tam thảo nhị mộc

Phật Quang Đại Từ Điển

(三草二木) Dùng cây cỏ lớn, nhỏ để ví dụ các căn tính khác nhau. Tam thảo là cỏ thuốc nhỏ, cỏ thuốc vừa và cỏ thuốc lớn. Nhị mộc là cây nhỏ và cây to. Phẩm Dược thảo dụ trong kinh Pháp hoa (Đại 9, 20 thượng) nói: Hoặc ở cõi người, cõi trước, làm Chuyển luân thánh vương, Đế thích, Phạm vương, đó là loại cỏ thuốc nhỏ; rõ biết pháp vô lậu, chứng được Niết bàn, khởi 6 thần thông, có được Tam minh, ở một mình nơi núi rừng, thường tu thiền định chứng quả Duyên giác, đó là cỏ thuốc loại vừa; cầu địa vị Thế tôn, ta sẽ thành Phật, thực hành định tinh tiến, đó là cỏ thuốc loại lớn. Lại các Phật tử, chuyên tâm về Phật đạo, thường tu hạnh từ bi, tự biết mình là Phật, quyết định không nghi, đó là loại cây nhỏ; an trụ trong thần thông, chuyển pháp luân bất thoái, độ vô lượng ức trăm nghìn chúng sinh, Bồ tát như thế gọi là cây lớn. Bởi vì giáo thuyết của Phật tuy bình đẳng nhất vị, nhưng tùy theo căn cơ chúng sinh mà chỗ hấp thụ có khác, giống như cây cỏ thấm nhuần mưa móc khác nhau. Về việc giải thích và phối hợp 3 cỏ 2 cây có nhiều thuyết bất đồng. Ngài Trí khải phối hợp 3 cỏ 2 cây với 7 phương tiện, theo thứ tự ví dụ cho Nhân thiên thừa, Nhị thừa, Tạng giáo bồ tát, Thông giáo bồ tát và Biệt giáo bồ tát, 5 thừa này mỗi thừa tùy phần mà hấp thụ. Ngài Khuy cơ thì, trái lại, cho rằng 3 cỏ không có hạt giống thành Phật và, theo thứ tự, ví dụ cho Vô chủng tính, Thanh văn chủng tính và Duyên giác chủng tính; còn 2 cây thì được thành Phật và lần lượt dụ cho Bất định chủng tính và Bồ tát chủng tính. Tóm lại, ngài Trí khải dùng 3 cỏ 2 cây để biểu thị ý thú Mười cõi đều được thành Phật, còn ngài Khuy cơ thì dùng 3 cỏ 2 cây để hiển bày yếu chỉ Năm tính đều khác(Ngũ tính các biệt). [X. Pháp hoa kinh nghĩa kí Q.6; Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.4, hạ; Pháp hoa văn cú Q.7, thượng; Pháp hoa nghĩa sớ Q.8; Pháp hoa huyền tán Q.7].