Tản Mạn Hiện Tượng Tăng Ni

Thích Giác Quả

 

Khi sự giáo dục Phật giáo được tổ chức trong khung cảnh ngôi Già-lam hay Tu viện, thì sự giáo dục này nhằm hướng dẫn người xuất gia hiểu đúng Phật pháp, hành đúng Chánh pháp. Đến khi chuyển sang mô hình giáo dục học đường, với cách giáo dục này, dần dần Tăng – Ni sinh xem nội giáo tương đương với các môn ngoại giáo, nhằm trang bị kiến thức để đối đãi với đời. Càng về sau, thành phần giảng huấn cũng như học Tăng, học Ni, lại có khuynh hướng xem trọng ngoại giáo, ưu tiên sự tiếp nhận kiến thức thế học nhiều hơn. Do đây, đa phần Tu sĩ đã dùng kiến thức thế gian để soi chiếu, để giảng giải, để bình phẩm Kinh, Luật, Luận của Phật giáo. Và cũng do đây mà sản sinh các hiện tượng Tân Tăng theo phương diện này khá phức tạp như hiện giờ.

Dưới đây, chúng tôi sẽ tản mạn về một số Tân Tăng ấy.

A. Thầy Nhật Từ (NT.).

Hiện tại, thầy NT. vừa là Giảng sư của Giáo Hội Phật Giáo thành phố Hồ Chí Minh, vừa là Giáo thọ sư (có bằng tiến sĩ) trong ban giảng huấn của Học Viện PGVN tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Trong buổi dạy cho một lớp Ni tại Học Viện (Năm I, Khoá VI, 2005-2006) thầy NT. đã bình giảng về “Bát kính pháp”, khi kết thúc thầy ấy tuyên bố: “Bát kính pháp này chắc gì đã do đức Phật chế định, mà có thể do các đời sau thêm vào để quản chế Ni chúng. Tuy nhiên, điều này thầy chỉ đặt giả thiết thôi nhé!”([1])

Qua câu tuyên bố đó, chúng ta nghĩ gì về thầy NT.?

– Thầy NT. đem Kinh, Luật, Luận để đặt giả thiết với mục đích gì?

– Phải chăng đây là kỹ năng giảng và dạy của thầy NT., để giúp thính chúng hiểu đúng Phật pháp?

– Cách đặt giả thiết của thầy NT., phải chăng là mô thức giáo dục giúp học trò phát triển trí tuệ theo tôn chỉ “Duy tuệ thị nghiệp” của Học Viện?

– Xưa và nay, Bát kính pháp đã gây chướng ngại gì về đức hạnh và tu chứng của Ni chúng, để thầy NT. đặt vấn đề phải xét lại?

– Với trí tuệ của các bậc Thánh Tăng, Thánh Ni, Luận sư, Luật sư… trong quá khứ, tại sao không vị nào nghi vấn về Bát kính pháp?

– Thái độ của thầy NT. như thế nào về Tam tạng giáo điển Phật giáo?

Thật ra, đức Phật đã từng dạy chúng ta: “Đến với giáo Pháp của Ta không phải để tin, nhưng đến để thấy và đến để thực hành” (Kinh Trung Bộ).

Ấy vậy, mọi người con Phật được quyền chưa tin Phật pháp khi mới được đọc, được nghe (Văn); nhưng người học Phật chân chánh không thể dừng lại ở đấy mà phải tư duy như lý (Tư) về cái được đọc, được nghe ấy, rồi ứng dụng niêm mật vào hành vi tam nghiệp (Tu), nếu thấy có lợi ích thiết thực thì hãy tin (… Đừng vội tin vào sách vở, đừng tin vào lời người khác nói lại… chỉ nên tin điều gì chính mình tư duy đúng đắn, sáng suốt và thực hành đúng Pháp mà nhận thấy những điều ấy có lợi cho mình, cho người – Kinh Kalama).

Như thế, thầy NT. có quyền không tin “Bát kính pháp”, nhưng thầy ấy đã có lần nào tư duy đúng đắn về Tám pháp này chưa? Cái diệu dụng của Tám pháp như thế nào? Tám pháp ấy sẽ làm cho Ni chúng tăng trưởng hay muội liệt ngã ái, ngã si, ngã mạn… của mình?

Với các vấn nạn chúng ta vừa đặt ra, đủ rõ thầy NT. chỉ dừng lại ở cái “Văn Phật pháp” chứ chưa hề trải nghiệm của Tư và Tu. Với sở kiến, sở hành Phật pháp chừng ấy, thì thầy NT. lấy Chánh kiến, Chánh tín ở đâu để trao truyền cho thính chúng trên chức năng của mình? Hay thầy ấy ứng dụng mô thức triết học Âu Tây “Hỏi – Trả lời”, để giúp học trò tìm ra chân lý?

Tựu trung, với thái độ của thầy NT. khi đặt nghi vấn về Kinh, Luật… một cách tuỳ tiện trước đại chúng như thế, tối thiểu đã để lại hai hậu quả:

Thứ nhất, thầy NT. tự giới thiệu với hàng thức giả rằng, mình là kẻ thiếu Tư, thiếu Tu; không có Chánh kiến, Chánh tín đối với Tam Bảo.

Thứ hai, thầy NT. đã tạo mầm mống nghi ngờ, gây hoang mang cho thính chúng về Kinh điển đạo Phật.

Thế nên, nếu thầy NT. là người xuất gia có lý tưởng, thì cần ứng dụng Văn-Tư-Tu đúng pháp để tri nhận về tự thân và thế giới như lý, nhằm tự độ và đem Phật pháp chuyển hoá cuộc đời, chứ đừng tuyên bố tuỳ hứng tương tự như thế, để khỏi rơi vào “kế hoạch” của các ý thức hệ đã và đang tìm mọi phương tiện phá hoại Phật giáo.

Rất mong!

 

B. Cô Huệ Liên (HL.).

Do “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, nên cô HL. đã nối chí thầy NT. và còn tiến xa hơn nữa, bằng khẳng định: “Bát kính pháp là nguỵ tạo chứ không do đức Phật chế định”, qua bản tham luận “Sự Đóng Góp Của Ni Giới: Một Sứ Mệnh Có Thể Thực Hiện”, trong dịp Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề “Phật Giáo Với Thời Đại Mới: Cơ Hội Và Thách Thức”, do Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức hai ngày vào trung tuần tháng 7 năm 2006, tại thành phố Hồ Chí Minh.([2])

Khi đọc bản tham luận này, chúng ta thấy rõ cô HL. muốn trình hiện hai điểm chính:

1. Mục đích.

Ni chúng phải được tự do tham gia vào các Phật sự của Giáo hội đương thời như chư Tăng.

2. Lý do.

– Vì Tăng – Ni vốn bình đẳng trên bản thể.

– Vì “Bát kính pháp” và “Năm chướng của người nữ” được chư Tăng thêm vào Kinh, Luật trong các kỳ kiết tập, nên từ xưa đến nay Ni chúng bị chư Tăng áp đặt và xem thường.

Dưới đây chúng tôi sẽ luận bàn điểm lý do trước, mục đích sau.

Để biện minh cho mục đích của  mình, cô HL. đã nêu lên hai lý do:

+ Về lý do thứ nhất, cô HL. viết: “Phật tính trong con người và chúng sanh vốn đồng không sai khác, mặc dầu giới tính nam-nữ và sự biểu đạt vật lý của giới tính như hình thù, vóc dáng, điệu bộ, cử chỉ và ngay cả sự giao tế khác biệt nhau. Tiềm năng đạo đức, nhận thức và chứng đắc vốn hoàn toàn như nhau ở nam và nữ”. (Cô HL. trích ý tưởng trong phẩm Phương Tiện, kinh Pháp Hoa làm bằng chứng)([3]).

Qua đoạn này chứng tỏ rằng, cô HL. chưa phân biệt được thế nào là phạm trù bản thể (chân lý tuyệt đối), thế nào là phạm trù hiện tượng (chân lý tương đối). Học Phật pháp mà không có tri nhận này thì cái kiến thức được học ấy trở nên hỗn độn, mù mờ, lệch lạc chứa đầy nguy hiểm cho mình và người. Thật ra, bất cứ Phật tử nào có Chánh kiến sẽ thấy rằng, đứng trên mặt bản thể thì hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh (Vô ngã tánh), bình đẳng giống nhau; nhưng trên mặt hiện tượng thì mọi chúng sanh đang bị chi phối bởi nhân quả, nghiệp báo của mình, nên có trăm sai ngàn biệt về chánh báo và y báo giữa mỗi cá thể (biệt nghiệp). Như thế, làm sao có sự bình đẳng giữa loài người (nói riêng), khi tự thân họ chứa đầy những chủng tử ô-uế của ngã ái, ngã si, ngã mạn…?

