TÂN HOA NGHIÊM KINH LUẬN

QUYỂN 10

Cư Sĩ Lý Thông Huyền (Đời Đường).

 

1. Chúng lưu quang trong hội bồ đề là chúng mà Phật độ thoát từ sự tu tập năm vị, lập hạnh lợi sanh, thành tựu quả báo, hiểu rõ nhân.

2. Chúng ở trong cung điện là chúng hình thành từ hạnh bi viện mãn đem lại lợi ích cho chúng sanh của Phật.

3. Vô số chúng bằng số bụi trong mười cõi Phật như mười Bồ-tát có tên Phổ… Vì tất cả các Đức Phật từ xưa đến nay đều hành hạnh Phổ Hiền. Ba chúng trên là đạo Phổ Hiền. Hạnh tự lợi lợi tha của năm vị bằng bi trí, mười Ba-la-mật, bốn nhiếp pháp, bốn vô lượng tâm là Phổ. Tất cả các Bồ-tát là pháp đế phàm phu tu tập như đường quốc lộ. Pháp vốn vậy, hành hay không hành không phải do sự khác biệt của đạo. Từ mười chúng Phổ Hiền đến chúng thứ bốn, từ vua cõi trời 33 đến vua cõi Đại tự tại đều tùy địa vị phân thành năm:

Từ “bấy giờ Thế Tôn… mười chúng Phổ Hiền: nêu quả để tạo nhân phát lòng tin. Vì sao? Như Lai là chánh giác, chúng Phổ Hiền là hạnh Phật, cõi Hoa Tạng thanh tịnh của Như Lai là y báo. Chúng sanh tùy theo khả năng của mình quán sát ba loại nhân quả và hạnh Phổ Hiền phát lòng tin. Nếu không, chúng sẽ không biết tin pháp gì. Vì thế, Như Lai nêu ba loại nhân quả này để chúng sanh phát lòng tin. 12 phẩm từ lần thứ nhứt ở điện Phổ Quang đến Phẩm Hiền Thủ đều là nêu quả khuyên tu.

Từ Bồ-tát Hải Nguyệt Quang Đại Minh và chín chúng như thần chấp kim cang… nêu nhân quả mười trụ vì sao? Bồ-tát Hải Nguyệt cũng là chúng Phổ Hiền nhưng tên khác. Vì dùng hạnh Phổ Hiền trong quả Phật vào đời độ sanh, tùy hạnh nguyện, tên gọi khác nhau. Nếu đã dùng hạnh Phổ Hiền trong quả Phật – hạnh mà tất cả các đức Phật đều hành – để vào đời độ sanh thì thể hiện đạt pháp vốn có không ngoài hạnh vốn có. Bồ-tát Hải Nguyệt Quang… là hạnh mười trụ. Phàm phu tu học mười tín, tin quả Phật không ngoài tâm mình, bản tánh mình thanh tịnh như tánh Phật. Trí hiểu biết tánh thanh tịnh là trí không nương dừng. Trí căn bản của Phật vốn có từ thiền Ba-la-mật, tự nhiên tương xứng với tánh pháp giới, hành mọi hạnh đều là hạnh Phổ Hiền, động tịnh là một, pháp thuyết giảng chính là pháp của các đức Phật, dù đến khi thành chánh giác, trí ấy vẫn không thay đổi. Tất cả là một, đủ trí hiểu biết như Phật, đủ hạnh Phổ Hiền. Mười chúng Phổ Hiền, Bồ-tát Hải Nguyệt Quang… là mười trụ. Vì mười trụ không ngoài trí pháp. Văn sau có câu: “Vừa phát tâm là thành chánh giác”. Phần Bồ-tát Hải Nguyệt Quang… đạt quả khen đức có câu: Bồ-tát Hải Nguyệt Quang đạt Ba-la-mật của các địa Bồ-tát, giáo hóa chúng sanh và làm trang nghiêm cõi Phật. Nghĩa là dùng hạnh Phổ Hiền độ sanh, đạt trí hạnh của Phật và năm vị. Dùng hạnh Phổ Hiền vào đời độ sanh là Hải Nguyệt Quang. Cộng chín chúng ở sau thành pháp mười trụ. Chín chúng: thần thuốc… là quả hạnh mười trụ. Và mười trụ hợp chơn như, che chở cho chúng sanh bằng trí là thần. (Không phải quỉ thần của thế gian). Các vị trời ở sau biểu hiện cho sự tiến tu năm vị, dần đạt tự tại. Các Bồ-tát mười trụ đều tùy địa vị mình giáo hóa chúng sanh, nhân quả tự tại. Thông đạt lý tánh, không dối trá, không tạo tác, không suy xét nhưng hiểu thấu mọi lẽ là thần. Các vị này đều là chúng mà Như Lai dùng năm vị độ thoát, là tấm gương để kẻ hậu học noi theo, biết rõ nhân quả. Từ thần lúa đến thần ngày… mười chúng là nhân quả lợi sanh của mười hạnh. Từ vua A-tu-la đến thiên tử Nhựt… mười chúng là nhân quả lợi sanh của mười hồi hướng. Từ trời 33 đến trời Đại Tự Tại… Mười chúng là nhân quả lợi sanh của mười địa. Đây là mượn vị để biểu hiện pháp nhằm đem lại lợi tích cho chúng sanh, khiến chúng an nhập tu tập chứng đạt. Từ chúng trong hội Phật đến chúng xuất hiện trong Ánh sáng giữa chặng mày có bốn: chúng trong hội Phật biểu hiện nhân quả của Phật và chúng sanh giống nhau. Chúng Bồ-tát đến từ mười phương; chúng xuất hiện từ Ánh sáng ở lỗ chân lông của các Bồ-tát. (Tánh pháp giới dung hợp tất cả, tâm bi rộng lớn, pháp the vốn vậy, y báo chánh báo đan cài không ngăn ngại); chúng xuất hiện từ lông trắng giữa chặng mày (nêu quả tạo nhân phát lòng tin). Đó là chúng mười tín, mười hạnh… địa 11. Sau khi thành chánh giác, Phật nêu nhân quả ấy để kẻ hậu học noi theo. Những chúng này, chúng lưu quang ở cội Bồ đề, chúng ở lầu giác cung điện, cộng thành 11 chúng, tùy địa vị, mà sự phối hợp có khác nhau. 7 chúng là: Một chúng Phổ Hiền… mười vị trong năm vị, mười trụ… mười địa mỗi vị đều có mười, cộng thành 0 chúng, chúng lưu quang, chúng trong lầu gác, chúng trong đạo tràng, chúng xuất hiện từ Ánh sáng giữa chặng mày, chúng đến từ mười phương, chúng xuất hiện từ Ánh sáng ở lỗ chân lông. Nếu nêu riêng mười chúng Phổ Hiền sẽ thành 56 chúng, thuộc phần: Đại chúng vây quanh. Ba mươi hàng kinh đầu của phần này phân thành ba đoạn:

