tam tam pháp môn

Phật Quang Đại Từ Điển

(三三法門) Cũng gọi Lục tam phân biệt, Lục chủng tam pháp. Chỉ cho 3 môn: Yếu môn, Chân môn, và Hoằng nguyện môn, là giáo lí do Tịnh độ chân tông của Phật giáo Nhật bản dựa theo các danh số như Tam kinh, Tam nguyện, Tam sơ, Tam vãng sinh… mà tổ chức thành. Hai môn trước thuộc về môn Phương tiện, môn thứ 3 thuộc về môn Chân thực. 1. Yếu môn: Chỉ cho giáo pháp do chính mình tu các thiện hạnh để hồi hướng Tịnh độ, nghĩa là Giáo pháp nương vào chút ít thiện căn phúc đức nhân duyên, nên cũng gọi là Phúc đức tạng. Giáo pháp này xuất phát từ nguyện thứ 19 trong 48 nguyện của đức Phật A di đà, nói trong kinh Quán vô lượng thọ; đối tượng thụ giáo phải là căn cơ Tà định tụ (căn cơ định thiện và tán thiện), vãng sinh về Hóa độ của Phật A di đà, gọi là Song thụ lâm hạ vãng sinh. Song thụ lâm hạ là biểu thị Hóa độ của Phật A di đà, lấy tên từ Sa la song thụ là nơi đức Phật Thích ca nhập diệt. 2. Chân môn: Chỉ cho giáo pháp nương vào tự lực niệm danh hiệu Phật để cầu vãng sinh, nghĩa là giáo pháp nương vào công đức chẳng thể nghĩ bàn (tức là danh hiệu) cho nên cũng gọi là Công đức tạng. Giáo pháp này phát xuất từ nguyện thứ 20 trong 48 nguyện của Phật A di đà, được nói trong kinh A di đà; đối tượng thụ giáo phải là căn cơ Bất định tụ(căn cơ tự lực niệm Phật) và vãng sinh về cõi Hóa độ của Phật A di đà, gọi là Nan tư vãng sinh. Nan tư nghĩa là không thể nghĩ lường, chỉ cho quả nương vào công đức của danh hiệu mà cảm được, khó mà suy lường được, vì sự vãng sinh này nông cạn hơn so với Nan tư nghị vãng sinh kế tiếp, nên bỏ bớt đi chữ Nghị. 3. Hoằng nguyện môn: Chỉ cho giáo pháp bỏ hết tâm tự lực vãng sinh Tịnh độ, mà hoàn toàn nương nhờ vào bản nguyện của Phật A di đà, nghĩa là giáo pháp đầy đủ 2 thứ trang nghiêm phúc đức và trí tuệ của Phật. Vì thế còn gọi là Phúc trí tạng. Giáo pháp này phát xuất từ nguyện thứ 18 trong 48 nguyện của Phật A di đà, được nói trong kinh Vô lượng thọ; đối tượng thụ giáo phải là căn cơ Chính định tụ và vãng sinh về Báo độ của Phật A di đà, gọi là Nan tư nghị vãng sinh. Nan tư nghị có nghĩa là nhân và quả đều không phải cái mà trí lự của phàm phu có thể suy tư đo lường được.