tam tế lục thô

Phật Quang Đại Từ Điển

(三細六粗) Chỉ cho 3 tướng nhỏ nhiệm, 6 tướng thô to. Đây là 9 tướng trạng của tất cả vọng pháp do vô minh căn bản dấy động chân như mà sinh khởi. Tam tế lục thô là dụng ngữ của luận Đại thừa khởi tín. Tế là giữa tâm vương và tâm sở không có sự phân biệt, tướng trạng của chúng tinh tế khó lường biết; còn Thô là tâm vương và tâm sở tương ứng, tướng tác dụng của chúng rõ rệt dễ thấy. Tam tế gồm: 1. Vô minh nghiệp tướng (gọi tắt: Nghiệp tướng): Chỉ cho tướng dấy động đầu tiên từ chân khởi vọng. Tức là trạng thái đầu tiên do vô minh căn bản khởi động chân như, là tướng thứ nhất trong vô minh chi mạt, tướng này còn chưa phân biệt được trạng thái chủ, khách. 2. Năng kiến tướng(cũng gọi Kiến tướng, Chuyển tướng): Chỉ cho tướng thấy khởi động đầu tiên, tức nương vào nghiệp thức dấy động đầu tiên mà chuyển thành tướng năng kiến. Đó là tâm (chủ quan) nhận thức đối tượng nương vào vô minh nghiệp tướng đã nói ở trên mà khởi lên. 3. Cảnh giới tướng(cũng gọi Hiện tướng, Cảnh tướng): Là tướng nương vào Chuyển tướng đã nói ở trước mà vọng hiện các cảnh giới. Bời vì tướng Năng kiến đã phát khởi thì đồng thời vọng hiện ra đối tượng (khách quan) nhận thức này. Lục thô gồm: 1. Trí tướng: Nương vào cảnh giới tướng mà vọng khởi phân biệt nhiễm tịnh đối với cảnh giới tịnh thì ưa thích, đối với cảnh giới nhiễm thì chán ghét. 2. Tương tục tướng: Nương vào trí tướng phân biệt, đối với cảnh ưa thích thì sinh vui, đối với cảnh chán ghét thì sinh khổ, giác tâm khởi niệm, tương tục không dứt.3. Chấp thủ tướng: Nương vào tướng tương tục ở trước, duyên theo các cảnh khổ vui, khởi tâm chấp trước. 4. Kế danh tự tướng: Nương vào tướng chấp thủ nói trên mà phân biệt tướng ngôn thuyết giả danh. 5. Khởi nghiệp tướng: Nương vào kế danh tự tướng nói trên mà sinh ra đắm trước chấp lấy, tạo tác các thứ nghiệp thiện ác…6. Nghiệp hệ khổ tướng: Vì các nghiệp thiện ác trói buộc nên bị khổ sinh tử bức ngặt, không được tự tại. Dựa vào những điểm trên đây, nếu từ tế tướng tiến vào thô tướng, tức là từ A lại da thức vị của tâm bất tương ứng tiến vào Lục thức vị của tâm tương ứng, thì thế giới mê cũng theo đó mà triển khai. Bởi vậy, nếu muốn đạt đến cảnh giới giác ngộ thì phải cố gắng tiến từ thô tướng vào tế tướng. Cảnh giới của phàm phu là thô trong thô (bốn tướng sau của Lục thô), cảnh giới của Bồ tát là tế trong thô(2 tướng trước của Lục thô) và thô trong tế(2 tướng sau của Tam tế), còn cảnh giới Phật thì là tế trong tế(Vô minh nghiệp tướng). Ngoài ra, nếu phối hợp Tam tế Lục thô với Ngũ ý thì Tam tế theo thứ tự phối với Nghiệp thức, Chuyển thức, Hiện thức, Trí tướng phối với Trí thức và Tương tục tướng phối với Tương tục thức. Nếu phối Tam tế Lục thô với Lục nhiễm tâm, thì Tam tế theo thứ tự phối với Căn bản nghiệp bất tương ứng nhiễm. Năng kiến tâm bất tương ứng nhiễm, Bất đoạn tương ứng nhiễm, Chấp thủ tướng và Kế danh tự tướng phối với Chấp tương ứng nhiễm. Nếu phối hợp Tam tế Lục thô với Tứ tướng, thì Nghiệp tướng phối với Sinh tướng, các tướng: Năng kiến, Cảnh giới, Trí và Tương tục phối với Trụ tướng, các tướng: Chấp thủ và Kế danh tự phối với Dị tướng, còn Khởi nghiệp tướng thì phối với Diệt tướng. [X. luận Thích ma ha diễn Q.4; Đại thừa khởi tín luận nghĩa sớ Q.thượng; Khởi tín luận sớ Q.thượng; Đại thừa khởi tín luận nghĩa kí Q.trung, phần đầu].