  1. (7,5 hàng) chúng Bồ-tát và những vị cùng tên Phổ.
  2. (7,5 hàng, Bồ-tát Hải Nguyệt… vô số Bồ-tát) tên các Bồ-tát và tổng kết số Bồ-tát.
  3. (15 hàng Bồ-tát… vô số công đức) Nhân tu tập và công đức của đại chúng.

Đoạn một lại chia thành ba:

  1. Giải thích tên Bồ-tát.
  2. Giải thích sự giống nhau về tên của Bồ-tát.
  3. Nguyên nhân.

Giải thích tên Bồ-tát (giải thích tên Phổ Hiền, những tên khác chuẩn theo đây): Hạnh lý giống nhau, đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh là Phổ; biết căn tánh độ sanh là Hiền. Bồ là giác; tát là chúng sanh. Có khả năng giác ngộ chúng sanh là Bồ-tát. (Nói đủ là ma-ha- bồ-đề-tát-đỏa: giác ngộ chúng sanh) thường ở trong biển sanh tử, giác ngộ vô số chúng sanh. Chín Bồ-tát sau đều có tên Phổ. Vì mỗi Bồ-tát đều có mười đức hạnh viên mãn. Danh hiệu của Bồ-tát tùy theo hạnh nguyện lớn lao, thể Ba-la-mật. Giải thích sự giống nhau về tên của Bồtát: mười vị có tên Phổ vì mỗi vị đủ mười hạnh rộng lớn. Những vị sau tên khác, biểu hiện từ hạnh rộng lớn thực hành vô số hạnh khác biệt. Rộng lớn vì tất cả các đức Phật đều hành, ví như đi trên quốc lộ. một sát na tu tập pháp lành là thấy một phần bản tánh, trí huệ biểu hiện là trí căn bản của Phật, là hạnh Phổ Hiền. Người có một phần tâm lành trong hạnh Phổ Hiền là đã vào dòng pháp. Văn sau chép: Nghe tên Phật, pháp Phật tuy không tin nhưng chắc chắn sẽ đạt trí kim cang huống gì tin tưởng tu tập. Nguyên nhân: y báo chánh báo của Phật là do tu hạnh Phổ Hiền. Chúng sanh thấy vậy phát lòng tin. Như Lai là quả trí căn bản của các đức Phật khắp mười phương. Bồ-tát Phổ Hiền… mười vị là trí sai biệt của các đấng chánh giác. Nêu hai quả này để chúng sanh tin thích tu tập và chứng nhập. Ba lần thuyết pháp:

  1. Thị hiện tám tướng thành đạo;
  2. Khuyên tu, quán sát quả báo, biết nghiệp nhân, khuyên trời người tu học;
  3. Chứng nhập pháp ba thừa, một thừa.

Ở đây nêu quả trí căn bản của Phật và hạnh rộng lớn của Phổ Hiền, khuyên chúng sanh thành thục phát lòng tin tụ tập. Đây là vị

