tâm ý thức

Phật Quang Đại Từ Điển

(心意識) Chỉ cho tâm, ý và thức. Tâm, Phạm: Citta, Hán âm: Chất đa, nghĩa là tập khởi. Ý, Phạm: Manas, Hán âm: Mạt na, nghĩa là nghĩ lường. Thức, Phạm:Vijĩàna, Hán âm: Tì nhã nam, nghĩa là phân biệt. Nói một cách đại lược thì Tâm là chủ thể, cònÝvàThức là 2 mặt tác dụng của tâm. Về ngữ nghĩa của các danh từ này, trong các bộ Luận của Đại thừa và Tiểu thừa có nhiều thuyết khác nhau. Cứ theo tông Câu xá thì tâm, ý, thức là tên khác của 6 thức, thực thể của chúng là đồng nhất. Tâm có công năng chứa nhóm và dấy lên các tác dụng (nghiệp) tinh thần nên gọi là Tâm; Tâm có khả năng suy nghĩ, tính lường, nên gọi là Ý; Tâm có năng lực phân biệt biết rõ, nên gọi là Thức. Có thuyết cho rằng Tâm nghĩa là nhiều thứ sai biệt; Ý nghĩa là chỗ nương(sở y chỉ) cho thức sinh khởi; Thức nghĩa là nương gá vào ý(năng y chỉ) mà dấy lên. Còn theo sự giải thích của Đại thừa thì Tâm, Ý, Thức đều khác nhau. Tông Duy thức chủ trương thức A lại da thứ 8 chứa nhóm các chủng tử(hạt giống), nên gọi là Tâm; thức Mạt na thứ 7 có công năng nghĩ lường khởi lên ngã chấp, nên gọi là Ý; 6 thức trước có khả năng nhận thức các đối tượng, nên gọi là Thức. Theo luận Đại thừa khởi tín thì thức A lại da là Tâm, 5 ý là Ý, 6 thức là Thức; điểm khác với thuyết của Duy thức ở đây là Ý có 5 tên. Ngoài ra, luận Phật tính quyển 3 lần lượt phối 6 thức với Tâm, thức A đà na phối với Ý, thức A lại da phối với Thức, điều này cũng khác với các thuyết ở trước. [X. kinh Nhập lăng già Q.7; kinh Giải thâm mật Q.2; luận Đại tì bà sa Q.72; luận Câu xá Q.4; luận Du già sư địa Q.62; luận Thành duy thức Q.5; luận Thành thực Q.5].