tam tăng kỳ bách đại kiếp

Phật Quang Đại Từ Điển

(三僧祇百大劫) Cũng gọi Tam kì bách kiếp. Ba tăng kì trăm đại kiếp, từ gọi chung Tam a tăng kì kiếp và Bách đại kiếp, là thời gian vị Bồ tát tu hành từ lúc mới phát tâm đến khi thành quả Phật. Tam a tăng kì cũng gọi là Tam kiếp, a tăng kì dịch là vô số, hoặc chỉ cho sự tột cùng của số; Kiếp là tên gọi thời gian, dịch là lâu xa, lâu dài… trong đó có đại kiếp, trung kiếp, tiểu kiếp khác nhau. Ba cái A tăng kì đại kiếp gọi là Tam đại a tăng kì kiếp, là khoảng thời gian vị Bồ tát tích lũy tư lương bồ đề; còn 100 đại kiếp là thân của quả Phật được tướng hảo trang nghiêm, là thời gian tu phúc nghiệp. Bồ tát vì sự nghiệp độ tha mà tu hành trong 3 a tăng kì kiếp, lại vì chính thân mình thành Phật cảm được 32 tướng mà trong khoảng thời gian 100 đại kiếp vun trồng vô lượng phúc đức. Nhưng luận Du già sư địa quyển 48 và luận Nhiếp đại thừa quyển hạ chỉ nêu Tam kì, chứ không nói Bách kiếp, cho nên các ngài Trí khải, Pháp tạng… đều chủ trương thuyết Tam kì bách kiếp là do Tiểu thừa thành lập. [X. kinh Bồ tát anh lạc bản nghiệp Q.hạ; luận Đại tì bà sa Q.178; luận Câu xá Q.18; luận Thuận chính lí Q.44; Hoa nghiêm ngũ giáo chương Q.2]. (xt. Tam A Tăng Kì Kiếp, Kiếp).