Đẳng giác địa 11 hành hạnh Phổ Hiền. Các đức Phật sau khi thành chánh giác cũng hành hạnh ấy. Người vừa phát tâm bồ đề cũng thế. Luận này mượn hạnh Phổ Hiền làm pháp tu tập. Nếu không, chúng sanh không biết tin tu pháp gì. Vì thế hạnh Phổ Hiền sau khi thành Phật là hạnh lợi sanh hạnh Phổ Hiền từ lúc phát tâm trở về sau là hạnh tự lợi. Vì lợi sanh nên nêu quả Phật để chúng phát lòng tin tu tập chứng nhập. Đại ý của kinh là thế. Các chúng Bồ-tát Hải Nguyệt, trời, thần… là quả tiến tu của chúng trọn vẹn mười tín nhập mười trụ… mười địa. Tùy mỗi vị nêu nhân quả khác nhau để chúng sanh tin tu. Nếu không, chúng sẽ vướng mắc trong một pháp, không phát triển trí huệ. Đoạn này nêu sự thành đạo của Phật, quả Phật, sự tu tập chúng nhập pháp năm vị. Khi đã chứng nhập, chúng sanh là Phật, trí huệ như Phật. Nếu tin Phật như thế, Bồ-tát vừa phát tâm không như vậy thì chưa tin mình là Phật. Người thấy cảnh giới trí là pháp thân Phật chính là người có khả năng hành hạnh Phổ hiền. Cõi kim sắc… trong phẩm Quang minh giác của lần thuyết giảng thứ hai là pháp tánh trong sạch không ô nhiễm nơi tâm. Phật Bất Động Trí là tự tâm. Về thật tánh, trí phân biệt không vững chắc. Bồ-tát Văn Thù là trí huệ vi diệu có khả năng phân biệt các pháp tâm không tánh. Bồ-tát Giác Thủ là điều kiện đầu tiên của lòng tin chân thật, Bồ-tát Mục Thủ là tự tâm. (Tin tâm cảnh là Phật, mình là Phật, Phật từ tâm. Nếu thấy Phật ngoài tâm, không phải là tín vị). Giải thích tên khác nhau của các Bồ-tát (7,5 hàng) có bốn ý:

  1. Ý nghĩa của sự khác nhau.
  2. Tên của Bồ-tát.
  3. Tổng số.
  4. Khen đức.

