Tầm Xuân
Ni sư Như Đức

 

Khi tôi cho xây lại bờ con suối, chỗ bị nước xói mòn hư hao nghiêm trọng, tôi có cảm giác như mình phạm một lầm lỗi với thiên nhiên. Phía bờ đối diện vẫn còn bờ đất thô sơ, mấy cây dừa bụi tre an nhàn, và một dãy sen mọc lân la bên bờ cỏ gần nước. Vậy mà bên này đại chúng vẫn hì hục tấn đá, đổ đất, đổ cột beton – Viễn cảnh sẽ có một bờ rào bằng lưới B40 bao quanh, tăng vẻ kiên cố chắc chắn lạnh lùng, và mấy chùm hoa khế không có dịp thò đầu vươn cánh nhìn xuống nước.

Một thời bình an trôi qua. Bên mé suối cạn lửng lờ, cô bé em của Huệ Đức ngồi giặt đồ và ca hát véo von. Bờ còn hẹp, hai cây tre bắc ngang song song đủ cho mấy cô ngồi thòng chân, rửa sạch bùn đất từ mép quần công tác, sau đó phơi khô khỏi giặt giũ. Mấy con sóc chạy lăng quăng chỗ cây dẻ già to tướng, hai tay ôm bận bịu cất giấu thức ăn. Chim chóc thì véo von đủ kiểu. Chúng có ngôn ngữ của một miền yên tĩnh, không bận tâm nhiều cho một khoảng đời chẳng lâu dài lắm. Từng thứ ấy, cây rừng, bờ nước, trời đêm ngút ngàn sao đã nuôi dưỡng vỗ về chúng tôi một thuở.

Thời mà mỗi người chúng tôi đều có một ước mơ về khung trời tu tập có mây giăng đầu núi, vách đá rêu phong với cánh cửa rừng khép chặt, ba năm không bước ra khỏi hang động… Một dòng suối là gợi lên hình ảnh:

Guốc mòn gõ nhịp sơn ca
Sư về chống gậy trúc qua cầu này
Ngó bờ suối lạnh hoa bay
Thương sao giòng nước trôi hoài thiên thu.
(Phạm Thiên Thư – Động hoa vàng)

Viên Chiếu là nơi đáp ứng mơ mộng đó, có gần đủ hết, chỉ trừ khoảng cuốc đất làm ruộng là không có trong thi ca. Mỗi người ôm một giấc mộng thiền, và nhiều giấc mộng thiền gặp nhau, để mỗi đêm và mỗi sáng xếp hàng ngồi thiền từng dãy. Thời chưa có điện, trong bóng tối mông lung, chỉ thắp cho mình một chút tâm nóng cháy. Ban đêm nghe tiếng cồng tiếng chiêng lẻ loi xa của một xóm làng thượng nào đâu phía trong rừng. Từng đợt sao đêm đi qua trên đầu, buồn ngủ không chịu nổi nên trợn mắt ngó sao cho tỉnh táo. Bóng của người ngồi bên cạnh lung lay, giám thiền đôi lúc dụi mắt, không biết mình nhìn lầm hay người ngồi ngủ thiệt. Trong thiền sử chỉ nghe các sư đánh, hét và nói những câu cao vời, không nghe đến khoảng chật vật chiến đấu với ma ngủ. Nhưng biết chắc rằng để đi tới con đường làm Phật, phải kinh qua những gian nan khốn đốn của chính mình. Từng hoàng hôn và từng bình minh, từng mùa mưa nắng, khi thảnh thơi ngắm hoa đào báo xuân, lúc vất vả vào mùa, làm không kịp thở ăn chẳng kịp nhai, lúc nào cũng có những thời thiền tiếp sức.

