tam tánh nhất tế

Phật Quang Đại Từ Điển

(三性一際) Ba tính Biến kế sở chấp, Y tha khởi và Viên thành thực thông suốt lẫn nhau từ đầu đến cuối và không sai khác, nên gọi là Tam tính nhất tế. Đây là một trong các giáo nghĩa cơ bản của tông Hoa nghiêm ứng dụng vào việc thuyết minh lí pháp giới duyên khởi. Cứ theo Hoa nghiêm Nhất thừa giáo nghĩa phân tề chương quyển 4, trong 3 tính mỗi tính đều có 2 nghĩa, 2 nghĩa của Chân (Viên thành thực) là nghĩa Bất biến và nghĩa Tùy duyên, 2 nghĩa của Y tha là nghĩa Tự hữu(tựa như có) và nghĩa Vô tính, 2 nghĩa của Biến kế sở chấp là nghĩa Tình hữu(về mặt tình thì có) và nghĩa Lí vô(về mặt lí thì không). Vì nghĩa bất biến của Viên thành thực, nghĩa vô tính của Y tha khởi và nghĩa lí vô của Biến kế sở chấp đều do không phá hoại Mạt hữu mà nói về Bản của Nhất tâm chân như, cho nên Tam tính nhất tế là giống nhau chứ không khác. Lại nữa, nghĩa tùy duyên của Viên thành thực, nghĩa tự hữu của Y tha khởi và nghĩa tình hữu của Biến kế sở chấp là do Bản của Bất động tâmchânnhư nói về Mạt hữu của thế giới, cho nên 3 nghĩa cũng giống nhau. Theo đó thì Tam tự tính do tông Duy thức đề xướng được giải thích là Tam tính nhất tế, nêu một thu hết, chân vọng dung nhau, tính không ngăn ngại nhằm nói rõ cái trạng huống của pháp giới duyên khởi. Phật giáo dùng lí Pháp giới duyên khởi để thuyết minh chân như và vạn hữu, thế giới bờ bên kia và thế giới bờ bên này đều dung thông hòa nhập lẫn nhau trên cơ sở nhất tâm, không thể tách rời.