tam thú độ hà

Phật Quang Đại Từ Điển

(三獸渡河) Ba con thú lội qua sông, ví dụ sự tu hành đoạn hoặc của Tam thừa có sâu cạn khác nhau. 1. Voi lội qua sông: Ví dụ hàng Bồ tát tu 6 độ muôn hạnh, lợi ích chúng sinh, đoạn trừ Kiến, Tư hoặc, tập khí sạch hết, chứng được bồ đề giống như voi lội qua sông, chân chạm đến tận đáy. 2. Ngựa lội qua sông: Ví dụ hàng Duyên giác tu 12 nhân duyên, đoạn trừ Kiến, Tư hoặc, tuy đoạn cả tập khí nhưng chưa hết sạch và chỉ chứng lí chân không, như ngựa lội qua sông, tuy chưa đến tận đáy, nhưng đã hơi sâu. 3. Thỏ lội qua sông: Ví dụ hàng Thanh văn tu pháp Tứ đế, đoạn trừ Kiến, Tư hoặc, chưa đoạn được tập khí, chỉ chứng lí chân không, như thỏ lội qua sông, chỉ nổi trên mặt nước mà qua chứ không lội sâu xuống được. Pháp hoa huyền nghĩa quyển 8 hạ (Đại 33, 781 hạ) nói: Ba con thú lội qua sông, cùng ở trong nước, 3 con thú mạnh yếu, nước có đáy bờ, thỏ và ngựa sức yếu, tuy lội đến bờ bên kia nhưng nổi cạn không sâu, không chạm đến đáy. Voi lớn sức mạnh, đến được bờ kia, lại vừa chạm đáy. Ba con thú ví dụ Tam thừa, nước dụ tức không, đáy dụ bất không. Nhị thừa trí cạn không thể cầu sâu, ví như thỏ và ngựa. Bồ tát trí sâu, giống như voi lớn, sự êm đềm của nước ví dụ với Không, cùng thấy không, chẳng thấy Bất không. Đáy dụ cho thực tướng, chỉ một mình Bồ tát đến được đáy, bậc trí thấy Không và cả Bất không. Qua ví dụ trên cho thấy Thanh văn ngộ đạo cạn nhất, Duyên giác ngộ đạo hơi sâu, còn Bồ tát thì ngộ đạo sâu nhất. Lí không của pháp tính giống như nước sông. Hàng Tam thừa tuy chứng cùng một pháp tính, bơi lội trong cùng một dòng sinh tử, nhưng vì căn cơ có sâu cạn khác nhau mà nảy sinh bất đồng. Pháp hoa kinh huyền nghĩa quyển 8, hạ, còn chia voi 2 loại lớn nhỏ, voi nhỏ dụ cho Bồ tát Biệt tiếp Thông, voi lớn thí dụ cho Bồ tát Viên tiếp Thông. [X. kinh Đại bát niết bàn Q.27 (bản Bắc); kinh Ưu bà tắc giới Q.1; luận Đại tì bà sa Q.143; Ma ha chỉ quán Q.6 thượng].