Thế rồi, sau khi biện minh cho lý do thứ thất, cô HL. kết luận “… Xoá bỏ ranh giới phân chia cách biệt giữa nam và nữ, nhất là trong Phật giáo.”([4])

Đứng trên lý nhân-quả, thì giữa nhân và quả luôn cùng một tính chất; cho nên, khi cô HL. đã nêu lên tiền đề sai lầm thì kết luận của cô ấy làm sao đúng sự thật được! Và, như chúng tôi đã nói, trong thế gian này, mọi người (nói riêng) đang bị chi phối, thụ động bởi nghiệp thức (phân biệt) của mình, thì làm gì “xoá bỏ sự phân biệt” ấy được, ngoại trừ các bậc chứng đạt vô phân biệt trí.

+ Lý do thứ hai, cô HL. viết: “Các nhà chủ trương giới tính trong đạo Phật đã căn cứ vào các văn kiện Kinh điển nằm trong vòng tranh luận về tính tác giả gán cho Phật, đã sử dụng “Bát kính pháp” và “Năm chướng của người nữ” để hạ thấp giá trị người nữ nói chung và Ni giới nói riêng.”([5])

Trong đoạn nói về lý do thứ hai này,  cô HL. muốn nói lên hai ý:

+ Thứ nhất, cô ấy khẳng định: “Bát kính pháp” và “ Năm chướng của người nữ” được ghi trong Kinh, Luật([6]) không phải do đức Phật chế định.

+ Thứ hai, cô ấy kết luận rằng, do “Bát kính pháp” và “Năm chướng của người nữ” này,  mà xưa nay Ni giới bị giảm giá trị.

Với ý thứ nhất, để minh chứng “Bát kính pháp” và “Năm chướng của người nữ” không do đức Phật chế định, cô HL. đã nêu tên hai nhà sư và hai học giả người ngoại quốc thời cận đại và hiện đại làm cơ sở([7]), và chỉ nêu tên mà thôi. Tuy nhiên, dù có bao nhiêu người đồng quan điểm với cô HL., điều ấy không quan trọng; thậm chí “ Bát kính pháp” và “Năm chướng của người nữ” do ai chế định cũng không cần thiết, mà điều quan trọng và cần thiết là tự thân của “Bát kính pháp”… có khế hợp với tôn chỉ tu tập của đạo Phật hay không? – Tôn chỉ ấy là đoạn trừ mọi chấp thủ ngã để đạt giải thoát Niết bàn. Vậy, phải chăng “Bát kính pháp”… là những nhân duyên trái ngược với tôn chỉ ấy, tức là làm cho Ni giới phát triển ngã ái, ngã si, ngã mạn… nên cần phải được huỷ bỏ? – Thật ra, bất cứ ai có chánh tư duy đều cảm nhận rõ cái “Dụng” của “Bát kính pháp”… là trợ duyên cho hành giả chế ngự ngã chấp của mình. Ngã chấp là vô minh, là năng lực chủ yếu sai sử con người trôi lăn trong tam giới khổ đau, nên người con Phật cần hiểu rõ để chế ngự và đoạn tận nhằm đạt được mục đích tu tập của mình.

Với ý thứ hai, cô HL. lại gán tội cho “Bát kính pháp” và “Năm chướng của người nữ” đã làm cho Ni giới bị hạ thấp giá trị. Qua ý này đã nói lên hai điểm: Thứ nhất, vì cô HL. không “Tư”, không “Tu” thì nhờ đâu mà có Chánh kiến để hiểu được diệu dụng của các pháp ấy, vì thế cô ấy đã chụp mũ “Bát kính pháp”… một cách hồ đồ, thiếu trí tuệ. Thứ hai, khi cô HL. nói: “Vì Bát kính pháp… nên Ni giới (nói riêng) bị hạ thấp giá trị” đã chứng tỏ rằng, cô ấy chẳng hiểu gì về giáo lý nhân quả (là một trong những giáo lý căn bản của đạo Phật). Theo luật nhân quả thì “tự tác hoàn tự thọ” -Chính mình làm cho mình ô-nhiễm và cũng chính mình làm cho mình thanh tịnh, chứ đâu phải do ngoại cảnh hay tha nhân đem đến. Đây là điểm mà đức Phật đã giảng dạy nhiều lần trong bốn mươi lăm năm hoá độ của Ngài. Thế nên, cô HL. cần tiếp nhận sự thật rằng, chính mỗi vị Ni tự làm cho mình mất giá trị hay tăng giá trị, chứ hoàn toàn không phải do chư Tăng hay Bát kính pháp.

Đến đây, chúng ta bàn đến mục đích của cô HL.. Cô viết:

“…Chư Tôn Đức lãnh đạo Tăng đoàn không có ý niệm cần đến giá trị đóng góp của Ni giới trong các hoạt động Phật sự.”([8])

Hay:

“Kết quả học tập của chư Ni trong các trường Phật học trong hai thập niên qua, không thua kém gì chư Tăng. Đó là chưa kể đến trường hợp nhiều khoá học, có nhiều Ni sinh đã đậu thủ khoa hoặc á khoa. Số lượng chư Ni có khả năng tâm huyết, có đạo tâm, có phẩm chất cũng không ít, nhưng họ chưa được Giáo hội quan tâm và trưng dụng thích đáng.”([9])

Hoặc:

“Có những vị Ni không những có đủ kiến thức Phật pháp và thế pháp, mà còn có đầy đủ bản lãnh đạo đức và trí tuệ, có thể giúp nhiều người chuyển hoá và thăng tiến đời họ. Ấy thế, mà trong thực tế họ có quá ít cơ hội để đóng góp những giá trị đó cho cuộc đời, chỉ vì cánh cửa Phật sự của họ đã bị khoá từ lâu.”([10])

Qua các đoạn vừa trích dẫn được quy tụ trong hai ý chính:

+ Thứ nhất, cô HL. yêu cầu quý vị lãnh đạo Giáo hội hãy mở cửa để chư Ni tự do tham gia các Phật sự; bởi lẽ, đức hạnh và trí tuệ của Ni giới không thua kém gì so với Tăng giới, đôi khi còn hơn Tăng nữa.

+ Thứ hai, cô HL. cho rằng, vì Ni giới không có mặt trong Giáo hội, nên không thể giúp tha nhân và cuộc đời thăng tiến được.

– Với ý thứ nhất cho chúng ta thấy rõ rằng, cô HL. rất ao ước, mong cầu mình và Ni chúng được vào Giáo hội, và cũng qua ao ước này, một lần nữa cho thấy cô ấy rất thích thú những chức danh và sinh hoạt của Giáo hội. Vậy cô HL. đã rõ bản địa của Giáo hội chưa? – Ấy là, tại Việt Nam danh xưng Giáo hội xuất hiện đầu tiên vào đời vua Trần Nhân Tông, gọi là “Giáo Hội Trúc Lâm”, nhưng đây chỉ là biểu tượng môn phong để truyền bá thiền học của mình. Đến năm 1963 “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất” ra đời; và bây giờ là “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam”, hai Giáo hội này vốn được cấu trúc theo mô thức hành chính phân nhiệm, phân ngành, rập khuôn mẫu “Guồng máy điều hành của một quốc gia”, và bản thân Giáo hội đã và đang xảy ra biết bao chuyện nhiêu khê. Thế thì, phải chăng Giáo hội là môi trường thuận tiện nhất và độc nhất để làm Phật sự? Phải chăng không phải thành viên của Giáo hội thì không thể làm Phật sự hay bị cấm chỉ làm Phật sự? Và, phải chăng khi chưa có Giáo hội thì Tăng – Ni Việt Nam nói riêng, không có cơ hội làm Phật sự? Đồng thời, thông qua tư tưởng mà cô HL. đã trình hiện chứng tỏ rằng, cô ấy chẳng hiểu gì về Phật sự. Xét ở góc độ khi người Phật tử làm Phật sự, đó là học tập việc làm của đức Phật để tương lai được thành Phật. Việc làm của đức Phật là hành động biểu hiện phẩm chất của đại bi, đại trí; hành động của ly ái, ly thủ, hành động của vô tham, vô sân, vô si… Qua đây, nói gọn người Phật tử làm Phật sự là ứng dụng “giới-định-tuệ” xuyên qua “thân-khẩu-ý” để chế ngự rồi đưa đến đoạn tận “tham-sân-si”, nhằm đạt mục đích tu tập của mình. Như thế, vấn đề thực hiện Phật sự là bổn phận của mỗi người con Phật đối với tự thân và tha nhân, việc thực hiện này được hướng dẫn bởi ánh sáng của Chánh kiến, không phụ thuộc vào bất cứ phạm trù không gian, thời gian nào.

