tam trùng quán môn

Phật Quang Đại Từ Điển

(三重觀門) Gọi đủ: Tam trùng pháp giới quán môn. Cũng gọi Tam trùng quán, Pháp giới tam quán. Chỉ cho 3 pháp quán do tông Hoa nghiêm thành lập. Sơ tổ của tông Hoa nghiêm là ngài Đỗ thuận mở ra quán môn tu hành thực tiễn, kiến lập 3 pháp quán để hiển bày quán hạnh, ngộ nhập Nhất chân pháp giới. Ba pháp quán là: 1. Chân không quán: Lí pháp giới trong 4 pháp giới. Chân lấy niệm lự không hư vọng làm chân; Không lấy sắc tướng không hình chất phòng ngại làm không. Vì phàm phu thấy sắc nhận lầm là thật, thấy không nhận lầm là đoạn không, cho nên bị sa vào đường mê, do đó không chứng ngộ được lí này. Nay mở ra pháp quán Chân không, khiến quán sắc chẳng phải thực sắc, toàn thể là chân không, quán không chẳng phải là đoạn không, toàn thể là huyễn sắc, có như thế mới thoát khỏi được sự trói buộc của tất cả tình trần mà đạt đến cảnh giới không sắc vô ngại. 2. Lí sự vô ngại quán: Tức lí sự vô ngại pháp giới. Trước hết đem lí dung hòa với sự, cuối cùng đem sự dung hòa vào lí, khiến cho lí và sự 2 mà chẳng 2, chẳng 2 mà 2, đó là vô ngại. Ta có thể thấy lí chân không, nhưng đối với sự lại chưa thể rõ hết, cho nên mở bày lí sự vô ngại, làm cho cái lí bất khả phân đều có thể viên dung hỗ nhiếp trong một mảy bụi và sự khả phân hạn cũng có thể thông suốt khắp trong pháp giới, mỗi sự lí đều có thể hiển hiện một cách rõ ràng vô ngại, hỗ dung tương tức. Lí sự vô ngại thuộc về phạm vi của cảnh sở quán, còn tâm là chủ thể năng quán. Nếu chỉ quán xét các sự tướng thì sẽ dẫn khởi tâm thế tục, bám dính vào cảnh hưởng lạc. Cũng thế, nếu chỉ quán về lí thì ắt dẫn khởi tâm xuất thế, và e chỉ hạn cuộc ở sự ưa thích cảnh vô lậu tiểu quả. Còn nếu quán cả lí và sự thì đạt đến cảnh giới dung thông vô ngại, khiến tâm không thiên chấp, tự vận dụng cả bi lẫn trí mà thành tựu hạnh vô trụ, chứng nhập Vô trụ xứ niết bàn. 3. Chu biến hàm dung quán: Tức sự sự vô ngại quán. Chu biến là trùm khắp tất cả cõi sắc và phi sắc, hàm dung là bao hàm tất cả, không một pháp nào có thể vượt ra ngoài cõi hư không này. Pháp quán này dùng sự trông sự, khiến quán lí của toàn sự đều có thể tùy pháp đồng sự mà thấy được mỗi mỗi pháp, sự của toàn lí cũng có thể tùy pháp đồng lí mà có thể bao dung tất cả. Nương vào sự sự trùm khắp thì có thể dung nhiếp, giao thoa nhau một cách tự tại, một nhiều không ngại, lớn nhỏ dung thông. [X. Hoa nghiêm pháp giới quán môn; Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh sớ Q.2; Pháp giới huyền kính Q.thượng; Hoa nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao Q.10]. (xt. Tứ Pháp Giới).