tam tánh đối vọng trung đạo

Phật Quang Đại Từ Điển

(三性對望中道) Cũng gọi Tam tính tương đối trung đạo, Ngôn thuyên trung đạo. Đối lại: Nhất pháp trung đạo. Nghĩa trung lập được thành lập qua sự đối nhau của 3 tính: Biến kế sở chấp, Y tha khởi và Viên thành thực. Đây là nghĩa trung đạo căn bản của tông Pháp tướng. Tông Pháp tướng cho rằng tính Biến kế sở chấp là vọng tình cho nên phán định là không, rằng tính Y tha khởi là do các duyên hòa hợp nên phán định là có giả, rằng tính Viên thành thực là chân thực thường như nên phán định là chân không diệu hữu. Nếu 3 tính này là 3 tính trong một pháp thì pháp ấy tức là Trung đạo chẳng phải có chẳng phải không; trái lại, nếu y cứ vào mỗi tính mà thiết lập nghĩa Trung đạo thì gọi là Nhất pháp trung đạo. Luận Thành duy thức quyển 7 nói rằng: Ngã, pháp chẳng phải có; không, thức chẳng phải không; lìa có, lìa không nên khế hợp với Trung đạo, đây là thuyết căn bản. Bởi vì ngã và pháp của tính Biến kế sở chấp là tình có lí không, cho nên chẳng phải có, tính Y tha khởi là lí có tình không, tức là cái có giả của các duyên hòa hợp, cho nên chẳng phải không; tính Viên thành thực là chân không diệu hữu, vì thế chẳng phải không. Chẳng phải có chẳng phải không nên khế hợp với Trung đạo.[X. Thành duy thức luận thuật kí Q.7, phần cuối; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.1, phần đầu]. (xt. Tam Tính).