tam sĩ giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(三士教) Tạng: Skyes-bu gsum. Cũng gọi Tam sĩ phu đạo, Tam trượng phu đạo luận. Chỉ cho Thượng sĩ giáo, Trung sĩ giáo và Hạ sĩ giáo, tức là giáo thuyết được chia theo 3 căn cơ thượng, trung, hạ của người (sĩ) tu hành. 1. Hạ sĩ giáo: Tức Nhân thiên thừa, tin thực có đời sau, quán xét sự vô thường của cái chết và nỗi khổ của ác thú, qui y Tam bảo, nói lí nghiệp quả, Thập thiện nghiệp đạo. 2. Trung sĩ giáo: Tức Nhị thừa giáo. Quán xét 4 đế khổ tập diệt đạo, lí pháp 12 nhân duyên, nói nghiệp và phiền não, luật nghi giới… 3. Thượng sĩ giáo: Tương đương với Đại thừa giáo, nói phát tâm Bồ đề, Lục độ, Tứ nhiếp sự… Giáo thuyết trên đây được nói trong luận Bồ đề đăng của ngài A đề sa, vị cao tăng người Ấn độ, được ngài Tông khách ba, nhà cải cách lớn của Phật giáo Tây tạng, tổ thuật trong tác phẩm Bồ đề đạo thứ đệ. Giáo thuyết này vốn do ngài A đề sa khởi xướng và ngài Tông khách ba kế thừa, nhưng quan điểm của 2 ngài có hơi khác nhau: Ngài A đề sa vì thích ứng với các căn cơ thượng, trung, hạ mà nói Tam sĩ giáo, còn ngài Tông khách ba thì nói Tam sĩ giáo làthứ tự tu hành mà 1 sĩ phu phải trải qua.Phái Cách lỗ cho rằng Tam sĩ giáo có 4 đặc sắc: 1. Có thể giải trừ các mâu thuẫn thấy trong giáo lí Phật giáo. 2. Tín thuận toàn bộ giáo pháp trong kinh Phật. 3. Dễ dàng hiểu rõ chính nghĩa của giáo pháp đức Phật. 4. Tránh được tội hủy báng chánh pháp. [X. Tây tạng Phật giáo nghiên cứu; Tây tạng (Đa điền Đẳng quán); A đề sa giáo học chi lịch sử đích vị trí (Phương thôn Tu cơ, Phật giáo sử học 2)].