Tựu trung, như Ngạn ngữ bảo: “Người thực sự có giáo dục, là người tự biết giáo dục mình”. Thế thì, khi cô HL. chưa rõ nội dung Phật sự, chưa có phẩm chất Phật sự, thì cô HL. đứng trên cơ sở nào để tranh đấu cho mình được làm Phật sự? Đây có thể là nguyên nhân chính, thúc đẩy cô ấy viết bản tham luận này.

– Với ý thứ hai của cô HL. cũng nằm trong nội dung ý thứ nhất của cô, nên luận giải vừa rồi của chúng tôi là đáp án chung cho cả hai.

Tóm lại, trong bản tham luận của cô HL. có rất nhiều điều cần được bàn rõ, như cô ấy đem Kinh, Luật hay đức Phật([11]) để biện minh cho khuynh hướng danh lợi của mình; thậm chí cô ấy còn hỗn láo và vô trí khi nói rằng, “… Chánh pháp vẫn còn tồn tại vững mạnh đến ngày nay, chứ đâu như lời Phật nói với Ananda, vì Ni chúng đã được thâu nhận nên Chánh pháp tồn tại chỉ 500 năm.”([12])

Tuy nhiên, qua các đoạn trích dẫn nói về lý do và mục đích tác động cô HL. viết bản tham luận này, cũng đủ minh thị với chúng ta rằng, cô HL. chẳng có kiến thức Phật pháp căn bản, chưa trải nghiệm về Văn-Tư-Tu của nội dung Tam học, chắc hẳn cô ấy thuộc hệ “Đạo chưa thấm, Đời chưa phai”. Chính thế, cô HL. mới bạo gan tuyên bố “Bát kính pháp” và “Năm chướng của người nữ” là không do đức Phật chế, đồng thời đòi huỷ bỏ các pháp ấy ra khỏi nội dung tu tập của Ni chúng. Tiếp đến, cô ấy lại lên án “Bát kính pháp” và “Năm chướng của người nữ”; lên án chư Tăng và phê phán cả đức Phật.

Với các điểm được trình bày trên đủ thấy rõ cô HL. rất “tân học”, “cấp tiến”, đã lấy cái nhìn thế pháp để đánh giá Phật pháp, đã lấy hành động thế tục để đồng hoá Phật sự. Mong rằng, những Tăng – Ni “đồng hội đồng thuyền” với cô HL. rất tối thiểu để “Phật pháp chậm Mạt” hơn.

 

C. Thầy Chơn Quang (CQ.).

Kiểu Tân Tăng dùng một số kiến thức thế học “nửa mùa” để bình phẩm về đức Phật và Pháp của Phật như thầy Nhật Từ và cô Huệ Liên mà chúng tôi vừa trình bày khái quát ở trên, so với thầy CQ. thì hai vị ấy chỉ là học trò sơ cấp mà thôi. Thầy CQ., đã trải nghiệm rất nhuần nhuyễn trong “sứ mệnh” này đến nay cũng trên dưới hai thập niên, địa bàn hoạt động và những cánh tay nối dài với thầy CQ. khá rộng và đa dạng; bên cạnh, một số thính giả gồm đủ Tứ chúng đã “mê hồn” qua cách thuyết giảng Phật pháp lạ đời đó và thề sống chết bảo vệ thầy ấy.

Với thời gian hành hoạt dài lâu cho đường hướng đó, thầy CQ. đã phê phán, lên án, bôi nhọ… Phật-Pháp-Tăng (Tam Bảo) nói riêng, các tôn giáo khác và thế sự nói chung. Dưới đây, chúng tôi sẽ ghi lại những lời tuyên bố của thầy CQ., đặc biệt là về Tam Bảo, căn cứ vào các băng giảng đang có và một số in trên mạng Internet. Tuy vậy, để đơn giản chúng tôi chỉ ghi một đoạn tiêu biểu cho mỗi bài, thông qua đó, nêu lên điểm chủ yếu mà thầy CQ. muốn phổ biến đến đại chúng; bên cạnh, là thiển ý của chúng tôi, riêng về phần khai triển rộng, đánh giá sâu, xin nhường lại cho quý vị độc giả. Đồng thời, sau phần này, chúng tôi sẽ lược đăng hai bài: Một của Hoà Thượng Huyền Tôn và một của Phật tử  Pháp Chánh, để chúng ta thấy rõ hơn về thầy CQ..

I. Những lời tuyên bố của thầy Chơn Quang.

1) Trong băng “Đạo Phật Và Các Vấn Đề Xã Hội” (số 8), thầy CQ. nói: “… Có nhiều cái đạo mà họ lường gạt, dụ dỗ, mà nếu nhà nước không chận ngay từ đầu, thì ảnh hưởng tới, tới người khác liền. Họ là loại tội phạm mà núp bóng tôn giáo, thì phải được chận ngay từ đầu….Còn những giáo phái nhỏ nhỏ bây giờ muốn nổi lên, muốn nổi lên, mấy cái đó mình phải quyết liệt trừ diệt. Tại vì sao? Thật sự thì chân lý không có nhiều như nãy chúng ta nói đó. Không có cái chân lý nào thêm mới nữa đâu, những điều đức Phật đã nói, nó là nền tảng quá đủ rồi…”

– Chủ ý đoạn văn: Thầy CQ. yêu cầu nhà nước hạn chế quyền tự do tín ngưỡng và quyết liệt trừ diệt các giáo phái nhỏ.

– Thiển ý: Trong Kinh, Luật chỗ nào đức Phật cũng khuyên hàng đệ tử hãy quyết liệt đoạn trừ tham-sân-si của mình để được giải thoát, chứ không một lần nào Ngài khuyên trừ diệt giáo phái này, tôn giáo nọ. Vậy, tại sao thầy CQ. nói sai ý Phật để thính chúng hiểu lầm về đức Phật, về đạo Phật? Phải chăng vì “sứ mệnh” buộc thầy ấy phải nói như thế? Và, phải chăng thầy ấy là “cố vấn” cho nhà nước về mặt tôn giáo?

2) Trong băng “Triết Lý Âm Dương”, thầy CQ. nói: “Như có một lần thầy giảng trong cái bài quy y Tam Bảo, có ai nhớ cái ý nghĩa mà quy y Pháp làm sao không?… Pháp có nghĩa là chân lý, ban đầu thì có cái nghĩa là lời Phật dạy, nhưng về sau “những điều Ta biết như lá trong rừng, mà những điều Ta nói như nắm lá trong bàn tay”, nên có những điều là chân lý mà 45 năm thuyết pháp đức Phật vẫn chưa nói, có những điều là đúng, là lẽ phải, mặc dù nó có vẻ như chưa từng giống những gì trong Kinh Phật nói, mà hôm nay chúng ta trong cái tinh thần học Phật mới, trong cái tinh thần quy y Pháp rộng rãi, chúng ta phải biết áp dụng tất cả những gì là chân lý, là lẽ phải để nó bổ sung cho những lời dạy của đức Phật cách đây hơn 2500 năm, để chi? – Để cho chúng ta áp dụng trong đời sống tu hành của chính mình một cách hoàn chỉnh, tốt đẹp, cho nó đem lại hiệu quả hơn, hơn là trước”.

– Chủ ý đoạn văn: Thầy CQ. tuyên bố rằng, đức Phật thuyết pháp còn thiếu sót, giờ đây thầy bổ túc để giúp hàng Phật tử tu hành hoàn chỉnh tốt đẹp hơn.

– Thiển ý: Đem đối chiếu đoạn này với câu cuối “đoạn 1” trên (…không có cái chân lý nào thêm mới nữa đâu…) chứng tỏ tư tưởng của thầy CQ. bất nhất, mâu thuẫn. Bên cạnh, khi trích lời Phật, phải chăng thầy CQ. không hiểu ý Phật hay cố tình dùng lời Phật để phục vụ cho tư ý của mình? Phải chăng “tư ý ấy” chính là chân lý để thầy CQ. bổ túc cho đức Phật và chỉ dạy thêm cho Tứ chúng?

3) Trong băng “Giới Luật” (số 4), thầy CQ. nói: “… Trong đạo Phật có lý Âm Dương không? Có không? Có không? Trong đạo Phật có lý Âm Dương không? Có bao giờ? Có bao giờ quý sư cô nghe trong đạo Phật có lý Âm Dương chưa? Chưa, không, rõ ràng như vậy. Đâu có Kinh nào Phật nói về lý Âm Dương đâu? Vậy mà ở chùa tôi, tôi nói lý Âm Dương cho đệ tử tôi nghe…”

– Chủ ý đoạn văn: Thầy CQ. khẳng định rằng, xưa nay trong đạo Phật chưa có ai, chưa có chỗ nào nói về lý Âm Dương, bây giờ là lần đầu tiên thầy nói cho đệ tử của thầy tại chùa Phật Quang mà thôi.

