tam sắc

Phật Quang Đại Từ Điển

(三色) I. Tam Sắc. Chỉ cho 3 loại sắc pháp. 1. Ngũ căn: Tức 5 sắc căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. 2. Ngũ cảnh(cũng gọi Ngũ trần). Tức là 5 cảnh giới: Sắc, thanh, hương, vị, xúc. 3. Vô biểu sắc(cũng gọi Vô tác sắc). Chỉ cho thế dụng của các hành vi(nghiệp)huân tập nơi thân thể, là các thói quen vô thức, mặc dù không biểu hiện ra ngoài, nhưng là nhân chiêu cảm quả báo, nương vào thân thể mà tồn tại. [X. luận Đại tì bà sa Q.140; Đại thừa nghĩa chương Q.7]. (xt. Ngũ Căn, Ngũ Cảnh, Vô Biểu Sắc). II. Tam Sắc. Gọi đủ: Tam chủng sắc. 1. Hiển sắc: Sắc rõ ràng trông thấy được, như vàng xanh đỏ trắng, sáng tối, khói mây, bụi sương mù, hư không… 2. Hình sắc: Có các hình tướng trông thấy được, như dài ngắn, vuông tròn, to nhỏ, cao thấp… 3. Biểu sắc: Những việc sở hành có tướng tương đối biểu hiện ra ngoài có thể trông thấy, như đi đứng ngồi nằm, co duỗi, lấy bỏ… [X. luận Ngũ uẩn; Tam tạng pháp số Q.11]. III. Tam Sắc. Chỉ cho 3 loại sắc nói trong Tam tạng pháp số quyển 13, đó là: 1. Khả kiến hữu đối sắc: Tất cả các sắc trần, mắt thấy được(khả kiến), có đối ở trước. 2. Bất khả kiến hữu đối sắc: Chỉ cho 5 căn 4 trần. 3. Bất khả kiến vô đối sắc: Chỉ cho Vô biểu sắc. Ý thức duyên theo cảnh đã thấy trong quá khứ, gọi là Lạc tạ(tàn lụi).[X. kinh Tạp a hàm Q.13, luận Tập dị môn túc Q.3].