tam vũ nhất tông pháp nan

Phật Quang Đại Từ Điển

(三武一宗法難) Chỉ cho 4 lần pháp nạn nghiêm trọng nhất trong lịch sử Phật giáo Trung quốc do các Hoàng đế gây ra. Đó là: 1. Thái vũ đế nhà Bắc Ngụy: Vua nghe theo lời của quan Tư đồ Thôi hạo và Đạo sĩ Khấu khiêm chi mà áp bức Phật giáo. Năm Thái bình chân quân thứ 7 (446), các sa môn ở thành Trường an bị giết sạch, tất cả kinh sách và tranh tượng Phật đều bị phá hoại, Phật giáo ở Bắc Ngụy lúc đó bị hủy diệt hoàn toàn. Đến khi vua Văn thành đế phục hưng, Phật giáo mới khôi phục địa vị. 2. Vũ đế nhà Bắc Chu: Vua nghe lời của các đạo sĩ Trương tân và Vệ nguyên tung, có ý muốn phế bỏ Phật giáo. Bấy giờ có các ngài Chân loan, Đạo an, Tăng miến, Tĩnh ái… đứng ra bênh vực Phật giáo. Năm Kiến đức thứ 2 (573), vua ra lệnh phế bỏ Phật giáo và Đạo giáo, hủy hoại kinh điển và tượng Phật, đồng thời, bắt sa môn, đạo sĩ phải hoàn tục, chỉ chọn 120 vịdanh đức để lại ở Thông đạo quán. Năm Kiến đức thứ 6 (577), Bắc Chu diệt Bắc Tề, lúc ấy tuy cóngàiTuệ viễn nhiều lần biện hộ, nhưng Vũ đế vẫn thi hành chính sách bài Phật ở đất Bắc tề. Năm sau, vua băng, Phật giáo và Đạo giáo mới được phục hưng. 3. Vũ tông nhà Đường: Vua nghe theo lời nhóm người chủ trương chính sách bài Phật, đứng đầu là Tể tướng Lý đức dụ, vào năm Hội xương thứ 5(845), vua ban lệnh chỉ giữ lại một số chùa và 30 vị tăng, còn lại bao nhiêu chùa viện đều bị phá bỏ và tăng ni phải hoàn tục, các tượng Phật và chuông, khánh bằng đồng được dùng vào việc đúc thành tiền và các công cụ… lịch sử gọi biến cố này là Hội Xương Pháp Nạn. Năm sau, Vũ đế băng, Vũ tông lên ngôi, lại cho phục hưng Phật pháp. 4. Thế tông nhà Hậu Chu: Năm Hiển đức thứ 2 (955), vua thi hành chính sách bài Phật, hạ lệnh phá bỏ 3 vạn 336 ngôi chùa viện, (Phật tổ thống kỉ ghi là 3336 ngôi), tịch thu các tượng Phật, chuông, khánh và tất cả pháp khí bằng đồng để đúc tiền, còn bằng các chất liệu khác thì đập phá hết! Thời ấy, ở Trấn châu có pho tượng Quan âm bằng đồng rất linh ứng, cho nên dù có lệnh của vua cũng không ai dám đến gần. Vua nghe tin, đích thân đến chùa này, dùng búa chém vào mặt và ngực tượng đồng, những người đứng xem đều run sợ. Năm Hiển đức thứ 6 (959), trên đường đi chinh phạt miền Bắc, vua phát bệnh nhọt ở ngực và chết. Về sau, vua Thái tổ nhà Tống thống nhất đất nước, ban sắc xây dựng lại các chùa, đúc tạo các tượng, Phật giáo bắt đầu được khôi phục. Trong 4 lần pháp nạn nói trên, nguyên nhân của 2 lần trước chủ yếu là về tư tưởng, còn 2 lần sau là vì lý do kinh tế. Phật tổ thống kỉ quyển 42 của ngài Chí bàn đời Tống gọi đó là Tứ Đại Pháp Nạn, hoặc Tam Vũ Nhất Tông Chi Nạn; còn luận Hộ pháp của Thừa tướng Trương thương anh đời Tống thì nói (Đại 52, 640 trung): Đời trước tuy có 3 vua Vũ nghe lời tâu của các quan tà ác mà quyết chí diệt Phật pháp, nhưng sau khi phế bỏ lại càng hưng thịnh hơn, giống như vạn vật lại càng xanh tốt sau cơn mưa gió. [X. Tống cao tăng truyện Q.17; Thích thị kê cổ lược Q.2, 3, 4; Lịch đại tam bảo kỉ Q.3; Cổ kim Phật đạo luận hành Q.1; Ngụy thư thích lão chí 20; Bắc sử Q.2; Bắc chu thư Q.5; Cựu đường thư Q.18].