– Thiển ý: Với tâm ý gì khi giảng Luật cho Ni chúng, thầy CQ. lại nói về Âm Dương, Nam- Nữ, Đực-Cái…? Phải chăng lý Âm Dương là chân  lý mà đức Phật chưa nói, bây giờ thầy CQ. nói để bổ túc cho đức Phật và dạy cho đệ tử thầy tu tập, để được hoàn chỉnh, tốt đẹp hơn? Với khẩu khí đó, phải chăng thầy CQ. là đệ tử của đức Phật?

4) Trong băng “Mới Và Cũ”, thầy CQ. nói: “… Khi nghe nói ba tháng nữa Phật sẽ nhập Niết bàn, ngài A-Nan chịu không nỗi mới thỉnh Phật trú thế lâu dài hơn ở thế gian, thì Phật có nói nhiều câu lắm, trong đó có câu này: “Những điều gì cần nói, Như Lai đã nói hết. Dù Như Lai có trú thế thêm nữa, thì vẫn không có ích lợi gì cho chúng sanh”. Đức Phật có nói câu đó. Là vì những điều gì cần phải dạy để cho người ta tu theo đạo Phật rồi chứng đạo, Ngài đã nói hết rồi. Bây giờ qua mấy ngàn năm, chúng ta nhìn lại câu nói đó, chúng ta mới thấy câu nói đó không mấy chính xác, không chính xác…”

– Chủ ý đoạn văn: Thầy CQ. khẳng định: Lời đức Phật dạy không còn chính xác nữa.

– Thiển ý: Thầy CQ. cho đức Phật nói không đúng, không chính xác. Vậy thầy ấy vẫn ở trong đạo Phật để làm gì? Xưa nay, các Thánh Tăng đệ tử của đức Phật, sao không có vị nào có cái thấy như thầy CQ.?

5) Trong băng “Người Xuất Gia”, thầy CQ. nói: “… Kinh điển đạo Phật đã bị thêm thắt vào rất nhiều, bị nguỵ tạo rất nhiều,… rất nhiều, rất nhiều mà tôi không muốn nêu đích danh, tôi nêu đích danh thì ở đây quý cô sửng sốt hết, tức là những bài Kinh mà nhiều khi quý cô tôn thờ, đang tụng hằng ngày, tới chừng hiểu ra thực sự không phải Phật thuyết… đây là điều rất khủng khiếp khi chúng ta biết được. Hồi xưa tôi cũng vậy, vì mình tin Kinh nào cũng Phật thuyết, cho đến khi thầy tôi bảo sự thật không phải như vậy. Tôi nghe sửng dửng, tôi choáng váng hết trơn, tôi tái mặt hết trơn… nó làm cho tôi bàng hoàng hết, nó là một sự thật quá phủ phàng đi… Bây giờ tôi nói một điều, nói nho nhỏ các cô đừng đi ra ngoài nói, như kinh Địa Tạng, quý cô nghĩ phải là Phật thuyết không?… Có những cái không có tác giả viết mà cứ gán cho là Phật thuyết, như kinh Địa Tạng, cứ nói Phật thuyết không. Nhưng vì nói được tội phước nên cái ý trong đó thì cũng hay, nên nhiều Kinh sau này họ soạn ra đó, không phải Phật thuyết nhưng mà ý cũng rất là hay chứ không phải không. Ví dụ bộ kinh Bát Nhã, tư tưởng rất là hay mà không phải Phật thuyết… Cả trong Nikàya, Nikàya là bộ Kinh nguyên thỉ nhất… vậy mà có nhiều bài cũng lọt vô không phải là Phật thuyết ở trỏng…”

– Chủ ý đoạn văn: Thầy CQ. huỷ báng Kinh điển cả Bắc tông lẫn Nam tông cho rằng, đa phần là nguỵ tạo.

– Thiển ý: Phần đầu đoạn trích dẫn thầy CQ. nói rằng, nếu biết sự thật các Kinh không phải Phật thuyết thì rất khủng khiếp, sửng sốt, choáng váng, tái mặt… như kinh Địa Tạng, bộ kinh Bát Nhã; phần sau thầy ấy lại nói: “ Nhiều Kinh sau này họ soạn ra đó… nhưng mà ý cũng rất là hay… tư tưởng rất là hay.” Với cách lập luận ấy, quý độc giả có hiểu thầy CQ., nói gì không? Phải chăng đây là trí tuệ siêu việt của thầy CQ.? Và với trí tuệ này thầy CQ. chê Phật, báng Pháp? – Thật ra, thầy CQ. đã huỷ báng Phật, bây giờ thầy ấy tiếp tục huỷ báng Pháp thì có gì lạ!

6) Trong băng “Vãng Sanh Tịnh Độ”, thầy CQ. nói: “Bây giờ nói đến pháp môn Tịnh độ bị hoài nghi, hôm nay là thời đại khoa học nên chuyện gì cũng được đem mổ xẻ phân tích, đúng sai, hợp lý hay không hợp lý đều bị đem ra nói hết,… Thứ nhất, theo các nhà sử học thì kinh A Di Đà xuất hiện sau Phật 600 năm và cái cõi Tây phương không có căn cứ, không biết chỗ nào hết… Thứ hai, có những người họ không có tín ngưỡng, hoặc là họ không phải là đạo Phật thì họ lại chủ trương rằng, họ không tin có thế giới Cực lạc và họ cho rằng cái việc chủ trương bỏ thế giới này để đi tìm về một thế giới khác là một thái độ tiêu cực… Cái thứ ba nữa mà người ta công kích Tịnh độ tông là thế này, theo Thiền tông Trung Hoa, thì ít có chấp nhận một cõi nào ngoài tâm…”

– Chủ ý đoạn văn: Thầy CQ. xác định: Kinh A Di Đà là nguỵ tạo, thế giới Cực lạc là không có thật.

– Thiển ý: Nếu thầy CQ. là một khoa học gia chân chính mà đem kiến thức ấy để thẩm định giá trị Phật pháp thì chỉ làm cho hàng thức giả thấy rõ hơn về trình độ giáo lý của thầy CQ. mà thôi. Làm sao đem cái kiến thức hữu hạn thế gian để thẩm định nguồn trí tuệ vô hạn xuất thế của chư Phật? Đằng này, trên sự thật, thầy CQ. luôn đưa ra những luận cứ vu vơ, bất nhất… như đầu óc của một anh chàng đang ở “viện tâm thần”. – Thật ra, khi thầy CQ. đã huỷ báng toàn bộ Kinh điển, bây giờ thầy ấy tìm cách huỷ báng Tịnh độ tông, thì cũng nằm trong nội dung và “kế hoạch” đó mà thôi.

7) Trong băng “Năm Ấm Giảng Giải” (số 3), thầy CQ. nói: “… Còn những cõi trời như cõi Đao lợi, Đâu suất… toàn là những cõi của các bậc Thánh, nên mình nói mình sanh về cõi A Di Đà, nhưng thực sự là cõi trời, tại vì trên đó chung quanh là Bồ Tát không, Bồ Tát Thánh nhân không… Nên dựng lên cái cõi A Di Đà mình tưởng là cõi Phật, thật sự nó cũng chỉ là một cõi trời…”

– Chủ ý đoạn văn: Thầy CQ. tuyên bố rằng, cõi Phật A Di Đà cũng chỉ là cõi trời.

– Thiển ý: Thiền sư Đại Viên bảo: “Xuất ngôn tu thiệp ư điển chương”, thế mà Giảng sư CQ. “thích gì nói đó”, chẳng có cơ sở nào, dù giảng Đạo hay nói chuyện Đời. – Sự thật, cõi Đao lợi và Đâu suất là hai cõi thuộc “Lục dục thiên”; thế nên, hai cõi ấy đâu phải toàn là bậc Thánh? – Lại nữa, trong băng “Vãng Sanh Tịnh Độ”, thầy CQ. đã xác định rằng, cõi Cực lạc của Phật A Di Đà  là không có thật, nhưng ở đây thầy ấy lại nói: “Cõi A Di Đà cũng chỉ là một cõi trời”, là thế nào?

8) Trong băng “Triết Lý Về Lưỡi Gươm”, thầy CQ. nói: “… Giới không sát sanh là không sát hại người và các loài động vật, nhưng với muỗi và ruồi là các loài làm ô nhiễm môi sinh, bây giờ người Tàu có bán các loài vợt, các chùa cứ mua về vợt thoải mái… Quý vị Phật tử nghĩ sao! Các tướng tá cầm gươm ra trận như Trần Hưng Đạo, Quang Trung… chặt hàng ngàn đầu quân địch, vậy họ có tội không? Có tội không? Quý Phật tử hãy đứng trên giáo lý Nhân quả mà thầy đã dạy để trả lời. Có tội không? Có tội không?  – Họ có phước làm sao có tội! Ai nói có tội là tà kiến. Họ giết giặc để bảo vệ quê hương mà! Các tướng tá đó được phong Thánh, phong Thần mà! Nên các thành phố đều lấy tên họ để đặt tên đường mà!…”

– Chủ ý đoạn văn: Thầy CQ. cố tình bóp méo giáo lý Nhân quả, một trong các giáo lý căn bản do đức Phật chỉ dạy.

