tam thập thất đạo phẩm

Phật Quang Đại Từ Điển

(三十七道品) Đạo phẩm, Phạm: Bodhi-pàkwika. Cũng gọi Tam thập thất giác chi, Tam thập thất bồ đề phần, Tam thập thất trợ đạo pháp, Tam thập thất phẩm đạo pháp. Chỉ cho 37 phương pháp tu hành tiến tới cảnh giới Niết bàn. 37 đạo phẩm được chia làm 7 khoa như sau: 1. Tứ niệm xứ(cũng gọi Tứ niệm trụ): a. Thân niệm xứ: Tức quán tưởng sắc thân này đều là chẳng sạch. b. Thụ niệm xứ: Quán xét các cảm nhận khổ, vui… đều là khổ. c. Tâm niệm xứ: Quán xét tâm thức này niệm niệm sinh diệt, không thường trụ. d. Pháp niệm xứ: Quán xét các pháp do nhân duyên sinh, không có tính cách tự chủ, tự tại, đó là các pháp vô ngã. 2. Tứ chính cần(cũng gọi Tứ chính đoạn): a. Điều ác đã sinh phải diệt trừ hẳn. b. Điều ác chưa sinh không cho sinh ra. c. Điều thiện chưa sinh phải làm cho phát sinh. d. Điều thiện đã sinh phải làm cho tăng trưởng. 3. Tứ như ý túc(cũng gọi Tứ thần túc): a. Dục như ý túc: Mong cầu pháp mình tu được đầy đủ như nguyện. b. Tinh tiến như ý túc: Đối với pháp mình tu 1 lòng chuyên chú, không có xen tạp, được đầy đủ như nguyện. c. Niệm như ý túc: Đối với pháp mình tu ghi nhớ không quên, đầy đủ như nguyện. d. Tư duy như ý túc: Tâm ghi nhớ pháp mình tu không để quên mất, được đầy đủ như nguyện. 4. Ngũ căn, Căn nghĩa là năng sinh; 5 căn này có khả năng sinh ra các thiện pháp. a. Tín căn: Tin sâu chính đạovà pháp trợ đạo thì có thể sinh ra tất cả pháp vô lậu thiền định giải thoát. b. Tinh tiến căn: Đối với chính pháp, tu tập không gián đoạn, không xen tạp. c. Niệm căn: Đối với chính pháp, ghi nhớ không quên. d. Định căn: Thu nhiếp tâm, không để tán loạn, 1 lòng tịch định, đó là định căn. 5. Tuệ căn (Phạm: Prajĩendriya): Ở trong định khởi trí quán, biết rõ chân lí như thực. Cứ theo Đại thừa nghĩa chương quyển 16 thì 5 căn này theo thứ tự còn có tác dụng đối trị với bất tín, giải đãi (biếng nhác), phóng dật (buông thả), trạo cử (xao động) và phiền não vô minh. 5. Ngũ lực, lực tức lực dụng, có công năng phá ác thành thiện. a. Tín lực: Tín căn tăng trưởng, có năng lực phá các nghi hoặc. b. Tinh tiến lực: Tinh tiến căn tăng trưởng, có công năng phá sự biếng nhác của thân tâm. c. Niệm lực: Niệm căn tăng trưởng, có công năng phá các tà niệm, thành tựu công đức chính niệm xuất thế. d. Định lực: Định căn tăng trưởng, có công năng phá các loạn tưởng, phát khởi các thiền định. 6. Thất giác phần(cũng gọi Thất giác chi, Thất giác ý): a. Trạch pháp giác phần: Có khả năng lựa chọn các pháp chân ngụy. b. Tinh tiến giác phần: Tu các đạo pháp, không có gián tạp. c. Hỉ giác phần: Khế ngộ chân như, tâm được hoan hỉ. d. Trừ giác phần: Có khả năng đoạn trừ các phiền não kiến chấp. e. Xả giác phần: Có khả năng lìa bỏ cảnh giới kiến chấp đắm trước. f. Định giác phần: Có khả năng rõ biết thiền định phát được. g. Niệm giác phần: Có khả năng tư duy về đạo pháp mình tu tập. 7. Bát chính đạo(cũng gọi Bát thánh đạo, Bát đạo đế): a. Chính kiến: Có khả năng thấy chân lí. b. Chính tư duy: Tâm không nghĩ điều tà bậy. c.Chính ngữ: Lời nói chân thật không hư dối. d. Chính nghiệp: Trụ nơi thiện nghiệp thanh tịnh. e. Chính mệnh: Theo pháp xin ăn để nuôi thân mệnh. f. Chính tinh tiến: Tu các đạo hạnh không xen lẫn. g. Chính niệm: Chuyên tâm nhớ nghĩ thiện pháp. h. Chính định: Thân tâm vắng lặng trụ nơi lí chân không. [X. kinh Tạp a hàm Q.26, 27, 28; luận Câu xá Q.25; luận Đại tì bà sa Q.96; Pháp giới thứ đệ sơ môn Q.trung, hạ].