Những vị này vào đời độ sanh bằng hạnh Phổ Hiền, tùy hạnh nguyện sai khác, danh hiệu khác nhau. Phổ là đầy đủ, cùng khắp. Vào đời độ sanh, dạy chúng sanh đạt pháp. Vì thế mười trụ đeu tu tập pháp của các đức Phật. Ví như đường lớn, người xưa người nay đều đi. Từ pháp Phật, vào đời độ sanh nên hạnh Phổ Hiền sau quả Phật cũng là pháp mười trụ. Vì sự giác ngộ sau trước giống nhau. Quả Phật, hạnh Phổ Hiền là pháp mà các đức Phật xưa nay đều tu, là pháp tin. Những Bồ-tát vào đời độ sanh biểu hiện đạo mà chúng sanh được giáo hóa chứng nhập giống pháp của các đức Phật. Những kẻ hậu học nên dùng sức định huệ chính mình để xem xét, không nên tin tưởng bằng vọng tình. Biết khả năng lãnh thọ của mình không phải do căn lành từ trước. Dù là ba thừa, Bồ-tát sáu thông vẫn còn hoài nghi. Pháp phàm phu là tánh nhứt thừa, tuy ở trong sanh tử nhưng tin hiểu được. Vì ba thừa yếu kém nên Phật tạm nói: Cõi ta Bà là cõi đủ năm sự nhơ uế, cõi tịnh ở nơi khác. Hoăc nói: cõi này nhơ uế, trên cõi tứ thiền có cõi tịnh, phải tu ba tăng kỳ kiếp mới đạt quả Phật. Phật không nói tịnh uế dung hợp, phàm Thánh là một, không ngăn ngại. Ba thừa chấp quyền pháp là thật pháp, không tin pháp nhứt thừa. Vì dùng pháp giả, sự quán xét hư ảo, phá trừ vô minh thô, hành một phần Ba-la-mật, đạt ba bậc ý sanh thân, thấy có cõi Phật của mình, của người, có tịnh uế, thích cõi xưa, ghét cõi đây, tu tập hạnh thanh tịnh, quán không, chơn như giả, đạt một phần thần thông, quả báo hơn trời, tâm yêu ghét cũng hơn, không sanh vào cõi ác nhơ uế. Vì nguyện lực, đến các cõi Phật, ba thừa giáo là thế, người chưa chuyển tâm, luôn như vậy. Người học quyền pháp, căn tánh yếu kém, không nghe pháp này, dù nghe vẫn không tin. Kinh Duy Ma và Pháp Hoa đều nêu ra một phần chơn như để phá trừ tâm yếu kém kia nhưng vẫn chưa nêu đủ. Vì thế người học Phật không nên riêng tu một pháp. Các kinh đều có ý nghĩa sâu xa. Có người học đạo cả một đời nhưng trí huệ không phát triển, chê thật pháp. Tên của Bồ-tát này đều gọi theo pháp mười trụ và pháp Ba-la-mật. Mỗi vị đủ mười, tùy hạnh nguyện đặt tên. Mười Ba-la-mật của mười Bồ-tát này cũng là hạnh của Bồ-tát năm vị. Trong năm vị, mỗi vị đủ mười, cộng thành 100 pháp. Nghĩa là mỗi Ba-la-mật đủ mười pháp. Mười Ba-la-mật thành 100 pháp. Trong mười trụ, mỗi trụ đủ mười pháp, cộng thành 100 pháp. năm vị thành 500 pháp. Tùy hạnh vị đạt quả báo khác nhau nhưng đều là mười Bồ-tát này. Đại Bồ-tát Hải Nguyệt Quang Đại Minh: hạnh nguyện rộng lớn độ thoát vô số chúng sanh là hải. Chúng sanh đều thấy bản tánh, đạt thanh tịnh là Nguyệt Quang. Sau khi đạt thanh tịnh, trí thông tất cả là đại minh. Giác ngộ chúng sanh trong tất cả các cõi nước là Đại Bồ-tát. (Nghĩa Bồ-tát như trước). Nghĩa là sau khi thấy đạo, không ra khỏi sanh tử, giác ngộ vô số chúng sanh. Vả lại sự sanh tử của chúng sanh cũng chính là sự giác ngộ của Bồ-tát. Vì trong pháp giới chơn như này không có gì khác. Vị này chuyên tu thí Ba-la-mật, chín pháp kia là thứ yếu. Từ pháp giới, hành hạnh bố thí đem lại lợi ích cho chúng sanh, đoạn phiền não nóng bức, đạt thanh tịnh. Danh hiệu của Bồ-tát này là hạnh nguyện mười pháp Ba-la-mật của mười trụ. Giống như danh hiệu Nguyệt của các đức Phật mà Bồ-tát mười trụ phụng sự. Bố tát Vân Âm Hải Quang Vô Cấu Tạng trong giới Ba-la-mật. Từ giới tánh phát tâm từ, thuyết pháp. Tánh giới không nhiễm ô như biển không chứa xác chết. Thể của giới là pháp giới không tánh, các pháp đều thanh tịnh, rộng lớn như biển. Trong thể giới tánh tâm cảnh đều là chơn như, dùng trí thanh tịnh soi xét thế gian là quang. Pháp tánh không nhiễm ô là vô cấu. Pháp giới dung nhiếp mọi hiện tượng, các pháp vốn thanh tịnh, là chơn như là tạng. Bồ-tát Công Đức Bảo Kế Trí sanh trong nhẫn Ba-la-mật, trang sức thân bằng pháp nhẫn. Bảo Kế là vật trang sức trên đầu. Vì nhẫn là điều kiện đầu tiên để Bồ-tát phát tâm. Vì nhẫn nại phát sanh trí huệ là trí sanh. Nhẫn là vòng hoa. Bồ-tát Công Đức Tự Tại Vương Đại Quang trong tinh tấn Bala-mật. Siêng năng làm mọi việc tạo lợi ích cho chúng sanh, tự tại như vua (vương). Soi chiếu khắp nơi là Đại Quang. Thường ở trong biển sanh tử, dùng trí độ sanh, chúng sanh tỏ ngộ. Bồ-tát Thiện Dũng Mãnh Liên Hoa Kế trong thiền Ba-la-mật. Pháp giới là thể của thiền, từ phàm phu phát lòng tin tu tập chứng nhập. Sát ma đoạn trừ vọng tưởng hợp chơn trí là Dũng Mãnh. Trí thông hiểu thế gian, ở trong đời nhưng không đắm nhiễm là liên hoa, trang sức hoa sen là kế. Vì thể của thiền không nhiễm tịnh. Bồ-tát Phổ Trí Vân Nhựt Tràng trong Bát-nhã Ba-la-mật. Trí huệ của Bồ-tát này rộng lớn, thường thuyết pháp cho chúng sanh (như mây tuôn mưa). Ánh sáng trí huệ phá tan bóng tối là Nhựt, phá tà hiển chánh là tràng. Bồ-tát Đại Tinh Tấn Kim Cang Tề trong phương tiện Ba-la-mật. Tất cả vị thứ bảy trong năm vị đều tu tâm bi. Lý chơn như dung nhiếp nhiễm tịnh là phương tiện. Như ví dụ trong Bồ-tát địa thứ bảy: Một nước tịnh, một nước uế, khó hiểu được việc thiện ác của hai cõi này, hoặc như trụ thứ bảy: đồng tử Thiện Tài gặp nữ cư sĩ Hưu Xả, nữ cư sĩ bảo Thiện Tài: ta có tám vạn bốn ngàn quyến thuộc. Tám vạn bốn ngàn quyến thuộc là thực hành tám vạn bốn ngàn pháp. Xem sự sống chết là vườn cảnh. Đây là Ba-la-mật thứ bảy trong mười Ba-lamật của trụ phát tâm thứ nhứt, không phải là Ba-la-mật thứ bảy của trụ thứ bảy. Tâm bi kiên cố, vào đời độ sanh không mỏi mệt là tinh tấn, phá trừ cấu uế cứng chắc của chúng sanh là kim cang. Ở trong sự trói buộc của chúng sanh nhưng vẫn luôn sống với trung đạo là tề. Tề là sống với bi trí. Như Ánh sáng Thọ sanh phóng từ rốn Phật là biểu hiện cho trí bi ấy. (Trụ thứ nhất là vậy trụ Trị Địa, trụ Tu Hành cũng thế). Bồ-tát Hương Diệm Quang tràng trong nguyện Ba-la-mật. Nguyện rộng lớn là

