tam thập lục đối

Phật Quang Đại Từ Điển

(三十六對) Cũng gọi Tam khoa tam thập lục đối pháp môn. Ba mươi sáu đối. Tức 36 khái niệm có tính chất tương đối do Lục tổ Tuệ năng của Thiền tông phó chúc cho đệ tử. Ba mươi sáu khái niệm này gồm trong 3 khoa: 1. Đối pháp ngoại cảnh: Có 5 cặp đối nhau: Trời đối với đất, mặt trời đối với mặt trăng, sáng đối với tối, âm đối với dương và nước đối với lửa. 2. Pháp tướng ngữ ngôn: Có 12 cặp đối nhau: Ngữ đối với pháp, hữu đối với vô, có sắc đối với không sắc, có tướng đối với không tướng, hữu lậu đối với vô lậu, sắc đối không, động đối với tĩnh, trong đối với đục, phàm đối với thánh, tăng đối với tục, già đối với trẻ và lớn đối với nhỏ. 3. Tự tính khởi dụng: Có 19 cặp đối nhau: Dài đối với ngắn, tà đối với chính, si đối với tuệ, ngu đối với trí, loạn đối với định, lành đối với độc, giới đối với lỗi, thẳng đối với cong, thực đối với hư, hiểm đối với bình, phiền não đối với bồ đề, thường đối với vô thường, bi đối với hại, mừng đối với giận, xả bỏ đối bỏn sẻn, tiến đối với lui, sinh đối với diệt, phápthân đối với sắc thân và hóa thân đối với báo thân… Lục tổ đại sư pháp bảo đàn kinh (Đại 48, 360 trung) nói: Nếu hiểu và ứng dụng được 36 đối pháp này thì hiểu thấu tất cả kinh pháp, ra vào lìa được 2 bên; hoạt động theo tự tính, nói năng với mọi người. Bên ngoài đối với tướng lìa tướng, bên trong đối với không lìa không. Nếu chỉ chấp tướng thì mãi mãi ở trong tà kiến, nếu chỉ chấp không thì mãi mãi sống trong vô minh. Vậy làm thế nào mà ứng dụng đúng 36 đối pháp này để đạt được nghĩa Trung đạo? Đức Lục tổ dạy tiếp (Đại 48, 360 hạ): Nếu có người hỏi về nghĩa lí, hễ họ hỏi hữu thì đáp bằng vô, hỏi vô thì đáp bằng hữu, hỏi phàm thì đáp thánh, hỏi về thánh thì đáp bằng phàm. Hai bên (thiên lệch) làm nhân cho nhau mà phát sinh nghĩa Trung đạo. [X. Thiền học đích hoàng kim thời đại (Ngô kinh hùng)].