tâm tánh

Phật Quang Đại Từ Điển

(心性) Phạm:Citta-prakfti. Pàli:Citta-pakati. Cũng gọi Tự tính. Bản tính của tâm. Có nhiều thuyết về bản tính của tâm, hoặc cho bản tính của tâm là thanh tịnh, hoặc cho là nhiễm ô, hoặc chủ trương chẳng phải thanh tịnh, cũng chẳng phải nhiễm ô… Nhưng về mặt lịch sử tư tưởng của Phật giáo thì xưa nay thường lấy thuyết tâm tính vốn thanh tịnh làm chính. Thời Phật giáo nguyên thủy, khi bàn về bản tính của tâm cũng chủ trương thuyết Tâm tính thanh tịnh là chính. Đến thời Phật giáo bộ phái thì Đại chúng bộ, Phân biệt luận giả… chủ trương tâm tính vốn thanh tịnh; Hữu bộ… bác bỏ thuyết này, lập ra thuyết Tâm tính tịnh bất tịnh khác nhau. Cứ theo Dị bộ tông luân luận thì Đại chúng bộ chủ trương tâm tính vốn thanh tịnh, tuy bị khách trần tùy phiền não làm ô nhiễm, nhưng đó không phải là bản thể của tâm. Trong Phật giáo Đại thừa, thuyết Tâm tính được phát triển từ thuyết tâm tính vốn thanh tịnh của Phật giáo nguyên thủy, đó là đặc sắc của Đại thừa Phật giáo, đồng thời có thể từ thuyết Tâm tính bản tịnh này mà tìm ngược về nguồn gốc của tư tưởng Phật giáo Đại thừa. Có điều, thuyết Tâm tính bản tịnh trong các kinh luận Đại thừa sơ kì, trung kì, hậu kì đều có đề cập đến, nhưng phần nhiều bàn về hình thái tư tưởng Tâm tính bản tịnh khách trần phiền não; ngoài ra, còn xen lẫn các tư tưởng như: Như lai tạng, Phật tính, Bồ đề tâm, Tâm chân như, Pháp tính tâm, Không tính, Tịnh thức, A ma la thức, Duy thức thực tính, Viên thành thực tính, Tâm thể… mà hình thành sự phát triển tư tưởng Đại thừa. Bởi thế, đặc sắc của Thuyết tâm tính trong các kinh luận Đại thừa khác với lí Bản thể của tâm là tịnh, là nhiễm nói trong các bộ luận của Phật giáo bộ phái và thuyết này của Đại thừa cũng đã trở thành căn cứ tư tưởng để giải thích rõ các vấn đề như khả năng tính thành Phật, tâm khai ngộ, đặc chất tinh thần đức Phật… [X. kinh Tăng nhất a hàm Q.22; luận Tùy tưởng; luận Đại tì bà sa Q.27; luận Thuận chính lí Q.72; luận Đại trí độ Q.19; Đại thừa trang nghiêm kinh luận Q.6; luận Biện trung biên Q.thượng; luận Cứu cánh nhất thừa bảo tính Q.3; luận Thành duy thức Q.2].