Hương. Trí tùy căn tánh phá trừ hoặc chướng của chúng sanh là Quang. Vào trong tà đạo, đoạn diệt vô minh là Tràng. Vị thứ tám của mỗi vị thường hiện thân ngoại đạo, sống với ngoại đạo phá trừ tà pháp như thiện tri thức Tỳ Mục Đa La trong trụ thứ tám của Thiện Tài. Vị trí thanh tịnh phá trừ tà pháp. Bồ-tát Đại Minh Đức Thâm Mỹ Âm trong lực Ba-la-mật. Với lực Ba-la-mật, vị này luôn thuyết giảng giáo pháp. Bồ-tát Đại Phước Quang trí sanh trong trí Ba-la-mật, biểu hiện trí căn bản. Mười Bồ-tát này biểu trưng việc đoạn chướng thành tựu pháp thân bi trí bằng mười Ba-la-mật của trụ phát tâm thứ nhứt. Cứ tu tập một pháp là khế hợp một pháp. Sự tu tập khác nhau về mười Ba-la-mật là dùng pháp đoạn trừ tập nhiễm. Pháp này là pháp vốn có, thời gian tu tập là một. Vì thời gian không bản tánh, không có sự đến đi của ba đời. Ngay mỗi pháp đủ thể dụng mười pháp nhưng sự tu tập thành thục chưa thành thục của mỗi vị khác nhau, sự thể nhập bi trí khác nhau và cũng từ đó, địa vị khác nhau, không phải pháp khác nhau. (Hãy suy xét bằng sáu tướng). Tổng số: trong kinh chép: vô số Bồ-tát nhiều như số bụi trong mười cõi Phật. Khen đức: (15 hàng rõ như trong kinh). Đại chúng ấy là những người đủ hạnh Phổ Hiền, vào đời thuyết pháp, thành tựu pháp mười trụ… mười địa… tuần tự chỉ dạy chúng sanh để chúng ngộ nhập, luôn là nơi nương tựa của chúng sanh. Về lợi ích, các Bồ-tát này luôn dùng đủ mọi phương tiện dạy chúng sanh chứng nhập pháp. Khi đã chứng nhập, trí hiểu biết như Phật, chỉ dạy chúng sanh. Mê là phàm, ngộ là Phật. Sự hiểu biết xưa nay vốn sẵn. Đại chúng ấy là chúng tỏ ngộ. Trời thần cũng vậy, luôn ủng hộ pháp Phật, làm cho giáo pháp tồn tại, mãi ở thế gian để chúng sanh được lợi ích.

Một đoạn: (13,5 hàng) vô số thần chấp kim cang bằng số bụi trong một cõi Phật được phân thành bốn:

  1. Mượn vị biểu pháp.
  2. Giải thích danh hiệu hạnh nguyện.
  3. Tổng số.
  4. Khen đức.

Thần là người thấy đạo, tánh như Phật, trí hợp chân lý, tùy thuận hạnh Phổ Hiền vào đời ủng hộ chánh pháp. Trụ thứ hai chủ yếu tu giới Ba-la-mật (giới là ngăn ngừa giữ gìn). Thể của giới là pháp thân. Hợp chân như không hư hoại là kim cang. Thần chúng này biểu hiện cho sự giữ gìn tịnh giới của Bồ-tát nên tên là Chấp Kim Cang (chấp: giữ gìn không phạm). Trí hợp chơn như là thần. Danh hiệu là hạnh nguyên. mười vị thần này từ thể giới tu tập mười Ba-la-mật, mỗi vị tu một hạnh.

Diệu Sắc Na La Diên: chuyên tu thí Ba-la-mật. Vì từ giới tánh tu tập thí Ba-la-mật nên có sắc đẹp. Quán pháp rỗng lặng, đoạn trừ hoặc chướng là Na La Diên. (Không hoại diệt). Nhờ giữ gìn giới tánh nên pháp thân không hoại.

Nhựt Luân Tốc Tật Tràng: chuyên tu giới Ba-la-mật. Giới thể sang suốt tròn đủ là Nhựt Luân. Hiểu thấu hòa hợp chơn như là Tốc Tặt Đoạn trừ hoặc chướng giả mình người là Tràng. Tâm chuyên nhứt là chấp, tánh vững chắc là kim cang, tự tại dung hợp chơn như là thần. Trí là thần.

Tu Di Hoa Quang: chuyên tu nhẫn Ba-la-mật. Đức nhẫn thù thắng là Tu Di, trang sức bằng hạnh nhẫn, chúng sanh thích nhìn ngắm là Hoa. Gần gũi chúng sanh đoạn trừ tâm cao ngạo là Quang, luôn hành nhẫn là chấp, thể nhẫn là pháp tánh, là kim cang. Không suy xét nhưng thông đạt tất cả là thần.

Thanh Tịnh Vân Âm: chuyên tu tinh tấn Ba-la-mật. Sống trong thế tục nhưng luôn hợp chơn như là thanh tịnh. Siêng năng giảng pháp lợi sanh là Vân Âm. Nghe pháp đoạn hoặc là kim cang.

Chư Căn Mỹ Diệu: chuyên tu thiền Ba-la-mật. An trụ thiền định không loạn tưởng, sáu giác quan đều thể hiện công dụng của trí là Chư Căn Mỹ Diệu. Động nhưng luôn tịnh là chấp, không gì đánh bại là kim cang. Trí không loạn tưởng, phá trừ hoặc chướng mình người là kim cang. Làm mọi việc bằng trí tịch tịnh không khuynh động là thần.

Khả Ái Lạc Quang Minh: chuyên tu huệ phá trừ hôn ám.

Đại Thọ Lôi Âm: chuyên tu tâm bi. Thọ là che rợp, dùng phương tiện Ba-la-mật che chở chúng sanh.

Sư Tử Quang Vương Minh: chuyên tu nguyện Ba-la-mật, phát trí không dụng công, tự tại như sư tử chúa, đánh bại luận thuyết ngoại đạo.

Mặt Diệm Thắng Mục: chuyên tu lực Ba-la-mật. Oai lực tự tại sống trong thế gian, có khi sống với ngoại đạo để đoạn trừ sự trói buộc của chúng. Vị này là pháp sư. Trong năm vị này 600 pháp Ba-la-mật, người tu Ba-la-mật thứ chín đều là pháp sư. Trụ thứ chín là trụ pháp vương tử. Như thiện tri thức ở trụ thứ chín của Thiện Tài là ba la môn Thắng Nhiệt. Sống với ngoại đạo, dùng năm lửa đốt thân, lên núi dao, vào rừng lửa là Mặt Diệm Thắng Mục. Sống với chúng sanh, thuyết pháp phá trừ ngu lối là Mặt Diệm. Trí biết căn tánh chúng sanh là Thắng Mục.

