tam tam muội

Phật Quang Đại Từ Điển

(三三昧) Phạm: Traya# samàdhaya#. Pàli:Tayo samàdhì. Cũng gọi Tam tam ma địa, Tam đẳng trì, Tam định. Chỉ cho 3 loại Tam muội. 1. Cứ theo kinh Tăng nhất a hàm quyển 16 thì 3 loại Tam muội là: a). Không tam muội (Phạm: Sùnyatàsamàdhi): Quán xét hết thảy các pháp đều rỗng không, là Tam muội tương ứng với 2 hành tướng Không và Vô ngã của Khổ đế, quán các pháp do nhân duyên sinh, ngã và ngã sở đều là không. b). Vô tướng tam muội (Phạm: Animitta-samàdhi): Tức tất cả các pháp đều không tưởng niệm, cũng không thể thấy, là Tam muội tương ứng với 4 hành tướng diệt, tĩnh, diệu, li của Diệt đế. Niết bàn lìa 5 pháp sắc thanh hương vị xúc, 2 tướng nam, nữ và 10 tướng của 3 tướng hữu vi, cho nên gọi là Vô tướng. c). Vô nguyện tam muội (Phạm: Apraịihita-samàdhi), cũng gọi Vô tác tam muội; Vô khởi tam muội. Nghĩa là đối với tất cả các pháp không có mong cầu gì, là Tam muội tương ứng với 2 hành tướng khổ và vô thường của Khổ đế, với 4 hành tướng nhân, tập, sinh, duyên của Tập đế. Các pháp vô thường, khổ, nhân… đều đáng chán xa, cho nên đạo như thuyền bè cần phải xả bỏ, vì thường xuyên theo định ấy nên có tên là Vô nguyện. [X. kinh Đại bát niết bàn Q.25 (bản Bắc); luận Đại tì bà sa Q.104; luận Câu xá Q.28; luận Thành duy thức Q.8; Câu xá luận quang kí Q.28]. 2. Theo luận Câu xá quyển 28 thì 3 loại Tam muội là: a). Hữu tầm hữu tứ tam ma địa(cũng gọi Hữu giác hữu quán tam muội): Đẳng trì tương ứng với Tầm, Tứ, thuộc về Sơ tĩnh lự và Vị chí định. b). Vô tầm duy tứ tam ma địa (cũng gọi Vô giác hữu quán tam muội): Đẳng trì chỉ tương ứng với Tứ, thuộc về Tĩnh lự trung gian địa. c). Vô tầm vô tứ tam ma địa(cũng gọi Vô giác vô quán tam muội): Đẳng trì không tương ứng với Tầm và Tứ, thuộc về Cận phần của Đệ nhị tĩnh lự cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Trên đây, tâm thô gọi là Tầm(tìm cầu), tâm tế gọi là Tứ(dò xét). [X. luận Đại trí độ Q.23, luận Du già sư địa Q.12; luận Thuận chính lí Q.79]. 3. Theo luận Thành thực quyển 12 thì 3 loại Tam muội là: a). Nhất phần tam muội: Tu định không tu tuệ, hoặc tu tuệ không tu định. b). Cộng phần tu tam muội: Vừa tu định vừa tu tuệ, là Tam muội thế gian, thuộc trong các pháp như Noãn (…). c.) Thánh chính tam muội: Tam muội nhập vào pháp vị và chứng được Diệt đế. Hành giả dùng định tu tâm, nhờ tuệ ngăn dứt phiền não; dùng tuệ tu tâm, nhờ định ngăn dứt phiền não. Dùng cả định lẫn tuệ tu tâm, nhờ tính mà được tính giải thoát; lại vì định tuệ cùng lúc đầy đủ, nên gọi là Thánh chính. 4. Theo Pháp hoa kinh huyền nghĩa quyển 4 thì 3 loại Tam muội là: a). Chân đế tam muội: Phá trừ Kiến hoặc và Tư hoặc cấu uế. b). Tục đế tam muội: Phá trừ ác nghiệp cấu uế, Trần sa cấu uế. c). Trung đạo tam muội: Phá trừ vô minh cấu uế. [X. Phật địa kinh luận Q.1; luận Tạp a tì đàm tâm Q.7; Chú duy ma kinh Q.4; Pháp hoa huyền nghĩa thích tiêm Q.5, thượng; Ma ha chỉ quán Q.7, thượng].