Vậy đó, bên con suối này, từ lúc hoang vu chưa có vết người, nay đã lên vườn, lập ấp. Người ta ngăn một đập thủy lợi để chứa nước, nước lên cao gần hai thước. Nước bình thường êm ru dễ chịu, nhưng khi mưa lũ về, cả một mặt sau của thiền viện mênh mông nước. Thúc hối nhau, cuồn cuộn xoáy để chảy thoát, để tuôn về dòng, bờ đất lở, mấy bụi tre già gai góc cũng chịu chẳng nổi, té nhào luôn theo dòng cuốn. Đã có một lần cái nhà thiền của chúng bị nước bao quanh, nước chảy ríu rít bên hông nhà, hăm he leo vào nền, phải dời lúa lên gác. Tượng Phật ngồi phía trước chỗ lễ lạy, và phía sau là lúa được ví trong cót, cái sàn tre cứ kêu lên như một giàn nhạc stereo, mỗi khi chúng tôi di chuyển.

Đã vang vọng vào thiền viện, mỗi đêm thanh vắng, tiếng sinh hoạt vui buồn của hàng xóm. Kèn đám ma nỉ non, tiếng trống chập chờn báo tin phúng điếu. Nhạc rộn ràng khi có nhà kết cổng Vu Quy, Tân Hôn. Âm thanh lan vào theo từng hơi thở sổ tức, đang hít thở hoặc chiêm nghiệm vọng tưởng, bỗng nghe… “Từ lúc đưa em về, là biết xa nghìn trùng…” Thôi, thôi em ơi, đi chỗ khác chơi. Đó là chưa kể mỗi khi bà Hai Măng cạnh hàng rào, cao hứng mở những dĩa vọng cổ suốt đêm. Suốt đêm vì nhà có khách hay vì một canh bạc đang hăng. Vậy là cứ nghe tiếng đàn lục huyền, đàn bầu, đàn gáo gì đó réo rắt. Vẫn phải ngồi thiền tỉnh rụi trên những đợt sóng, thấy mình ngồi với sóng, hoặc chỉ là bờ nước nhẹ nhàng.

Cũng như xưa, cho dù mọi việc có thể đổi mới hoàn toàn, nhưng vẫn thấy những trang ngữ lục, lời thơ kệ các thiền sư còn đầy ắp, như một nguồn nhiên liệu không cạn. Đi theo để nâng dắt tâm hồn và làm sâu thêm những giấc mơ không bao giờ đạt. Lời của thiền sư Kyokan: “Bạn sẽ tìm thấy am thất của tôi nằm sâu trong rừng. Mỗi năm con đường phủ đầy dây leo càng rậm rạp. Ở đây, tôi không biết tin tức bên ngoài cuộc đời. Mối liên lạc duy nhất là tiếng hát người đốn củi đôi lúc vang tới. Ban ngày vá áo, đêm trăng đọc kệ kinh. Tôi không có gì để nói với chư huynh đệ. Nếu các bạn tìm ý nghĩa cuộc sống, thì đừng đeo đuổi quá nhiều thứ.”

Tại sao người xưa khuyên hãy đi tìm cái cốt lõi của cuộc đời bằng một cuộc sống ẩn cư? Qua bao nhiêu năm tháng, chúng tôi đã làm biết bao việc. Xây nhà, đắp tường, trồng rau, hái trái, dạy dỗ trẻ em… Làm chỉ vì phải làm. Như cái bờ suối này, mỗi năm đến cơn lũ lụt thì nó bị bào mòn, đổ sụp, đất trong vườn cứ trôi tuột dần dần. Không thể nói vì tọa thiền mà cứ để cái bờ tiếp tục sập. Hãy nhìn một ni cô đang cuốc đất, xếp đá xem có cưu mang nhiều thứ không? Vẫn làm tự nhiên như hơi thở không tính toan, như mỗi đêm ngồi thiền dưới trăng, đó là yếu lý cuộc đời. Còn cho dù đang nín thở ngồi yên nhưng vô vàn mối mang lăng xăng cọ quậy, sẽ biết ngay là ổn hay không. Chúng tôi vẫn đi tìm như thế, một mùa xuân xưa khơi dậy từ nguồn tâm Phật Tổ.