tán loạn

Phật Quang Đại Từ Điển

(散亂) Phạm: Vikwepa. Cũng gọi Tán động, Tâm loạn. Khi duyên cảnh, tâm loạn động, không chuyên nhất, là 1 trong 100 pháp của tông Duy thức, 1 trong các Tùy phiền não. Luận Đại thừa quảng ngũ uẩn (Đại 31, 853 hạ) nói: Thế nào là tán loạn? Nghĩa là tham, sân, si khiến tâm, tâm sở tán loạn làm tính, thường gây chướng ngại cho việc lìa dục làm nghiệp. Về vấn đề thể tính của tâm tán loạn thật hay giả thì trong các luận có nhiều thuyết khác nhau. Theo thuyết trong luận Du già sư địa quyển 55 thì Tán loạn chỉ thuộc về si; còn theo thuyết trong luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập quyển 1 thì cho rằng Tán loạn thuộc cả 3 thứ tham, sân, si và 2 thuyết đều chủ trương Tán loạn không có thể riêng biệt. Nhưng ngài Hộ pháp thì cho Tán loạn có tự thể riêng của nó. Cứ theo Nhiếp Đại thừa luận thích quyển 9 thì sự tán loạn của tâm khởi lên do 4 chướng: Khí xả chướng,Viễn li chướng, An thụ chướng và Sác trị chướng. Về chủng loại tán loạn thì các kinh luận nói cũng đều khác nhau: 1. Đại thừa trang nghiêm kinh luận quyển 8nói có 2 thứ tán loạn: a. Hạ ý tán loạn: Sự tán loạn thích cầu Tiểu thừa và mê muội Đại thừa. b. Phân biệt tán loạn: Sự tán loạn sinh khởi khi phân biệt tư duy về Tam luân 2. Luận Nhiếp đại thừa quyển 9 (bản dịch đời Lương) nêu 5 thứ tán loạn: a. Tự tính tán loạn: Sự tán loạn do 5 thức: Mắt, tai, mũi, lưỡi và thân không giữ tự tính, đuổi theo ngoại cảnh, niệm niệm đổi khác. b. Ngoại tán loạn: Ý thức rong ruổi, chạy theocáctrần cảnh bên ngoài, khởi lên các thứ phân biệt. c. Nội tán loạn: Tâm sinh cao thấp, niệm niệm biến hóa không định. d. Thô trọng tán loạn: Do chấp trước cái ta, cái của ta(như thân ta, tiền tài, ruộng vườn, nhà cửa, quyến thuộc của ta…) mà khởi lên tán loạn. e. Tư duy tán loạn: Bồ tát lìa bỏ Đại thừa, tư duy về Tiểu thừa mà khởi tâm động tác, không được tĩnh lặng. Trong luận Lục môn giáo thụ tập định cũng nêu 5 thứ tán loạn là Ngoại tâm tán loạn, Nội tâm tán loạn, Tà duyên tâm tán loạn, Thô trọng tâm tán loạn và Tác ý tâm tán loạn, ý nghĩa đại khái cũng giống với 5 thứ tán loạn vừa trình bày ở trên. 3. Luận Hiển dương thánh giáo quyển 18, luận Biện trung biên quyển hạ và luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập quyển 1 nêu 6 thứ tán loạn: a. Tác ý tâm tán loạn, cũng gọi Tư duy tán loạn. b. Ngoại tâm tán loạn, cũng gọi Ngoại duyên tán loạn. c. Nội tâm tán loạn, cũng gọi Nội tán độngd. Tướng tâm tán loạn, cũng gọi Tướng tán động. Nghĩa là giả dối làm thiện nên trong tâm không an ổn. e. Thô trọng tâm tán loạn, cũng gọi Thô hoặc tán loạn. f. Tự tính tâm tán loạn, cũng gọi Tự tính tán động. 4. Nhiếp đại thừa luận bản quyển trungnêu 10 thứ tán động: a.Vô tướng tán động, cũng gọi Vô hữu tướng tán động. Nghĩa là chấp trước Vô tướng. b. Hữu tướng tán động: Chấp trước hữu tướng. c. Tăng ích tán động: Chấp trước có tăng ích vô sở hữu. d. Tổn giảm tán động: Chấp trước vô tổn giảm thực hữu. e. Nhất tính tán động, cũng gọi Nhất chấp tán động. Chấp trước y tha phân biệt là không. f. Dị tính tán động, cũng gọi Dị chấp tán động. Chấp trước sắc, không khác nhau. g. Tự tính tán động, cũng gọi Thông tán động. Chấp trước sắc có chất ngại. h. Sai biệt tán động, cũng gọi Biệt tán động. Chấp trước sắc có sinh, diệt, nhiễm, tịnh… i. Như danh thủ nghĩa tán động, cũng gọi Như danh khởi nghĩa tán động. Chấp trước danh như nghĩa. k. Như nghĩa thủ danh tán động, cũng gọi Như nghĩa khởi danh tán động. Y cứ theo nghĩa mà khởi chấp trước về danh. [X. Nhiếp đại thừa luận thích Q.5 (bản dịch đời Lương); Nhiếp đại thừa luận thích Q.4 (Vô tính); luận Đại thừa bách pháp minh môn; luận Thành duy thức Q.4; Thành duy thức luận thuật kí Q.6, phần cuối; Bách pháp vấn đáp sao Q.1].