tâm sở

Phật Quang Đại Từ Điển

(心所) Phạm: Caitta, Caitasika. Pàli:Cetasika. Cũng gọi Tâm số, Tâm sở hữu pháp, Tâm sở pháp, Tâm số pháp. Những tác dụng của tâm, tương ứng và tồn tại cùng lúc với tâm, 1 trong 5 vị. Về mối quan hệ tương ứng giữa Tâm vương(tâm) và Tâm sở thì có 5 nghĩa bình đẳng(sở y bình đẳng, sở duyên bình đẳng, hành tướng bình đẳng, thời bình đẳng và sự bình đẳng), vì thế nên Tâm sở cũng gọi là Tương ứng pháp, Tâm tương ứng pháp. Về vấn đề lìa Tâm vương thì Tâm sở có tự thể riêng hay không thì Hữu bộ chủ trương là có và lập ra thuyết Biệt thể, còn các bộ phái khác thì có nhiều dị thuyết. Về số lượng của Tâm sở và cách phân loại cũng có nhiều thuyết. Luận Câu xá thuộc Tiểu thừa, lập 6 vị, 46 Tâm sở: 1. MườiĐại địa pháp(những Tâm sở tương ứng với tất cả tâm): Thụ, tưởng, tư, xúc, dục, tuệ, niệm, tác ý, thắng giải và tam ma địa.2. Mười Đại thiện địa pháp (những Tâm sở tương ứng với tất cả tâm thiện): Tín, bất phóng dật, khinh an, xả, tàm, quí, vô tham, vô sân, bất hại và cần. 3. Sáu Đại phiền não địa pháp(những Tâm sở ô nhiễm tương ứng với tâm bất thiện và tâm hữu phú vô kí): Si, phóng dật, giải đãi, bất tín, hôn trầm và trạo cử. 4. Hai Đại bất thiện địa pháp(là Tâm sở chỉ tương ứng với tất cả tâm bất thiện): Vô tàm vàvô quí. 5. Mười Tiểu phiền não địa pháp (những Tâm sở tương ứng với vô minh, nhưng không khởi 2 thứ trở lên cùng 1 lúc): Phẫn, phú, khan, tật, não, hại, hận, siểm, cuống, kiêu.6. TámBấtđịnhđịa pháp(những Tâm sở ngoài 5 loại trên): Ác tác, thụy miên, tầm, tứ, tham, sân, mạn và nghi. Ngoài ra, kinh Chính pháp niệm xứ quyển 33, trong các Đại thiện địa pháp nói trên, đem vô si thay cho vô sân; luận Đại tì bà sa quyển 42 thì nêu 7 loại Tâm sở là: Đại địa pháp, Đại thiện địa pháp, Đại phiền não địa pháp, Đại bất thiện địa pháp, Tiểu phiềnnão địa pháp, Đại hữu phú vô kí địa pháp và Đại vô phú vô kí địa pháp, đồng thời liệt kê 49 Tâm sở. Luận Thành duy thức thuộc Đại thừa thì chia Tâm sở làm 6 vị: Biến hành, Biệt cảnh, Thiện, Phiền não, Tùy phiền não và Bất định. Đối lại với 6 vị này mà lập ra 4 thứ Nhất thiết nghĩa: Nhất thiết tính (cùng chung với cả 3 tính thiện, ác và vô kí mà khởi), Nhất thiết địa(cùng chung với 3 địa: Hữu tầm hữu tứ, vô tầm duy tứ và vô tầm vô tứ mà khởi), Nhất thiết thời(từ vô thủy đến nay thường hằng tương tục), Nhất thiết câu(tất cả Tâm sở sinh khởi cùng lúc). Trong đó, nói một cách đại thể Tâm sở biến hành có đủ 4 nhất thiết nghĩa; Tâm sở biệt cảnh có 2 nhất thiết nghĩa là Nhất thiết tính và Nhất thiết địa; Tâm sở Thiện chỉ có 1 nhất thiết nghĩa là Nhất thiết địa; Tâm sở bất định chỉ có 1 nhất thiết nghĩa là Nhất thiết tính; còn Tâm sở phiền não và Tâm sở tùy phiền não thì không có Nhất thiết nghĩa nào. Biến hành gồm 5 thứ: Tác ý, xúc, thụ, tưởng, tư. Biệt cảnh cũng có 5 thứ: Dục, thắng giải, niệm, định, tuệ; cộng chung cả 2 thì tương đương với 10 Đại địa pháp. Thiện có 11 thứ: Tín, tàm, qui, vô tham, vô sân, vô si, cần, khinh an, bất phóng dật, hành xả và bất hại. Phiền não có 6 thứ: Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Tùy phiền não gồm 20 thứ: Phẫn, hận, phú, não, tật, khan, cuống, siểm, hại, kiêu, vô tàm, vô quí, trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn và bất chính tri. Bất định gồm có 4 thứ: Hối(ác tác), thụy miên, tầm, tứ. Trong đó, Tùy phiền não lại được chia làm 3 loại: 10 tùy phiền não đầu tiên(từ phẫn đến kiêu) khởi lên riêng biệt, nên gọi là Tiểu tùy phiền não(Tiểu tùy hoặc). Hai tùy phiền não kế tiếp (vô tàm, vô quí) khởi lên với tất cả tâm bất thiện, vì thế gọi là Trung tùy phiền não(Trung tùy hoặc). Tám tùy phiền não sau cùng(từ trạo cử đến bất chính tri)khởi lên với tất cả tâm bất thiện và tâm hữu phú vô kí, cho nên gọi là Đại tùy phiền não(Đại tùy hoặc). Luận Du già sư địa quyển 1, ngoài 20 Tùy phiền não nêu trên, còn lập tà dục và tà thắng giải, tổng cộng thành 53 pháp Tâm sở. Luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập quyển 1 thì chia ác kiến trong 6 phiền não căn bản thành 5 thứ như thân kiến… nên tổng cộng là 55 pháp Tâm sở. [X. luận Phẩm loại túc Q.1; luận Câu xá Q.4; luận Thuận chính lí Q.10; luận Giới thân túc Q.thượng; luận Thành thực Q.5, 7; Thành duy thức luận thuật kí Q.5, phần cuối; Đại thừa pháp tướng tông danh mục Q.3, hạ]. (xt. Tam Tâm Sở, Tâm Vương).