tam thiên chư pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(三千諸法) Cũng gọi Tam thiên, Tam thiên thế gian.Ba nghìn các pháp. Tiếng dùng của tông Thiên thai, bao quát hết thảy muôn pháp. Tam thiên là con số mà Viên giáo Thiên thai dùng để diễn tả khái niệm các pháp xưa nay vốn Nhất đa tương tức, Viên dung hỗ cụ, Bất tăng bất giảm. Đây là pháp số do nhân 10 pháp giới của kinh Hoa nghiêm, 10 Như thị của kinh Pháp hoa và 3 thế giancủaluận Đại trí độ mà thành. Bởi vì trong 1 tâm có 10 pháp giới (địa ngục, ngã quỉ, súc sinh, tu la, nhân gian, thiên thượng, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật), trong 10 pháp giới mỗi giới lại có đủ 9 giới kia, nên thành là 100 giới; mỗi pháp giới có 10 Như thị (tướng, tính, thể, lực, tác, nhân, duyên, quả, báo, bản mạt cứu cánh đẳng) vì thế, 100 giới nhân với 10 Như thị thành là 1000 Như thị, rồi lại nhân với 3 thế gian(quốc độ, chúng sinh, ngũ ấm) thành là 3000 thế gian. Do đó mà thuyết Nhất niệm tam thiên (Một niệm ba nghìn), tức là trong 1 niệm tâm của sát na ấm vọng có đủ 3000 các pháp, cho nên cũng gọi là Tâm pháp tam thiên, Tâm tạo tam thiên. Nói tóm lại, tuy dùng con số 3000 nhưng thực ra các pháp là vô lượng, cho nên từ 100 giới suốt đến 1000 Như, cho đến 3000 thế gian, số lượng ấy cuối cùng ngôn ngữ không nói lên được, tư tưởng cũng không tới được, vì thế nên biết 3000 thực ra chỉ là số lượng bày tỏ vô số lượng. Ngoài ra còn có các từ ngữ biểu thị ý nghĩa tóm thu các pháp như: Nhất sắc tam thiên, Nhất hương tam thiên, Nhất thanh tam thiên, Tam thiên viên cụ… Ma ha chỉ quán quyển 5 thượng (Đại 46, 54 thượng) nói: Một tâm có 10 pháp giới, 1 pháp giới có đủ 10 pháp giới thành là 100 pháp giới. Một pháp giới có 30 thế gian, 100 pháp giới tức có 3000 thế gian. [X. Pháp hoa huyền nghĩa Q.2, thượng; Ma ha chỉ quán Q.5, thượng; Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.5, phần 3; Chỉ quán nghĩa lệ tùy thích Q.2].(xt. Nhất Niệm Tam Thiên).