– Thiển ý: Có lẽ đây là lý Nhân quả đặc biệt của thầy CQ., còn sự thật lý Nhân quả do đức Phật dạy không phải như thế. Thật ra, đây không phải lần đầu tiên thầy CQ. cố tình bóp méo sự thật Nhân quả, mà năm 1997, khi xuất bản quyển “Luận Về Nhân Quả” thầy ấy đã làm việc ấy rồi.

Các băng giảng để huỷ báng Kinh điển (Pháp) của thầy CQ., chúng tôi hiện còn khá nhiều. Như trong băng “Giới Luật” thầy CQ. bác bỏ “Quán bất tịnh”, trong băng “Các Pháp Môn Tu Hành” thầy CQ. cho “Mật tông là đạo dâm đãng”, hoặc trong băng “Pháp Hoa Giảng Giải” thầy ấy lại “Luận về tình dục trong kinh Pháp Hoa”.v.v. Tuy vậy, với bốn đoạn trích dẫn trên cũng đủ để quý độc giả hiểu rõ thầy CQ. đã huỷ báng Pháp như thế nào rồi. Bây giờ, chúng tôi trích tiếp đoạn băng thầy CQ. huỷ báng Tăng.

9) Trong băng “Các Pháp Môn Tu” (số 4), thầy CQ. nói: “… Khi một người họ được nhảy một bước nhảy vọt đó, tâm tự nhiên bất ngờ đạt được một trạng thái thanh tịnh rỗng rang…rất là an lạc…thì người đó có cái cảm giác rằng: “À, cái tâm thanh tịnh này từ lâu rồi, không phải mới đây mới có.” Có trường hợp đó, có người đó có, nên họ buột miệng nói như thế này: “ Tâm ta từ xưa nay vốn thanh tịnh”. Nghe câu này ở đâu? Nghe câu này ở đâu? Nghe ở đâu? – Trong Pháp Bảo Đàn đó! Phải không? “Tâm ta bản lai thanh tịnh”, rất nhiều Thiền sư nói như vậy, cho nên đưa ra một cái lý thuyết là: “Nơi mình có một cái tâm bất sanh bất diệt.” Phải không? Nghĩa là mình bị ô nhiễm chứ cái tâm mình có sẵn thanh tịnh từ xưa, bây giờ chỉ tìm lại. Tại sao họ đưa ra lý thuyết đó? – Bởi vì, khi mà họ được cái tâm thanh tịnh đó, họ có cái cảm giác là cái tâm này nó đã thanh tịnh lâu rồi, từ lâu rồi. Đây chỉ là lối hiểu lầm. Tôi nói câu này là tôi đụng chạm hết khắp cả từ xưa tới giờ đó…Nên chúng ta gặp cái cảm giác, cái lý luận đó rất nhiều trong Thiền tông Trung Hoa, ngay cả Ngài Huệ Năng cũng lý luận như vậy, rất nhiều Thiền sư đều lý luận như vậy…”

– Chủ ý đoạn văn: Thầy CQ. xác định rằng, lời tuyên bố khi ngộ đạo của Tổ Huệ Năng nói riêng và chư Thiền sư nói chung là sai lầm.

– Thiển ý : Khế Kinh dạy rằng, thiền giới là một trong bốn phạm trù mà con người không thể tư duy nghĩ đến được. Nếu cố ý suy tìm thì có thể đi đến điên loạn (Tăng Chi I). Vậy, thầy CQ. lạm bàn đến cảnh giới thiền là loại người nào? – Thật ra, thầy CQ. phê phán các Thiền sư (Tăng) như thế cũng dễ hiểu, vì rằng, thầy ấy đã huỷ Phật, báng Pháp, bây giờ chê Tăng là để làm tròn “sứ mạng” “huỷ báng Tam Bảo” hay “huỷ báng Đạo Phật” của mình mà thôi.

* Để kết thúc phần I, chúng tôi trích đoạn văn thầy CQ. tự giới thiệu về mình.

10) Trong băng “Chuyện Bên Kia Thế Giới”, thầy CQ. nói: “… Những điều mà thầy giảng hay thầy mở ra khá mới mẻ, quý Phật tử có công nhận là những điều mà thầy nói là khá mới, có không đó?… Cái giáo pháp của thầy khá mới này không phải là do thầy học trong những kiếp trước mà lúc thầy sống, mà thầy học được lúc thầy ở trong cái thế giới vô hình, cũng vậy mà chính ở trong thế giới vô hình thầy đã hiểu được nhiều điều và thầy mang cái tâm nguyện đó trở lại để đem những điều hiểu biết đến mọi người, nên trong cái thế giới đó có nhiều điều và chân lý sáng tỏ hơn là cái thế giới của cõi người mình…”

– Chủ ý đoạn văn: Thầy CQ. tuyên bố rằng, sở dĩ thầy giảng pháp mới mẻ như thế là nhờ học được chân lý từ thế giới vô hình.

– Thiển ý: Đúng thế, thầy CQ. từ cõi vô hình đến nên mới có cách thuyết pháp như vậy! Thế thì, phải chăng chân lý thầy CQ. học được là “Triết Lý Âm Dương”?, là “Tình Dục Trong Kinh Pháp Hoa”?, là “Sát Sanh Được Phước Báo”?, hay “Mật Tông Là Đạo Dâm Đảng”?, hoặc “Không Có Thế Giới Của Phật”?.v.v. Vậy, thầy CQ. đã chứng thiên nhãn thông chưa mà nói chuyện tiền kiếp? – Thật ra, đây chính là trò huyễn hoặc của thầy CQ. đặt ra để tự đề cao mình, đánh lừa người nhằm che dấu “sứ mạng” thực tế mà thầy ấy đang thực hiện mà thôi.

Tóm lại, mặc dù chúng tôi chưa trích đăng đầy đủ các bài giảng của thầy CQ., nhưng qua các dẫn chứng trên cũng vừa đủ để chúng ta nhận ra “kế hoạch phá hoại Đạo Phật” thâm độc của thầy ấy (mượn áo nhà tu, mượn giáo lý để phá hoại).

Sau đậy chúng ta hãy đến với hai bài, một của Hoà thượng Thích Huyền Tôn và một của Phật tử Pháp Chánh để được tỏ tường hơn về thầy Chơn Quang.

II. Chơn Quang, một tiểu yêu của hai thế kỷ.

Hoà thượng Thích Huyền Tôn.    

“… Riêng nước Việt Nam, ngoại xâm là một tệ hại to lớn, không những chỉ điên loạn cho dân tộc, thêm vào đó chúng mang theo những tín ngưỡng “quỷ quái”, cang thường, luân lý, hiếu nghĩa bị rối bời!…

Từ ngày quân đội Pháp có mặt trên bờ cõi Việt Nam ta, trải dài hơn 200 năm, thì chủ nghĩa đá đổ “Bàn thờ tổ tiên, ông bà cha mẹ”, một bi thảm đớn đau cho lịch sử còn đó! Còn, và còn tiếp diễn một cách bi thảm…

Bọn phi đạo này phải giữ những gì nó có, nó phải tiêu diệt tất cả những “Chính nghĩa”, “Đạo giáo”, “Công lý”… Cái gì “Ân cha Nghĩa mẹ”, cái gì “ Ngũ giới Thập thiện” …

Biết như thế,… thì ít ra ta phải biết giữ và bảo vệ Đạo giáo của mình, đằng này người Phật tử luôn luôn dám lăn xả bản thân và hy sinh vì Đạo, nhưng cứ mê mờ hễ thấy nghe, quảng cáo, cổ võ một thầy chùa, một quái nữ nào đó như là “ Dị nhân” thì xáp vô ủng hộ hết mình! Cái tai hại để cho bọn tà đạo thành công, lại chính là sự sùng bái si mê, nhiệt tình của đa số mong cầu sớm mau giải thoát! Cầu giải thoát quá ư mù quáng! Đến lúc người ta khám phá ra  được cái quỷ kế gian xảo của bọn tà sư, yêu quái thì đã có biết bao gia đình Phật tử bị tan gia bại sản, vợ chồng ly tán! Ấy mà người Phật tử chưa chịu kinh tởm, cứ nghe đồn đại là sa vào lưới gian xảo của bọn chúng!

1) Phá Phật giáo bằng chính người của Phật giáo.

