TÂN BIÊN QUÁN ÂM LINH CẢM LỤC
Biên soạn: Lý Viên Tịnh
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh

 

Các Chương trong Sách:

LỜI MỞ ĐẦU
LƯỢC TRÍCH ĐỀ MỤC CỦA BỘ TÂN BIÊN QUÁN ÂM LINH CẢM LỤC


Tân Biên là bộ sách mới, ghi chép những sự tích của đức Quán Âm cứu khổ ban vui cho chúng sanh. Bộ sách này được nói là mới để phân biệt với những sách xưa cũng ghi chép lại những sự tích của đức Quán Thế Âm cứu khổ ban vui cho chúng sanh. 

Quán Âm là Thánh hiệu của một vị Bồ Tát mà giới Phật tử đều biết và từng nghe danh hiệu của Ngài. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn, Dịch giả xin trích dẫn phần giải thích Phật hiệu này trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, Đức Bổn Sư Thích Ca đã giải thích nhân khi Ngài Vô Tận Ý Bồ Tát thưa hỏi: “Kính bạch Thế tôn! Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát do nhân duyên gì mà được gọi là Quán Thế Âm?” Bổn sư Thích Tôn dạy: “Này Vô Tận Ý Bồ Tát! Nếu có vô lượng trăm ngàn muôn ức chúng sanh bị các khổ não, được nghe danh hiệu của vị Đại Sĩ này, một lòng xưng niệm thì ngay lúc ấy, Quán Thế Âm Bồ tát quán sát âm thinh xưng niệm kia, liền đến cứu giúp cho tất cả đều được giải thoát”, lại có câu “Trong ấy, nếu chỉ có đến một người xưng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì những chúng sanh ấy đều được giải thoát khỏi tai nạn quỉ La sát, vì nhân duyên ấy nên được gọi là Quán Thế Âm.” 

Linh cảm là hai chữ rút gọn, nếu nói đủ thì phải gọi là Đại từ, Đại bi Cứu khổ Cứu nạn Quảng Đại Linh cảm, bởi vì Đức Quán Thế Âm Bồ tát chẳng những cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh trong lục đạo mà còn cứu nguy cho các hàng Thánh nhân trong Tam thừa, vì thế nên chẳng những chúng sanh trong lục đạo trì niệm danh hiệu của Bồ tát mà chúng sanh trong Tam thừa cũng đều trì niệm. Thế nên, tâm Đại từ Đại bi của Bồ tát phổ biến trong cả chín pháp giới nên được gọi là Đại từ Đại bi Cứu khổ cứu nạn Quảng đại Linh cảm.

Dịch giả lẽ ra không cần thiết phải viết Lời Mở Đầu cho quyển sách này vì đã có phần Đề tựa quý giá của Liên Tôn Thập Tam Tổ. Đó là những lời vàng ngọc quý hóa dạy bảo hàng Phật tử phải thành tâm trì niệm danh hiệu của đức Đại sĩ Quán Thế Âm. Trong khi dịch giả tự xét mình là kẻ hậu học, văn vụng lời quê, lại đi viết lời mở đầu là việc không phù hợp cho lắm. Tuy nhiên, theo thiển ý, Dịch giả nhận thấy Phật pháp quảng đại vô biên, nên dù chúng sanh trên quả đại địa đều thành vô thượng giác, hiện tướng lưỡi rộng dài, dùng sức thần thông, sức trí huệ, trải qua số kiếp như vi trần, tận lực tuyên thuyết sự quảng đại của Phật pháp cũng không thể nói hết được. Vì thế nên dù sở học kém cõi nhưng Dịch giả cũng không ngần ngại dùng sự hiểu biết nông cạn của mình, thành thật phô bày tấm lòng thành với đọc giả về một số quan điểm sau đây: 

Kính thưa quý vị, Bộ sách Đường về Cực lạc do Hòa Thượng Vạn Đức (Thượng Trí – Hạ Tịnh) dịch thì sau khi xuất bản, dịch giả được nghe một số vị gồm cả Phật tử tại gia và người xuất gia phê bình rằng: Truyện vãng sanh là chuyện những người tu hành được vãng sanh, cần chi phải nhọc công phiên dịch khiến cho đọc giả phải chán tai, mỏi mắt và mất thời gian. Có người lại cho rằng nên để thời gian ấy để dịch Kinh sách luận về Giáo lý thì thiết thực hơn là bỏ công dịch truyện Vãng sanh. Thưa quý vị, theo thiển ý của dịch giả thì những lời bình phẩm trên là sai lầm và gây tai hại rất lớn. Tại sao thế? Vì Nho thơ có câu: “Hải trung hậu lãng, thôi tiền lãng; Thế thường tân nhơn, vấn cựu nhơn”, nghĩa là “Sóng biển lớp sau đùa lớp trước, Sự đời tuổi trẻ hỏi người xưa.” Sự tu hành cũng thế, chúng ta là kẻ hậu tiến cần phải hiểu biết công phu tu trì của các bậc tiền nhân để noi theo gương sáng của các Ngài mà thực hành theo. Nếu theo quan niệm ngộ nhận như của các Phật tử nói trên thì thử hỏi chư Tổ Tông Liên Tôn và quí tiên hiền trong Phật pháp, cần chi phải sưu tầm các sự tích vãng sanh trải qua nhiều đời, vừa khổ nhọc, lại phí công vô ích? Hơn nữa, xin quý vị hãy đọc toàn bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục hoặc Đường về Cực Lạc. Trong ấy hàng ngàn sự tích vãng sanh, mỗi sự tích không chỉ ghi lại việc vãng sanh vào giờ phút lâm chung mà còn là bao lời dạy khuyên quý hóa vô ngần để làm kim chỉ nam cho chúng ta tu học hiệu quả. 

Cuối cùng, Dịch giả thành kính xin các bậc Cao minh, Đại đức, Đại sĩ trong giới xuất gia cùng với chư Phật tử tại gia, khi đọc bộ Tân Biên Quán Âm Linh Cảm Lục này, nếu thấy có chổ sai lầm, xin từ bi phủ chính và chỉ giáo cho. Dịch giả thành tâm vạn tạ. 

Kính cẩn,
Sa môn Thích Trí Minh