Liên Hoa Quang Ma Ni Kế: chuyên tu trí Ba-la-mật như đồng nữ Từ Hành – thiện tri thức ở trụ Quán đỉnh thứ mười của Thiện Tài. Không sống trong chơn như, vào đời độ sanh, không đắm nhiễm là Liên Hoa. Trí biết căn tánh của chúng sanh là Quang. Đạt vị tối cao là Ma Ni Kế. Đó là mười chấp kim cang tùy thuận hành mười Ba-la-mật ở trụ thứ hai. Phần tổng số và khen đức rõ như trong kinh. Trụ tu hành (6,5 hàng) được phân thành bốn ý:

  1. Nêu số.
  2. Mượn vị biểu pháp.
  3. Giải thích danh hiệu theo hạnh nguyện.
  4. Khen đức.

Nêu số như hàng đầu trong kinh. Mượn vị biểu pháp, mười vị thần thân chúng từ thể nhẫn Ba-la-mật, tu tập mười Ba-la-mật. Thành tựu hạnh nhẫn, vào đời độ sanh là thần. Khen đức là thành tựu nguyện lớn, phụng sự tất cả các đức Phật, nhẫn nại độ sanh khiến chúng sanh thành Phật. Vì thể tánh của chúng sanh và Phật là một.

Hỏi: đã là Phật cần gì sự cung phụng bằng vật chất, luôn nuôi dưỡng chúng sanh để chúng sanh thành Phật? Vì tất cả đều là hạnh nhẫn. Giải thích danh hiệu theo hạnh nguyện, từ tánh nhẫn mười vị này tu mười Ba-la-mật. Vì một là tất cả.

Hoa Kế Trang Nghiêm chuyên tu nhẫn Ba-la-mật. Vì hạnh nhẫn là hoa báu trang sức trên đầu. Thân chúng là thực hành pháp thí, bố thí thân thể tài vật, tạo lợi ích cho chúng sanh. Trí tùy thuận hạnh nhẫn là thần.

Quang Chiếu Thập Phương chuyên tu giới Ba-la-mật. Trọn vẹn giới nhẫn, chúng sanh vui thích là Quang Chiếu Thập Phương.

Hải Âm Điều Phục chuyên tu nhẫn Ba-la-mật. Không buồn vui trước những lời khen chê là điều phục. Dùng ngôn ngữ giáo hóa chúng sanh đúng thời cơ là Hải Âm.

Tịnh Hoa Nghiêm Kế chuyên tu tinh tấn Ba-la-mật. Hạnh nhẫn tăng tiến là tịnh, uy nghi đĩnh đạt là Hoa. Từ hạnh nghiệp được quả báo là Nghiêm Kế. Tinh tấn là điều kiện hàng đầu trong việc tăng trưởng đạo hạnh như vòng hoa trang sức trên đầu.

Vô Lượng Oai Nghi chuyên tu thiền Ba-la-mật. Tùy căn tánh của chúng sanh thuyết giảng giáo pháp là vô lượng. Tới lui làm nghỉ đều đoan trang là oai nghiêm. Đi đứng nằm ngồi đều sống trong thiền định.

Tối Thượng Quang Nghiêm chuyên tu trí huệ soi xét mình người, trang nghiêm thân bằng định huệ sáng tỏ.

Tịnh Quang Hương Vân tu tâm bi, dùng mọi phương tiện độ sanh không chấp tịnh nhiễm là Tịnh Quang, thương yêu che chở chúng sanh, thuyết giảng giáo pháp làm vui lòng chúng sanh là Hương Vân. Thuyết pháp lợi sanh là năm phần hương.

Thủ Hộ Nhiếp Trì từ trí huệ tùy thuận hạnh nguyên độ thoát chúng sanh. Vị thứ tám trong năm vị thành tựu trí không dụng công được Phật xoa đầu cũng là nghĩa này.

Phổ Hiền Nhiếp Thủ vị pháp vương chuyên tu Ba-la-mật, thuyết giảng giáo pháp, sống với 95 tà giáo, làm mọi việc như chúng sanh là Phổ Hiền Nhiếp Thủ. (Là Bà-la-môn Thắng Nhiệt).

Bất Động Quang Minh chuyên tu trí Ba-la-mật là vị quán đỉnh. Phần nêu số và khen đức rõ như trong kinh. Thể của mười Ba-la-mật này là nhẫn, vì bất động trước khen chê tốt xấu.

Đoạn thứ tư (6,5 hàng) được phân thành bốn ý như trên. Nêu số như hàng đầu trong kinh. Mượn vị biểu pháp, mười vị thần túc hạnh này là trụ sanh quí thứ tư, từ thể tinh tấn mười vị thần tu tập mười Ba-la-mật. Như phần khen đức: trải qua vô số kiếp gần gũi Như Lai là tinh tấn. Vị này dùng pháp tánh chơn như làm thể của hạnh nguyện, trang nghiêm thân bằng hạnh nguyện. Túc hạnh là tinh tấn, trọn vẹn các hạnh. Thần là trí tùy thuận hạnh nguyện. Giải thích danh hiệu theo hạnh nguyện:

Bảo Ấn Thủ chuyên tu trí Ba-la-mật. Dùng trí thông hiểu pháp siêng năng độ sanh. Thủ là dắt dẫn.