Muốn thực thi kế hoạch phá hoại, nhất là đối với Phật giáo, kế hoạch của chúng cần phải tinh vi vài chục năm… Sự bỏ vợ con giữa chừng vào đạo Phật, rồi biệt lập để tự tạo danh cho mình, pháp nạn 1963 không thèm đếm xỉa, “Phật giáo sống chết mặc kệ”…Sự ly khai của Chơn Quang từ Thường Chiếu chỉ là một kế hoạch (nằm trong mưu đồ của chúng) để phá pháp môn Tịnh độ của Phật giáo và bôi nhọ uy đức của đức Phật Tổ Như Lai, nhằm đánh gục hàng ngũ và tiêu diệt từng bộ phận của Đại thừa Phật giáo, là đại đa số trong dân tộc Việt Nam. Nhằm cắt xén tông phái Phật giáo và đập tan vụn từng pháp môn. Các vị không nghe tên tiểu yêu để lộ sơ hở: “Tôi sở dĩ biết thấu triệt và giảng hay vì nhờ học ở minh sư”. Ai là minh sư của tên tiểu yêu này? Hiển nhiên hỏi là trả lời.

Cái cung cách lãnh đạo sau màn chắn, xin đừng mang ra lừa bịp! Bạch Ngài! Sau khi các tông phái Tịnh độ, Mật giáo…đã tan nát, chính tiểu yêu Chơn Quang sẽ tuyên bố dẹp luôn Thiền tông, vì chính hắn đã thiền cả nửa đời mà nào có chứng đắc được cái gì đâu, chỉ là một cách lười biếng, nhằm nhốt kín mọi sự sinh hoạt ru ngủ cả đời một cách vô bổ! Chừng đó quý Phật tử tính sao? Quý vị có còn là Phật từ? Hay lại sa ngã theo kế hoạch của bọn nằm vùng này?

Chơn Quang, hắn đã từng gằn hỏi người nghe: “Tôi giảng khác lạ, đặc biệt… vì tôi là người ở thế giới vô hình”. Hắn cho Tịnh độ là cõi trời, hắn bảo kinh Pháp Hoa luận giải về dục tính… Luận điệu tà sư ấy thế mà vẫn có người tin!

Đến lúc công tác “Nằm vùng phá Phật giáo dứt điểm”, Chơn Quang, hắn được hai cái lợi: Phá huỷ được mấy tông phái Phật giáo. Có một số của cải thật lớn do lòng tin mù quáng của chính người đạo Phật.

2) Xin hàng Phật tử hộ đạo hãy sáng suốt và trí dũng.

Phật tử ơi! Quý vị có hối hận ăn năn và tiếp tục sám hối để nối tiếp lời của Phật để mong vượt thoát luân hồi! Hay lại tiếp tục tìm một minh sư có tầm mức như cỡ Chơn Quang!

Tôi xin chân thành cảnh báo chư quý vị, bất cứ một thầy chùa nào mà nhìn chằm chằm vào đàn bà, con gái, rồi “ Soi kiếp” như Chơn Quang đã nhìn vào bà vợ của ông thầy Bá và nói: “Vợ của ông tiền kiếp là vợ của tôi”. Thấy cô nào xinh đẹp thì dỡ cái màn “Soi căn, soi kiếp”. Tiểu quỷ này còn cho mình là người ở thế giới vô hình, đã vô hình mà còn có thế giới sao? Đuổi nó về thế giới vô hình của nó đi!..

Quý Phật tử không đau lòng… Khi thấy gương tu hành tấn đạo của chư Tổ? Khi thấy giòng máu của bao lớp người Phật tử thấm vào non sông với lòng hy sinh giữ nước và dựng nước? Khi thấy sự tù đày, cơ cực của chư Tăng – Ni Phật tử trong bao lần pháp nạn? Quý vị không nhớ các trò ma quái đã và còn đang tiếp diễn trong kế hoạch tiêu diệt Phật giáo của bọn tà ma dị giáo hay sao? Nói riêng về những trò bịp bợm của mấy tên đội lốt thầy chùa quỷ quái để mong kiếm sống dư giả trên si mê vô trí ở lòng tin mù quáng hồ đồ của một số cũng gọi là Phật tử; nhưng là Phật tử hại đạo…

Tất cả các quái đạo, dị thuyết của thầy trò Chơn Quang sở dĩ chúng sống còn là tự cái si mê của những người không phân biệt phải trái!

Dị thuyết là gì? – Là những lời nói quái lạ, ngỗ nghịch, vô lễ và rất thiếu giáo dục. Bọn chúng được huấn luyện và nghiên cứu rất kỹ các lối đổi chiều lý luận từ chỗ không có lỗi để thấy như có lỗi, rồi nhằm vào đó mà kích bác. Tỷ như yêu quái Chơn Quang, hắn phỉ báng: “…  Theo các nhà sử học thì kinh A Di Đà xuất hiện sau Phật 600 năm và cái cõi Tây phương không có căn cứ, không biết chỗ nào hết, khi nói Tây phương là dựa vào trái đất mà trái đất thì quay vòng vòng, mà cõi đó thì nằm ngoài trái đất, cho nên không biết cõi đó nằm ở đâu hết!…”

Nói như thế, có nghĩa các nhà sử học đã xem xét, cân đo, thí nghiệm toàn bộ Kinh điển của Phật giáo? Chứ không lẽ chỉ khám nghiệm một kinh A Di Đà? Khổ thay! Phật giáo ngày nay lại phải nhờ vào khoa học để biết Kinh nào thiệt, Kinh nào giả rồi mới tin! Chơn Quang nhà ngươi học Phật được bao nhiêu lâu? Học khoa học đậu được bằng cấp gì? Hay chỉ là nghe lóm của những tên vô học?

Dù cho trái đất có vòng vòng, nhưng Đông-Tây (của trái đất) lúc nào cũng chẳng Đông-Tây-Nam-Bắc. Ngươi cứ đứng lên dang tay và quay mình đi, rồi Đông-Tây-Nam-Băc có sai hướng không? Hả cái tên tiểu yêu mượn áo nhà tu làm điều xằng bậy? …Bộ tri thức của ngươi hơn Lục Tổ?… Bọn ngươi không hơn được Lục Tổ Huệ Năng đâu!

Cùng quý Phật tử! vì đọc qua các bài giảng của tiểu yêu này và sự yêu cầu quá gấp của đa số Phật tử Hoa Kỳ, tôi viết quá vội vã, nhiều lời quá thẳng, vì kính Phật, kính Đạo, không nỡ để bọn tà sư phá đạo, xuyên phá tín tâm của quý Phật tử nên nóng lòng nói thẳng, mong chư Phật tử niệm Phật, cầu nguyện quý vị thường an lạc.

Kết thúc, người cọng sản vẫn có thể chửi cộng sản, nhưng họ không hề xúc phạm đến Hồ Chí Minh của họ. Nhưng ở tiểu yêu Chơn Quang dám đả kích đến đức Phật. Tội này ai tha thứ cho nó, người đồng loã hỗ trợ nhất định không thoát khỏi nghiệp tội và đã tự bịt kín con đường thoát ra vòng sanh tử luân hồi.

Nam Mô A Di Đà Phật

Lăng Nghiêm Bảo Vương tự

Australia

Hoà Thượng Thích Huyền Tôn.

III. Đôi điều suy nghĩ một số bài giảng của sư Chơn Quang.

Pháp Chánh.

Chúng tôi hiện có ba bài của Phật tử Pháp Chánh,  tuy vậy, nơi đây chúng tôi chỉ lược trích một số đoạn trong ba bài ấy để bổ túc thêm cho các phần ở trước mà thôi.

Bài I.

“Gần đây và có lẽ cả trong hiện tại, sư Chơn Quang ở Việt Nam đã và  đang giảng pháp tại một số tự viện, trong đó có chùa Từ Tân gần nơi tôi ở. Hiện tôi đang có dưới tay một tập trích đoạn những bài giảng của sư Chơn Quang (CQ.).

Càng đọc tôi càng bất mãn vô cùng, vì những bài giảng đó không những đã không nói lên cái hay, cái đẹp của Phật pháp, mà trái lại nhằm xuyên tạc, bôi xấu Phật pháp với những luận cứ vu vơ… Đạo Phật là một đạo đã có một bề dày lịch sử đến trên 2500 năm, với cả một kho tàng Kinh sách như rừng, thì việc tìm hiểu cho thấu đáo nghĩa lý cao sâu của đạo Phật lại càng là một việc rất tế nhị, đòi hỏi ở nơi chúng ta rất nhiều công phu và thiện chí.

Nhưng ở đây, sư CQ. không những đã không soi được một tia sáng nào mới lạ vào Đạo pháp, mà chỉ bằng những lời nói vu vơ dung tục, CQ. đã bẻ cong Đạo pháp mà không một người nào còn có ít nhiều tư cách mà không thấy hổ thẹn khi phải nghe những lời báng bổ Phật pháp một cách hạ cấp của sư CQ..

