Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

心; C: xīn; J: shin; S: citta, hṛdaya, vijñāna;
Thuật ngữ quan trọng của đạo Phật, có nhiều nghĩa:
1. Tâm được xem đồng nghĩa với Mạt-na (s: manas, thức suy nghĩ phân biệt) và Thức (s: vijñāna). Tâm chỉ toàn bộ sinh hoạt và hiện tượng của tâm trí.
2. Trong luận A-tì-đạt-ma câu-xá, tâm được xem như một thể riêng biệt, trên thể đó thế giới hiện tượng xuất hiện.
3. Trong Duy thức tông, tâm được xem là A-lại-da thức (s: ālayavijñāna; còn được gọi là Tạng thức), gốc của tất cả mọi hiện tượng tâm trí. Theo quan điểm này, thì toàn bộ vũ trụ này chính là “tâm thanh tịnh.” Nhiều quan điểm cho rằng tâm này chính là “vô thuỷ vô minh”, vô minh nguyên thuỷ của Phật tính và là thật tại tối thượng của mọi hiện tượng nhị nguyên.
Tổng quát lại, người ta có thể phân biệt sáu loại tâm: 1. Nhục đoàn tâm (肉團心), trái tim thịt; 2. Tinh yếu tâm (精要心), chỉ cái tinh hoa cốt tuỷ; 3. Kiên thật tâm (堅實心), chỉ cái tuyệt đối, cái Chân như của các Pháp – ba loại tâm trên được dịch từ danh từ Hṛdaya của Phạn ngữ (sanskrit); 4. Tập khởi tâm (集起心; citta), là thức thứ 8 – A-lại-da thức (ālayavijñāna); 5. Tư lượng tâm (思量心), là thức thứ 7, Mạt-na (manas); 6. Duyên lự tâm (緣慮心), là thức thứ sáu, Ý thức (s: manovijñāna).