tâm tâm tương ấn

Phật Quang Đại Từ Điển

(心心相印) Tâm và tâm in vào nhau, là từ ngữ biểu thị ý nghĩa tâm ngộ của đệ tử đã khế hợp với tâm ngộ của thầy, nên thầy dùng tâm của thầy truyền cho tâm của đệ tử. Từ Tâm ấn trong Phật giáo vốn chỉ cho tâm ấn của Phật, tức là tâm địa tự nội chứng của Phật mà ngôn ngữ văn tự không cách nào biểu đạt được. Thủa xưa, trên hội Linh sơn, đức Phật cầm một cành hoa đưa lên, trong 8 vạn đại chúng chỉ có một mình ngài Ma ha ca diếp hiểu được ý Phật nên mỉm cười. Sự tích Niêm hoa vi tiếu này đã trở thành tiêu biểu điển hình cho sự khế hợp giữa thầy và đệ tử. Trong Thiền tông, sự truyền thừa của Tổ sư các đời phần nhiều cũng chủ trương truyền riêng ngoài giáo, vượt ngoài ngôn ngữ văn tự, dùng tâm truyền tâm gọi là Truyền tâm ấn, hoặc Tâm ấn, đến đời sau cũng gọi là Tâm tâm tương ấn.[X. kinh Đại bát niết bàn Q.2 (bản Bắc); Truyền pháp chính tông kí Q.1; Liên đăng hội yếu Q.1].