Trước khi trình bày những suy nghĩ của tôi về những cái mà CQ. gọi là “Bài giảng” của y, tôi tưởng cũng cần nói ngay rằng: Tôi chỉ là một Phật tử tầm thường không quy y với bất cứ một vị Hoà thượng nào, cũng chẳng phải là một đệ tử của một vị thầy nào, không nằm trong Ban Hộ Niệm nào, hoặc tham gia một tổ chức Phật giáo nào. Tôi chỉ là một Phật tử đã và đang cố theo cho được một phần nào trong muôn một Giáo pháp của đức Thích Ca Mâu Ni.

Sở dĩ tôi phải nói lên như vậy, chẳng qua để quý vị nào đọc bài tôi, kể cả sư CQ., sẽ hiểu cho rằng, tôi chẳng bị ai mua chuộc để viết về những suy nghĩ này. Cái động lực chính làm tôi phải lên tiếng, chính là muốn bảo vệ sự trong sáng tuyệt vời của một tôn giáo đã cải hoá tôi, đã thay đổi gần như hoàn toàn đời tôi và đã đem đến cho tôi nguồn an lạc. Nhưng trước khi trình bày những suy nghĩ của  tôi, trước hết tôi xin đăng lại dưới đây từng phần trong loạt bài của CQ., và cứ sau mỗi trích đoạn, tôi lại xin góp ý”.

1) Phủ nhận Kinh Đại thừa.

(Trích đoạn băng “Người Xuất Gia” của sư CQ.).

“…Kinh điển đạo Phật đã bị thêm thắt rất nhiều… (như đã trích ở đoạn 5 trước).

Trước khi đi vào phần góp ý, tôi xin tóm tắt ý của CQ. trong bài giảng này để quý vị nắm rõ đại ý, vì cách hành văn cùng cách lập luận của CQ. vừa tối nghĩa vừa rườm rà. Trong phần giảng này, CQ. đưa ra mấy ý chính:

– Kinh điển của đạo Phật bị thêm thắt rất nhiều.

– Kinh Địa Tạng hoàn toàn nguỵ tạo.

– Kinh Bát Nhã và Kinh Nguyên thuỷ cũng không do Phật thuyết, nhưng tư tưởng rất là hay.”

2) Phần góp ý của tôi.

“… Vấn đề được đặt ra ở đây là những Kinh điển mà như CQ. cho là “bị thêm thắt, nguỵ tạo” đó, có đi đúng giáo lý của đấng Từ Phụ hay không, vì nếu nó không đúng thì dù cho đời sau hay đời trước viết, ta đều có quyền không theo, không tụng…

Giả dụ như có những Kinh đã bị nguỵ tạo, thì ai đã nguỵ tạo? CQ. bảo: “ Không muốn nêu đích danh, tôi nêu đích danh thì ở đây quý sư cô sửng sốt hết…” Mà sau 600 năm sau, 1000 năm sau Phật lịch, những bài Kinh đó mới bắt đầu có, đây là điều rất là khủng khiếp…”

Xin hỏi sư CQ.: Tại sao lại sợ “quý cô” sửng sốt mà không hài danh, hài tánh những ai đã thêm thắt, nguỵ tạo những Kinh sách kia! Tại sao việc tìm ra những Kinh sách được viết cả 1000 năm sau khi Phật tịch lại là một điều khủng khiếp nhỉ? Khi mà chính CQ. cũng nhận rằng: “Nhiều Kinh sau này họ soạn ra đó không phải Phật thuyết nhưng mà ý cũng rất là hay… Ví dụ như bộ kinh Bát Nhã, tư tưởng rất là hay mà không phải Phật thuyết” – Đã hay thì tại sao lại chê?

Để kết luận, tôi có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, sư CQ. đã phạm phải những sai lầm sau đây:

a/ Hiểu biết nông cạn: Đã tự khoác lên mình cái danh tu hành, thì ít ra cũng phải biết một điều hết sức sơ đẳng là: Khi Phật còn tại thế, Ngài chỉ thuyết pháp, nghĩa là Ngài chỉ “Lập ngôn” mà không “Trước thư” (viết sách), vì vào thời Ngài, chữ viết gần như chưa có. Chỉ mãi về sau này, các đệ tử của Phật mới ghi lại lời của Ngài thành Kinh sách. Do đó, mà các Kinh sách không phải do một hay vài người viết ra, mà là do nhiều người viết ra, ai nhớ đến đâu viết ra đến đó; các Kinh sách cũng chẳng phải do một hay hai đời viết ra, mà do nhiều đời viết ra. Như vậy, thì dù 6, 7 trăm năm hay cả ngàn năm sau mới có thêm Kinh Phật, thì có chi là lạ. Vả lại, như ta đã biết: Không cứ tôn giáo nào mà Kinh sách nhiều như Kinh sách Phật giáo, có người ví kho tàng Kinh văn Phật giáo như một khu rừng, như vậy tất nhiên phải do nhiều người viết, nhiều đời viết.

b/ Nói năng hồ đồ: CQ. bảo có nhiều Kinh Phật đã bị thêm thắt, nguỵ tạo. Nhưng ai đã nguỵ tạo, thêm thắt, và căn cứ vào đâu mà dám khẳng định như thế, thì CQ. không nói ra được, mà chỉ nói mơ hồ rằng: “Không nêu đích danh vì nêu đích danh thì sẽ làm cho các cô sửng sốt”, rồi sau đó CQ. lại nói rằng: “Chính thầy của CQ. đã bảo cho CQ. sự thật như vậy”. Vậy thầy của CQ. là ai, căn cứ vào đâu mà vị ấy dám nói như vậy? Có bao giờ CQ. đặt ra vấn đề kiểm chứng lời thầy không? Có lẽ CQ. hoặc không có trình độ để kiểm chứng, hoặc cho rằng đặt ra vấn đề đó với thầy là bất kính chăng? Nếu vậy thì CQ. đã quên rằng, chính đức Phật đã bảo với các Tỷ-kheo rằng, một môn đệ cần phải xét đoán ngay cả Đức Như Lai (đức Phật) nữa, để có thể hoàn toàn tin chắc giá trị của vị thầy mà mình đang theo.

c/ Tư cách hèn kém: Là một Phật tử mà nói hồ đồ, đã là phạm vào một  trong năm giới căn bản của Phật giáo rồi (Ngũ giới), huống hồ đây lại là một con người mang danh tu hành mà vọng ngữ như vậy, thì tội lỗi biết chừng nào. Không những đã phạm giới răn của nhà Phật, CQ. còn tỏ ra là một kẻ phản bội, mượn lốt sư để chống phá ngay cái Đạo đã nuôi dưỡng mình, là điều mà những ai còn nhất điểm lương tri không bao giờ làm.

Một kẻ phản đồ như vậy có còn là một con Người  nữa không? – Hỏi tức là trả lời vậy.”

Pháp Chánh.

Bài II.

Riêng bài thứ II, vì bài quá dài nên chúng tôi chỉ tóm lược đại ý: Dựa vào băng giảng “Mới và Cũ” của thầy CQ., Phật tử Pháp Chánh tiếp tục nêu lên hai vấn đề mà thầy CQ. phát biểu một cách hồ đồ, vô căn cứ:

1) Kinh, Luận  của Bắc tông (Đại thừa) và Nam tông (Tiểu thừa) là nguỵ tạo, nếu biết rõ thì rất kinh khủng và sửng sốt….

(Phần góp ý của Phật tử Pháp Chánh)

2) Tịnh độ tông  (đức Phật A Di Đà và cõi Cực lạc) là không có thật.

(Phần góp ý của Phật tử Pháp Chánh)

Pháp Chánh.

Bài III.

“Hôm nay ngồi viết về cái gọi là “Bài giảng” của CQ. trong đầu tôi bỗng loé lên câu chuyện sau đây về đức Bổn Sư:

Một hôm, đức Phật kinh hành, trên đường Ngài gặp một tu sĩ Bà la môn. Vị này liền gây sự với Ngài và nặng lời thoá mạ Ngài. Đức Phật trước sau vẫn không nói một lời và vẫn giữ nụ cười trầm lặng cố hữu của Ngài và tiếp tục đi. Thấy vậy, người Bà là môn kia mới níu áo Ngài lại và nói:

– “Này Sa môn Cù Đàm, tại sao ta nói mà ông không trả lời?”

+ Đức Phật bèn hỏi lại: “Nếu khi ông đem tặng ai một vật gì đó, mà người ta không nhận thì ông có nhận lại không?”

– Dĩ nhiên là ta nhận lại.

+ Vậy thì xin ông hãy nhận lại những lời mà ông vừa nói đó, đức Phật trả lời.

Tôi cũng định theo gương Ngài mà kết thúc loạt bài viết ở đây, vì những “Bài giảng” tiếp theo mà tôi đang có dưới tay của CQ., không nhằm làm sáng tỏ một điều gì, mà chỉ đơn thuần bôi nhọ một số nhà tu hành, một số pháp môn với những lời lẽ càng ngày càng thô tục, dâm ô, không đáng để ta đối đáp, mà chỉ nên giữ yên lặng như đức Phật đã làm trước thầy Bà la môn kia.

