng, uyển chuyển, đời đều lấy đó làm qui luật phúng tụng. Có lần, Tào Thực đến núi Ngư, bỗng nghe trên hư không phát ra âm thanh Phạm thiên, thanh nhã, bi thương, xúc động lòng người. Tào Thực nghe được một lát, thì những người hầu cận cũng đều được nghe. Ông cảm nhận sâu sắc được diệu lí, càng tỏ ngộ sự ứng nghiệm của Phật pháp, bèn mô phỏng âm thanh tiết tấu, soạn sách tán tụng bằng tiếng Phạn, chọn văn chế âm, truyền lại làm cách thức cho đời sau. Phạn bái xuất hiện ở đời khởi đầu từ đây. Pháp tán tụng này gồm có sáu khế[47]”.

Kinh Bách duyên chép: “Thuở xưa, lúc Đức Phật còn tại thế, có những người sống trong thành Xá-vệ, tự trang điểm và tấu nhạc ca hát. Một hôm, họ lần lượt kéo nhau ra ngoài dạo chơi, vừa đến cổng thành thì gặp Đức Phật và chư tăng đi khất thực, lòng rất vui mừng, liền lễ bái, trỗi nhạc cúng dường và phát nguyện rồi đi.

Đức Phật mỉm cười, bảo A-nan:

– Những người này nhờ công đức trỗi nhạc cúng dường Ta và chúng tăng, vị lai, trải qua một trăm kiếp, họ không rơi vào đường ác, sinh lên cõi trời hay xuống cõi người, cũng đều hưởng thụ sự vui sướng. Trải qua một trăm kiếp sau, họ thành bích-chi phật, đồng một hiệu là Diệu Thanh. Do nhân duyên ấy, nếu có người trỗi nhạc cúng dường tam bảo, thì người ấy sẽ được công đức vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn. Thế nên trong kinh Pháp hoa có bài kệ:

Nếu có người trỗi nhạc,
Đánh trống thổi sừng, ốc,
Tiêu, địch, cầm, không hầu,
Tì bà, nao, đồng, bạt,
Những tiếng hay như thế,
Tất cả dâng cúng dường,
Đều đã thành Phật đạo”.

Lại nữa, kinh Bồ-tát xử thai chép: “Có một khẩn-na-la vương cư trú ở núi Đại Hắc, bên ngoài Tiểu Thiết Vi, phía bắc núi Tu-di, cũng ở trong khoảng mười núi báu. Nơi ấy đều không có Phật pháp, mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Nhưng vị này nhờ sức bố thí mà được ở trong cung điện bảy báu, thọ mạng lâu dài. Thuở xưa, lúc vị khẩn- na-la này còn trong loài người, có một trưởng giả rất giàu phát tâm xây tháp Phật, khẩn-na-la cúng dường một cây cột, giúp hoàn thành ngôi chùa, lại cung cấp thức ăn ngon cho những người thợ. Sau khi mạng chung, ông sinh làm vị thần Hung Ức, sống trong khoảng giữa hai ngọn núi. [33b] Lại thuở xưa khẩn-na-la này ở thế gian, làm một đại trưởng giả rất giàu có, của cải nhiều vô lượng, lúc ấy có một sa-môn đến khất thực, người vợ đem cơm dâng cúng, ông tức giận nói:

– Tại sao người khất thực nhìn vợ ta? Phải làm cho tay chân người này bị đứt lìa!

Vì thế, sau khi mạng chung ông ta phải chịu thân hình xấu xí, trải qua tám mươi bốn kiếp, thường không có tay chân. Chư thiên mở hội yến tiệc, vị này cùng với các càn-thát-bà luân phiên lên xuống. Bấy giờ, chư thiên định tấu nhạc, thì dưới nách đều tiết mồ hôi, họ liền lên trời, thấy một khẩn-na-la tên là Đầu-lâu-ma, đang đàn ca về thật tướng các pháp, khen ngợi Đức Thế Tôn. Lúc ấy, núi Tu-di và các núi rừng khác đều chấn động, ngài Ca-diếp ngồi trên tòa không an, năm trăm tiên nhân đều mê loạn, mất thần thông”.