Liên Hoa Quang chuyên tu giới Ba-la-mật. Ở trong sanh tử nhưng không đắm nhiễm như hoa sen. Người thấy phát tâm tu là quang. Túc hạnh là siêng năng tu tập.

Thanh Tịnh Hoa Kế chuyên tu nhẫn Ba-la-mật. Nhẫn nại không đắm nhiễm là thanh tịnh, từ hạnh nhẫn đạt quả báo tốt là Hoa Kế.

Nhiếp Chư Thiện Kiến chuyên tu tinh tấn Ba-la-mật. Siêng năng nhiếp phục tà kiến, hành pháp lành.

Diệu Bảo Tinh Tràng chuyên tu thiền Ba-la-mật. An trụ nơi lý mầu là diệu, Bảo là đạo, tùy hạnh nguyện đoạn trừ hoặc chướng là tinh tràng. Hạnh nguyện là tinh. Từ thể định soi xét hiểu rõ căn tánh chúng sanh phá trừ vô minh là tinh. Từ định phát huệ, trí huệ thông hiểu pháp là tinh, Tràng là định.

Nhạo Thổ Diệu Âm chuyên tu huệ Ba-la-mật. Vui vẻ giảng pháp cho mọi người.

Chiên Dàn Thọ Quang chuyên tu phương tiện Ba-la-mật là thương yêu che chở. Quang là soi sáng chúng sanh.

Liên Hoa Quang Minh chuyên tu nguyện Ba-la-mật, từ trí huệ tùy thuận hạnh nguyện độ thoát chúng sanh, không đắm nhiễm.

Vi Diệu Quang Minh vị pháp vương chuyên tu lực Ba-la-mật, dùng pháp mầu giáo hóa chúng sanh.

Tích Tập Diệu Hoa chuyên tu trí Ba-la-mật, dùng trí huệ tổng hợp các pháp, giáo hóa chúng sanh như kết hoa. Hãy suy xét kỹ để biết sự khác biệt của mười Ba-la-mật trên đây, không nên nhìn một cách chung chung. Phần khen đức rõ như trong kinh.

Đoạn thứ năm (6,5 hàng) phân thành bốn ý như trên. Số lượng như hàng đầu của kinh. Mượn vị biểu hiện pháp. Trụ cụ túc phương tiện từ thể thiền Ba-la-mật, mười vị đạo tràng thần tu tập mười Ba-lamật. (Đạo tràng thần là phá trừ màn đen). Thiền có khả năng phá trừ sự che lấp. Thiền định làm thanh tịnh sự đắm nhiễm của hai thức sáu, bảy, biểu hiện trí huệ, thông hiểu thật thể lý trí. Thiền là thể của đạo tràng; trí huệ là công dụng của con người. Từ hạnh Phổ Hiền, chuyên chở chúng sanh đến pháp giới. Điện Phổ Quang Minh là thủ đô. Vì nhứt thiết chủng trí là kho chứa lớn, mỗi vị thần tu tập một Ba-la-mật để đem lại lợi ích cho chúng sanh.

Giải thích danh hiệu theo hạnh nguyện: Tịnh Trang Nghiêm Tràng chuyên tu thí Ba-la-mật. Thể định là cõi tịnh của thí. Từ thể định tu tập các hạnh là tràng. Tràng là thể định không khuynh động. Tu pháp tánh không tánh không nương tựa là đạo. Đối trị sự che lấp ỷ lại bằng thiền không tánh là tràng. Thần là trí lớn không tánh không nương tựa. Dù không suy xét, không tạo tác, không mượn hình chất nhưng nhận biết tất cả mọi hiện tượng.

Tu Di Bảo Quang chuyên tu giới Ba-la-mật. Tu Di là cao lớn, Bảo Quang là không nhỏ. Soi xét thế gian bằng Ánh sáng tịnh giới, khiến chúng sanh phát tâm tu tập. Giới là thiền, vượt trên vọng tình là tu di. Định tâm trừ vọng tưởng là vô cấu, từ định phát huệ là Bảo Quang.

Lôi Âm Tràng Tướng chuyên tu nhẫn Ba-la-mật. Tiếng khen chê như sấm, nhẫn nại không khuynh động là tràng tướng.

Vũ Hoa Diệu Nhãn chuyên tu tinh tấn Ba-la-mật. Pháp thân là thể của định, từ định làm mọi việc là Vũ Hoa, từ định phát huệ là Diệu Nhãn. Dùng mắt huệ hành mọi hạnh độ sanh không mỏi mệt là tinh tấn.

Hoa Anh Quang Kế chuyên tu thiền Ba-la-mật. Từ pháp giới tịch tịnh không lay động mượn việc tu thiền để độ chúng sanh loạn tưởng là anh. Từ định phát huệ là Quang; từ hạnh đạt quả tốt đẹp là Kế. Mười Ba-la-mật đều là pháp tối thượng. Vì sao? Vì mỗi pháp Ba-la-mật đều có khả năng thành tựu quả Phật, như trụ phát tâm thứ nhứt là Phật, không trước giữa sau. Song quả Phật có vô số sự thù thắng.

Vũ Bảo Trang Nghiêm chuyên tu trí huệ Ba-la-mật vì với trí huệ vị này thuyết giảng giáo pháp.