Nhưng tôi lại trộm nghĩ rằng: Trong cõi đời Mạt pháp này, những kẻ tư cách đê tiện như CQ. không phải là hiếm, bên cạnh đó lại có một số Phật tử vì căn cơ hạn hẹp nên đã tỏ ra quá dễ dãi, chạy theo những lời đường mật, tán tỉnh của số “Sư Dỏm” này, biến chốn Thiền môn thành nơi đàng điếm, sa đoạ, khiến người ngoại đạo nhìn vào không khỏi ngộ nhận về tính cách cao cả của Đạo ta.

Nghĩ vậy, mà tôi đành phải tiếp tục loạt bài phản bác này, nhưng cũng xin được thưa với quý vị đạo hữu gần xa, nếu trong bài này cũng như trong các bài sau của tôi, lời lẽ có lúc nào đó, không còn giữ được bình tĩnh, xin quý vị cũng lượng thứ cho, vì một người như CQ. “tất cả đều được cho phép” (tout est permis)”.

* Tiếp theo, Phật tử Pháp Chánh dựa vào nguyên văn băng “Pháp Môn Tu Hành” (số 6) của thầy CQ. để tiếp tục nói lên sự bôi nhọ đạo Phật của thầy ấy khi cho rằng “Mật tông là đạo dâm đãng” và “ Cuộc sống của Nam tông làm đạo Phật không phát triển trên thế giới”.

Chẳng hạn, đoạn văn thầy CQ. cho “Mật tông là đạo dâm đãng”, Phật tử Pháp Chánh viết: “… Nay, giả dụ như sự việc đó có thật, thì một nhà tu hành có nên đem ra mà khoe với các giáo đồ không? Không nói gì một nhà tu hành, mà chỉ nói một người bình thường thôi, nếu gặp ai cũng đem chuyện người ta ra kể xấu, thì con người ấy có đáng để cho ta trọng không? Các cụ gọi những chuyện kể theo kiểu CQ. là những chuyện “Ngồi Lê Đôi Mách” và những kẻ kể chuyện đó là những kẻ lắm chuyện.

Bây giờ, ta giả dụ như chuyện trên có thật thì có phải vì thế mà ta có thể gọi Mật tông là đạo dâm đãng không? Gọi vậy là vơ đũa cả nắm, cũng chẳng khác gì như khi nghe CQ. nói bậy, nói bạ như thế mà quy lỗi cho cả Phật giáo vậy.”.v.v.

Pháp Chánh.

Như thế, thông qua ba phần của bài viết chúng ta đã quá rõ thầy CQ. là ai và phá hoại Đạo Phật như thế nào rồi. Tại đây, việc thiết thực của người con Phật, chúng ta phải có bổn phận bảo vệ Đạo pháp; bằng cách, một mặt cố gắng tu học để có Chánh kiến, Chánh tín vững mạnh; mặt khác, thông tin rộng rãi hoặc trực tiếp hay gián tiếp đến các đạo bạn để họ biết rõ hành động đen tối của thầy CQ. hầu không bị đánh lừa nữa…

Tóm lại, theo kinh Tương Ưng, một Tỷ-kheo chân chánh khi tuyên dương Phật Pháp hoặc bằng thuyết giảng, hoặc bằng giảng dạy, hay bằng viết sách… thì Pháp được truyền trao phải là Pháp để đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si. Như vậy, là Tỷ-kheo nói đúng Pháp.([1]) Ấy thế, bây giờ các hiện tượng Tân Tăng xét về phương diện dùng thế học để luận bàn Phật pháp rất phổ biến; ngoài thầy Nhật Từ, cô Huệ Liên và thầy Chơn Quang nói trên, còn có rất nhiều Tăng, Ni khác cũng sinh hoạt dưới dạng thức hoặc là Giảng sư, hoặc là Giáo thọ sư v.v. Chúng tôi sẽ cố gắng trình bày ở loạt bài kế tiếp, trong đó có hai vị Giáo thọ([2]), một vị khi giảng về ý nghĩa Niết bàn, thầy ấy đã khẳng định với Tăng – Ni sinh viên rằng: “Niết bàn là trạng thái động chứ không phải trạng thái tĩnh. Ai nói Niết bàn là tĩnh thì người đó tà kiến”. Sau đó, thầy ấy lại dùng toán học vẽ sơ đồ con đường đi về Niết bàn để hướng dẫn cho học trò; Còn vị kia, không kể đến sự phê phán Pháp hay Tăng, mà chính đức Phật cũng là đối tượng để thầy này chê Ngài nói sai điểm này, điểm nọ khi giảng dạy. (Phải chăng hành động của hai thầy này cũng cùng một “sứ mạng” như thầy Chơn Quang?)

Tựu trung, hiện tượng Tân Tăng, dù sinh hoạt dưới dạng kiến thức lai căn hay các dạng khác, chung quy là do tự thân những Tu sĩ ấy tham đắm danh-lợi (ngũ dục), chỉ khác nhau ở điểm, hoặc do không tu, thiếu tu mà bị nô lệ danh-lợi, hoặc đội lốt tu sĩ vì “sứ mạng” để kiếm lợi-danh. Về thành phần Tăng, Ni không tu tập thì Kinh điển gọi là “Thân xuất gia mà tâm không xuất gia”. Trong loại này, gần đây lại sản sinh thêm một thứ mới; đấy là, thân cũng chẳng xuất gia mà “bán tăng bán tục”. Bên cạnh, cũng xuất hiện một thứ Tân Tăng “rong rêu” khác, đấy là các thầy, các cô lạm xen vào các trò chơi thế tục, như “Chiếc nón kỳ diệu, “Hành trình văn hóa” hay “Hãy chọn giá đúng” v.v.

Qua các sự kiện huỷ báng Đạo Phật như thế, là Phật tử chắc hẳn ai cũng buồn đau cho hiện cảnh “sư tử trùng trung thực sư tử nhục” (Chính vi trùng trong thân sư tử ăn thịt sư tử). Vậy, chúng ta phải làm gì? – Vấn đề thực tế, trước hết chúng ta hãy tinh tấn tu tập đúng mức những giới pháp chúng ta đã lãnh thọ để xứng với danh xưng; thứ đến, chúng ta hãy tuyệt đối nương tựa Pháp chứ đừng nương tựa, thần tượng bất cứ một người nào như đức Phật đã dạy (Y pháp bất y nhân). Cụ thể, Pháp ở đây chính là Tam tạng Kinh-Luật-Luận truyền thống đã được kiểm nghiệm nhiều lần bởi chư vị Thánh Tăng, đã và đang chuyển dịch ra Việt ngữ. Những tác giả dịch Kinh hay trước tác các sách Phật giáo đáng tin cậy như Hoà Thượng (HT.) Hành Trụ, HT. Trí Nghiêm, HT. Trí Thủ, HT. Trí Tịnh, HT. Thiện Siêu, HT. Thiện Hoa, HT. Minh Châu, HT. Trí Quang, HT. Đổng Minh, HT. Chơn Thiện, HT. Phước Sơn, Sư bà Thể Quán, Ni sư Trí Hải… Ngoài ra, những tác phẩm của các tác giả “giàu thế học lại nghèo Phật học” thì chúng ta cần cẩn trọng nếu muốn đọc. Về băng, đĩa thì hiện nay quá nhiều, trong ấy chánh-tà đan xen nên càng cẩn trọng hơn để gạn lọc. Riêng băng, đĩa có nội dung như kiểu của thầy Chơn Quang thì không nên nghe, vì hoàn toàn không có lợi, lại mất thời giờ.

Rất mong mọi người con Phật đều sáng suốt trong việc kết bạn, chọn thầy và cẩn trọng, tinh tấn trong việc học Phật pháp, hành Phật pháp để đi đúng hướng Phật, Tổ đã đi, hầu có hiệu quả an lạc thiết thực ngay tại đây và bây giờ.

Trân trọng !.

——————————————

[1] Kinh Tương Ưng IV-1982-tr 257.

[2] Dịp sau chúng tôi sẽ nên tên.

——————————————————

[1] Do một số Ni sinh lớp học đó thuật lại, song chưa tiện nêu tên.

[2] Phật giáo trong thế kỷ mới-tập 3, Tại sao phải chấn hưng? Giao điểm 10/2006.

[3] Sđd. Tr 74.

[4] Sđd. Tr 73.

[5] Sdd. Tr 79.

[6] Sđd. Phần chú thích, trang 79-80.

7 nt.

[8] Sđd-tr 75.

[9] Sđd-tr  84.

[10] nt.

[11] Sđd. tr 83.

[12] Sđd. tr  78.