Lại nữa, trong kinh Đại Thụ khẩn-na-la vương sở vấn ghi: “Lúc bấy giờ, Đại Thụ khẩn-na-la vương dùng hoa lá bằng vàng Diêm-phù-đàn trang trí cây đàn lưu li do nghiệp thiện tịnh tạo ra, lại đến trước Thế Tôn gảy đàn và tấu tám mươi bốn nghìn kĩ nhạc khác cúng dường Đức Phật. Khi vị Đạo Thụ vương này gảy đàn, âm thanh vang lên cao vút đến tận tam thiên đại thiên thế giới. Tiếng đàn và giọng ca tuyệt diệu của vị khẩn-na-la này, lấn át cả âm nhạc của chư thiên ở cõi Dục; tất cả núi, rừng, cây cỏ thảy đều chấn động, trạng thái như người say rượu, bước đi nghiêng ngả, núi Tu-di lắc lư trồi sụt không yên, chỉ trừ những bậc bồ-tát bất thoái chuyển, mới không bị lay động, còn tất cả hễ nghe tiếng đàn và âm nhạc ấy đều không thể ngồi yên, liền đứng dậy nhảy múa. Tất cả thanh văn bỏ hết oai nghi, cùng nhau nhảy múa, đùa giỡn như đứa bé, không thể kiềm chế được. Lúc ấy, bồ-tát Thiên Quang nói với các vị thanh văn như ngài Đại Ca-diếp…

– Đại đức! Các ngài đã lìa phiền não, đạt được tám giải thoát, vì sao hôm nay lại bỏ oai nghi, nhảy múa, ca hát giống như đứa bé vậy?

Các đại đức thanh văn đều đáp:

– Này hiền giả! Lúc ấy chúng tôi không thể tự chủ được, như cơn lốc xoáy, quật ngã cây cối, không có năng lực kiềm giữ, chớ chẳng phải muốn như thế!

Lúc ấy, bồ-tát Thiên Quang nói với ngài Ca-diếp:

– Hôm nay ngài đã tận mắt nhìn thấy oai đức thế lực của bồ-tát bất thoái, bất cứ ai được nhìn thấy như thế, cũng đều phát tâm Vô thượng chính chân bồ-đề! Bởi vì oai lực tiếng đàn này đều phát ra âm thanh giáo pháp, giúp cho tám nghìn bồ-tát đều chứng Vô sinh nhẫn.

Tụng rằng:

Trời trong tỏa khí thanh,
Tiếng thần thấu tai điếc,
[33c] Lên đài vịnh tiếng xuân,
Cao hứng xa dấu vết,
Nương không cảm linh giác,
Núi Ngư chấn Tư Vương,
Mô phỏng tiếng Phạm thiên,
Mong pháp âm rộng khắp,
Du dương không đoạn dứt,
Dìu dặt giữa không gian,
Tì-kheo tụng âm Phạn,
Người, vật động cõi lòng,
Cũng do xướng pháp mầu,
Cảm bầy nhạn trên không,
Sáng ra lòng tỉnh ngộ
Hoát nhiên tự linh thông”.
[40] Bà-đề (婆提; S:Bhadrika): một trong năm vị tì-kheo đầu tiên trong giáo đoàn Đức Phật. Sau khi Đức Phật xuất gia, Bà-đề cùng A-nhã Kiều-trần-như v.v… vâng lệnh vua Tịnh Phạn theo hầu hạ Đức Phật và cùng tu khổ hạnh.

[41] Trời Tịnh Cư (Tịnh Cư thiên 淨居天): tức năm cõi trời Tịnh Cư thuộc đệ tam thiền.

[42] Trần Tư 陳思 (Cg: Trần Tư Vương): người con thứ hai của Tào Tháo, mới lên mười tuổi mà giỏi về văn thơ,

chỉ cần hạ bút là thành thơ, không cần suy nghĩ.

[43] Văn Tuyên 文宣: chỉ cho Khổng Tử. Vào niên hiệu Khai Nguyên thứ 27, vua Huyền Tông nhà Đường phong cho Khổng Tử làm Văn Tuyên Vương.

[44] Thùy cái 垂蓋: buồn ngủ, theo Duy Thức học, là một trong bốn tâm sở bất định.

[45] Lục tình 六情: đây chỉ cho sáu căn. Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

[46] Bố tát 布薩 (S: poṣadha, upavasatha, upoṣadha, upavāsa): các tì-kheo ở chung, cứ mỗi nửa tháng nhóm họp lại một chỗ, thỉnh vị tì-kheo tinh thông giới luật nói cho nghe giới bản Ba-la-đề-mộc-xoa, để xét lại hành vi của mình trong nửa tháng qua.

[47] Lục khế 六契: sáu âm vận