Dũng Mãnh Hương Nhãn tu phương tiện Ba-la-mật, với tâm bi vào đời độ sanh là Dũng Mãnh, quán sát thế gian bằng mắt từ bi là Hương Nhãn, độ sanh bằng năm phần hương, đoạn khổ đem vui là hương nhãn.

Kim Cang Thái Vân chuyên tu nguyện Ba-la-mật, với hạnh nguyện che chở chúng sanh. Dùng trí không dụng công phá trừ ngoại đạo là Kim Cang Thái Vân (sống với ngoại đạo để chỉ dạy pháp thật).

Liên Hoa Quang Minh chuyên tu lực Ba-la-mật là vị pháp vương một vào đời nhưng không đắm nhiễm là hoa sen. Thuyết giảng giáo pháp là quang minh.

Diệu Quang Chiếu Diệu chuyên tu trí Ba-la-mật. Trí biết rõ căn tánh là diệu quang, tùy căn cơ đoạn trừ hoặc chướng là chiếu diệu phần khen đức rõ như trong kinh.

Trụ chánh tâm thứ sáu: Từ thể Bát-nhã Ba-la-mật, mười vị thần chủ thành tu tập mười Ba-la-mật. (6,5 hàng, được phân thành bốn ý như trên). Số lượng như hàng đầu trong kinh, mượn vị biểu hiện pháp. Những vị thần này biểu hiện cho sự thành tựu pháp quán không của trụ chánh tâm. Như Tỳ kheo Hải Tràng – thiện tri thức trụ thứ sáu của Thiện Tài – thiền hành nhập định, không theo dõi hơi thở. Từ chân xuất hiện trưởng giả cư sĩ, Bà-la-môn, trên đỉnh đầu xuất hiện Phật, hóa hiện đủ loại thân hình độ thoát chúng sanh. Phần này trong kinh có câu: Bồ-tát nghe mười pháp định tâm không khuynh động, giữ vững ý chí. Giải thích danh hiệu theo hạnh nguyện: Bảo Phong Quang Diệu chu tu thí Ba-la-mật. Bố thí bằng trí vi diệu không tánh là Bảo Phong Quang Diệu. Như lên đến đỉnh núi chỉ thấy hư không, trí huệ quán pháp trống không, không hình tướng. Bố thí bằng trí vi diệu không hình tướng là chiếu diệu. Trí quán không tự tại không ngại là chủ, thản nhiên trước có không, không vướng sanh tử. Nếu biết là thành, bố thí bằng trí không vọng loại là thành.

Diệu Nghiêm Cung Điện. Thể của giới là lợi sanh bằng trí huệ. Trí vi diệu là Cung, độ sanh là Điện, hạnh nguyện là Nghiêm. Trí hiểu biết thật pháp là Diệu Nghiêm. Từ bi là cung điện. Tâm không loạn tưởng là chủ thành. Trí vi diệu không hình tướng, tự tại hợp thật lý là thần, lợi sanh bằng trí là chủ. Che chở chúng sanh là thần.

Thanh Tịnh Hỷ Bảo chuyên tu nhẫn Ba-la-mật. Thành tựu trí quán pháp không bằng hạnh nhẫn là thanh tịnh hỷ. Nhẫn là Hỷ, vui với pháp là Bảo, nhẫn nại là bảo.

Bảy vị sau chuẩn theo đây, văn nhiều không thể giải thích rõ, tạm nêu vài vị. Các vị thần ấy đều là nữ thần, biểu hiện hạnh từ bi. Nhưng về thật thể thì không có nam nữ, tùy việc thị hiện chỉ dạy.

Trụ Bắt Thoái thứ bảy, từ thể phương tiện Ba-la-mật, mười vị thần chủ địa tu tập mười Ba-la-mật. Danh hiệu của các vị đều tùy theo hạnh nguyện. Từ pháp thân thực hành mọi hạnh là địa. Đủ lý bi trí không lay chuyển, tâm bi như mặt đất nuôi lớn muôn loài.

Trụ Đồng Chơn thứ tám, từ thể nguyện Ba-la-mật, mười vị thần chủ sơn tu tập mười Ba-la-mật. Sơn: không lay động, cao lớn. Thần: trí hợp chơn như. Trí không dụng công của trụ, hạnh, hồi hướng, địa thứ tám vững chải như núi. Trí vượt trên thế gian, cao lớn như núi.

Trụ Pháp Vương thứ chín, từ thể lực Ba-la-mật, mười vị thần chủ lâm tu tập mười Ba-la-mật, pháp sư này thuyết pháp độ sanh như rừng che muôn loài.

Trụ quán đỉnh thứ mười, từ thể trí Ba-la-mật, mười vị thần thuốc tu tập mười Ba-la-mật. Trí hiểu biết căn tánh chúng sanh, trao thuốc pháp. Tất cả pháp dụ trong kinh này đều là pháp lợi sanh, không có pháp nào vô ích. Mỗi chữ mỗi việc đều là pháp dạy chúng sanh tin tu chứng nhập, là phương tiện vào nhà Phật. Đây là mẫu đạt pháp độ sanh của quả Phật, năm vị. Người chứng nhập kết hợp thật trí là thần, che chở đem lại lợi ích cho chúng sanh cũng là thần. Tu hành tự tại như trời. Vì nhằm đem lợi ích cho chư thiên nên thị hiện quả báo cõi trời, có lúc lại hiện thân A-tu-la, quỉ thần để độ thoát chúng sanh.