tam tà hạnh

Phật Quang Đại Từ Điển

(三邪行) I. Tam Tà Hạnh. Chỉ cho 3 thứ tà hạnh mà luận Câu xá quyển 17 căn cứ vào Sắc nghiệp (tức thân nghiệp, ngữ nghiệp) để lập riêng ra như sau: 1. Tà ngữ: Ngữ nghiệp do sân, si sinh ra. 2. Tà nghiệp: Thân nghiệp do sân, si sinh ra. 3. Tà mệnh: Thân nghiệp, ngữ nghiệp do tham dục sinh ra. Luận Đại tì bà sa quyển 116 (Đại 27, 605 trung) nói: Tại sao tà mệnh khó trừ sạch? Vì có 2 pháp khó bỏ: Tức người tại gia tà kiến và người xuất gia tà mệnh.Người tại gia tuy rất khôn ngoan, thụ trì 5 giới, nhưng nếu bị khổ bức bách thì đem các thứ hương thơm, hoa tươi và thức ăn uống đến cúng tế, cầu đảo trời, thần. Những người xuất gia tuy rất thông minh, thụ trì giới Cụ túc, nhưng vì điều kiện sinh sống lệ thuộc người khác, cho nên khi thấy thí chủ thì uy nghi tề chỉnh, hiện tướng thân thiện, vì thế mà phân biệt tà mệnh và chính mệnh. II. Tam Tà Hạnh. Chỉ cho 3 thứ hành nghiệp trái với chính đạo nói trong luận Thành thực quyển 7. Tức là Thân tà hành, Khẩu tà hành và Ý tà hành. Phẩm Tà hành trong luận Thành thực quyển 7 (Đại 32, 295 hạ) nói: Các việc ác do thân tạo tác gọi là Thân tà hành. Tà hành này có 2 loại: Một là thuộc về 10 đạo bất thiện, như giết hại, trộm cắp, gian dâm… Hai là không thuộc về 10 đạo bất thiện, như roi gậy, trói buộc, làm dâm với vợ mình… và các nghiệp ác khác (…). Các nghiệp ác do miệng gây ra, gọi là Khẩu tà hành, trong đó cũng có 2 loại: Nếu khi người quyết định hỏi thì hiện tiền dối lừa người khác, đó thuộc về đạo bất thiện; còn tham, sân, tà kiến… thì là Ý tà hành. [X. Đại thừa nghĩa chương].