tam vô thường

Phật Quang Đại Từ Điển

(三無常) Ba thứ vô thường. Vô thường nghĩa là các pháp sinh diệt đổi dời, không có thể tính cố định và có thể trình bày qua 3 phương diện. Theo luận Thuận trung quyển hạ của ngài Long thụ thì 3 thứ vô thường là: 1. Niệm niệm hoại diệt vô thường: Khi căn(chủ quan) và trần(khách quan) đối nhau thì tâm niệm dấy lên, niệm trước diệt niệm sau sinh, cứ thế niệm niệm nối nhau không dừng, đó đều là vô thường. 2. Hòa hợp li tán vô thường: Các pháp vốn không có thực thể nhất định, chỉ tùy thuộc nhân duyên (điều kiện): Nhân duyên hòa hợp thì sinh, nhân duyên lìa tan thì diệt.3. Tất cánh như thị vô thường: Các pháp do nhân duyên hòa hợp mà sinh, hư giả chẳng thật, rốt cuộc trở về hoại diệt.Ngoài ra, Đại thừa nghĩa chương quyển 2 và quyển 18 cũng nêu ra 3 thứ vô thường, tên gọi tuy khác nhưng ý nghĩa thì đại khái giống với 3 thứ vô thường trên, đó là: 1. Phần đoạn vô thường: Tương đương với Hòa hợp li tán vô thường. 2. Niệm vô thường: Tương đương với Niệm niệm hoại diệt vô thường. 3. Tự tính bất thành vô thường: Tương đương với Tất cánh như thị vô thường. Theo tông Pháp tướng, sự vô thường của Khổ đế có đủ 3 tính nên thành lập 3 thứ vô thường sau đây: 1. Vô tính vô thường(cũng gọi Vô vật vô thường): Biến kế sở chấp thường không có thể tính, cho nên là vô tính. 2. Khởi tận vô thường(cũng gọi Sinh diệt vô thường): Các pháp nương vào vật khác (y tha) mà khởi là do nhân duyên sinh ra, cho nên tùy theo nhân duyên mà khởi, sinh diệt không thôi. 3. Cấu tịnh vô thường(cũng gọi Hữu cấu vô cấu vô thường): Chân như của tính Viên thành thực không có cấu tịnh, nếu ở trong vị sinh tử thì là Hữu cấu chân như; dứt hết sinh tử thì gọi là Vô cấu chân như.[X. luận Biện trung biên Q.trung; luận Thành duy thức Q.8; luận Trung biên phân biệt Q.thượng; Thành duy thức luận thuật kí Q.9, phần đầu].